Với việc trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), năm 2016, nền kinh tế Việt Nam dự báo sẽ có bước tăng trưởng đột phá, kéo theo nhu cầu về bảo hiểm tăng cao, thúc đẩy hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển thuận lợi hơn.
Áp lực tài khóa - cách nào để giải tỏa?
- Cập nhật : 20/08/2015
(Tai chinh)
Những động thái gần đây của Bộ Tài chính nhằm tăng thu cho ngân sách cho thấy, áp lực tài khóa đang đè nặng lên cơ quan chịu trách nhiệm lo chuyện “cơm áo gạo tiền” của quốc gia. Đây là một áp lực không hề nhỏ đối với Bộ Tài chính, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh mới chỉ có những dấu hiệu phục hồi chậm chạp.
Áp lực tài khóa đang hiện hữu với nhiều dấu hiệu rất quan ngại. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, lũy kế chi ngân sách trong 6 tháng đầu năm nay lên tới 545 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 47% so với dự toán chi và đã tăng lên 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù Chính phủ luôn đề ra nhiều giải pháp tăng thu, giảm chi, nhưng dường như những biện pháp này chưa mang lại hiệu quả. Đến nay, mức tăng chi luôn cao hơn tăng thu, khiến cho bội chi ngân sách đến thời điểm này đã đạt con số tuyệt đối là 110 nghìn tỷ đồng.
Đây là một áp lực không hề nhỏ đối với cơ quan lo “cơm áo gạo tiền”, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh mới chỉ có những dấu hiệu phục hồi chậm chạp, các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi để có thể đóng thuế nhiều hơn. Trong khi đó, giá dầu thô trên thế giới vẫn tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp, khiến nguồn thu ngân sách từ bán dầu thô bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước những áp lực lớn này, Bộ Tài chính buộc phải hành động khẩn trương. Động thái dễ thấy nhất và cũng thường được áp dụng nhất, là phát hành trái phiếu Chính phủ. Năm 2014, thâm hụt ngân sách đã “thoát hiểm” kịp thời bằng biện pháp phát hành trái phiếu khá thành công, thì năm nay mọi chuyện đã khác.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã tiến hành nhiều đợt phát hành trái phiếu Chính phủ và để kích thích các nhà đầu tư mua trái phiếu, lãi suất trái phiếu đã được tăng từ 5,4%/năm lên 6,4%/năm. Và nếu như từ trước đến nay, Chính phủ không cho phép phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn, mà chỉ phát hành trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, thì thời điểm này, Chính phủ buộc phải phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trái phiếu Chính phủ sẽ không còn hấp dẫn các ngân hàng thương mại, mà Ngân hàng Nhà nước thì cũng khó có thể “chịu trận” được mãi với yêu cầu “chia lửa” với chính sách tài khóa.
Tuy nhiên, phát hành trái phiếu không phải lúc nào cũng là cứu cánh cho tình trạng áp lực tài khóa gia tăng. Do đó, Bộ Tài chính một mặt đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng sản lượng khai thác dầu thô, một mặt tích cực đòi nợ thuế, biểu hiện qua việc công bố hàng loạt biện pháp “cứng rắn” đối với những doanh nghiệp nợ thuế, như là việc “nêu tên”, “cưỡng chế thuế”, thậm chí dọa khởi tố những doanh nghiệp chây ỳ nợ đọng thuế....
Gần đây nhất Bộ Tài chính lại đề xuất vay của Ngân hàng Nhà nước 30 nghìn tỷ đồng, cho mục tiêu “chi trả nợ quốc tế đến hạn” và “chi cuối năm”... Đây thực sự là một giải pháp gây nhiều tranh cãi. Đề nghị vay 30 nghìn tỷ đồng để chi hẳn sẽ tác động đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ mà quan trọng nhất là duy trì và tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát...
Mặc dù Bộ Tài chính khẳng định sẽ “trả” ngay trong năm tài khóa và Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định việc “xuất tiền” không khó mà chỉ là vấn đề kỹ thuật. Nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn lo ngại rằng: với cách điều hành ngân sách như thế này, “túi tiền” của quốc gia sẽ luôn trong tình trạng căng thẳng…
Một câu chuyện muôn thuở được nhắc đi nhắc lại là: muốn chi thì thu lấy mà chi; tiết kiệm chi tiêu hành chính để dành nguồn thu chi cho phát triển... Thế nhưng những nguyên tắc quan trọng này đến nay mới chỉ trở thành một điệp khúc quen thuộc mà chưa trở thành hành động thường xuyên.
Bởi thế, trong hàng loạt những động thái và biện pháp nhằm tăng thu, giảm áp lực cho tài khóa, việc chọn giải pháp nào để làm cái van giảm áp phù hợp mà không “trút” áp lực đó sang ngành khác hoặc sang các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, vốn vô cùng quan trọng. Bởi mục tiêu tối cao vẫn phải là duy trì sự ổn định và hiệu quả của nền tài chính quốc gia, trong bối cảnh nước ta phải đương đầu với rất nhiều thách thức của hội nhập. Trong đó, hội nhập nền tài chính cũng đang bức xúc và cấp thiết hơn bao giờ hết!
(Theo CafeF)