Từ năm 2013, chiến lược quốc phòng của Trung Quốc đã chuyển từ biển Hoa Đông sang biển Đông để phục vụ cho “con đường tơ lụa trên biển”.
Ám ảnh triến tranh tiền tệ: Vũ khí mới phục hồi kinh tế?
- Cập nhật : 19/08/2015
(Tai chinh)
Mỹ tự nhận là nạn nhân của sự can thiệp tiền tệ toàn cầu hồi năm 2010 nhưng nhiều nước quả quyết chính sách của Mỹ chính là nguyên cớ gây ra tình trạng hỗn loạn đó
Thao túng thị trường tiền tệ từng được một số chính phủ xem là vũ khí mới trong cuộc đấu tranh để phục hồi kinh tế vào năm 2010. Vào khoảng quý III/2010, một loạt quốc gia ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, từ Nhật Bản đến Thụy Sĩ, từ Colombia đến Israel, đã cố giảm giá trị tiền tệ của họ.
Như mọi khi, một số chuyên gia gọi đó là “động thái phá giá cạnh tranh”, một số khác xem đó như một cuộc chiến tranh tiền tệ, không hề thúc đẩy hồi phục toàn cầu mà đe dọa làm suy yếu quá trình phục hồi.
Ăn miếng trả miếng
Tháng 9-2010, Ngân hàng Nhật Bản bắt đầu bán ồ ạt đồng yen và mua USD nhằm làm suy yếu giá trị đồng yen so với USD và làm cho hàng hóa xuất khẩu của các hãng như Honda và Panasonic trở nên rẻ hơn.
Theo đài BBC, động thái trên cũng tăng cường lợi nhuận của các công ty khi họ chuyển số ngoại tệ thu được sang đồng yen dù sự chuyển đổi đó gia tăng áp lực theo chiều hướng đi lên đối với giá trị đồng yen.
IMF năm 2010 từng khuyên đừng nên quá kỳ vọng rằng tình trạng mất cân đối của kinh tế toàn cầuđược giải quyết một khi giá trị đồng nhân dân tệ thay đổi Ảnh: AP
Nền kinh tế èo uột lúc đó của Nhật Bản phụ thuộc vào sự phục hồi xuất khẩu và khi đồng yen đạt đến mức cao nhất trong vòng 15 năm so với USD, Tokyo cảm thấy đến lúc phải hành động. Thế nhưng, động thái của Nhật Bản đã làm tăng giá trị USD và đây lại là một vấn đề đối với sự phục hồi xuất khẩu của Mỹ.
Thêm vào đó, giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra tranh cãi, Washington cáo buộc Bắc Kinh giảm giá trị đồng nhân dân tệ và từ đó đã đẩy giá hàng hóa xuất khẩu của Mỹ tăng cao. Các chuyên gia nhận định: Oái oăm là bất kể đồng USD tăng bao nhiêu do sự can thiệp của Nhật Bản cũng đều khiến cho các nhà xuất khẩu Mỹ lớn tiếng kêu ca với Bắc Kinh.
Theo họ, mọi hành động đơn phương của một ngân hàng trung ương đều có thể tạo ra hoặc châm ngòi cho các cuộc tranh chấp ở nhiều nơi trên thế giới. Theo The Financial Times, trong ván cờ 3 chiều này, các nước buộc phải ăn miếng trả miếng.
Đến ngày 27-9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil Guido Mantega cảnh báo: “Chiến tranh tiền tệ quốc tế đe dọa chúng ta bởi vì nó tước đoạt tính cạnh tranh của chúng ta. Brazil sẽ không đứng yên”. Và thế là vòng luẩn quẩn can thiệp tiền tệ có nguy cơ tiếp diễn.
Chủ trì hội nghị ở Washington - Mỹ đầu tháng 10-2010, ông Dominique Strauss-Kahn, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF, lúc đó), quan ngại: “Rõ ràng là có người truyền bá ý tưởng rằng có thể sử dụng tiền tệ làm vũ khí cho chính sách kinh tế. Nếu biến thành hành động, ý tưởng đó là mối nguy rất nghiêm trọng đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu”.
Không thỏa hiệp
Đối với ông Charles Dallara, Giám đốc Viện Tài chính quốc tế - cơ quan đại diện cho các ngân hàng lớn trên thế giới, vấn đề giảm giá tiền tệ tạo ra một vòng bảo hộ hàng hóa trong nước mới. Trong thư gửi IMF, ông thúc giục các nền kinh tế hàng đầu thế giới kìm hãm. “Các nền kinh tế lớn cần chú trọng vào vấn đề tỉ lệ hối đoái hiện nay như một ưu tiên then chốt trong các cuộc đàm phán đa phương” - ông Dallara viết.
Thế nhưng, các nền kinh tế lớn dường như không muốn thỏa hiệp. Phía Mỹ cho rằng IMF có vai trò rất quan trọng trong việc cố gắng đạt được sự hợp tác đa phương về vấn đề can thiệp tiền tệ. Bộ Tài chính Mỹ kêu gọi các quốc gia khác thuộc Nhóm G20 gây sức ép buộc Trung Quốc tăng giá tiền tệ của nước này và đã nhận được sự ủng hộ của châu Âu. Cả Mỹ và châu Âu đều chỉ trích Trung Quốc đã định giá thấp đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh tuyên bố Trung Quốc phẫn nộ vì sự can thiệp của nước ngoài vào nội bộ nước này. Trong khi đó, Nhật Bản bị buộc phải tăng giá đồng yen.
Trước nguy cơ một cuộc chiến tranh tiền tệ, Mỹ tự nhận mình là nạn nhân của sự can thiệp tiền tệ toàn cầu nhưng nhiều nước quả quyết chính sách của Mỹ chính là nguyên cớ gây ra tình trạng hỗn loạn đó. Ngân hàng trung ương Đài Loan tuyên bố: “Mỹ in quá nhiều tiền nên có nhiều tiền “nóng” lưu thông khắp nơi, ở Đài Loan và những nơi khác ở châu Á. Những dòng vốn ngắn hạn này gây phiền hà cho các nền kinh tế mới nổi”.
Chuyên gia Joseph Stiglitz, Giải Nobel kinh tế, đồng ý: “Trớ trêu thay, chính Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tạo ra tình trạng này, gây hỗn loạn khắp thế giới”. Hầu hết nhà quan sát đều tin rằng Washington nắm giữ vai trò hàng đầu trong việc giải quyết hậu quả.
TS Paola Subacchi, Giám đốc Nghiên cứu kinh tế quốc tế tại Chatham House ở London - Anh, nhấn mạnh: “Cuộc chiến tranh tiền tệ có thể là quá nặng nề nhưng sự kiện các nước muốn tìm giải pháp nội địa cho vấn đề toàn cầu thực sự là mối đe dọa đối với sự phục hồi”. Theo ông, Trung Quốc phải định giá lại đồng nhân dân tệ để nền kinh tế nước này giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu. IMF cũng nhất trí với quan điểm Trung Quốc cần phải nâng giá trị tiền tệ nước này lên càng sớm càng tốt nhưng khuyến cáo không nên quá kỳ vọng rằng tình trạng mất cân đối của nền kinh tế toàn cầu được giải quyết một khi giá trị đồng nhân dân tệ thay đổi.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Seoul - Hàn Quốc vào tháng 11-2010 đã tập trung bàn về chiến tranh tiền tệ và tình trạng mất cân đối nhưng chẳng đạt được tiến bộ bao nhiêu trong việc giải quyết vấn đề. Đến nửa đầu năm 2011, các nhà phân tích và giới tài chính khẳng định cuộc chiến tiền tệ đã kết thúc hoặc ít nhất là đã tạm lắng.
Chẳng ai được lợi
Hãng tin Reuters cho rằng Trung Quốc và Mỹ đã giành lợi thế trong cuộc chiến tranh tiền tệ năm 2010 khi giảm giá đồng tiền của mình và thúc ép tăng giá trị đồng euro, yen và tiền tệ của nhiều nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, nhà báo Martin Wolf, cây bút kinh tế hàng đầu của The Financial Times, nhận định các nền kinh tế phương Tây giành lợi thế khi áp dụng phương sách đối đầu với Trung Quốc - nước vẫn thường xuyên phá giá tiền tệ của mình. Trong khi đó, nhà kinh tế Trung Quốc Yiping Huang quả quyết Mỹ và Nhật không “thắng” trong cuộc chiến tiền tệ này và thậm chí còn có ít cơ hội chống lại Trung Quốc.