tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Đừng chỉ nhìn vào lãi suất

  • Cập nhật : 03/06/2016

“Cạnh tranh cũng giống như chơi cờ. Nếu thua, bạn luôn có một lượt đi khác. Không hề có chỗ cho sự tranh đấu” - đó là lời của Jack Ma, ông chủ Tập đoàn Alibaba khi bàn về quan điểm cạnh tranh và đối thủ cạnh tranh. Dường như điều này đúng ở hầu hết các lĩnh vực, và có phần đúng nhiều hơn đối với lĩnh vực tài chính - NH. Nói xa để mượn cớ nói gần. Ưu thế cạnh tranh của các NH hiện nay có lẽ không nên chỉ nhìn ở yếu tố lãi suất.

Vào đường “một chiều” sẽ khó quay lại

Với khách hàng, lãi suất là một trong những yếu tố thu hút họ gửi hoặc vay tiền ở một NH. Nhưng trong bối cảnh mở cửa thị trường, cạnh tranh cả với NH ngoại như hiện nay thì các NH nội phải xem xét lại thực tế của đơn vị mình đang nắm trong tay ưu thế gì, có gì nổi trội hơn so với các NHTM khác trong việc thu hút khách hàng?... Bởi lãi suất, suy cho cùng cũng chỉ là một “vũ khí” cạnh tranh đã quá cũ.

mot yeu to cung gop phan tao nen suc canh tranh cho moi nhtm, la nang cao nang luc quan tri rui ro

Một yếu tố cũng góp phần tạo nên sức cạnh tranh cho mỗi NHTM, là nâng cao năng lực quản trị rủi ro

Thời gian qua thị trường liên tục chứng kiến những đợt tăng lãi suất huy động (LSHĐ) khiến nhiều người lo lắng lãi suất cho vay (LSCV) sẽ tăng theo. Nhưng bất ngờ, cuối tháng 5/2016 một số NHTM lại có động thái hạ LSHĐ. Đơn cử như Sacombank, NH này đã giảm lãi suất 0,1% ở một số kỳ hạn: 6 tháng giảm từ 5,8% xuống 5,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm còn 6,5%/năm; 18 tháng còn 6,55%/năm. ACB hạ LSHĐ từ 5,6% xuống còn 5,5%/năm đối với kỳ hạn 9 tháng… Hiện tượng này có lẽ bắt nguồn từ thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, NHNN yêu cầu các NH tiếp tục giảm LSCV.

Động thái giảm LSHĐ lần này của các NHTM có thể kỳ vọng việc giảm LSCV sẽ được áp dụng rộng hơn chứ không chỉ dừng lại ở một số NH như VietinBank, BIDV, Vietcombank, Agribank... Bởi theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2016 kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Một trong những điểm tích cực và nổi bật là LSCV được điều chỉnh giảm, trong khi LSHĐ của VND tương đối ổn định.

Cuối tuần qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ban hành Chỉ thị 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành CSTT và hoạt động NH những tháng cuối năm 2016. Một trong những yêu cầu được tư lệnh ngành NH đưa ra đối với các TCTD là chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định LSHĐ để có điều kiện giảm LSCV nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tài chính.

Trước đó, trong một trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Phó tổng giám đốc HDBank Lê Thành Trung đã nhận định thời điểm này LSCV khó tăng, ngay cả khi LSHĐ của các NHTM đã tăng từ cuối năm 2015. Theo ông Trung, LSCV của Việt Nam xét trên bình diện chung đã là cao hơn so với một số nước trong khu vực. Thêm nữa, tại Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 Chính phủ yêu cầu ngành NH: duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý, đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…

Đó là chủ trương chung của nhà quản lý, điều hành, về phía NHTM, các chuyên gia cho rằng, cạnh tranh về lãi suất chỉ là giải pháp tình thế, không nên xem đấy là giải pháp duy nhất và lâu dài để thu hút khách hàng. Nếu chỉ nhìn vào lãi suất, cũng như đi vào “đường một chiều”, sớm muộn sẽ rất có thể đẩy NH phải đối mặt với nhiều vấn đề khác về tổ chức, hiệu quả hoạt động… mà rất khó để quay đầu lại.

Lãnh đạo một NHTM lớn cũng nhận định cạnh tranh về lãi suất thì đồng nghĩa với việc thoả hiệp. Chẳng hạn khi một NHTM nâng LSHĐ, những NHTM khác sẽ xem đó là lý do để tăng theo. Mặt bằng LSHĐ có nguy cơ tăng, và khi đó không còn là cạnh tranh nữa, mà vô hình trung đã trở thành trào lưu. “Sự độc đáo, khác biệt, sáng tạo mới là điều mà các NHTM - với tư cách là một DN làm kinh doanh cần nhận thức được; đấy mới là cạnh tranh lành mạnh và bền vững nhất” - một chuyên gia nhấn mạnh.

Còn nhiều “vũ khí” tốt hơn lãi suất

Không phủ nhận rằng lãi suất là yếu tố đầu tiên mà khách hàng cân nhắc khi lựa chọn gửi/vay tiền ở NH. Chính tâm lý này của khách hàng đã tạo nên nếp nghĩ cho không ít các NHTM rằng, phải làm sao cho lãi suất hấp dẫn thì mới hút được dòng tiền. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một chuyên gia tài chính, ông này cho rằng: “Chuyện không thể chỉ đơn giản xoay quanh cục diện lãi suất. Mà với một NH muốn phát triển mạnh, duy trì một thương hiệu mạnh thì phải có sự nhìn nhận đúng. Cạnh tranh phải dựa trên nhiều phương diện như thương hiệu, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giá cả...”.

Lấy trường hợp của TPBank, đây là một trong những NH sớm xác định mục tiêu phát triển với định hướng là “Ngân hàng số” với hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại. NH này là đơn vị đi trước một bước trong việc sử dụng Digital Bank 4.0 để xây dựng website, khi nhiều NHTM khác tại Việt Nam vẫn chưa chuyển hết qua Digital Bank 3.0. Hay như VPBank mới đây vừa ra mắt dịch vụ NH số đầu tiên tại Việt Nam: Timo. Timo cung cấp đầy đủ những tính năng của một NH với thẻ ATM và các tài khoản thanh toán, tiết kiệm…

Nói như vậy để thấy rằng, mỗi NHTM không chỉ đơn thuần duy trì cạnh tranh từ lãi suất, mà cần phải tìm ra được thế mạnh, phân khúc khách hàng phù hợp, để từ đó có những hoạch định, kế hoạch tài chính hỗ trợ cho việc tư vấn, cung cấp sản phẩm tới đối tượng khách hàng được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Một yếu tố cũng góp phần tạo nên sức cạnh tranh cho mỗi NHTM, là nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - NH thì điều quan trọng là mỗi NH phải tự hình thành nên “văn hoá quản lý rủi ro”. Quản trị rủi ro phải được nhận thức đúng và đầy đủ từ cấp lãnh đạo tới toàn thể nhân viên, cán bộ của NH. Một NH chuẩn bị tốt tiềm lực, tự tin đủ sức chống đỡ với rủi ro, tất yếu sẽ thu hút khách hàng, và vị thế cạnh tranh trên thương trường cũng theo đó được củng cố hơn.


Thảo Minh
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục