Ngân hàng muốn giữ tiền lại để tăng vốn, Bộ Tài chính muốn Chính phủ thu lãi để bù ngân sách đang thâm hụt. Vấn đề đặt ra ở đây là cổ đông sẽ quyết định việc này?
“Mở khóa” cho vay ngoại tệ: Nên tăng lãi suất huy động USD?
- Cập nhật : 30/05/2016
(Tai chinh)
“Nếu các ngân hàng cho vay USD với thanh khoản thấp trong khi các khoản tiền gửi đều không kỳ hạn thì đây là một rủi ro tín dụng và chắc chắn sẽ làm tăng lãi suất đồng USD”, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ.
Theo đó, một nhóm đối tượng là các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được trở lại vay vốn bằng ngoại tệ, sau khi cơ chế đã khép lại từ ngày 1/4 vừa qua.
Cụ thể, Thông tư 07 cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Điều kiện đi kèm, khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
Theo NHNN, việc mở lại cơ chế trên nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Trao đổi với phóng viên BizLIVE, chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp.
“Việc mở lại tín dụng sẽ giúp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể giảm được chi phí vốn, tức được vay ngoại tệ với lãi suất hạ. Điều này giúp cho doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn, giá hàng xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn”, ông Hiếu cho biết.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, với việc cho vay trở lại ngoại tệ, Nhà điều hành cần phải quan tâm một số điểm.
Thứ nhất là việc các doanh nghiệp sẽ có rủi ro về tỷ giá. “Lúc họ vay thì vay bằng USD , sau đó lại bán cho ngân hàng để lấy tiền đồng để lấy tiền sản xuất kinh doanh. Khi đến hạn trả, họ lại phải trả bằng USD, nếu họ có đủ USD để trả lại thì không thành vấn đề nhưng chẳng hạn nếu họ không thu đủ USD để trả số nợ đó, họ sẽ phải yêu cầu các ngân hàng mua USD cho họ để trả nợ. Trong trường hợp đó, nếu tỷ giá tăng, họ sẽ lỗ”.
Thứ hai, trên phương diện vĩ mô, ông Hiếu cho rằng, việc quyết định cho vay USD trở lại các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ làm tăng nhu cầu ngoại tệ, điều này sẽ làm ảnh hưởng sự ổn định của tỷ giá trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc Fed tăng lãi suất trong thời gian tới cũng sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá.
“Khi cho vay các doanh nghiệp xuất khẩu bằng USD có thể sẽ làm tăng lãi suất cho vay USD, cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất tiền đồng. Việc cho vay bằng USD đòi hỏi các ngân hàng phải có thanh khoản mà hiện tại, lãi suất huy động USD đang là 0%. Do vậy, tôi cho rằng, NHNN nên xem xét có thể cho phép các ngân hàng thương mại huy động USD với mức lãi suất như trước kia hoặc với mức lãi suất nào đó hơn 0% còn nếu các ngân hàng cho vay thanh khoản thấp trong khi các khoản tiền gửi đều không kỳ hạn thì đây là một rủi ro tín dụng và chắc chắn sẽ làm tăng lãi suất đồng USD”, vị chuyên gia cho biết.