Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ thay đổi từ đầu năm 2016. Đây cũng là dịp để Nhà nước cùng Người lao động (NLĐ) cân nhắc lại “túi tiền” của mình trong năm mới khi nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Tranh cãi “nảy lửa” việc chia cổ tức của BIDV và Vietinbank: Ai sẽ quyết định?
- Cập nhật : 10/06/2016
(Tai chinh)
Ngân hàng muốn giữ tiền lại để tăng vốn, Bộ Tài chính muốn Chính phủ thu lãi để bù ngân sách đang thâm hụt. Vấn đề đặt ra ở đây là cổ đông sẽ quyết định việc này?
Ngân hàng muốn giữ tiền để tăng vốn
Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nướcLê Minh Hưng chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại 02 ngân hàng TMCP: Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công Thương Việt Nam (VietinBank) chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách Nhà nước.
Hiện phần vốn Nhà nước tại Vietinbank là 64,46%, còn tại BIDV là 95,28%.
Nếu 02 ngân hàng này thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt thì với tỷ lệ vốn nắm giữ của Nhà nước tại BIDV và Vietinbank thì Ngân sách Nhà nước có thể thu về 4.000 – 5.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2015, BIDV thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5%, Vietinbank không chia cổ tức dù trước đó cổ đông của cả hai ngân hàng này đã thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2015 với tỷ lệ dưới 10% tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015.
Nguyên nhân, theo Vietinbank, năm 2015, ngân hàng không chi trả cổ tức vì lý do bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực cạnh tranh tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển của Vietinbank, đồng thời đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ quốc tế.
Còn BIDV cũng cho biết tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, nếu thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt thì việc tăng vốn điều lệ hơn 9.446 tỷ đồng trong năm 2016 sẽ rất khó. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng là chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng sẽ dùng nguồn lực đó để tăng năng lực tài chính của ngân hàng.
Vốn điều lệ tính đến ngày 31/12/2015 của Vietinbank là 37.234 tỷ đồng và của BIDV là 34.187 tỷ đồng.
Dự kiến năm 2016, Vietinbank sẽ tăng vốn điều lệ thêm 11.975 tỷ đồng, đạt mức 49.209 tỷ đồng.
BIDV tăng vốn điều lệ thêm 9.446 tỷ đồng, lên mức 43.633 tỷ đồng, trong đó nguồn từ cổ tức chia bằng cổ phần là 2.906 tỷ đồng, chiếm 8,5% vốn điều lệ.
Quyền thuộc cổ đông lớn
Theo ông Vũ Viết Ngoạn , Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, việc Bộ Tài chính đòi BIDV và Vietinbank chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt để nộp vào ngân sách Nhà nước là một mâu thuẫn rất lớn, nhưng vẫn phải cân nhắc trên hai khía cạnh: về phía ngân hàng thì họ vẫn ưu tiên cho ngân hàng, đảm bảo sự lành mạnh, các chỉ số an toàn hoạt động rất quan trọng hiện nay vì các ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu.
Về khía cạnh Nhà nước thì hiện nay ngân sách Nhà nước cũng đang hết sức khó khăn.
Do đó phải đặt vấn đề trên tính tổng thể, các bên phải ngồi xuống và có một nhà thiết kế tổng thể, xem xét đâu là vấn đề phải ưu tiên trước hết. Tính toán xem nếu BIDV và Vietinbank phải trả cổ tức bằng tiền mặt thì hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) sẽ giảm đi bao nhiêu, có đáng ưu tiên hay không, nếu không thì phải dành cho ngân sách Nhà nước đang hết sức khó khăn.
Đồng tình quan điểm này, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, Việt Nam khó ở chỗ là hài hòa lợi ích. Vì không thể nói ngân sách thiếu tiền thì lấy hết chia cổ tức không quan tâm đến việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng nếu các ngân hàng lại nói họ đang khó khăn quá không chia cổ tức thì cũng không được.
Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, về nguyên tắc quyền quyết định chia cổ tức hay không là thuộc đại hội đồng cổ đông. Tại 02 ngân hàng BIDV và Vietinbank cổ phần Nhà nước lại chiếm tỷ lệ chi phối, do đó những người đại diện vốn Nhà nước tại đây sẽ thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
Thời gian tới Nhà nước sẽ thoái vốn tại BIDV và Vietinbank nên việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là không hợp lý. “Nhà nước giữ cổ phiếu làm gì?”, ông Lịch nói.
Với việc đòi chia cổ tức bằng tiền mặt cũng có thể hiểu mục đích là Nhà nước đang không muốn tăng tỷ lệ cổ phần tại BIDV và Vietinbank.