Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên, được điều tiết bởi quy luật cạnh tranh và cung cầu thị trường.
3 lý do khiến cổ đông ngân hàng tiếp tục phải thất vọng
- Cập nhật : 13/04/2016
(Tin kinh te)
Lợi nhuận ngân hàng năm 2015 công bố khá cao nhưng không dễ gì cổ đông được chia bởi các gánh nặng mà nhà băng đang phải gánh...
Nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) trong tháng 4 và tháng 5 năm 2016. Dự đoán mùa ĐHCĐ năm nay sẽ tiếp tục nóng với vấn đề chia cổ tức, trích lập dự phòng cho nợ xấu, tăng vốn điều lệ…
Có 3 lý do khiến cho lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2015 không dễ chia và lý giải vì sao các gánh nặng này khiến ngành ngân hàng vẫn phải tiếp tục đối mặt khó khăn.
Ngân hàng đang “co kéo” lợi nhuận đẹp hơn
Nếu tuân thủ đúng quy định trích lập dự phòng rủi ro, hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu sẽ “bào mòn” lợi nhuận của các ngân hàng. Sự mập mờ chi phí dự phòng có đang giúp các ngân hàng đang “co kéo” lợi nhuận đẹp hơn trên sổ sách.
Từ đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 09/2014/TT-NHNN (ngày 18/03/2014) và Thông tư 02/2013/TT-NHNN (ngày 21/01/2013) quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của ngân hàng nhằm siết chặt việc phân loại, trích lập dự phòng nợ xấu để phản ánh đúng sức khỏe tài chính của ngân hàng.
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC), đến cuối năm 2015 hệ thống ngân hàng còn khoảng 179.501 tỷ đồng nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 4,4%) và 200.000 tỷ đồng nợ xấu (tỷ lệ 2,9%), đều giảm đáng kể so với năm 2014. Nợ xấu giảm nhanh chủ yếu là nhờ bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tổng số hơn 243.000 tỷ đồng nợ xấu.
Bức tranh nợ xấu, lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ được rõ ràng nhiều hơn tại mùa ĐHCĐ năm 2016 vừa chính thức bắt đầu. Song một phần bức tranh này đã được phản ánh qua báo cáo tài chính (BCTC) năm 2015 của các ngân hàng, lần lượt được công bố từ quý I năm nay.
Theo đó, rất nhiều ngân hàng trong tình trạng dự phòng rủi ro ăn mòn lợi nhuận. Chẳng hạn, chỉ tính riêng quý IV/2015, Ngân hàng Eximbank đã lỗ tới 463 tỷ đồng. Lý do là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Eximbank tăng đột biến lên 935 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2015, Eximbank đạt lợi nhuận sau thuế 62 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành cho Eximbank ở mức 6,230 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm. Dự phòng trái phiếu đặc biệt chiếm hơn 979 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê, năm 2015 các ngân hàng đã phải chi khoảng 75.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro. Rõ ràng, nợ xấu đang giảm nhanh, nếu xét về tỷ lệ, nhưng tổng quy mô nợ xấu tại nhiều ngân hàng liên tục gia tăng, kể cả nhiều ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, ACB… Chính vì vậy, năm 2016, gánh nặng lớn nhất của các ngân hàng vẫn là chi phí dự phòng rủi ro. Ngoài trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu trong sổ sách, các ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro cho hơn 200.000 tỷ đồng nợ xấu đang nằm tại VAMC.
Ngoài ra, một số ngân hàng nhỏ, yếu, chưa niêm yết cũng được dự báo sẽ mong manh về lợi nhuận năm nay, do mức trích lập dự phòng rủi ro lớn so với lợi nhuận thu về. Câu hỏi đặt ra là: các ngân hàng sẽ mất bao nhiêu lợi nhuận nếu thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo đúng tỷ lệ 5%, 20%, 50%, 100% cho từng nhóm nợ xấu, nợ quá hạn từ nhóm 2-5 theo đúng quy định của NHNN?
Việc trích lập dự phòng rủi ro không đầy đủ sẽ phản ánh không chính xác số lợi nhuận thực của ngân hàng. Và khi nguồn dự phòng “eo hẹp” thì ngân hàng sẽ lấy tiền ở đâu đề bù đắp nợ khó thu hồi, mất vốn?
Sức ép tăng vốn điều lệ
Một trong những ngân hàng công bố sớm kế hoạch tăng vốn điều lệ trong mùa ĐHĐCĐ năm nay (vào ngày 15/4/2016) là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Dự kiến, Vietcombank sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ năm 2016 từ mức 26.650 tỷ đồng hiện nay. Lần gần đây nhất ngân hàng này tăng vốn điều lệ là vào quý III/2014.
Ở khối các NHTM khác như VPBank, SaigonBank, BacABank, OCB, VIB… đều cũng đã được NHNN chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ. Đa phần các tổ chức đều lựa chọn phương án phát hành cổ phần riêng lẻ, sử dụng cổ phiếu thưởng hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Bởi với quy mô vốn pháp định tối thiểu như hiện tại ở các ngân hàng cổ phần nhỏ, nếu không tăng vốn, các ngân hàng sẽ khó có cơ sở để nâng cao sức cạnh tranh.
Việc tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành cổ phần riêng lẻ, sử dụng cổ phiếu thưởng thường được các ngân hàng chọn lựa và dễ được cổ đông chấp nhận; nhưng nếu tăng vốn bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ khó được các cổ đông thông qua, vì họ vẫn muốn nhận cổ tức bằng tiền mặt khi mà giá cổ phiếu ngân hàng ngày càng giảm và hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, đặc biệt là lợi nhuận các năm sau của ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn với việc tăng trích lập dự phòng theo quy định, tiếp tục mạnh mẽ xử lý nợ xấu, tăng vốn điều lệ, “margin” lợi nhuận ngày càng giảm, lãi dự thu ngày càng khó thu…
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các ngân hàng đều chịu chung một quy định là để được chia cổ tức thì phương án chia cổ tức đó phải được NHNN thông qua. Yêu cầu này được NHNN đặt ra kể từ năm 2015, theo đó các ngân hàng phải báo cáo về việc chia cổ tức và cũng chỉ được đề xuất chia cổ tức khi đảm bảo trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Yêu cầu này có ý nghĩa hướng ngân hàng chấp nhận, chú trọng công tác đảm bảo trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ từ nguồn vốn sở hữu – các cổ đông phải chia sẻ quyền lợi của mình với hoạt động kinh doanh của ngân hàng góp vốn và có thể nhận được khoản “chia bù” nếu hoàn nhập dự phòng và tổng tài sản không bốc hơi mà ngược lại tăng thêm.
Năm nay, chưa có thông điệp sửa đổi hay xóa bỏ yêu cầu này từ phía cơ quan quản lý. Dù vậy, sự kỳ vọng tăng vốn điều lệ bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng khó xảy ra, vì các ngân hàng đang vướng hai thách thức, một là các ngân hàng phải tiếp tục dốc toàn lực xử lý nợ xấu theo hướng vừa trích lập, vừa chiết khấu dần trên khối nợ đã nhấc khỏi bảng cân đối tài sản; hai là các ngân hàng phải đồng thời để dành nguồn thặng dư/ tích lũy để tiếp tục tái cơ cấu và hướng đến hoạt động theo chuẩn Basel II hoặc gần hơn.
Rủi ro trong lãi dự thu
Một nguy cơ rủi ro tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng hiện nay đó là trong các ngân hàng vừa tái cơ cấu đang tồn tại các khoản lãi dự thu tương đối lớn. Mặc dù các đơn vị này ghi nhận lợi nhuận rất cao nhưng thực chất có đến hàng chục phần trăm chỉ là lãi ảo.
Bên cạnh chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng, lợi nhuận các ngân hàng này không đạt chỉ tiêu đề ra còn do lãi treo của các khoản nợ quá hạn chưa thu được, lãi đã xử lý nhưng tiếp tục truy đòi, lãi của các khoản nợ đã bán cho VAMC mặc dù hạch toán ngoại bảng, nhưng vẫn theo dõi tại ngân hàng, không được hạch toán vào thu nhập…
Một số ngân hàng công bố số liệu lợi nhuận “khủng” nhưng có một phần lãi “ảo” hạch toán trên sổ sách. Điều cần được cảnh báo là hiện tượng các ngân hàng ghi nhận khoản lãi dự thu từ cho vay, mà thực tế chưa thu được và có thể mất trắng vì nợ xấu. Do chế độ hạch toán kế toán Việt Nam, các ngân hàng được ghi nhận khoản lãi dự thu (chưa thu được) vào lợi nhuận, dẫn tới số liệu tăng trưởng “ảo”. Thời gian qua, các ngân hàng công bố số lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng, song phần lãi dự thu rất lớn, lên tới hàng chục phần trăm thì không phản ánh đúng lợi nhuận làm ra.
Trên thực tế, lãi dự thu có thể nhìn thấy rõ nhất ở những khoản tín dụng cấp cho dự án bất động sản, xây dựng, điện, cao su, cà phê… có thời gian vay vốn kéo dài 2-10 năm, thậm chí 15-20 năm. Đơn cử, báo cáo tài chính của một doanh nghiệp bất động sản ghi nhận khoản trả lãi vay ngân hàng năm 2013 là 18%/năm, sau đó, lãi suất vay giảm dần về 15%/năm, 13%/năm… Doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ xấu, giảm lãi song khả năng trả nợ vay vẫn còn khó khăn, điều này khiến cho ngân hàng đành phải ghi nhận vào khoản lãi dự thu.
Hiện nay, còn nhiều ngân hàng hạch toán khoản lãi dự thu lớn và đang ngày càng lớn lên rất đáng ngại. Theo quy định, ngân hàng phải thực hiện trích dự phòng rủi ro lãi dự thu hoặc lãi không thu được. Nói cách khác, quy mô lãi “ảo” càng tăng sẽ gây rủi ro như khối nợ xấu và đe dọa lợi nhuận các ngân hàng. Dòng tiền bị mắc kẹt trong lãi dự thu sẽ rất vất vả thu hồi, hoặc tình huống xấu nhất là mất trắng.
Tóm lại, lợi nhuận của nhiều ngân hàng năm 2015 được các ngân hàng công bố thời gian vừa qua khá cao, song cũng không ít trường hợp công bố số liệu chưa trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang lên kế hoạch cho việc tăng vốn điều lệ theo lộ trình mà NHNN đã đề ra. Hơn nữa, trong phần lớn lợi nhuận của các ngân hàng đang chứa đựng một tỷ lệ rất lớn về dự thu lãi của các khoản cho vay trung dài hạn, đây là rủi ro rất lớn không thua gì so với các rủi ro đã và đang xảy ra với gánh nặng nợ xấu mà hệ thống ngân hàng đang gánh. Tất cả các lý do này sẽ khiến cho cổ đông mong mỏi cổ tức năm 2015 được chia cao hơn sẽ phải thất vọng bởi ngân hàng không dễ gì chia lợi nhuận như họ công bố.
TS.Bùi Quang Tín
Theo Tri Thức Trẻ/Bizlive