tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu: Nhận diện rủi ro trong hội nhập

  • Cập nhật : 26/05/2016

(tin kinh te)

Càng phát triển năng động, xuất khẩu gỗ càng phải phòng ngừa rủi ro.

 

Ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đang nằm trong top những ngành phát triển năng động nhất trong bối cảnh hội nhập và được dự báo sẽ tiếp tục góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo, càng phát triển nhanh, ngành gỗ càng phải cảnh giác trước các rủi ro, đặc biệt là trước ngưỡng cửa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) để bước vào 2 thị trường lớn là Hoa Kỳ và EU.

Phát triển năng động

Với 4.000 DN chế biến và kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ, trong đó có khoảng 3.000 DN chế biến, số còn lại chuyên kinh doanh, Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ lớn nhất trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu vượt xa các quốc gia trong khu vực, nơi được coi là có ngành chế biến xuất khẩu phát triển trước Việt Nam, như Indonesia, Thái Lan, Malaysia…

nganh go la mot trong nhung nganh phat trien nang dong nhat

Ngành gỗ là một trong những ngành phát triển năng động nhất

Sản phẩm gỗ từ Việt Nam hiện đang được tiêu thụ tại trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 6,9 tỷ USD, tăng 10% so với kim ngạch của năm 2014 và tăng 23% so với năm 2013. Năm 2015, ngành chế biến gỗ xuất khẩu đứng ở vị trí thứ 6 trong số những nhóm mặt hàng xuất khẩu cao nhất cả nước.

Sự hội nhập sâu rộng của ngành này không chỉ thể hiện qua sự đa dạng của các quốc gia Việt Nam đang xuất khẩu, mà còn ở thị trường nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Năm 2015, kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam đạt khoảng 1,7 tỷ USD, bao gồm 160-170 loại gỗ khác nhau, được cung cấp bởi 70-90 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm 2015, ngành gỗ kết thúc một năm được coi là thành công với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 7 tỷ USD. Cần lưu ý rằng, đây là một trong những ngành hiếm hoi đã hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trước 5 năm (Chiến lược quy hoạch phát triển lâm nghiệp đã từng đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 7 tỷ USD vào năm 2020). Vì vậy, theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngành gỗ là ngành có tiềm năng phát triển tốt của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng lạc quan đánh giá, đến thời điểm này ngành gỗ đã áp dụng tốt nhiều quy định quốc tế. Như Đạo luật Lacey của Mỹ được DN Việt Nam thực thi rất chặt chẽ, tỉ mỉ, chi tiết. Từ năm 2010 tới nay, qua 6 năm không có lô hàng nào bị trả lại. Đồng thời kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2015 đạt 2,1 tỷ USD, dự kiến năm nay đạt 2,4-2,5 tỷ USD. Điều này chứng tỏ DN đang khai thác tốt thị trường lớn này.

Nhưng không thể lơ là rủi ro

Dù đang trong khí thế “thừa thắng xông lên”, song các chuyên gia của VCCI khuyến nghị, đây chính là thời điểm ngành gỗ phải nhận diện sớm các rủi ro có thể xảy ra khi cửa hội nhập mở rộng hơn.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập nêu lý do, ưu đãi thuế quan sẽ không phải là lợi ích lớn đối với ngành gỗ trong TPP và EVFTA. Bà Trang giải thích, trong tổng thể, các nước TPP phần lớn cam kết loại bỏ thuế quan với hầu hết dòng thuế đối với gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ngay khi TPP có hiệu lực.

Tuy nhiên trên thực tế, mức thuế mà các nước TPP hiện đang áp dụng cho gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam cơ bản đã là rất thấp. Trường hợp thuế quan cao thì lượng xuất khẩu lại hầu như không đáng kể. Tương tự như vậy, cam kết về thuế quan trong EVFTA cũng hầu như không tạo ra ảnh hưởng gì đáng kể đối với ngành chế biến xuất khẩu gỗ vào EU.

Trong khi đó, theo TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia nghiên cứu của VCCI, ngành gỗ trước mắt sẽ phải đối mặt với 3 rủi ro lớn là nguyên liệu, thị trường và lao động. Cụ thể, DN sẽ phải đối mặt với khó khăn trong việc đảm bảo nguồn gỗ hợp pháp, tức là yêu cầu 100% gỗ xuất khẩu vào các quốc gia TPP và EU phải là gỗ hợp pháp. Bản thân Việt Nam có thể đảm bảo ở phạm vi trong nước, nhưng nguyên liệu gỗ nhập khẩu thì chưa thể đảm bảo được nguồn gốc hợp pháp.

Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin thị trường cũng là một rủi ro lớn. Khảo sát của VCCI cho thấy, có tới gần 1/2 số DN hiện đang xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ không nắm được quy định có liên quan trực tiếp đến việc tiêu thụ các sản phẩm của mình tại thị trường này.

Ngoài ra, xu hướng sử dụng lao động thời vụ nhiều cũng sẽ là trở ngại đối với ngành gỗ. Ông Phúc cho biết, khảo sát đối với DN xuất khẩu gỗ sang thị trường EU cho thấy loại hình hợp đồng dài hạn trên một năm chỉ chiếm dưới 40%. Với các thị trường có quy định chặt chẽ và đòi hỏi cao về chế độ đãi ngộ với người lao động như TPP hay EU, đây có thể là căn cứ để nhà nhập khẩu từ chối hợp đồng với bên xuất khẩu của Việt Nam.



Ngọc Khanh
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục