Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 4,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%.
Sản xuất bia tăng tốc vào hè
- Cập nhật : 20/05/2016
(tin kinh te)
Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 trở đi, miền Bắc đã chính thức vào mùa nắng nóng, tiêu thụ bia được dự báo sẽ tăng cao và đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ bia trong nước tận dụng để gia tăng mạnh cả số lượng và chủng loại sản phẩm.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2016, bất chấp bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt, sản lượng bia các loại ước đạt 1.005 triệu lít, tăng 5,8% so với cùng kỳ, riêng trong tháng 4/2016, sản lượng bia các loại ước đạt 206,5 triệu lít, bằng với cùng kỳ 2015.
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh 4 tháng đầu năm của ngành ổn định, nhưng lợi nhuận sụt giảm, do ảnh hưởng của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng từ ngày 1/1/2016.
.
Chiếm thị phần lớn nhất hiện nay là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), với sản lượng năm 2015 đạt 1,38 tỷ lít. Tiếp đó là các sản phẩm thuộc thương hiệu Heineken với 729 triệu lít. Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) ở vị trí thứ 3, với 667,8 triệu lít và thương hiệu Carlsberg với 229 triệu lít. Như vậy, 4 doanh nghiệp Sabeco, Heineken, Habeco và Carlsberg đã chiếm 88,4% sản lượng bia toàn ngành.
Tại phía Bắc, Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) là nhà sản xuất với nhiều nhãn hiệu được ưa chuộng như bia Trúc Bạch, bia Hà Nội…, có độ bao phủ khá rộng.
Ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng giám đốc Habeco cho rằng, ngoài các việc doanh nghiệp sản xuất bia đang gặp khó khăn sau khi Nghị định 108/2015/NĐ-CP quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng, thì việc áp dụng phương pháp tính theo hướng dẫn tại Thông tư 195/2015/TT-BTC sẽ khiến doanh nghiệp sản xuất bia có thể gặp những rủi ro ngoài ý muốn về thanh tra thuế, áp giá tính thuế…
Năm 2015, dù sản lượng bia cả nước đạt 3,4 tỷ lít, tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành bia đã giảm đi trông thấy, nếu như năm 2011 tốc độ tăng trưởng đạt 8,5%, thì năm 2015 chỉ đạt 4,7%.
Cụ thể, năm 2015, Habeco tiêu thụ được 510,6 triệu lít bia, tăng 2% so với cùng kỳ. Doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính là 7.527 tỷ đồng, tăng trưởng 6%. Lợi nhuận trước thuế đạt 991 tỷ đồng, tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, khi xây dựng kế hoạch năm 2016, hầu hết các chỉ tiêu về sản lượng tiêu thụ, doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đều tăng so với năm 2015, nhưng riêng chỉ số lợi nhuận sau thuế được dự kiến là 362,68 tỷ đồng, chỉ bằng 42% so với mức đạt được của năm 2015.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết thêm, thuế tiêu thụ đặc biệt với bia đang ở mức 55%. Thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn đang thực hiện tăng theo lộ trình được quy định tại Luật 70/2014/QH13 và trong 3 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2016 sẽ tăng dần lên tới mức đỉnh là 65%. Thời điểm này trùng với thời gian áp dụng các quy định mới mức chênh lệch 7% và cách xác định công ty thương mại mới khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất trong ngành đồ uống sẽ phải chịu mức thuế TTĐB cao hơn, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Chưa kể, thuế bia tăng, sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của Ngân sách nhà nước trong những năm tới.
Dẫu vậy, từ thực tế sản xuất, tiêu thụ bia của các doanh nghiệp ngành bia trong 4 tháng qua, đại diện Bộ Công thương cho rằng, mức tăng trưởng sản lượng này của ngành bia là chấp nhận được.
VBA cũng đưa ra dự báo, thị trường trong tháng 5,6 sẽ tiếp tục tăng trưởng và hơn hết, các doanh nghiệp đang dồn sức cho thời điểm kinh doanh sôi động trong năm, điển hình là các doanh nghiệp bia tại miền Bắc, vốn chịu ảnh hưởng đáng kể của yếu tố thời tiết, sẽ có những chiêu trò hút khách hàng để đẩy sản lượng bia tiêu thụ đạt mức tối đa.
Được biết, năm 2015, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam đạt 3,4 tỷ lít, tăng gần 5% so với năm trước. Trong đó, riêng Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đạt 1,5 tỷ lít, số còn lại thuộc về các doanh nghiệp khác.
Hiện cả nước có khoảng 129 cơ sở sản xuất bia, với nhiều cơ sở sản xuất có quy mô lớn từ 50 triệu lít đến 100 triệu lít/năm, thậm chí nhiều nhà máy có quy mô 200 triệu lít trở lên, như Nhà máy Bia Củ Chi (Sabeco) 200 triệu lít và có thể mở rộng lên 300 triệu lít, Nhà máy Bia Mê Linh (Habeco) 200 triệu lít/năm…, đưa tổng công suất ngành bia đạt khoảng 4,8 tỷ lít/năm.
Thế Hoàng
(Theo Báo Đầu Tư)