Càng phát triển năng động, xuất khẩu gỗ càng phải phòng ngừa rủi ro.
Áp thuế tự vệ thép nhập khẩu với mã HS quá rộng: Sản xuất vật liệu hàn gặp khó
- Cập nhật : 19/05/2016
(tin kinh te)
Các doanh nghiệp sản xuất que hàn đã có công văn gửi Bộ Công thương xin không áp thuế tự vệ tạm thời đối với thép dài, với các mã HS quá rộng làm ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu nguyên liệu sản xuất que hàn.
Theo các nhà sản xuất vật liệu hàn Việt Nam, nguyên liệu chính chiếm tỷ trọng lớn trong cấu thành sản phẩm là các loại thép: H08A, H08AB, SWRY11… Tuy nhiên, nguồn cung trong nước không đáp ứng được, nên nhiều năm nay, ngành sản xuất vật liệu hàn trong nước chỉ sử dụng thép nhập khẩu từ Nga, Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Việc áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời theo Quyết định 862/QĐ-BCT từ ngày 7/3/2016 khiến các loại thép nêu trên chịu mức thuế là 14,2%, gây tác động trực tiếp đến các nhà sản xuất que hàn.
Thuế tự vệ tạm thời được áp với mã HS quá rộng đã gây khó các doanh nghiệp sản xuất vật liệu hàn. Ảnh: Đức Thanh
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Tín cho hay, kể ngày 1/1/2014, thuế nhập khẩu các loại vật liệu hàn đã từ 20-30% trở về 0%, nhưng các doanh nghiệp sản xuất vật liệu hàn trong nước vẫn có sự phát triển vượt bậc về sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động.
Hàng năm, ngành sản xuất vật liệu hàn đã đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất ổn định, phục vụ cho các ngành đóng tàu, giao thông, sản xuất ô tô… đẩy lùi sản phẩm nhập ngoại.
Riêng với Kim Tín, từ ngày 7/3/2016, quyết định của Bộ Công thương về việc áp thuế tự vệ tạm thời với phôi thép, thép dài đã đẩy mức thuế nhập khẩu que hàn lên mức 14,2%, khiến DN nội khó cạnh tranh, khi các sản phẩm vật liệu hàn ngoại nhập đang được áp mức thuế suất thuế nhập khẩu là 0%. Nhiều DN đang đứng trước nguy cơ suy giảm sản xuất và lợi nhuận, đời sống của hàng ngàn người lao động bị đe dọa.
“Với chủ trương bảo hộ ngành thép, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời theo Quyết định 862/QĐ-BCT, nhưng thực tế, với các mã HS quá rộng như hiện nay gây khó khăn và ảnh hưởng nặng nề cho Công ty trong việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Chúng tôi và các DN sản xuất vật liệu hàn đã đề xuất lên Tổng hội Cơ khí Việt Nam về việc không áp thuế tự vệ tạm thời đối với thép dài nhập khẩu để sản xuất que hàn và đề xuất này nhận được đồng thuận”, ông Hải nói.
Để các doanh nghiệp vật liệu hàn trong nước có điều kiện ổn định sản xuất và phát triển, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển cho khối các DN đóng tàu, lắp máy, giao thông, đồng thời đáp ứng mục tiêu tự vệ tạm thời với thép dài và thép nhập khẩu, một đề xuất khác cũng được đại diện Kim Tín đưa ra, đó là “đề nghị Nhà nước xem xem xét cho phép DN căn cứ nhu cầu sử dụng thép làm que hàn đã đăng ký và xin hạn ngạch nhập khẩu, để không phải chịu thuế tự vệ tạm thời”.
Trước đề xuất của các DN sản xuất que hàn, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, ngành thép đã có thể sản xuất được chủng loại thép để sản xuất que hàn phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong nước.
Theo số liệu thống kê của ngành vật liệu hàn, hàng năm, Việt Nam cần khoảng 100.000 tấn thép carbon thấp để làm que hàn. Từ đề nghị của các DN sản xuất que hàn, một số doanh nghiệp trong ngành thép tiết lộ, sẽ sớm tham gia sản xuất các chủng loại thép này để phục vụ thị trường nội địa.
Thông báo phát đi mới nhất từ Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, DN này dự kiến sẽ sản xuất loại thép sản xuất que hàn vào quý III/2016, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa tránh phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.
Ông Hồ Đức Thọ, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát cho hay, đây là loại thép chuyên dụng, đòi hỏi kỹ thuật cao, đặc biệt, hàm lượng carbon phải dưới 0,09%, Mangan dưới 0,65% nên rất mềm, các thành phần tạp chất khác như P, S đều yêu cầu hàm lượng rất nhỏ. Thép dùng làm lõi que hàn điện có mác thép SWRY11, tiêu chuẩn Nhật JIS G 3503 (2006); mác thép H08A, tiêu chuẩn Trung Quốc GBT 3429; lõi dây hàn tự động mác thép EM 12K, tiêu chuẩn Mỹ ASME SFA / AWS A5.17,…
Ở Việt Nam và trên thế giới, chỉ các nhà máy thép sản xuất bằng công nghệ lò cao và lò thổi mới luyện được sản phẩm này. Vì vậy, thép Hòa Phát tự tin sẽ sản xuất được theo các tiêu chuẩn trên và đáp ứng 100% nhu cầu thép cuộn cho các dây chuyền sản xuất que hàn trong nước với chất lượng và giá thành tốt.
Để sớm hiện thực hóa kế hoạch sản xuất thép cho DN hàn, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát đã đặt hàng các thiết bị chuyên dụng như, hệ thống kiểm soát xỉ lò thổi bằng âm tần, hệ thống đúc kín bảo vệ dòng đúc chống ôxy hóa, hệ thống khuấy đảo từ trường dòng đúc để khử tạp chất và tăng chất lượng phôi đúc.
Thế Hải
(Theo Báo Đầu Tư)