Thuế suất thay đổi từ WTO
Cơ hội cho doanh nghiệp có tiềm lực đủ mạnh, chủ động hội nhập và đổi mới toàn diện để hội nhập, còn thách thức sẽ đến với doanh nghiệp yếu…
Về thương mại hàng hóa, tại thời điểm gia nhập WTO, Việt Nam cam kết thuế suất clinker, xi măng cắt giảm là 30% (thời hạn 5 năm); tương ứng với xi măng là 40%, 32% (thời hạn 4 năm); tương ứng với gạch ốp lát là 50%, 35% (thời hạn 5 năm); tương ứng với sứ vệ sinh là 50%, 35% (thời hạn 5 năm) và tương ứng với kính xây dựng là 45%, 40% (thời hạn 3 - 4 năm).
Việt Nam cũng đã cam kết không phân biệt đối xử giữa nhà cung cấp dịch vụ trong nước và nước ngoài. Để bảo đảm việc làm cho doanh nghiệp trong nước, trong mục đối xử quốc gia có yêu cầu tổ chức nước ngoài phải liên doanh hoặc sử dụng thầu phụ Việt Nam.
Cam kết trong ASEAN về thương mại hàng hóa: Cho đến nay, ngành Xây dựng đã hoàn thành việc thực hiện Chương trình giảm thuế nhập khẩu CEPT/AFTA đối với các mặt hàng VLXD chính gồm: Clinker xi măng, xi măng, sứ vệ sinh, gạch ốp lát và kính xây dựng với mức thuế giảm còn 5%. Riêng TPP quy định chủ yếu về BĐS theo hình thức chọn bỏ, chọn cho; không đề cập đến lĩnh vực xi măng.
Cạnh tranh trong xuất khẩu
Những quy định hội nhập trong lĩnh vực xi măng không còn mới, bản thân các doanh nghiệp xi măng cũng đã đối mặt với sự cạnh tranh của các đối tác nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp xi măng Trung Quốc trong xuất khẩu xi măng. Trong năm 2015 xuất khẩu xi măng của Việt Nam sụt giảm cả về khối lượng lẫn kim ngạch và dự báo tình hình năm 2016 sẽ rất khó khăn. Đó là thị trường xuất khẩu, còn thị trường trong nước, không giống như nhiều lĩnh vực khác, thị trường xi măng Việt Nam sẽ không thay đổi nhiều bởi thực tế thuế xuất khẩu của xi măng hiện là 0%. Mặt khác xi măng là mặt hàng chủ yếu tập trung cho tiêu thụ nội địa, vận chuyển khó khăn do phí vận chuyển cao, giá bán xi măng của Việt Nam hiện đang thấp nên các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ nhắm tới thị trường giá cao hơn để xuất khẩu.
Trong công cuộc hội nhập này, mặc dù cũng có những tác động nhất định, đem đến cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp. Nhưng ngành xi măng có đặc thù là sản phẩm rất nặng, giá trị tiền/tấn xi măng thấp, vận chuyển khó khăn do dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu, chi phí vận chuyển cao… nên tiêu thụ nội địa là ưu tiên số 1 của tất cả các nước sản xuất xi măng.
Cạnh tranh tiêu thụ trong nước
Doanh nghiệp xi măng Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài gặp phải cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp xi măng nước khác trên thế giới. Còn trong nước, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt về tiêu thụ sản phẩm khi thị trường trong nước dư cung.
Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 76 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế đạt 81,56 triệu tấn/năm. Đến năm 2017 ngành xi măng sẽ có tổng công suất 87,86 triệu tấn/năm. Từ năm 2018 trở đi sẽ có thêm một số nhà máy như Xi măng Tân Thắng công suất 2 triệu tấn/năm, Xi măng FiCO công suất 1,4 triệu tấn/năm, Xi măng Xuân Thành công suất 4,5 triệu tấn/ năm, nâng công suất toàn ngành lên 95,76 triệu tấn/năm.
Cùng với những cơ hội đến từ quá trình hội nhập, các doanh nghiệp (DN) xi măng còn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các tập đoàn xi măng lớn của nước ngoài.
Sân chơi của các Công ty lớn
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện nay có nhiều tập đoàn trong ngành xi măng lớn của nước ngoài đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam để cạnh tranh thị phần.
Đầu tháng 10/2015, Holcim Việt Nam đã chính thức công bố việc sáp nhập giữa Công ty TNHH Holcim Việt Nam, thành viên của Tập đoàn Holcim (Thụy Sỹ) và Công ty TNHH Lafarge Việt Nam, thuộc Tập đoàn Lafarge (Pháp). Sau sáp nhập, sản lượng của LafargeHolcim tại Việt Nam được nâng lên hơn 6 triệu tấn/năm. Việc sáp nhập này sẽ giúp LafargeHolcim tối ưu hóa sản xuất trong bối cảnh ngành xi măng Việt Nam đang trong tình trạng cung vượt cầu, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm xi măng có giá thành rẻ hơn, thi công nhanh hơn và đảm bảo chất lượng công trình bền vững hơn. Cụ thể, sau sáp nhập, công ty sẽ có tổng cộng 5 nhà máy, trạm nghiền xi măng, 8 trạm trộn bê tông với công suất 5,2 triệu tấn xi măng và 1 triệu m3 bê tông mỗi năm.
Trước khi LafargeHolcim sáp nhập, Semen Glesik - Tập đoàn xi măng lớn nhất của Indonesia đã mua lại Xi măng Thăng Long (công suất 2,5 triệu tấn/năm) với giá 230 triệu USD. Dự kiến trong tương lai gần, Xi măng Thăng Long sẽ nâng công suất lên 6,3 triệu tấn/năm, tăng 274% so với công suất hiện nay.
Tương tự, SCG Cement, một tập đoàn lớn của Thái Lan cũng đã mua lại 99% cổ phần của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Bửu Long (Đồng Nai), đơn vị chuyên sản xuất xi măng trắng và xám chất lượng cao phục vụ thị trường Việt Nam. Ngay sau khi mua lại nhà máy, SCG đầu tư, nâng cấp nhà máy nhằm đạt công suất 80.000 tấn xi măng trắng/năm và 120.000 tấn xi măng xám/năm. Tổng đầu tư cho việc mua lại và nâng cấp nhà máy là 5,5 triệu USD.
Theo các tập đoàn sản xuất xi măng nói trên, lí do để họ mua lại hay sáp nhập là do nguồn cung nguyên vật liệu ở Việt Nam khá dồi dào… Vì thế, thay vì xuất khẩu xi măng vào Việt Nam thì việc chiếm thị phần thị trường Việt Nam sẽ tốn ít chi phí và mang lại hiệu quả hơn
Tái cơ cấu để hội nhập
Trong khi các DN xi măng lớn sát nhập chiếm thị phần thị trường thì các DN xi măng nhỏ phải rời bỏ cuộc chơi vì không đủ sức cạnh tranh.
Trước tình hình trên, nhiều DN xi măng trong nước đã lên kế hoạch đầu tư cho công nghệ và những dự án mới. Công ty CP Tập đoàn ThaiGourp đang chuẩn bị nguồn lực để thực hiện Dự án Xi măng Xuân Thành giai đoạn 2, công suất 12.500 tấn clinker/ngày (tương đương 4,5 triệu tấn xi măng/năm), tổng mức đầu tư lên tới gần 11.000 tỷ đồng. ThaiGourp cũng thực hiện mở rộng phạm vi hoạt động bằng việc mua tiếp Dự án Nhà máy Xi măng Minh Tâm (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) từ Công ty CP Miền Đông. Dự án có công suất 2 triệu tấn/năm, mỏ nguyên liệu có thể cung cấp nguyên liệu cho nhà máy hoạt động trong 50 năm.
Trong khi đó, Công ty Xi măng Cẩm Phả tìm hướng đi mới bằng cách sản xuất thành công xi măng theo tiêu chuẩn 52.5N của châu Âu để phục vụ cho các dự án trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, công ty còn sản xuất xi măng chịu mặn và xi măng bền sunfat, những loại sản phẩm có tính ưu việt trong xây dựng công trình ven biển và xử lý nền đất yếu. Theo Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) hướng tới mục tiêu chính là phục vụ thị trường nội địa, bởi sản phẩm của DN đã có thương hiệu và chiếm tới 35% thị phần trong nước. Ngoài ra, các đơn vị thành viên thuộc Vicem cũng có những chiến lược riêng nhằm tối ưu hóa sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành để tăng thị phần.
Khoảng nửa cuối năm 2017 và năm 2018 sẽ có nhiều dự án mới có công suất lớn đi vào vận hành. Do đó, cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước sẽ khó khăn hơn.
Nguồn: vatlieuxaydung.org.vn/VITIC