Thuê nhà thầu Trung Quốc xây nhà máy từ năm 2007 với số vốn hơn 8.100 tỉ đồng, nhưng đến nay nhà máy vẫn… “đắp chiếu”.
Nikkei: PMI Việt Nam tăng 22 tháng liên tiếp, lĩnh vực sản xuất cải thiện mạnh mẽ
- Cập nhật : 04/04/2017
Theo Nikkei, PMI lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã tăng từ mức 54,2 điểm của tháng 2 lên 54,6 điểm trong tháng 3, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất.
Nikkei vừa có báo cáo về chỉ số PMI (Purchasing Manager’ Index – Chỉ số Nhà quả trị Mua hàng ) lĩnh vực sản xuất Việt Nam. Theo đó, chỉ số này trong quý 1/2017 đã có được kết quả khá tích cực.
“PMI lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã tăng từ mức 54,2 điểm của tháng 2 lên 54,6 điểm trong tháng 3, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất. Nhìn chung, các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện đáng kể từ tháng 5/2015” – Báo cáo Nikkei nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong báo cáo này Nikkei chỉ ra 3 điểm nổi bật liên quan đến lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.
Thứ nhất, sản lượng tăng nhanh do số lượng đặt hàng mới tăng mạnh trong tháng 3. Trong đó, tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng nhanh hơn và thành mức tăng nhanh nhất trong năm 2017 tính tới thời điểm này.
Với số lượng đơn đặt hàng mới tăng, các công ty đã tăng sản xuất tháng thứ 5 liên tiếp. Hơn nữa, tốc độ tăng sản lượng sản xuất là nhanh nhất kể từ tháng 5/2015.
Thứ hai, các công ty đã tuyển dụng thêm nhân công để tăng sản lượng sản xuất trong tháng 3 khiến số nhân công đã tăng đáng kể, tốc độ tăng này được cho là nhanh nhất kể từ tháng 9/2016.
Thứ ba, chi phí đầu vào đã tăng nhanh nhất kể từ tháng 5/2011. Nikkei cho biết, giá nguyên vật liệu tăng là nhân tố chính dẫn đến tăng chi phí đầu vào, trong khi giá dầu tăng và tiền đồng suy yếu được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên.
Ander Harker, chuyên gia nghiên cứu tại IHS Markit – công ty thu thập kết quả khảo sát nhận định, dữ liệu PMI tích cực của tháng 3 đã khép lại quý tăng mạnh nhất kể từ khi khảo sát được bắt đầu từ năm 2011. Điểm đặc biệt đáng mừng trong tháng 3 là việc làm đã tăng gần bằng mức kỷ lục khi các công ty vẫn lạc quan rằng khối lượng công việc trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, ít nhất là trong ngắn hạn. “ Do đó, ngành sản xuất chắc chắn sẽ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng GDP trong quý đầu và cả năm 2017, năm mà IHS Markit dự báo tăng trưởng 6,4%/năm” – chuyên gia của HIS Markit đưa ra dự báo.
Trong cùng ngày, Nikkei cũng đưa ra báo cáo về PMI của các nước trong khu vực. Theo đó, PMI Việt Nam trong tháng 3/2017 Việt Nam xếp trên các nước trong khu vực như Thái Lan với 50,2 điểm, Philippines với 53,8 điểm và Malaysia với 49,5 điểm.
Trước đó, trong tháng 2/2017, chỉ số PMI của Việt Nam cũng đã có mức tăng ấn tượng khi có mức tăng cao nhất trong 21 tháng, dẫn đầu Đông Nam Á.
THeo Viettimes