Ngày 18/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Tọa đàm hợp tác doanh nghiệp ngành linh kiện ô tô hạng nặng Việt Nam - Trung Quốc 2017. Buổi tọa đàm nhằm tăng cường sự hiểu biết và tìm kiếm đối tác hợp tác giữa hai bên.
BMI Research: 'Bóng đêm' đang bao trùm ngành than Việt Nam
- Cập nhật : 05/04/2017
BMI cũng không cho rằng ngành khai thác than có thể phục hồi được trong thời gian tới.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng đạt 5,1% trong quý I/2017 so với cùng kì năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam vào hôm thứ Tư tuần trước (28/3). Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm, và thấp hơn mức tăng trưởng GDP của cả năm 2016 là 6,21%.
Trong số các nhân tố kéo lùi tăng trưởng thì tình hình đi xuống của ngành khai thác mỏ, vốn đóng góp nhiều thứ 4 vào GDP, đã được hãng nghiên cứu BMI nhấn mạnh trong báo cáo gửi đến khách hàng vào hôm 29/3. Ngành này đã sụt giảm 11,4% trong quý I, lấy đi 2,5 điểm phầm trăm tăng trưởng GDP.
BMI viết rằng: “Dù rất khó để nêu ra lý do chính xác cho sự sụt giảm mạnh của ngành khai thác mỏ trong quý I/2017, chúng tôi tin rằng đây là kết quả tổng hợp của việc giá than đá giảm, thuế tài nguyên thiên nhiên tăng lên (áp dụng từ tháng 1/7/2016), sản lượng dầu sụt giảm từ các mỏ khai thác lâu năm, cũng như là chi phí khai thác than đá tăng lên do đã hết các vỉa than dễ tiếp cận”.
Hãng BMI cũng không cho rằng ngành này có thể phục hồi được trong thời gian tới: “Chúng tôi cho rằng sản lượng khai thác sẽ biến động mạnh trong các quý tiếp theo, và chính phủ Việt Nam có thể tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu giá rẻ để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng lên, thay vì tăng sản lượng nội địa”.
Ngành khai khoáng không phải là nhân tố duy nhất kéo lùi đà tăng trưởng trong quý I. Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong gần 100 năm đã tiếp tục gây ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp, khi ngành này chỉ tăng trưởng 2,03% trong quý I vừa qua, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2011.
Thêm vào đó, quyết định ngưng sản xuất điện thoại Samsung Galaxy Note 7 đã khiến kim ngạch xuất khẩu điện thoại giảm 10,7%. Samsung hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 22,7% giá trị xuất khẩu.
Dù sao, Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng xuất khẩu 14% trong giai đoạn từ tháng 10/2016 tới tháng 3/2017, so với cùng kỳ 1 năm trước đó.
Tuy nhiên, BMI cho rằng tăng trưởng của Việt Nam vẫn có thể bật tăng trở lại. Dù BMI đã hạ dự báo tăng trưởng Việt nam từ 6,4% xuống 6,1% trong năm nay, công ty này vẫn tin tưởng vào triển vọng của Việt Nam. BMI nhắc lại các lợi thế của Việt Nam như nguồn nhân công rẻ, trẻ, đông đảo và có tay nghề; tham gia vào nhiều hiệp định tự do thương mại; môi trường đầu tư đang được cải thiện.
Thêm vào đó, ngành dịch vụ vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt là ngành du lịch, với mức tăng trưởng 9,3% trong quý I/2017 so với cùng kì năm ngoái. BMI cho rằng: “Chúng tôi tin tưởng rằng những nỗ lực của chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy ngành du lịch thông qua các biện pháp như là quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam ra quốc tế, miễn thị thực, và tăng tốc thủ tục hải quan sẽ tiếp tục đem lại hiệu quả trong các quý tới”.
Theo Bá Ước - Nguồn Business Insider - nhipcaudautu.vn