tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Báo cáo ngành hàng cao su tháng 3/2017

  • Cập nhật : 13/04/2017

Tiêu thụ cao su của ANRPC năm 2017 sẽ tăng 1,8%, từ 8,04 triệu tấn năm 2016 lên 8,19 triệu tấn. Trong đó, chỉ có Ma-lai-xia có lượng tiêu thụ giảm khoảng 1% xuống 490.000 tấn so với 498.000 tấn năm 2016.

I. Thế giới:

1. Sản xuất:

Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su thiên nhiên (ANRPC) mới đưa ra dự báo sản lượng cao su thiên nhiên năm 2017 sẽ vượt trên 3 triệu tấn so với nhu cầu. Sản lượng của các nước thành viên năm 2017 dự báo tăng 4,2% so với năm ngoái mặc dù sụt giảm trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, Thái Lan tăng 4,7%, Việt Nam tăng 6,7%, Trung Quốc tăng 8,5%, Ma-lai-xia tăng 4,5%, Ấn Độ tăng 4,8%, Cam-pu-chia tăng 37,2%, Phi-lip-pin tăng 7,8% và Sri Lan-ca tăng 6,9%.

Trái lại, In-đô-nê-xia là quốc gia duy nhất sản lượng dự báo giảm từ 3,158 triệu tấn trong năm 2016 xuống còn 3,15 triệu tấn trong năm 2017.

Tiêu thụ cao su của ANRPC năm 2017 sẽ tăng 1,8%, từ 8,04 triệu tấn năm 2016 lên 8,19 triệu tấn. Trong đó, chỉ có Ma-lai-xia có lượng tiêu thụ giảm khoảng 1% xuống 490.000 tấn so với 498.000 tấn năm 2016.

ANRPC dự báo xuất khẩu cao su tự nhiên của các nước thành viên trong năm 2017 tăng 2,6%, đạt 8,99 triệu tấn. Đồng thời, năm 2017 nhập khẩu cao su tự nhiên dự kiến tăng 1,8% lên 8,19 triệu tấn so với 8,04 triệu tấn năm 2016. Theo đó, Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu cao su lớn nhất, dự báo sẽ nhập khẩu 4,3 triệu tấn trong năm 2017.

Về cơ sở dự báo nguồn cung sẽ tăng cho tới tháng 5/2017, tổng sản lượng cao su thiên nhiên trong 5 tháng đầu năm 2017 sẽ tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước lên 4,048 triệu tấn. Tiêu thụ cao su thiên nhiên của các nước thành viên ANRPC dự báo tăng 3,3% trong 2 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ANRPC, sản lượng cao su thiên nhiên giảm 2,2% trong 2 tháng đầu năm đúng vào thời điểm nhu cầu của khu vực ANRPC tăng 3,3%. Sản lượng giảm do lũ lụt ở Thái Lan và mùa cây cao su trút lá năm nay sớm hơn mọi năm. Ngoài Thái lan, hầu hết các nước sản xuất lớn khác đều tăng sản lượng. Sản lượng cao su thiên nhiên của Ấn Độ trong 2 tháng đầu năm tăng 30% lên 116.000 tấn. Song nhìn chung, yếu tố cung- cầu cũng như các yếu tố khác đều hỗ trợ thị trường trong khoảng thời gian đó.

Tuy nhiên, ANRPC cảnh báo giá cao su thiên nhiên có thể sẽ biến động mạnh theo xu hướng giá dầu thô, biến động tỷ giá tiền tệ và luồng vốn của các quỹ đầu cơ. Tiêu thụ chắc chắn cũng sẽ tăng sau quyết định gần đây của Mỹ là không áp thuế chống phá giá với lốp xe tải và xe bus xuất xứ Trung Quốc.

2. Thị trường cao su Tocom, Nhật Bản:

Giá cao su kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (TOCOM) sụt giảm mạnh trong tháng 3/2017. Trong đó, hợp đồng benchmark mới, giao tháng 8/2017 kết thúc phiên 8/3 ở mức 258,4 yên/kg, giảm 11 yên so với phiên trước (7/3) ở mức 269,4 yên/kg và thiết lập mức thấp nhất 2 tháng. Nguyên nhân là do thị trường cao su Thượng Hải qua đêm giảm mạnh. Mặc dù, chính phủ Thái Lan quyết định sẽ trì hoãn việc đấu giá cao su, nhằm đưa ra mức giá hỗ trợ.

Sau khi hồi phục nhẹ vào giữa tháng khi các nhà đầu tư kỳ vọng rủi ro suy giảm trước dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất, thị trường cao su TOCOM lại quay đầu giảm do chịu áp lực giảm giá trên thị trường cao su Thượng Hải, giá dầu suy yếu và đồng yên tăng cao.

Kết thúc phiên giao dịch 22/3, hợp đồng benchmark giao tháng 8/2017 thiết lập mức thấp nhất trong 1,5 tuần, chỉ đạt 249 yên/kg, giảm 14 yên so với phiên trước (21/3) và giảm 19 yên so với phiên cuối tuần trước (17/3). Trước đó, mức thấp nhất đối với hợp đồng benchmark là 257,3 yên/kg thiết lập hôm 13/3.

Giá cao su giao kỳ hạn tháng 9/2017 tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 200 NDT, xuống còn 17.935 NDT (tương đương 2.606 USD)/tấn trong phiên giao dịch qua đêm 22/3.

Giá cao su có xu hướng giảm từ phiên 21/3 khi thị trường Nhật Bản mở cửa trở lại sau đợt nghỉ lễ 3 ngày trước đó. Đến sáng 22/3, thị trường bắt đầu bán tháo mạnh, khiến giá tiếp tục lao dốc xuống dưới ngưỡng 260 yên và hiện giao dịch xung quanh mốc 250 yên.

Áp lực giảm lên giá cao su càng lớn khi đồng yên tăng mạnh so với USD do những lo ngại xung quanh chính sách kinh tế của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kích thích hứng thú đầu tư vào yên, đồng thời kéo USD xuống thấp nhất gần 4 tháng.

Tuy nhiên, theo dự báo của Rubber Forecasts, giá cao su thiên nhiên sẽ tăng mạnh trở lại trong hai quý tiếp theo của năm 2017 do thiếu nguồn cung. Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường cao su liên tiếp hứng chịu nhiều đợt bán tháo khiến giá xuống thấp và người dân không còn thiết tha khai thác mủ. Trong khi đó, năng suất cao su của Thái Lan – nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, cũng suy giảm do vừa trải qua một mùa đông khắc nghiệt.

II. Việt Nam:

1. Tình hình trong nước:

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá mủ cao su trong nước diễn biến tăng trong 20 ngày đầu tháng 3/2017, trái ngược với xu hướng trên thị trường thế giới. Cụ thể: tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su tăng 375 đ/kg, từ mức 12.500 đ/kg lên 12.875 đ/kg.

 

Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), giá bán bình quân của VRG trong những ngày đầu tháng 3/2017 đạt xấp xỉ 50 triệu đồng/tấn, tăng 170% so với giá bán mủ cao su cùng kỳ năm 2016 chỉ đạt gần 27 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, đó chỉ mới là bước đầu và chưa có sự chắc chắn. Từ đầu năm 2017, VRG vẫn xây dựng giá thành sản xuất cao su là 29 triệu đồng/tấn, giá bán 35 triệu đồng/tấn, lợi nhuận khoảng 5 – 6 triệu đồng/tấn. Ngoài giá mủ, thị trường gỗ cao su, các sản phẩm công nghiệp chế biến từ cao su cũng được dự báo thuận lợi và có xu hướng tăng trong năm nay.

Trung tuần tháng 3/2017, giá mủ cao su tại Dầu Tiếng, Bình Dương đang có xu hướng tăng mạnh trở lại. Giá bán mủ cao su bình quân trong những ngày đầu trung tuần tháng 3/2017 đạt xấp xỉ 50 triệu đồng/tấn, tăng 170% so với giá cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, giá mủ cao su xuất khẩu cũng trong xu hướng tăng, mặc dù từ giữa tháng 2/2017 giá xuất khẩu có giảm. Cụ thể, ngày 14/3 giá cao su SVR L giao tháng 4/2017 là gần 56.145 đ/kg, giảm 1,5% so với đầu tháng 3/2017 nhưng tăng 15,3% so với đầu năm 2017.

Giá cao su xuất khẩu đang tăng cho thấy giá cao su trong nước vẫn có khả năng tăng cao trong thời gian tới. Điều đó chứng tỏ sự khởi sắc từ cây cao su, nhưng theo các chuyên gia thì người trồng cao su nên bình tĩnh, bỏ thói quen chạy theo giá để rồi tăng diện tích ồ ạt. Giữ vững vườn cao su hiện có, kết hợp trồng xen canh hoa màu, cây trồng khác để có thêm thu nhập chính là cách làm hợp lý trong thời điểm hiện tại, phòng hờ chẳng may giá mủ cao su lại đảo chiều.

Sản lượng cao su thiên nhiên của nước ta xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã tăng mạnh, từ 20.700 tấn đầu tháng lên 22.700 tấn. Trong đó, chiếm 70% là cao su sơ chế đóng bánh SVR 3L loại I, còn lại là cao su tiểu điền. Giá cao su SVR 3L trong tuần qua tăng 3% so với tuần trước.

Đối với sản phẩm đóng bánh 33,3kg của cao su tiểu điền, khách hàng nhập khẩu kiến nghị cần giảm đến mức đạt chuẩn về tạp chất và tỷ lệ thủy phần để giữ giá như hợp đồng. Dự báo, sản phẩm cao su thiên nhiên của Việt Nam vẫn giữ giá và khả năng sẽ tăng 4 – 5% vào đầu quý 2/2017 do nguồn cung hạn chế.

Cao su tiểu điền trong cả nước có đến 65% diện tích đến tuổi khai thác mủ để chế biến cao su xuất khẩu, đang tích cực đóng góp vào sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, chất lượng cao su tiểu điền chưa cao, phần lớn là cao su loại II, giá thấp hơn trung bình 200 NDT/tấn, so với loại SVR 3L của các công ty, đơn vị thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam. Hiện nay, lực lượng cao su “tiểu điền” sản xuất hơn 50% tổng số cao su xám SVR10 và SVR20 đang xuất khẩu sang Trung Quốc.

Xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam sang Trung Quốc theo hệ mậu dịch chính ngạch giao nhận vẫn tập trung ở cảng Thanh Đảo. Sự tập trung vào một cảng dẫn đến một số bất cập, do đó một số đơn vị xuất khẩu đang tìm đến các cảng Thượng Hải, Đại Liên. Đây cũng là những sàn giao dịch xuất khẩu cao su nổi tiếng và có uy tín.

2. Dự báo xuất nhập khẩu cao su tháng 3/2016:

Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 3 năm 2017 đạt 65 nghìn tấn với giá trị đạt 138 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 3 tháng đầu năm 2017 ước đạt 249 nghìn tấn và 510 triệu USD, tăng 1,9% về khối lượng và tăng 90,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cao su xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2017 đạt 2.023 USD/tấn, tăng 80,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc, Hàn Quốc, và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2017, chiếm thị phần lần lượt 67,3%, 4,1% và 4%. Giá trị xuất khẩu cao su sang 3 thị trường này tăng lần lượt là: gấp gần 3 lần, gấp 2,7 lần và 75,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 3/2017 đạt 32 nghìn tấn với giá trị đạt 71 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu cao su 3 tháng đầu năm 2017 lên 112 nghìn tấn và 236 triệu USD, tăng 21,2% về khối lượng và tăng 75,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong tháng 1 năm 2017 là Hàn Quốc, Campuchia, Nhật Bản và Thái Lan, chiếm 60,6% thị phần. Trong 2 tháng đầu năm 2017, giá trị cao su ở tất cả các thị trường nhập khẩu đều tăng. Trong đó, thị trường có giá trị tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Indonesia (tăng gần 5 lần).

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT

2. CSDL giá nông sản PMARD của CIS

3. Tin Reuters

Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy

Nguồn: Nguyễn Lan Anh/thitruongcaosu.net

Theo Vinanet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục