Đảm bảo an toàn thực phẩm hay kiểm soát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là nan giải bởi chịu sự chi phối của nhiều thành phần, cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành ...
Lọc dầu Dung Quất chịu mức thuế cao vẫn lãi lớn
- Cập nhật : 06/09/2015
(Tin kinh te)
Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất liên tục kiến nghị với 2 cơ quan là Bộ Tài chính và Bộ Công thương về việc “cần tiếp tục điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu của diesel và Jet A1.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã khẳng định, mức thuế nhập khẩu xăng dầu như hiện hành vẫn đảm bảo được sản xuất, kinh doanh cũng như hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu.
Theo bà Mai, khi giá xăng dầu thế giới giảm và khi triển khai các hiệp định thương mại, trong đó có Hiệp định Thuế quan ASEAN (ATIGA), Việt Nam phải thực hiện các cam kết và cắt giảm thuế những mặt hàng liên quan. Khi đó, Bộ cũng nhận được kiến nghị của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong việc tiếp tục giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng dầu.
Thậm chí, có những ý kiến còn cho rằng, nếu không được giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, thua lỗ sẽ khiến Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể phải ngừng sản xuất. Trước các ý kiến này, đồng thời với việc đưa những giải thích khá rõ ràng, Bộ Tài chính cũng đã tiếp thu các kiến nghị của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Trả lời báo chí bà Mai cho hay, Bộ Tài chính đã xem xét và giảm thuế phù hợp, cho đến nay, mức thuế nhập khẩu đã được điều chỉnh phù hợp với tổng thể của nền kinh tế.
“Chúng tôi cũng nhận được văn bản của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và đã đưa ra phương án là, trước mắt thuế nhập khẩu đối với xăng và dầu diesel giữ như hiện hành để tiếp tục theo dõi”, bà Mai nói.
“Nếu có tác những động bất lợi tới Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, mà cụ thể là, nếu thuế nhập khẩu hiện hành tạo ra việc khách hàng chuyển sang mua xăng dầu nhập khẩu, thay vì mua hàng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, thì Bộ Tài chính và Bộ Công thương sẽ có những phương án thích hợp”, bà Mai cho biết thêm.
Trước đó, Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng liên tục kiến nghị với 2 cơ quan là Bộ Tài chính và Bộ Công thương về việc “cần tiếp tục điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu của diesel và Jet A1 để đảm bảo hàng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu có xuất xứ (C/O) form D”.
Theo kiến nghị của BSR, dầu diesel là sản phẩm chính của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chiếm gần 50% tổng lượng sản phẩm của toàn nhà máy và Jet A1 là sản phẩm đáp ứng không nhỏ cho nhiên liệu bay của cả nước.
Hiện thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo thông tư 78/2015/TT-BTC với mặt hàng diesel là 10%, Jet A1 là 10%, vẫn cao hơn thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của mặt hàng diesel và Jet A1 có C/O form D theo Thông tư 165/2014/TT-BTC là 5%. Vì vậy, các sản phẩm diesel và Jet A1 của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu cùng loại có C/O form D. Cụ thể là cao hơn 3,71 – 3,92 USD/thùng, theo giá xăng dầu bình quân của tháng 5/2015.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho biết, từ tháng 3/2015 một số doanh nghiệp đầu mối đã đề nghị giảm khối lượng mua xăng dầu đã ký theo hợp đồng dài hạn năm 2015 từ BSR để tăng lượng nhập khẩu hàng có nguồn gốc C/O form D.
Tuy nhiên, kiến nghị là vậy, nhưng thực tế, kết quả kinh doanh của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất 6 tháng đầu năm 2015 vẫn lãi lớn.
Cụ thể, tổng sản phẩm sản xuất từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong nửa đầu năm 2015 đạt 3,37 triệu tấn, vượt 16% kế hoạch. Trong đó mặt hàng LPG là 223.400 tấn, xăng A92 là 664.500 tấn, xăng A95 là 664.800 tấn, Jet A1 là 84.300 tấn, dầu diesel là 1,589 triệu tấn. Việc tiêu thụ của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng rất tốt, khi vượt kế hoạch đặt ra cho 6 tháng đầu năm tới 17% về khối lượng xăng dầu.
Những kết quả khả quan trên đã khiến tổng doanh thu của Công ty mẹ BSR đạt 50.800 tỷ đồng, tuy chỉ bằng 85% kế hoạch, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt tới 3.720 tỷ đồng, gấp đôi kế hoạch đặt ra cho thời gian 6 tháng đầu năm và tăng tới 68% so với cùng kỳ của năm 2014.