Khó khăn mà ngành mía đường ở Phú Yên đang gặp phải là câu chuyện liên kết còn lỏng lẻo. Mặc dù định hướng của địa phương là tăng cường sản xuất, liên kết theo chuỗi… thế nhưng mới đây rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn mặc dù đã ký kết bán mía cho DN, nhưng vẫn tranh thủ lén lút bán một sản lượng mía lớn cho thương lái.
Ngành than Việt Nam trước ngưỡng cửa TPP
- Cập nhật : 28/10/2015
(Cong nghiep)
Ngành khai thác than của Việt Nam hiện đang có giá thành được hạch toán cao nhất thế giới.
Thuận lợi cơ bản
Than “kíp lê Hongai” - mặt hàng quen thuộc trên thị trường thế giới đã được “xuất ngoại” xuyên Thái Bình Dương và xuyên cả Đại Tây Dương từ trước năm 1954. Thời bao cấp, than đã từng là mặt hàng đứng thứ nhất, thứ hai trong cán cân ngoại thương của Việt Nam. Giá trị (hiểu theo đúng nghĩa kinh tế) của than kíp lê Hongai khi đó chỉ để thanh toán các khoản viện trợ (có hoàn lại tượng trưng) của các nước xã hội chủ nghĩa anh em với giá rất cao (FOB Hòn Gai 100-120 đô la Mỹ/tấn, có loại lên tới 150-200 đô la Mỹ/tấn).
Sau năm 1975, ngành công nghiệp than Việt Nam cũng được Chính phủ ưu tiên trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước thông qua các hiệp định thương mại, các nghị định thư cấp chính phủ bằng các con đường nhập “thiết bị toàn bộ”, “thiết bị lẻ”, “hỗ trợ kỹ thuật”, “đào tạo chuyên gia”... Hơn 80% năng lực sản xuất của ngành than đã được hình thành và phát triển nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô (cũ). Các công trình quan trọng của Việt Nam hiện nay đều được Liên Xô hỗ trợ kỹ thuật (thiết kế, cử chuyên gia giám sát thi công, chạy thử, nghiệm thu) và cung cấp thiết bị đồng bộ.
Đội ngũ cán bộ kỹ thuật chủ chốt của ngành than cũng được các nước (Liên Xô, Ba Lan, Trung Quốc, Đức, Romania, Tiệp Khắc, Triều Tiên) giúp đỡ đào tạo rất cơ bản.
Tóm lại, từ trước năm 1986, ngành công nghiệp than Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp có “độ mở” tương đối cao. Tỷ lệ tổng giá trị nhập khẩu, xuất khẩu của Việt Nam đã được “giáp mặt” với thị trường quốc tế từ lâu.
Nhưng khó khăn không thể vượt qua
Hy vọng, với sự khởi đầu tương đối nhanh nhạy của các doanh nghiệp tư nhân như hiện nay, sau khi TPP có hiệu lực, ngành than Việt chuyển dần từ khu vực nhà nước - bao cấp sang khu vực thị trường đúng nghĩa.
Khó khăn lớn nhất của ngành than là phải vượt qua chính bản thân mình cả về tư duy phát triển cũng như năng lực quản lý. Tuy đã được các chuyên gia dự báo từ rất sớm về yêu cầu bắt buộc phải nhập khẩu than, đã được Chính phủ và Bộ Công Thương giao nhiệm vụ rất rõ ràng và rất cụ thể về “đảm bảo cung cấp đủ than cho nền kinh tế”, nhưng các nhà quản lý, những người có trách nhiệm trong ngành than đến nay vẫn “bình chân như vại”, cho rằng than ở Việt Nam không thiếu, xuất khẩu được cứ xuất, sau này cần bao nhiêu cũng có, miễn giá bán than trong nước được Chính phủ chấp nhận bằng giá nhập khẩu than.
Thế nhưng, đến nay, nếu so sánh theo chất lượng, giá thành và giá bán, than trong nước đang cao hơn giá than nhập khẩu (theo điều kiện CFR) về đến cảng Hòn Nét (Quảng Ninh), Sơn Dương Vũng Áng (Hà Tĩnh), hay Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngành khai thác than của Việt Nam hiện đang có giá thành được hạch toán cao nhất thế giới.
Khó khăn thứ hai là lợi ích nhóm đã được hình thành và đang được vận hành tối đa trong ngành than. Từ cuối năm 1994, tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Quảng Ninh trên vịnh Hạ Long (trước khi tập đoàn Than và Khoáng sản - TKV - được thành lập), Tổng bí thư Đỗ Mười đã gạch đỏ các câu trong một bài viết được đăng trên tuần báo của Bộ Thương mại số ra ngày 14 đến 20-7-1994: “Có người đã nói đến việc Việt Nam phải nhập khẩu than. Khả năng đó không thể loại trừ”, “Nguy cơ ngập mỏ Mông Dương hiện nay sẽ không còn là điều khó xảy ra”, và “Chủ trương tổ chức lại ngành than theo hướng bỏ bộ chủ quản là cần thiết và đúng lúc”.
Cả ba dự báo quan trọng cách đây hơn 21 năm đã và đang xảy ra với ngành than. Trong đó, việc phải nhập khẩu than đang thực sự biến thành vấn đề mất an ninh về năng lượng của đất nước và việc ngập mỏ Mông Dương đã cho thấy sự bế tắc trong phát triển của ngành than ngày càng rõ.
Đó là hậu quả của việc lợi ích nhóm đã được đặt lên cao hơn lợi ích của cả nền kinh tế. Hiện nay, từ giám đốc đến công nhân mỏ đều hiểu rằng, TPP đối với TKV còn nặng nề hơn đợt mưa bão gây ngập lụt vừa qua đối với Quảng Ninh.
Cơ hội lớn, nhưng thách thức không nhỏ
Trước hết, điều đáng mừng là thị trường nhập khẩu than của các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã và đang hình thành.
Ngay từ khi TKV vừa được thành lập, xuất khẩu than được coi là “cứu cánh”. Do có sự quản lý tập trung (bao cấp) về giá, thị trường than của Việt Nam đã bị chi phối bởi “than thổ phỉ”. Than chất lượng cao của các mỏ bị biến thành than của “thổ phỉ” để xuất khẩu. Than chất lượng thấp của thổ phỉ được biến thành than của các mỏ để “hạ chi phí sản xuất”. Mọi nguồn than đều hướng đến xuất khẩu.
Tuy nhiên, nay thì gió đã đổi chiều. Trong năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 3,1 triệu tấn than (than năng lượng khoảng 2,6 triệu tấn, than mỡ khoảng 0,5 triệu tấn). Tổng giá trị than nhập khẩu gần 364 triệu đô la Mỹ. Giá nhập khẩu CIF bình quân 118 đô la Mỹ/tấn, trong đó than năng lượng từ 42-133 đô la Mỹ/tấn. Như vậy, than năng lượng (cho nhiệt điện, xi măng, thép, phân bón) có giá CIF tương đương và thấp hơn giá than trong nước.
Tín hiệu đáng mừng là mặc dù chưa có sự can thiệp, hay định hướng của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp tư nhân đã nhanh nhạy trong việc đa dạng hóa nguồn nhập khẩu than.
Trong năm 2014, các sản phẩm của than được nhập về Việt Nam từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, sản phẩm than năng lượng là chủ yếu và được nhập từ năm nguồn lớn, lần lượt gồm Indonesia (1,567 triệu tấn), Úc (0,543 triệu tấn), Trung Quốc (0,474 triệu tấn), Nga (0,249 triệu tấn) và Malaysia (0,225 triệu tấn). Các sản phẩm than khác còn được nhập về Việt Nam từ Bỉ, Canada, Anh, Đức, Mỹ...
Đã có tới hơn 120 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu than. Trong đó, có hai doanh nghiệp nhà nước khai thác than hàng đầu của Việt Nam là Tổng công ty Đông Bắc (nhập 51.151 tấn, chiếm 1,6% thị phần và xếp thứ 14) và Vinacomin (nhập 41.502 tấn, chiếm 1,3% thị phần và xếp thứ 15). Hai doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất là thép Formosa (nhập 960.466 tấn, chiếm thị phần 31%) và thép Hòa Phát (nhập 602.227 tấn, chiếm thị phần 19,4%). Trong tương lai, việc nhập khẩu than của Formosa sẽ tiếp tục dẫn đầu.
Hai năm 2013 và 2014 chỉ là bước tập dượt. Tổng số hợp đồng được giao dịch thành công là 850 hợp đồng. Hợp đồng có khối lượng lớn nhất là 60.500 tấn. Hợp đồng có giá trị lớn nhất khoảng 8,469 triệu đô la Mỹ. Giá than so sánh cùng mặt bằng (cùng chất lượng, cùng nguồn gốc) đã có sự chênh lệch lớn.
Về lâu dài, việc nhập khẩu than với khối lượng lớn sẽ không đơn giản. Nhu cầu nhập khẩu đến năm 2030 sẽ lớn gấp 25 lần khối lượng thực hiện năm 2014. Hy vọng, với sự khởi đầu tương đối nhanh nhạy của các doanh nghiệp tư nhân như hiện nay, sau khi TPP có hiệu lực, ngành than Việt chuyển dần từ khu vực nhà nước - bao cấp sang khu vực thị trường đúng nghĩa.
Ngành khai thác than của Việt Nam hiện đang có giá thành được hạch toán cao nhất thế giới.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)