Các hãng sản xuất lốp xe thế giới đang tăng cường trồng cao su ở Đông Nam Á, khu vực sản xuất gần 80% cao su thiên nhiên toàn cầu.
Mỏ đá ngắc ngoải: Hậu quả từ việc cấp mỏ tràn lan
- Cập nhật : 30/10/2015
(Tin kinh te)
Hàng loạt mỏ đá phục vụ công trường Formosa phải đóng cửa hoặc ngắc ngoải chờ chết. Tình trạng này không chỉ xuất phát từ một cuộc đầu tư ồ ạt, chạy theo tin đồn của doanh nghiệp mà còn là hậu quả của việc cấp phép mỏ tràn lan.
“Chết” vì tin đồn và cấp mỏ tràn lan
Theo tìm hiểu của Dân trí, tháng 6/2008, khi Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa được tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho khu liên hợp gang thép, cảng nước sâu Sơn Dương hiện nay, thì cũng là lúc bên ngoài ranh giới khu công nghiệp này các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng trong, ngoài tỉnh, thậm chí cả doanh nghiệp đến từ nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan... ào ạt đổ xô vào “mảnh đất hứa" Kỳ Anh. Các doanh nghiệp đã bị mê hoặc trước những thông số chủ yếu là qua tin đồn về số lượng đá, cát cực khủng mà công trường Formosa cần. Khởi nguồn của một cuộc đầu tư ồ ạt, thua lỗ bắt đầu từ đó.
Ông Phan Xuân Hồng, chủ một mỏ đá tại xã Kỳ Long, cũng là Chủ tịch Hiệp hội khai thác và chế biến đá thị xã Kỳ Anh chua xót thừa nhận, trước khi đi vào khởi công xây dựng dự án Formosa, những đầu nậu thu mua đá cho đại dự án này đã phao tin là sẽ cần hơn 40-50 triệu khối đá để phục vụ cho việc xây dựng. Khi nghe được thông tin này, rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh thậm chí cả nước ngoài đã ào ào đổ xô vào Kỳ Anh để xin làm đá.
Cũng thời gian này, theo ông Hồng, việc cấp quyền khai thác mỏ của UBND tỉnh diễn ra một cách dễ dãi, thiếu trách nhiệm khi không dự báo được khối lượng cung - cầu của thị trường. Không chỉ cấp mỏ tại những vùng đã được quy hoạch, chính quyền còn giúp doanh nghiệp phá luôn cả rừng phòng hộ để khai thác đá.
Hậu quả của việc cấp mỏ ồ ạt, tràn lan là chỉ trong một thời gian ngắn, từ chỗ lác đác số ít mỏ phục vụ xây dựng nhỏ lẻ trên địa bàn, Kỳ Anh đã có đến hơn 50 mỏ đá được cấp phép hoạt động. Các mỏ đá lớn, nhỏ, được cấp phép khai thác từ 30 năm trở lên và được đầu tư từ hàng chục lên đến hàng trăm tỷ đồng bủa vây công trường Formosa.
Ông Phan Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội khai thác và chế biến đá thị xã Kỳ Anh chua xót thừa nhận, cá nhân ông và các chủ mỏ đầu tư theo tin đồn mà không biết chính xác số lượng đá công trường Formosa cần.
Tuy nhiên, theo ông Hồng, thực tế thật là khi đi vào xây dựng, công trường Formosa chỉ sử dụng một khối lượng ít hơn rất nhiều so với thông tin trước đó. Chính điều này đã làm cho nhiều doanh nghiệp đá lao đao khi sản xuất ra hàng loạt sản phẩm, đá chất cao như núi mà không thể tiêu thụ được.
“Trong số hơn 60 mỏ đá, phần lớn đã đóng cửa hoặ đi dời đi chỗ khác, chỉ còn 10-12 mỏ nhưng hoạt động cầm chừng, chờ chết. Nhiều mỏ năng lực khai thác theo công suất lên đến 500.000m3/năm, nhưng thực tế chỉ hoạt động khai được 20% thiết kế do sản phẩm làm ra không biết tiêu thụ ở đâu” – ông Hồng nói.
Nhiều chủ mỏ cay đắng thừa nhận, sản phẩm không tiêu thụ được, các chủ mỏ lại rơi vào một cuộc cạnh tranh thiếu lành mạnh, đua nhau bán phá giá “mạnh ai nấy chạy". Hậu quả là đá không ngừng rớt giá, nhiều doanh nghiệp chấp nhận bán lỗ để chi phí xăng xe, chi trả lương cho công nhân.
Trong cơn bĩ cực, cuối năm 2014, các chủ mỏ đá ở Kỳ Anh đã quyết thành lập Hiệp hội mỏ đá Kỳ Anh để mong cứu vãn tình thế khó khăn. Thế nhưng mọi nỗ lực của hiệp hội này chẳng thể đem lại được kết quả khả quan nào.
Anh Trần Tuấn Anh, chủ mỏ đá Khe Giàn cay đắng: khi Hiệp hội đá thành lập chúng tôi mừng và hy vọng tình hình sẽ thay đổi, nhưng xem ra vẫn không ổn. Trong cuộc họp diễn ra đầu năm 2015, Hiệp hội đá đưa ra thông tin là trong năm 2015, phía Formosa sẽ cần khoảng 3 triệu khối đá, các mỏ đá nên dựa vào thông tin này để sản xuất khối lượng và xây dựng đơn giá. Tuy nhiên, đến đến thời điểm này có thể khẳng định thông tin này là không chính xác vì hầu như lượng mua từ Formosa là rất ít.
Trước cảnh sản xuất ra nhưng chẳng tiêu thụ được, nhiều mỏ đá thực yếu thì chết hẳn, còn những mỏ lớn thì bắt đầu chuyển sang hướng khác. Cơn Tria, Hồng Sơn, Đá Dàn... từng là những mỏ cánh chim đầu đàn cung cấp cho công trường Formosa, nhưng hiện đã rút nhiều máy móc và công nhân đến những tỉnh khác đầu tư.
Xin giảm phí, giản nợ để cứu mỏ
Trước bối cảnh khó khăn chung của hàng loạt mỏ đá trên địa, Hiệp hội khai thác và chế biến đá thị xã Kỳ Anh đã có rất nhiều công văn đề kêu cứu tới UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm cứu các chủ mỏ đá trước thảm cảnh đổ vỡ. Ông Phan Xuân Hồng – Chủ tịch Hiệp hội khai thác và chế biến đá thị xã Kỳ Anh cho biết, các chủ mỏ không chỉ gặp khó do sản phẩm làm ra không bán được mà còn do tỉnh thu phí “tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” quá cao và bất hợp lý.
Theo ông Hồng, đơn giá đá hộc 120.000 đồng/1m3 mà UBND tỉnh Hà Tĩnh Hà Tĩnh áp dụng theo Quyết định số 59/2014/ QĐ – UBND ngày 3/9/2014 quy định giá tính thuế tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh là quá cao. “Cũng mức phí ấy, trong khi Hà Tĩnh thu 120.000 đồng/m3 thì các tỉnh khác thu thấp hơn phân nửa, Thanh Hoá 65.000 đồng/1m3, Nghệ An 50.000 đồng/1m3; Quảng Bình 80.000 đồng/ 1m3 và Quảng Trị 80.000 đồng/1m3” – ông Hồng phản ánh.
“Chúng tôi đã nhiều lần có văn bản gửi Sở TN-MT và UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét điều chỉnh mức phí này cho phù hợp, sát với thực tế, nhưng đến nay kiến nghị của chúng tôi vẫn chưa được giải quyết. Nếu vẫn duy trì như hiện nay thì quá bất công cho các doanh nghiệp khai thác đá tại Hà Tĩnh nói chung và Kỳ Anh nói riêng” – ông Hồng nói.
Trong công văn số 04 ngày 3/8/2015 của Hiệp hội khai thác và chế biến đá thị xã Kỳ Anh gửi Sở Tài nguyên môi trường và UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu hàng loạt khó khăn của doanh nghiệp trước việc tỉnh có thông báo đốc thúc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2015. “Sau khi các doanh nghiệp khai thác đá nhận được thông báo thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2015, Hiệp hội nhận thấy trong điều kiện hoạt động kinh doanh khó khăn như hiện nay, với mức đóng nộp như thông báo năm 2015 là một con số vô cùng lớn đối với doanh nghiệp. Lợi nhuận từ hoạt động khai thác chế biến và tiêu thụ đá không đáp ứng đủ các nguồn đóng nộp ngân sách nhà nước, nhất là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” – công văn nêu rõ.
Theo tìm hiểu của Dân trí, những kiến nghị của Hiệp hội các mỏ đá Kỳ Anh hiện vẫn chưa được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận, bởi nếu chấp thuận kiến nghị này mục tiêu thu ngân sách 15.000.000 tỷ đồng mà tỉnh này đặt ra từ đầu năm là không thể đạt được. Khó khăn thêm chồng chất khó khăn, nên số mỏ còn ngắc ngoải còn lại phải đóng cửa là khó tránh khỏi. Những hậu quả, hệ lụy từ các mỏ đá chết yểu này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội trên địa bàn.