tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thịt bẩn “quật” chết ngành chăn nuôi khi hội nhập sâu?

  • Cập nhật : 31/10/2015

(Chan nuoi)

Đảm bảo an toàn thực phẩm hay kiểm soát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là nan giải bởi chịu sự chi phối của nhiều thành phần, cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành ...

 

Hội thảo quốc tế “Ngành chăn nuôi Việt Nam trong hội nhập kinh tế chia sẻ kinh nghiệm-định hướng tương lai” diễn ra hôm nay (27-10), tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, vấn đề đang lo nhất của ngành chăn nuôi khi hội nhập sâu chính là chất lượng an toàn sản phẩm chăn nuôi.

Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được ký kết. Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, ông đánh giá như thế nào về khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước còn lại trong TPP?

Đối với TPP, khả năng phát triển và cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam yếu thế hơn hẳn 11 nước còn lại, đặc biệt là so với Mỹ, Úc, Canada… Trong đó, đáng lo nhất chính là làm sao để đảm bảo chất lượng an toàn sản phẩm chăn nuôi vì hiện nay chăn nuôi nước ta còn khá nhỏ lẻ, thiếu chuỗi liên kết, khó truy xuất nguồn gốc.

Thời gian gần đây nổi lên vấn đề sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi. Chỉ riêng điều này thôi nếu kiểm soát không tốt thì khi hội nhập sâu chúng ta có khả năng sẽ mất ngay thị trường trên “sân nhà” chứ không nói gì tới khả năng có thể xuất khẩu.

Trên thực tế, cũng đã có những doanh nghiệp quy mô lớn tiến vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng. Đây là tín hiệu tốt có thể góp phần giải quyết vấn đề đảm bảo an toàn chất lượng trong chăn nuôi. Tuy nhiên, điều này cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng để dù doanh nghiệp lớn vào cuộc nhưng vẫn đảm bảo được ổn định đời sống cho người chăn nuôi chứ không thể đặt người chăn nuôi ngoài cuộc.

Việc đảm bảo an toàn thực phẩm nói chung, đặc biệt là kiểm soát sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi nói riêng đã được đề cập tới nhiều lần và cũng có nhiều biện pháp đưa ra. Tuy nhiên, kết quả chưa như mong đợi. Đâu là nguyên nhân chính, thưa ông?

Đây là vấn đề rất khó giải quyết triệt để. Đảm bảo an toàn thực phẩm hay kiểm soát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nan giải bởi chịu sự chi phối của nhiều thành phần, cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành như: Y tế, Công Thương, Công an chứ không riêng gì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đặc biệt, đảm bảo an toàn thực phẩm đòi hỏi rất lớn vai trò của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương, trong đó cấp địa phương rất quan trọng bởi hầu hết các khâu quản lý như đồng ruộng, chuồng trại đều nằm ở cấp địa phương. Nếu chính quyền cấp địa phương không thấy được tầm quan trọng này thì thậm chí có thể coi là “vô phương” giải quyết.

Theo ông, để ngành chăn nuôi dần gia tăng sức cạnh tranh trong hội nhập, đâu là giải pháp căn bản?

Tôi cho rằng, trước hết cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo hướng mở để hội nhập, làm sao đón được những tích cực từ hội nhập đem lại, đồng thời khắc phục được những tác động tiêu cực. Trong đó, điều quan trọng là phải đưa ra được những hàng rào kỹ thuật phù hợp nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước khi thuế suất nhập khẩu về 0%.

Bên cạnh vấn đề luật pháp, quan trọng nữa là tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, thấy được tác hại của việc sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi, chủ động tham gia chăn nuôi an toàn, đảm bảo an toàn thực phẩm mặt hàng chăn nuôi.

Hai yếu tố là hoàn thiện pháp lý và nâng cao ý thức người dân kết hợp với nhau sẽ góp phần cho ra những sản phẩm chăn nuôi an toàn, chất lượng, từ đó tăng sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong hội nhập.

Các loại phí, lệ phí trong chăn nuôi cũng là một trong những yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đến nay, vấn đề này đã được giải quyết như thế nào, thưa ông?

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Bộ Tài chính xung quanh vấn đề này. Sau quá trình rà soát, trao đổi, cuối cùng hai bên thống nhất các loại phí, lệ phí trong nông nghiệp nói chung được điều chỉnh theo hướng đơn giản, gọn nhẹ hơn.

Cụ thể, có 750 dòng phí thì nay chỉ còn 160 dòng, lệ phí 90 dòng thì chỉ còn 5 dòng. Nội dung điều chỉnh này đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ cũng như sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp này. Nếu được thông qua, tin rằng động thái này sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người chăn nuôi.

Xin cảm ơn ông!

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục