Hàng loạt mỏ đá phục vụ công trường Formosa phải đóng cửa hoặc ngắc ngoải chờ chết. Tình trạng này không chỉ xuất phát từ một cuộc đầu tư ồ ạt, chạy theo tin đồn của doanh nghiệp mà còn là hậu quả của việc cấp phép mỏ tràn lan.
“Hậu” dự án Vinashin tại Quảng Ninh: Những nhà máy nghìn tỉ bỏ hoang
- Cập nhật : 24/10/2015
(Tin kinh te)
Nhà máy cán thép tấm nóng khổ rộng đầu tiên của Việt Nam có công suất 500.000 tấn/năm giá trị gần 2.900 tỉ đồng chỉ hoạt động duy nhất một lần cách đây 5 năm, sau đó bị bỏ mặc hoang tàn từ đó đến giờ. Cách đó không xa, môt nhà máy phát điện diesel công suất 39MW cũng trong KCN Cái Lân (TP.Hạ Long, Quảng Ninh) có vốn đầu tư 36 triệu USD cũng chung cảnh ngộ.
Đó là những dự án nghìn tỉ hiện đang chịu cảnh bỏ mặc từ sau đại án Vinashin.
Nhà máy không một bóng công nhân
Cỏ lau vây kín cao gấp hai đầu người, hoang tàn, sắt thép hoen gỉ và bám bẩn là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi trở lại nhà máy (NM) cán thép tấm nóng khổ rộng nhất Việt Nam và NM phát điện diesel tại KCN Cái Lân (TP. Hạ Long) sau hơn 5 năm bị bỏ mặc. Trong khu vực nhà máy rộng hàng chục hecta, không một máy móc, thiết bị nào hoạt động và cũng chẳng có một bóng dáng công nhân. Toàn bộ giàn máy các loại trong một nhà xưởng rộng mênh mông bị phủ bụi và hoen gỉ.
Theo lãnh đạo Cty cán nóng thép Cái Lân: Toàn bộ NM thép cán nóng khổ rộng đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm này phục vụ đóng tàu công suất 500.000 tấn/năm được đầu tư với trị giá gần 2.900 tỉ đồng và được vận hành chạy thử, cho ra mẻ thép tấm đầu tiên đạt yêu cầu vào tháng 1.2010. Từ đó đến nay, lò luyện luôn trong tình trạng tắt ngấm và không thể bàn giao cho phía Cty cán nóng thép Cái Lân do những “bê bối” của Tập đoàn Vinashin.
“Thỉnh thoảng một nhóm nhân viên bảo trì của tổng thầu là Cty CP công nghiệp nặng Cửu Long qua làm nhiệm vụ kiểm tra, bảo trì, nhưng vẫn không thể giúp NM tránh bị hủy hoại, xuống cấp do lâu ngày không hoạt động” - một nhân viên nữ ở Cty cán nóng thép Cái Lân lo lắng.
Nằm cánh đó vài trăm mét là NM phát điện diesel công suất 39MW cũng tắt ngấm lò. Dự án khi đó được chủ đầu tư Vinashin (nay là TCty Công nghiệp tàu thủy) ký hợp đồng EPC (chìa khóa trao tay) với trị giá 35,95 triệu USD với một đối tác nước ngoài. Khi chưa kịp phân phối vào lưới điện quốc gia và cung cấp cho NM cán nóng thép Cái Lân, vị Chủ tịch Cty công nghiệp tàu thủy Cái Lân khi đó là ông Tô Nghiêm bị cơ quan điều tra bắt giữ và đưa ra xét xử trong vụ án Vinashin. Chỉ khi đó, người ta mới biết là thiết bị chính của NM phát điện diesel được tháo dỡ từ một NM điện cũ sử dụng từ thập niên 70 của thế kỷ trước tại Trung Quốc.
Do khó khăn kinh tế sau sự “sụp đổ” của Tập đoàn Vinashin, TCty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) được thành lập trên cơ sở kế thừa Tập đoàn Vinashin. Do đó, 2 NM này thuộc quyền quản lý của SBIC. Tiếc rằng, nhiều năm trôi qua, giải pháp hồi phục các NM công nghiệp trên vẫn bế tắc.
Ông Hoàng Việt Văn - Giám đốc Cty cán nóng thép Cái Lân - cho biết: “TCty lập ra tổ công tác tái cơ cấu đề xuất các giải pháp trình Bộ GTVT. Không những vậy, phía tổng thầu Cửu Long cũng gửi công văn lên bộ đề nghị được thuê lại NM để sản xuất thép tấm nhưng chưa có phản hồi tích cực. “Do NM cán thép đang mắc khoản nợ chủ yếu từ nguồn trái phiếu chính phủ và một số ngân hàng đang là rào cản, dẫn đến “bế tắc” phương án phục hồi sản xuất” - ông Văn lý giải.
Cũng theo vị này, chỉ cần bảo dưỡng, khởi động chạy lại NM ở mức tối thiểu với số tiền ban đầu trên 100 tỉ đồng, NM cán thép Cái Lân có thể “hồi sinh” trở lại và cung cấp nguồn thép tấm khổ rộng cho các đơn vị đóng tàu trong nước. Tuy nhiên, ước mơ đó còn quá xa vời, trong khi những gánh nặng về tài chính sau sự vụ Vinashin đang còn đó, để lại hậu quả nghiêm trọng cho đơn vị tiếp quản là SBIC.
Khả năng trở lại sản xuất của NM phát điện diesel cũng hoàn toàn mờ mịt. Do nhập công nghệ lạc hậu nên có hoạt động cũng không thể đủ bù chi phí mua dầu chạy máy chứ chưa nói đến chuyện vay nợ. Hiện toàn bộ công nợ và tài sản của NM điện đang bị phong tỏa theo chỉ đạo của Chính phủ. “Chúng tôi là một trong số ngân hàng hiện còn dư nợ trên 200 tỉ đồng nhưng theo chỉ đạo, một phần được chuyển sang trái phiếu thanh toán, phần lớn còn lại ngân hàng đưa vào xử lý quỹ rủi ro dự phòng. Trông chờ phía Cty công nghiệp tàu thủy Cái Lân thanh toán... thì chưa biết đến bao giờ” - lãnh đạo Agribank chi nhánh Quảng Ninh tỏ ra ngao ngán .
Như vậy, sau hơn 5 năm bỏ không, các NM trị giá hàng nghìn tỉ đồng đang xuống cấp nghiêm trọng, trong khi theo đại diện Cty đóng tàu Hạ Long, toàn bộ nguồn thép đóng tàu trong nước đang phải nhập khẩu 100% khiến ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam gặp rất nhiều bất lợi về giá thành và tỉ lệ nội địa hóa, do mỗi năm phải chi ra hàng chục triệu USD nhập khẩu thép tấm. Dư luận đòi hỏi cơ quan chủ quản là Bộ GTVT sớm có phương án đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành nhằm khôi phục sản xuất nhà máy cán thép lớn nhất Việt Nam ở thời điểm này.