Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 trở đi, miền Bắc đã chính thức vào mùa nắng nóng, tiêu thụ bia được dự báo sẽ tăng cao và đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ bia trong nước tận dụng để gia tăng mạnh cả số lượng và chủng loại sản phẩm.
Than ngoại và những bài học cho ngành than trong nước
- Cập nhật : 15/05/2016
(Tin kinh te)
Các chuyên gia năng lượng nhận định xu hướng sử dụng than nhập là cần thiết bởi giá rẻ hơn, và quan trọng nhất là giúp phá thế độc quyền ngành than trong nước bấy lâu nay.
Qua khảo sát củaTBKTSG Onlinetuần qua, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3, một trong bốn nhà máy nhiệt điện trong Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải, đang bước vào giai đoạn lắp đặt máy móc, thiết bị để cuối năm 2016 vận hành tổ máy số 1 (công suất 622,5 MW) và sang năm 2017 tiếp tục vận hành tổ máy số 2 có công suất tương tự tổ máy 1. Nguồn than cung cấp cho nhiệt điện Duyên Hải 3 hoàn toàn là than nhập khẩu.
Nếu so sánh với nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 đã vận hành đang sử dụng than cám 6a cung cấp từ Quảng Ninh, nguồn than nhập khẩu chắc chắn mang lại hiệu quả nhiều hơn. Thứ nhất, về nhiệt lượng, than nhập khẩu có chất lượng tốt hơn, lượng tro xỉ than nhập thải ra khoảng 6-7% tổng lượng than đốt, trong khi than cám 6a trong nước thải ra lượng tro xỉ đến xấp xỉ 35%.
Quan trọng nhất, theo một chuyên gia vận hành nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, giá than Bitum nhập khẩu từ Indonesia làm nguyên liệu cho nhiệt điện Duyên Hải 3 có giá thấp hơn nhiều so với than mua trong nước.
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 chỉ là một trong số hàng loạt nhà máy nhiệt điện sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu để đốt phát điện trong tương lai. Một số nhà máy nhiệt điện theo kế hoạch cũng sẽ sử dụng than nhập như Duyên Hải 3 mở rộng (600 MW), Vĩnh Tân 4 (1.200 MW) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư và thêm khoảng 5 nhà máy nhiệt điện than khác với tổng công suất 6.000 MW do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư sử dụng nguồn than nhập khẩu.
Xu hướng nhập khẩu than thay thế dần nguồn than trong nước được một số chuyên gia năng lượng khẳng định là điều tất yếu, cần thiết để vừa đảm bảo nhu cầu năng lượng, vừa hạn chế khai thác cạn kiệt tài nguyên quốc gia, vừa giảm bớt thế độc quyền của đơn vị khai thác than trong nước bấy lâu nay. Hiện cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện than và sẽ tăng lên 52 nhà máy vào năm 2030 với tổng số lượng than cần nhập khẩu khoảng 85 triệu tấn mỗi năm.
“Nhập khẩu than là điều chắn chắn cần làm trong những năm tới để đảm bảo an ninh năng lượng. Thế nhưng điều cần làm nhất là các nhà máy điện sử dụng than cần được đầu tư công nghệ để tránh bị động, không lệ thuộc, nhất là giải pháp ứng phó với những biến động nguồn cung, về tỷ giá. Nhìn chung, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích người tiêu dùng điện thì chắc chắn cần nhập khẩu than”, ông Nguyễn Thành Sơn, một chuyên gia ngành năng lượng nhận định qua trao đổi vớiTBKTSG Onlinehôm nay (14-5).
Do tính độc quyền của nhà sản xuất than trong nước lâu nay nên mới có chuyện ngành than “ngủ quên”, chậm đổi mới công nghệ dẫn đến giá thành khai thác ngày càng cao, giá bán than trong nước cao hơn cả than nhập khẩu là điều khó chấp nhận được. Và hệ lụy là việc nhiều nhà máy sản xuất điện, xi măng, đạm, sắt thép… đang tính toán phương án nhập khẩu than giá rẻ thay thế than trong nước.
Một số phương tiện truyền thông vài ngày qua cũng đưa tin Tập đoàn Công nghiệp than Khoáng sản Việt Nam đang tồn kho khoảng 10 triệu tấn than.
Bình luận về vấn đề trên, ông Nguyễn Thành Sơn chia sẻ rằng than của Việt Nam lâu nay vẫn được xem là tốt hơn so với nhiều nước, không thể có việc than xấu tệ đến độ tồn cả chục triệu tấn không bán được. Cần phải làm rõ chất lượng than tồn kho hiện nay ra sao, có thực là than tồn kho hoàn toàn là than sạch.
Cần nhắc lại, vào tháng 8-2015, Thủ tướng Chính phủ từng yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra các điểm khai thác, vận chuyển, chế biến, bãi tập kết nhằm phát hiện và xử lý việc khai thác, kinh doanh than trái phép.
Theo chỉ thị, do tài nguyên than phân bố trên diện rộng, địa hình phức tạp và lợi nhuận bất chính từ than rất lớn là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vận chuyển, kinh doanh than trái phép còn xảy ra và có nguy cơ tái diễn.
Theo Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Quảng Ninh là vùng đất có trữ lượng than lớn nhất nước với trên 3 tỉ tấn và bể than Quảng Ninh đã được khai thác trên 100 năm qua. Ngoài ra, Việt Nam còn có các bể than khác như Thái Nguyên, Sông Đà, Nông Sơn, Sông Hồng …
Tài nguyên dồi dào là thế, tuy nhiên dưới góc nhìn của một số nhà môi trường, chi phí vốn cho mỗi ký than bán ra lâu nay thường chỉ được tính toán gồm các chi phí khai thác, lương công nhân, vốn đầu tư mỏ. Còn những tác động đến ô nhiễm môi trường, nguồn nước, sức khỏe thợ mỏ, những tác động đến biến đổi khí hậu, du lịch dường như chưa được các công ty khai thác than tính đến một cách đầy đủ.
Theo TBKTSG