tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cơn thoái trào của ngành khai khoáng

  • Cập nhật : 18/05/2016

(Tin kinh te)

Thời hoàng kim của ngành khai khoáng, thời mà thị trường khai mỏ, mua bán giấy phép diễn ra sôi động dường như đã chấm dứt.

Một quyết định chưa có tiền lệ trong lĩnh vực khai khoáng của Việt Nam vừa được đưa ra: Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản An Thông (thuộc tập đoàn Hòa Phát) đã hoàn tất hồ sơ đề nghị trả lại hai mỏ quặng sắt có trữ lượng lớn đang khai thác tại Hà Giang cho Tổng cục Địa chất Khoáng sản. Hành động có thể là dấu hiệu chấm dứt thời hoàng kim của ngành khai khoáng, thời mà thị trường khai mỏ, mua bán giấy phép diễn ra sôi động.

Chi phí cao, giá bán thấp

Ngành khai khoáng gặp khó từ đầu năm 2013 dẫn đến việc hàng loạt công ty phải tạm đóng cửa mỏ, ngừng khai thác. Tình trạng xuất khẩu khoáng sản lậu vốn rất sôi động những năm trước cũng “chìm” hẳn do phía Trung Quốc không mua quặng lậu nữa. Việc các doanh nghiệp kêu ca vì không xin được giấy phép xuất khẩu để gỡ khó, vì thế, cũng không còn.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp làm đơn xin trả lại hai mỏ quặng có trữ lượng lớn đang khai thác lại là chuyện khác. Trong lịch sử ngành khai khoáng, chưa từng có tiền lệ như trường hợp của An Thông. Tháng 11-2015, công ty này đã làm hồ sơ xin trả lại hai giấy phép khai thác các mỏ quặng sắt Tùng Bá và mỏ tại khu Cao Vinh - Khuôn Làng (tỉnh Hà Giang) vốn đã khai thác từ 5-6 năm nay. Lý do được đưa ra là chi phí khai thác quá cao trong khi hàm lượng sắt trong quặng thấp, trung bình từ 30-40%...

Mặt khác, giá quặng sắt hiện nay đã giảm từ 30-50% so với đầu năm 2014 và An Thông đã lỗ lũy kế 204 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chi phí khắc phục để đảm bảo môi trường quá cao khi phân bổ vào giá thành quặng khai thác và doanh nghiệp còn phải chịu các nghĩa vụ với Nhà nước như tiền cấp quyền khai khoáng, tiền sử dụng số liệu thông tin địa chất hàng trăm tỉ đồng trong bối cảnh đầu ra gặp khó khăn.

Nói tóm lại, sau khi cân nhắc hiệu quả kinh tế, An Thông thấy không gánh nổi chi phí khai thác mỏ nên quyết định nhập quặng về để chế biến sâu, thay vì khai thác trong nước. Thực tế, mỏ Tùng Bá đi vào khai thác từ quí 4-2011 đến tháng 7-2012 thì dừng. Sản lượng thực tế đã khai thác ước tính khoảng 9,6% so với tổng trữ lượng được cấp phép. Mỏ Cao Vinh - Khuôn Làng cũng khai thác hơn một năm (tháng 4-2013 đến tháng 10-2014) thì dừng. Sản lượng đã khai thác ước tính bằng 2,7% trữ lượng được cấp phép.

Theo tìm hiểu của TBKTSG, để có được quyền khai thác một mỏ quặng, doanh nghiệp phải trải qua quá trình thăm dò, xin phép... với chi phí lên đến hàng trăm tỉ đồng. Không lẽ chỉ vì khó khăn nhất thời, nhà đầu tư dễ dàng từ bỏ tất cả để trả lại mỏ quặng cho Nhà nước?

Theo quy định của Luật Khoáng sản (sửa đổi) có hiệu lực từ tháng 7-2011 và hơn một năm sau đó mới có nghị định hướng dẫn, để được cấp quyền khai thác mỏ, doanh nghiệp phải nộp hai loại tiền. Thứ nhất là tiền cấp quyền khai thác, được tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng trữ lượng mỏ. Ví dụ, mỏ Tùng Bá có trữ lượng thăm dò dự báo 15 triệu tấn thì phải nộp tiền cấp quyền khai thác tương đương 2% con số đó nhân với đơn giá mỗi tấn tại thời điểm nộp tiền. Số tiền này được phân bổ nộp hàng năm, trong khoảng 5-8 năm. Thực ra số tiền này trùng với thuế tài nguyên (thu theo khối lượng khai thác thực tế), nghĩa là doanh nghiệp phải nộp hai lần tiền. Các doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng chưa được giải quyết.

Thứ hai, doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng số liệu thông tin địa chất. Số tiền này được bộ hoặc địa phương áp, cỡ vài chục tỉ đồng/mỏ và nộp luôn một lần trước khi nhận giấy phép.

An Thông dù được tập đoàn Hòa Phát hỗ trợ rất mạnh nhưng vẫn không thể kham nổi chi phí hàng trăm tỉ đồng mỗi năm nên quyết định trả lại mỏ cho Nhà nước. Sau khi trả lại hai mỏ nói trên, tập đoàn Hòa Phát vẫn khai thác mỏ Minh Sơn (cũng tại Hà Giang) do chi phí thấp hơn.

Nhà nước lúng túng

Lâu nay, chỉ có việc Nhà nước thu hồi hoặc “đe” doanh nghiệp chuyện thu hồi mỏ chứ chưa rơi vào tình trạng bị động như trường hợp An Thông. Ngay cả Luật Khoáng sản (sửa đổi) và nghị định sau đó cũng chỉ hướng dẫn về thủ tục hành chính đối với việc trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản chứ không quy định chi tiết về chuyện này. Theo đó, doanh nghiệp được quyền trả lại mỏ sau khi hoàn thành hồ sơ hành chính và nộp tại cơ quan có thẩm quyền. Thời hạn giải quyết trả lại tối đa là 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và doanh nghiệp hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Tất nhiên, trường hợp phải lấy ý kiến của cơ quan quản lý liên quan thì thời hạn kéo dài hơn nhưng không quy định tối đa là bao lâu.

Theo thông tin của TBKTSG, đến nay, Tổng cục Địa chất Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã nhận đủ hồ sơ của An Thông nhưng cũng vì thiếu hướng dẫn chi tiết nên chưa ra quyết định tiếp nhận lại mỏ. Ví dụ Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp trả lại mỏ nộp các giấy tờ chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính (thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường...) nhưng hướng dẫn tỷ lệ thu tiền cấp quyền khai thác, tiền sử dụng số liệu thông tin địa chất... tính đến thời điểm trả lại mỏ như thế nào vẫn chưa có.

Câu hỏi đặt ra là An Thông đã đầu tư hàng trăm thậm chí đến cả ngàn tỉ đồng nay xin trả lại mỏ liệu có quá vội vàng? Khi giá thế giới tăng trở lại, việc xin khai thác mỏ mới liệu có còn dễ dàng được chấp thuận? Đại diện An Thông nói rằng, quyết định này đã được cân nhắc rất kỹ chứ không vội vàng. “Với giá thành và chi phí khai thác như hiện nay, giá quặng quốc tế hàm lượng Fe 62% phải đạt trên 100 đô la Mỹ/tấn thì mới đến điểm hòa vốn. Nhưng không biết liệu 10 năm nữa giá quặng có quay lại mốc 100 đô la không vì xu thế giá vẫn còn đi xuống. Và càng không rõ thời điểm nào giá quặng mới có thể quay lại đỉnh cao 180-190 đô la/tấn như năm 2011. Do đó, chúng tôi buộc phải dừng để giảm lỗ”, vị đại diện nói và cho biết thêm, tại thời điểm An Thông đầu tư khai thác hai mỏ nói trên, giá quặng ở mức hơn 100 đô la Mỹ/tấn.

Một vấn đề khác đặt ra là tại sao tình hình khó khăn chung nhưng chỉ có An Thông xin trả lại mỏ, còn hàng trăm doanh nghiệp dù đã tạm ngừng khai thác nhưng vẫn không trả lại? Đại diện An Thông cho rằng, nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể chây ì đóng các loại thuế, phí nên tiếp tục giữ mỏ, còn An Thông do không thể chây ì mà cũng không gánh nổi chi phí quá lớn nên buộc phải chọn điểm dừng.

Theo Lan Nhi - TBKTSG

Trở về

Bài cùng chuyên mục