Ngày 19/5 Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, ông Han Myoungsup đã đến thăm và khảo sát năng lực của Công ty Dây và Cáp điện Ngọc Khánh và công ty In và Bao bì Goldsun, để đánh giá và thẩm định năng lực trong việc cung ứng linh, phụ kiện cho các nhà máy của Samsung.
Cơ khí hội nhập: Người bảo dễ, kẻ than khó
- Cập nhật : 13/05/2016
(Tin kinh te)
Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, song đến nay ngành sản xuất sản phẩm cơ khí, luyện kim vẫn chỉ dừng lại ở mức gia công.
Xuất phát điểm khá thấp, năng lực còn yếu về tài chính và công nghệ, mỏng về nhân lực… ngành cơ khí Việt Nam vẫn đang phải vật lộn trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của xu thế hội nhập mở rộng. Tuy nhiên, cũng không ít DN đã thích ứng và tìm được phân khúc thị trường cho mình, phát triển khá bền vững.
Nói về điều ấy, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển cơ khí Việt Nam cũng đề cập đến một khía cạnh thực tế, hội nhập không phải là một thử thách đáng sợ với đa số DN cơ khí Việt Nam.
“Khi TPP có hiệu lực có thể nhìn thấy nhiều thuận lợi để phát triển ngành cơ khí. Cụ thể là khả năng DN tiếp cận nhanh hơn với công nghệ của các nước phát triển thông qua các cam kết hỗ trợ thương mại”, ông Thịnh dự báo. Bởi TPP tuy đòi hỏi cao về bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhưng cũng bảo đảm các thuận lợi hơn trong chuyển giao công nghệ. Đây cũng là cơ hội các nước chậm phát triển nhanh chóng thụ hưởng các ưu đãi, lợi ích đem lại từ TPP, nếu họ chọn đúng các công nghệ để nâng cao năng lực.
Thừa nhận thời gian qua các DN cơ khí Việt Nam đã bước đầu hội nhập, một số công trình, dự án lớn đã được các DN cơ khí trong nước đảm nhiệm và thực hiện thành công. Tuy nhiên, ông Đào Phan Long, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, ngành cơ khí vẫn chưa thực sự phát triển vững chắc.
Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, song đến nay ngành sản xuất sản phẩm cơ khí, luyện kim vẫn chỉ dừng lại ở mức gia công. Bất chấp việc Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, định hướng và chính sách ưu đãi cho ngành cơ khí, nhưng các DN thời gian qua vẫn rất khó tiếp cận.
“Ở nhiều lĩnh vực, DN trong nước vẫn chưa đủ sức tự chế tạo ra một số sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế. Do vậy, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập siêu nhiều tỷ USD trang thiết bị, vật tư cho các ngành công nghiệp và cho bản thân ngành chế tạo cơ khí, luyện kim”, ông Long nói. Số liệu của Viện nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, trong năm 2015, riêng nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng, linh kiện đã đạt giá trị 27,6 tỷ USD, chiếm gần 17% kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Ở góc độ DN, nhiều CEO cũng tin rằng để thoát khó đối với ngành cơ khí Việt Nam không phải là dễ dàng. Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), ông Lê Văn Tuấn cho rằng, khi tham gia TPP, thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội. Bởi các đối tác trong TPP đều là những nước có nền kinh tế phát triển, do đó chuẩn mực sản phẩm của họ cao hơn.
Các sản phẩm của Việt Nam khi vào được các thị trường này đòi hỏi phải bảo đảm nhiều yếu tố về chất lượng, thời gian giao hàng, năng suất lao động cũng như tính hệ thống trong quản trị DN, điều kiện sản xuất kinh doanh... Nhưng những yếu tố này, nhiều DN cơ khí Việt Nam lại chưa đáp ứng được hoặc thiếu tính chuyên nghiệp.
“Thực tế việc chế tạo, xuất khẩu sản phẩm cơ khí đã được triển khai từ nhiều năm trước khi Việt Nam tham gia một số FTA song phương và đa phương khác. Tuy nhiên, các đơn hàng cứ mai một dần vì nhiều lý do, trong đó có tư duy của một số DN là khi những đơn hàng đầu tiên chất lượng đảm bảo nhưng càng về sau chất lượng giảm sút. Hoặc một số lãnh đạo DN khi bạn hàng đặt một số lượng nhỏ thì không quan tâm đúng mức mà bỏ qua, dẫn đến mất những đơn hàng lớn về sau”, ông Tuấn cho biết.
Lãnh đạo một DN cơ khí khác cũng cho rằng, khi tham gia TPP, các DN cơ khí sẽ gặp khó khăn bởi từ lãnh đạo đến công nhân đều lúng túng, ngay hàng ngũ giám đốc trình độ ngoại ngữ cũng còn yếu kém, kinh nghiệm đàm phán, ứng xử đều thua xa DN nhiều nước. Trong khi DN các nước tham gia TPP đều hơn DN Việt Nam nhiều mặt từ tiềm lực tài chính, chất lượng sản phẩm đến kinh nghiệm thương trường.
Trình độ công nhân cũng là một thách thức lớn với DN Việt Nam bởi ý thức kỷ luật chưa cao, chất lượng không đồng đều, nhất là chưa có sự gắn bó nỗ lực cùng DN. Chính vì vậy, ông Tuấn cho rằng, nâng cao quản trị là yếu tố sống còn đối với các DN.
Về vấn đề này, Chủ tịch VAMI, ông Nguyễn Văn Thụ cũng đồng tình rằng, để hội nhập thành công, trước mắt là phải thay đổi tư duy. Thực tế các DN cơ khí trong nước còn manh mún, nhỏ lẻ, năng lực và tiềm lực hạn chế cho nên vẫn tồn tại kiểu ăn xổi, chụp giật. Khi tham gia TPP các DN sẽ phải đạt yêu cầu đơn hàng theo tiêu chuẩn của nước ngoài và sẽ không có chuyện chất lượng kém và chậm tiến độ.
Do vậy, trong lúc chờ đợi các chính sách của Nhà nước phát huy hiệu quả, các DN cơ khí cần chủ động thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp. “Nếu cứ tư duy ao làng như hiện nay, sẽ không thể làm ăn với đối tác nước ngoài”, ông Thụ nhấn mạnh.
Trần Hương