Gần đây, chuyên viên ngành của CTCK Rồng Việt đã có dịp gặp gỡ và trao đổi về hoạt động kinh doanh của đại diện hai DN trong ngành cao su là DPR (Cao su Đồng Phú) và PHR (Cao su Phước Hòa). Giới phân tích ghi nhận cổ phiếu ngành này có sự chuyển biến đáng kể, đáng để đầu tư.
Cận cảnh những cổ phiếu có diễn biến lạ
- Cập nhật : 24/07/2016
Trong thời gian qua, thị trường chứng khoán đã nổi lên một số giao dịch bất thường, có thể kể đến một số trường hợp giao dịch “điên loạn” như KSA, KHB…, hay tệ hơn như cổ phiếu MTM khiến nhiều cổ đông “mất trắng” tiền.
Tăng, giảm bất thường
Đối với KSA của CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận, hơn 10 phiên giảm sàn liên tục (tính từ ngày 21-6 đến ngày đến ngày 11-7) đã đẩy giá cổ phiếu này rơi từ 5.000 đồng/CP xuống còn 2.500 đồng/CP, sau đó có 2 phiên tăng trần (12 - 13/7) để rồi lại quay đầu giảm sàn liên tục đến nay, KSA chốt phiên ngày 21-7 chỉ còn 2.300 đồng/CP, nghĩa là giảm gần 60% trong vòng 1 tháng.
Điều đáng lo ngại hơn nữa là áp lực bán sàn ngày càng tăng với khối lượng đặt bán giá sàn có phiên lên tới hơn 50 triệu đơn vị, trong khi tổng số cổ phiếu KSA hiện đang lưu hành chỉ đạt gần 94 triệu đơn vị.
Tính đến ngày 30-6-2016, danh sách cổ đông lớn của KSA chỉ ghi nhận 1 tổ chức là Công ty Chứng khoán VSM (sở hữu 5,95% vốn điều lệ). Vậy nguồn gốc của những phiên giao dịch bất thường khi lệnh đặt bán lên tới 50 triệu cổ phiếu KSA, chiếm trên 50% vốn điều lệ đến từ đâu là một câu hỏi ngỏ, cần sự vào cuộc của nhà quản lý.
Theo giải trình của KSA, yếu tố dẫn đến việc cổ phiếu này giảm sàn 12 phiên liên tiếp là do từ cuối tháng 6/2016, trên thị trường chứng khoán xuất hiện tin đồn KSA có liên quan đến CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM), sau khi MTM bị tạm ngừng giao dịch. Mức giá 2.300 đồng/CP mà KSA đang giao dịch cũng là mức giá thấp nhất lịch sử cổ phiếu này kể từ khi niêm yết. Tuy nhiên, KSA khẳng định, toàn bộ thành viên HĐQT, Ban điều hành, Ban Kiểm soát và Công ty không có bất cứ liên hệ nào với MTM.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, sau 6 tháng đầu năm 2016, ước tính doanh thu KSA đạt 170 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 5,9 tỷ đồng. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 157% và 103% so với cả năm 2015. Công ty này cũng đã thỏa thuận xong và mua được mỏ quặng titan với diện tích 792 ha có trữ lượng hơn 4 triệu tấn tại Ninh Thuận, đồng thời tiếp tục thực hiện dự án nhà máy chế biến xỉ titan Bình Thuận.
Một cổ phiếu “anh em nhà khoáng sản” là KHB của CTCP Khoáng sản Hòa Bình cũng ghi nhận có những dấu hiệu giao dịch bất thường tương tự khi giảm hơn 60% trong 1 tháng giao dịch.
Trước đó, cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung cũng đã gây sốc đối với nhà đầu tư khi ghi nhận mức giảm 75% giá trị chỉ sau 2 tháng lên thị trường UPCoM.
Thực tế, VN-Index tăng điểm mạnh trong thời gian qua, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng có thể kiếm lời bởi dòng tiền phân hóa quá mạnh, chủ yếu tập trung vào những mã vốn đã tăng giá khá cao.
Ngoài những cổ phiếu ghi nhận mức tăng “tự nhiên” theo thị trường thì cũng có những cổ phiếu ghi nhận mức tăng đột biến, trong đó, đáng chú ý có trường hợp VNH của CTCP Thủy sản Việt Nhật khi cổ phiếu này ghi nhận mức tăng gấp đôi trong chưa đầy một tháng từ hơn 1.000 đồng/CP (cuối tháng 6-2016) lên 2.200 đồng/CP (chốt phiên ngày 21-7) trong khi thực trạng tại VNH rất bê bết, Công ty đã phải ngừng hoạt động kinh doanh.
Tính đến hết quý I-2016, VNH lỗ lũy kế 50,9 tỷ đồng và nợ vay ngân hàng là 30,23 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý I-2016, Công ty lỗ gần 1 tỷ đồng. Nguyên nhân là do VNH đã ngừng hoạt động sản xuất - kinh doanh, doanh thu bán hàng không có nhưng do các chi phí vẫn phát sinh khiến Công ty ghi nhận lỗ.
Một trường hợp nữa là cổ phiếu BSC của CTCP Dịch vụ Bến Thành cũng đang được ghi nhận giao dịch khá “bất thường” khi cổ phiếu này tăng hơn 100% giá trị trong vòng 3 tuần trở lại đây, tăng từ 10.100 đồng (chốt phiên 1-7) lên 21.300 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 21-7). Đáng chú ý, cổ phiếu này có thanh khoản rất thấp, trung bình mỗi phiên chỉ có 100 - 300 cổ phiếu giao dịch và có những phiên trắng giao dịch.
Ứng xử với những cổ phiếu bất thường
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng cho rằng, rủi ro đối với những cổ phiếu có biến động tăng, giảm lớn chỉ trong một thời gian ngắn là vô cùng lớn và việc chốt lãi, cắt lỗ đối với nhóm cổ phiếu này cũng rất khó khăn. Điều đáng nói là trên sàn niêm yết có rất nhiều cổ phiếu loại này.
Nhiều chuyên gia chứng khoán cũng nhận định, hoạt động bắt đáy tại KSA của nhà đầu tư trong tuần qua khá giống với đợt bắt đáy JVC năm ngoái. Tuy nhiên, rủi ro bắt đáy KSA thậm chí còn lớn hơn nhiều so với JVC khi mà tình hình của công ty này còn mù mờ hơn JVC.
Vậy làm thế nào để nhận biết cổ phiếu “bất thường”? Đầu tiên, cần phải nói là đây là những cổ phiếu thuần túy đầu cơ, nhà đầu tư có thể nhận ra vì những công ty này thường thiếu yếu tố cơ bản và duy trì thị giá thấp trong thời gian dài. Giá bật tăng không vì lý do gì nên được thị trường xem là "hàng nóng".
Bởi vậy, theo ông Khánh, các nhà đầu tư không chịu đựng được rủi ro nên tránh xa những mã này, kể cả lúc nó bật tăng. Những mã cổ phiếu này chỉ phù hợp với những nhà đầu tư đã dày dạn kinh nghiệm, và ít nhiều đã nắm được “nguyên lý” diễn biến giá cổ phiếu cũng như dòng tiền vào ra. Ngoài ra, các nhà đầu tư tham gia còn phải có khả năng chịu đựng rủi ro cao, chấp nhận nguy hiểm, biết điểm dừng khi giá chuyển biến ngược với suy đoán thì mới có thể đụng đến “hàng nóng”.
Đối với cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung lại càng nghiêm trọng hơn khi công ty này đã có những dấu hiệu lừa đảo, cung cấp thông tin không đúng thực tế tại hồ sơ đăng ký giao dịch và hồ sơ công bố thông tin sẽ được xem xét chuyển sang cơ quan điều tra theo đúng quy định pháp luật. Với những vi phạm này, cổ phiếu MTM đã bị Sở GDCK Hà Nội tạm dừng giao dịch.
Ai cũng có thể nhìn thấy, những giao dịch như trên là bất thường. Theo quy định hiện hành, khi các giao dịch trên TTCK có dấu hiệu bất thường theo tiêu chí giám sát tại hai Sở, Sở sẽ thực hiện báo cáo gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tại đây, các bộ phận chuyên môn sẽ mổ xẻ, phân tích các dấu hiệu, giám sát sâu hơn, đặc biệt là giám sát dòng tiền và giám sát mối liên hệ giữa các nhóm đối tượng có nghi vấn câu kết thực hiện giao dịch.
Bản thân nhà quản lý là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng từng thừa nhận, việc giám sát sâu giao dịch chứng khoán là bài toán khó, bởi chức năng của cơ quan này còn khá hạn chế. Chẳng hạn, muốn giám sát về dòng tiền, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải tìm kiếm sự hợp tác của các ngân hàng hoặc cơ quan chức năng khác.
Mong muốn của nhà đầu tư hiện nay là nên chăng, định kỳ, hai Sở GDCK công bố danh sách các mã chứng khoán có biến động bất thường theo một số tiêu chí để nhà đầu tư có thể tham khảo, chẳng hạn, các mã đang bị một hay một số tài khoản tập trung mua - bán liên tục, các mã có giá đóng cửa thường xuyên biến động mạnh… Đây là cách mà nhiều thị trường chứng khoán tiên tiến đang áp dụng. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, nếu công bố công khai danh sách cổ phiếu, cơ quan quản lý cho rằng sẽ ảnh hưởng đến yếu tố tâm lý nhà đầu tư, sâu hơn là ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp nên thông thường, với các giao dịch có dấu hiệu bất thường, Sở thực hiện báo cáo về đầu mối là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để tiến hành phân tích sâu hơn.
Sau trường hợp MTM, HNX cũng cho biết, Sở đang nghiên cứu và sẽ sớm ban hành một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, đảm bảo các hoạt động trên TTCK minh bạch, công khai, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Theo Tin nhanh chứng khoán