tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Quỹ ngoại tính kế

  • Cập nhật : 27/07/2016

Vì sao những tay chơi tài chính quốc tế lại chọn thị trường London và ở trong thời điểm này?

Trái với tâm lý lo ngại sự kiện Brexit làm chao đảo thị trường tài chính quốc tế, một số nhà quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam vẫn đưa cổ phiếu quỹ đầu tư niêm yết trên thị trường chứng khoán London.

Câu chuyện gần đây nhất là việc niêm yết quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) lên Sở Giao dịch Chứng khoán London hồi đầu tháng 7 vừa qua. Trước đó, vào tháng 3, VinaCapital đã đưa Quỹ đầu tư Vietnam Opportunity Fund (VOF) lên sàn giao dịch chính của London sau 12 năm niêm yết tại sàn phụ của sở giao dịch này.

Theo VinaCapital, để được niêm yết trên sàn chính thức, quy mô quỹ phải đạt 250 triệu USD. Ở thời điểm niêm yết, giá trị tài sản ròng (NAV) của VOF vào khoảng 700 triệu USD. Việc VinaCapital đưa VOF lên sàn London là điều dễ hiểu vì trước đó, công ty quản lý quỹ này đã niêm yết nhiều quỹ của mình trên sàn phụ của Sở Giao dịch Chứng khoán London.

Về phía VEIL, để dọn đường cho việc niêm yết, hồi cuối năm ngoái VEIL đã sáp nhập với Quỹ đầu tư VGF (cũng thuộc Dragon Capital) để nâng giá trị tài sản lên khoảng gần 800 triệu USD khi đó. “Điều này giúp hấp dẫn nhà đầu tư hơn về quy mô niêm yết”, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Đầu tư của Dragon Capital và là nhà quản lý quỹ VEIL, cho biết. Con đường niêm yết của VEIL cũng gặp trở ngại một chút khi VEIL phải giảm tỉ lệ sở hữu ở Vinamilk để thỏa điều kiện sở hữu không quá 20% NAV đối với một cổ phiếu.

Như vậy, 2 quỹ đóng thuộc vào nhóm lớn và lâu năm nhất trên thị trường hiện đã hoàn tất việc niêm yết trên sàn chứng khoán London. Vì sao những tay chơi tài chính quốc tế lại chọn thị trường London và ở trong thời điểm này?

Cùng với New York, London là 1 trong 2 trung tâm tài chính lâu đời, có uy tín với quy mô giao dịch lớn nhất trên thế giới. Còn với Dragon Capital, theo ông Điền, là vì khách hàng của công ty quản lý quỹ này tập trung ở Anh và châu Âu nhiều hơn. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ thuộc vào loại quá đa dạng, nên không có sự tập trung, cổ phiếu các quỹ đầu tư ở Việt Nam dễ bị “loãng” nếu niêm yết tại đây. “Việc có nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán London có thể ví như “buôn có bạn, bán có phường”, giúp cho nhà đầu tư quốc tế có thể tiếp cận thông tin về các quỹ đầu tư Việt Nam được dễ dàng hơn”, ông Điền nói.

mot so nha quan ly quy nuoc ngoai tai viet nam da niem yet co phieu quy dau tu tren san chung khoan london. anh: yahoo.com

Một số nhà quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam đã niêm yết cổ phiếu quỹ đầu tư trên sàn chứng khoán London. Ảnh: yahoo.com

Chuyện niêm yết thường được gắn với việc huy động vốn để tăng quy mô của quỹ, đặc biệt trong bối cảnh các công ty quản lý quỹ gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn vì tình hình kinh tế chung, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều thị trường trên thế giới. Dù vậy, với Dragon Capital, việc tăng vốn cho quỹ VEIL chưa phải là ưu tiên trong thời điểm hiện nay.

Dragon Capital hy vọng việc đưa “hàng” lên sàn chứng khoán London sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận cho các nhà đầu tư quốc tế, vì nhiều định chế tài chính có quy định không được đầu tư các cổ phiếu chưa niêm yết hay niêm yết trên thị trường OTC. Bên cạnh đó, sự góp mặt trên sàn chứng khoán lớn nhất nhì thế giới cũng sẽ cuốn hút các nhà phân tích viết về quỹ VEIL và các nhà đầu tư cá nhân ở Anh và trên thế giới, điều mà trước đây họ có thể không được phép đầu tư do các quy định liên quan.

“Mục tiêu hiện tại của việc niêm yết là tạo ra sự minh bạch và tính thanh khoản cao cho cổ phiếu, sau đó thu hẹp mức chiết khấu giữa giá cổ phiếu so với giá trị tài sản ròng. Khi mức chiết khấu được thu hẹp lại thì khả năng huy động vốn mới cho quỹ sẽ tăng lên”, ông Điền cho biết.

Tỉ lệ chiết khấu đo lường sự chênh lệch giữa giá của chứng chỉ quỹ (hoặc cổ phiếu của quỹ đó) so với NAV. Tỉ lệ chiết khấu càng cao chứng tỏ nhà đầu tư lo ngại rủi ro càng nhiều khi mua chứng chỉ quỹ, nên chỉ sẵn lòng mua/bán với giá thấp hơn nhiều so với NAV. Thực tế, vấn đề tỉ lệ chiết khấu chưa bao giờ “nguôi ngoai” đối với các quỹ đầu tư ngoại kể từ khi kinh tế thế giới gặp khó khăn, trong đó có Việt Nam. Có thời điểm, tỉ lệ chiết khấu ở một vài quỹ lên đến 40%.

Đối với VOF, việc niêm yết trên sàn London là bước đi mới trong nỗ lực giảm tỉ lệ chiết khấu của VinaCapital, dù cho NAV của quỹ này tiếp tục tăng. Trước đó, VinaCapital đã thử qua nhiều biện pháp, bao gồm cả mua lại chứng chỉ quỹ nhưng vẫn chưa thành công. Tỉ lệ chiết khấu của VOF từ cuối năm 2014 cho đến nay vẫn quanh mốc 26%, một mức được đánh giá là khá cao. Hiện nay, danh mục đầu tư của VOF có gần 50% giá trị là cổ phiếu niêm yết. Theo VOF, trong thời gian sắp tới quỹ này tìm kiếm cơ hội ở những công ty cổ phần hóa, bên cạnh tiếp tục rót vốn vào các công ty tư nhân.

Còn với VEIL, ông Điền cho biết VEIL đã có tín hiệu thuận lợi ban đầu. Tỉ lệ chiết khấu của VEIL trước niêm yết là 21%, còn hiện tại ở mức 16%. “Con số tương đối phù hợp nhất là từ 10-15%”, ông Điền cho biết mục tiêu kỳ vọng của Dragon Capital. Thực ra, quỹ VEIL của Dragon Capital có điểm thuận lợi hơn một số quỹ đầu tư khác cũng niêm yết ở London hay châu Âu là vì quy mô lớn và danh mục đầu tư tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu niêm yết (chiếm gần 94%).

Ông Điền cho biết thông thường các nhà đầu tư nước ngoài phải trả một mức giá cao hơn so với giá thị trường để sở hữu các cổ phiếu đầu ngành, trong khi gần phân nửa giá trị của VEIL tập trung vào các doanh nghiệp đã hết “room ngoại”. Theo chiến lược đầu tư mà công ty quản lý quỹ này đưa ra trong thời gian sắp tới, VEIL sẽ tập trung nhiều vào các doanh nghiệp sắp niêm yết, doanh nghiệp cổ phần hóa, cũng như tham gia vào việc tăng vốn của các công ty niêm yết.

Dù vậy, các quỹ đầu tư ở Việt Nam trong giai đoạn này cũng đang khấp khởi vui mừng, bởi diễn biến thị trường khá thuận lợi. Ngay trước khi kết quả bỏ phiếu Brexit được công bố, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 632 điểm. Tuy nhiên, đến nay thị trường dường như đã “bình tâm” trở lại khi chỉ số VN-Index đã chạm mốc 680 điểm sau phiên giao dịch ngày 15.7, mức cao nhất trong 8 năm qua.

Ở khía cạnh khác, chứng khoán Việt Nam đang được chú ý nhiều với chính sách mở room ở một số công ty. Các nhà đầu tư nước ngoài đang gặp một số khó khăn trong việc đầu tư trực tiếp vào các công ty đầu ngành do giới hạn về trần sở hữu, trong khi room ở các công ty có giá trị cao gần như lúc nào cũng đầy. Do đó, có thể xem các cổ phiếu quỹ ngoại ở nước ngoài là cánh tay nối dài đưa nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường Việt Nam.

Dù sao đi nữa, câu chuyện gọi vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào hiệu quả hoạt động của chính công ty đó. Năm 2010,  PXP Vietnam Fund (thuộc Công ty quản lý quỹ PXP Vietnam) đã chuyển niêm yết lên sàn chứng khoán London. Tuy nhiên, đến cuối năm 2014 quỹ đầu tư này đã sáp nhập với một quỹ khác trong cùng công ty quản lý quỹ và cổ phiếu không còn giao dịch.


Thiên Phong
(Theo Nhịp cầu đầu tư)

Trở về

Bài cùng chuyên mục