tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chứng khoán thế giới tháng 6/2016: Chao đảo trong mối lo Brexit

  • Cập nhật : 23/07/2016

Việc người dân Anh dứt áo ra đi khỏi EU đã gây nên biến động lớn trên thị trường tài chính và chứng khoán toàn cầu.

chung khoan the gioi thang 6/2016: chao dao trong moi lo brexit

Chứng khoán thế giới tháng 6/2016: Chao đảo trong mối lo Brexit

Hai tuần đầu từ 1/6 đến 10/6: Thị trường rung lắc

Thông tin Chính phủ Nhật Bản lùi thời hạn tăng thuế tiêu dùng sang cuối năm 2019 đã đặt dấu chấm hết cho chuỗi ghi điểm 5 phiên liên tiếp trên sàn chứng khoán Tôkyô ngay phiên mở đầu của tháng Sáu (1/6) do nhà đầu tư lo ngại thực trạng kinh tế khó khăn khiến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới không thể giải quyết khoản nợ quốc gia được cho là một trong những khoản nợ khổng lồ nhất trong nhóm các nước giàu.

Cụ thể, ngày 01/6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông báo hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% đến tháng 10/2019 thay vì vào tháng 4/2017 như dự định trước đó trong bối cảnh nền kinh tế còn trì trệ. Theo đó, chỉ số Nikkei-225 giảm 279,25 điểm (1,62%) xuống 16.955,73 điểm.

Thị trường Tôkyô tiếp tục đi xuống trong phiên kế tiếp, nhưng mức giảm đã mạnh hơn với 2,3% (393,18 điểm) xuống còn 16.562,55 điểm do đồng Yên mạnh lên theo sau quyết định hoãn tăng thuế tiêu dùng của Chính phủ, khiến cổ phiếu của các nhà xuất khẩu xuống giá mạnh.

Chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm điểm khi chào sàn tháng 6, chủ yếu do những quan ngại liên quan đến Brexit với việc Vương quốc Anh lựa chọn ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 23/6. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 trên sàn London, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt và chỉ số CAC 40 trên sàn Paris lần lượt giảm 0,6%, 0,6% và 0,7%, xuống còn 6.191,93 điểm, 10.204,44 điểm và 4.475,39 điểm.

Sau hai phiên mất điểm, tới phiên 3/6, chỉ số Nikkei-225 đã “lội ngược dòng” dù mức tăng chỉ khiêm tốn là 0,5% lên 16.642,23 điểm. Cùng trong xu thế đi lên, chỉ số SCI của Thượng Hải và Hang Seng của Hồng Kông cũng lần lượt ghi thêm 0,5% và 0,42%, đóng cửa ở các mức tương ứng 2.938,68 điểm và 20.947,24 điểm.

Còn tại phố Wall, sau phiên đầu tháng dường như đứng yên, các chỉ số chứng khoán chủ chốt đã nhanh chóng bứt phá, trong đó nổi nhất là S&P 500. Trong phiên 2/6, S&P 500 chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2016 (2.105,26 điểm), trong khi Nasdaq ghi điểm phiên thứ 7 liên tiếp lên 4.971,36 điểm và DJ ghi 0,3% lên 17.838,56 điểm nhờ các mã cổ phiếu blue-chips như DuPont và Caterpillar đã tăng giá mạnh.

Đáng tiếc là tâm lý thận trọng lại trỗi dậy và bao trùm phố Wall khi nỗi lo về kinh tế Mỹ xuất hiện trở lại, qua đó kéo thị trường quay đầu đi xuống ngay phiên kế tiếp (3/6). Đóng phiên này, S&P 500 giảm 0,3% xuống 2.099,13 điểm; DJ hạ 0,2% xuống 17.807,06 điểm và Nasdaq mất 0,6% còn 4.942,52 điểm.

Xu thế mất điểm trở lại sàn Tôkyô vào phiên 6/6 khi đà tăng giá của đồng Yên lại mạnh lên làm cổ phiếu của các hãng xuất khẩu mất đà, khiến chỉ số Nikkei-225 giảm 62,20 điểm xuống 16.580,03 điểm. Chỉ số SCI của Thượng Hải giảm 4,58 điểm xuống 2.934,10 điểm.

Sang phiên 7/6, chứng khoán Tôkyô đã hòa vào đà tăng phiên thứ ba liên tiếp trên các sàn châu Á sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen tỏ ý tin tưởng kinh tế Mỹ vẫn sung sức, và việc tăng lãi suất sẽ được thực hiện từng bước. Chỉ số Nikkei-225 của Tôkyô tăng 95,42 điểm lên 16.675,45 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 298,02 điểm lên 21.328,24 điểm. Chỉ số SCI của Thượng Hải nhích nhẹ 1,94 điểm lên 2.936,04 điểm.

Sự lạc quan của Chủ tịch FED về kinh tế Mỹ và đà tăng của các mã cổ phiếu ngành năng lượng (nhờ giá dầu bất ngờ lại phá ngưỡng 50 USD/thùng) đã phủ sắc xanh khắp phố Wall trong hai phiên 6 và 7/6. Theo sau đó, các sàn châu Âu cũng đi lên dù mức tăng chỉ khiêm tốn. Chốt phiên 7/6, chỉ số FTSE 100 (Anh) tăng 0,2% lên 6.284,53 điểm; CAC 40 (Pháp) ghi thêm 1,2%, lên 4.475,86 điểm và DAX 30 (Đức) tiến 1,65%, lên 10.287,68 điểm.

Đà tăng trên sàn Tôkyô càng được nối dài sau khi Chính phủ Nhật Bản điều chỉnh tăng tốc độ tăng GDP quý I/2016 lên 0,5% so với con số 0,4% đưa ra hồi tháng trước. Niềm lạc quan của giới đầu tư đã giúp chỉ số Nikkei-225 tăng 0,9% lên 16.830,92 điểm vào cuối phiên 8/6.

Chứng khoán Tôkyô đã chấm dứt chuỗi ngày xanh sàn vào phiên 9/6 khi chỉ số Nikkei-225 để tuột 0,4%, xuống còn 16.601,35 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hông Kông chốt phiên này cũng để mất 1,2% xuống 21.042,64 điểm.

Lực đẩy từ các cổ phiếu năng lượng tiếp tục đưa phố Wall lên những đỉnh cao mới với chỉ số S&P 500 tiến gần đến mức cao kỷ lục của mọi thời đại trong phiên 8/6. Hầu hết các cổ phiếu năng lượng đều đi lên khi giá dầu Mỹ lập kỷ lục ba phiên liên tiếp và vượt lên 51 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 7/2015. Chốt phiên 8/6, S&P 500 tăng 6,99 điểm (0,33%) lên 2.119,12 điểm.

Mặc dù vậy, làn sóng bán tháo cổ phiếu do quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nguy cơ Brexit đã mang sắc đỏ trở lại phố Wall trong hai phiên 9 và 10/6. Do đó, DJ dừng ở 17.865,34 điểm (giảm 0,7%); S&P 500 hạ 0,9% xuống 2.096,07 điểm và Nasdaq mất 1,3%, đóng cửa ở mức 4.894,55 điểm.

Tuần thứ ba từ 13/6 đến 17/6: Sắc đỏ không còn hiếm

Vận đen tiếp tục đeo bám sàn Tôkyô khi chứng khoán Nhật Bản trượt xuống mức thấp nhất trong hai tháng vào phiên 13/6 do quan ngại Brexit khiến đồng Yên tăng giá, làm cổ phiếu của các nhà xuất khẩu “xứ Phù tang” mất giá. Chỉ số Nikkei-225 sụt 582,18 điểm xuống còn 16.019,18 điểm, mức thấp nhất kể từ giữa tháng Tư. Tại Thượng Hải, chỉ số SCI hạ 94,09 điểm xuống 2.833,07 điểm và tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 529,65 điểm còn 20.512,99 điểm.

Sang phiên 14/6, xu hướng bán tháo càng lan rộng trên các sàn châu Á, khiến chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản hạ tiếp 160,18 điểm xuống 15.859 điểm, mức thấp mới trong hai tháng qua. Theo sau đó, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông mất thêm 125,46 điểm xuống 20.387,53 điểm.

Phiên 13/6 đã chứng kiến chứng khoán phố Wall mất điểm phiên thứ ba liên tiếp do giới đầu tư lo ngại rằng kịch bản Brexit sẽ tạo ra bất ổn đối với thị trường toàn cầu. Trong phiên này, ngoài những quan ngại về Brexit thì xu hướng giảm giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp trong ngành du lịch, sau vụ xả súng đẫm máu xảy ra rạng sáng 12/6 tại hộp đêm Pulse ở Orlando, bang Florida, miền Nam nước Mỹ, cũng là nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ đổ dốc. Cuối phiên, DJ giảm 0,7%, xuống 17.732,48 điểm; S&P 500 hạ 0,8% xuống 2.079,06 điểm và Nasdaq mất 0,9% còn 4.848,44 điểm.

Sau vài phiên trồi sụt tới phiên cuối tuần (17/6), chứng khoán châu Á bất ngờ “xanh sàn” nhờ hiệu ứng từ phố Wall đêm trước và thông tin Vương quốc Anh tạm hoãn các chiến dịch vận động liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU sau cái chết của một nữ nghị sỹ Công đảng ủng hộ chiến dịch giữ nước Anh ở lại với EU, đã thắp lên hy vọng về kịch bản cử tri Anh sẽ chọn nói “không” với Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6. Tại Tôkyô và Thượng Hải, hai chỉ số Nikkei-225 và SCI lần lượt tăng 1,1% và 0,4% lên mức 15.599,66 điểm và 2.885,11 điểm trong khi chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông cũng tiến 0,66% và chốt phiên ở mức 20.169,98 điểm.

Nhưng rồi sắc đỏ đã trở lại ngay phiên kế tiếp mà nguyên nhân là những rủi ro “giữ chân” FED trong kế hoạch tăng lãi suất. Khép phiên 17/6, DJ hạ 0,3% xuống 17.675,03 điểm và mất 1,1% trong cả tuần, đồng thời ghi nhận tuần giảm điểm thứ tư liên tiếp. S&P 500 lùi 0,3% xuống 2.071,23 điểm và giảm 1,2% trong tuần. Nasdaq hạ 0,9% xuống 4.800,34 điểm và giảm 1,9% trong tuần, mức giảm theo tuần lớn nhất kể từ cuối tháng Tư.

Tuần thứ tư từ 20/6 đến 24/6: Brexit làm thị trường dậy sóng

Hy vọng nước Anh ở lại EU sau khi Thủ tướng Anh David Cameron đã lên tiếng cảnh báo về những thiệt hại mà kinh tế “Xứ sở sương mù” sẽ phải đối mặt nếu rời khỏi EU đã giữ sắc xanh ở lại các sàn châu Á trong phiên 20/6 khi chỉ còn 3 ngày nữa là diễn ra cuộc trưng cầu dân ý. Chỉ số Nikkei-225 tại Tôkyô tăng 365,64 điểm lên 15.965,30 điểm. Chỉ số SCI tại Thượng Hải tăng 3,7 điểm lên 2.888,81 điểm và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 340,22 điểm lên 20.510,2 điểm.

Hòa chung tâm lý lạc quan, chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt ghi điểm. Tại New York, các chỉ số S&P 500, DJ và Nasdaq ghi thêm lần lượt 0,6%, 0,7% và 0,8% lên 2.083,25 điểm, 17.804,87 điểm và 4.837,21 điểm. Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 3% lên 6.204 điểm, chỉ số DAX 30 của Đức ghi 3,4% lên 9.962,02 điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 3,5% lên 4.340,76 điểm.

Tuy nhiên, việc cử tri Anh quyết định rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử đã làm chao đảo các sàn chứng khoán khắp thế giới trong phiên 24/6 và “đánh cắp” 2.100 tỷ USD khỏi các sàn chứng khoán toàn cầu.

Ban đầu là châu Á khi chứng khoán Nhật Bản lao dốc, mất gần 8% khi sự kiện Brexit đã “kích động” giới đầu tư bán tháo cổ phiếu và gây ra tình trạng chao đảo trên các thị trường tiền tệ. Chỉ số Nikkei-225 tại thị trường Tôkyô đã để mất tới 1.286,33 điểm (7,92%) xuống còn 14.952,02 điểm, ghi dấu mức sụt giảm mạnh nhất/ngày kể từ thảm họa động đất - sóng thần năm 2011. Hai sàn Hông Kông và Thượng Hải cũng chìm trong sắc đỏ với chỉ số Hang Seng hạ 609,21 điểm xuống còn 20.259,13 điểm và chỉ số SCI mất 37,67 điểm còn 2.854,29 điểm.

Còn tại châu Âu, nhất là ở London, tâm chấn của “cơn sóng thần”, chỉ số FTSE 100 sụt gần 5% ngay sau khi thị trường mở của giao dịch. Các mã cổ phiếu ngân hàng như Royal Bank of Scotland, Barclays và Lloyds đều giảm gần 25%. Tại Paris, chỉ số CAC 40 giảm 7,1% trong bối cảnh cổ phiếu của ngân hàng BNP Paribas và Credit Agricole mất khoảng 17%, giữa lúc cổ phiếu của Societe Generale để mất 21% giá trị. Tại sàn Frankfurt, chỉ số DAX 30 đã có thời điểm giảm hơn 10% trước khi “vớt vát” lên mức giảm 8,7%.

Cổ phiếu của hai ngân hàng Deutsche Bank và Commerzbank đều mất hơn 16% giá trị. Các chỉ số chứng khoán tại một số thị trường nhỏ hơn như Madrid, Athens, Amsterdam, Prague và Warsaw giảm lần lượt 12%, 15%, gần 9%, 10% và gần 8%.

Trái ngược với sự khởi sắc trong những phiên đầu tuần khi những hy vọng nước Anh sẽ ở lại EU còn le lói, phố Wall đã lao dốc ngay sau khi phe Brexit chính thức thắng thế. Nhà đầu tư càng tỏ ra thận trọng và tìm tới các “nơi trú ẩn an toàn”, kích hoạt làn sóng bán tháo mạnh nhất trên phố Wall trong 10 tháng qua. Đáng chú ý là phiên giảm điểm mạnh cuối tuần này đã xóa bỏ hoàn toàn số điểm mà DJ và S&P 500 đạt được kể từ đầu năm tới nay, đồng thời khiến mức giảm của Nasdaq lớn thêm. Kết phiên 24/6, DJ sụt 611,21 điểm xuống còn 17.400,75 điểm; S&P 500 hạ 75,91 điểm xuống còn 2.037,41 điểm và Nasdaq mất 202,06 điểm còn 4.707,98 điểm, ghi dấu mức sụt giảm theo ngày mạnh nhất kể từ tháng 8/2011.

Tuần cuối tháng từ 27/6 đến 30/6: Sức bật mạnh mẽ

Nỗ lực trấn an thị trường của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau cú sốc Brexit đã “cứu” chứng khoán Tôkyô trong hai phiên đầu tuần với mức tăng lần lượt là 357,19 điểm và 13,93 điểm lên 15.323,14 điểm vào lúc chốt phiên 28/6. Tuy vậy, các nhà phân tích lưu ý giá cổ phiếu của các nhà xuất khẩu “xứ hoa anh đào” vẫn chịu sức ép trước sự tăng giá của đồng Yên.

Trong khi đó, chứng khoán Mỹ và châu Âu chưa thể phục hồi và tiếp tục rơi tự do. Cuối phiên 27/6 tại New York, các chỉ số DJ, S&P 500 và Nasdaq để mất lần lượt 1,5%, 1,8% và 2,4% xuống còn 17.140,24 điểm, 2.000,54 điểm và 4.594,44 điểm. Trong đó, S&P 500 đã để mất đến 974,2 tỷ USD chỉ trong hai phiên giao dịch. Chỉ số FTSE 100 của Anh, chỉ số CAC 40 của Pháp và chỉ số DAX 30 của Đức đồng loạt hạ 2,6%, 3% và 3%, chốt phiên 27/6 ở các mức 5.982,20 điểm, 3.984,72 điểm và 9.268,66 điểm.

Sang phiên 28/6, phố Wall mới có dấu hiệu phục hồi khi các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào cổ phiếu giá rẻ sau khi thị trường đi xuống trong hai phiên trước. Ước tính, khoảng 3.000 tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu trong hai phiên trước, sau khi đa số cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ nước này rời EU. Nhờ đó, cuối phiên này DJ đã lấy lại được 269,48 điểm lên 17.409,72 điểm, S&P 500 tăng 35,55 điểm lên 2.036,09 điểm và Nasdaq tăng 97,42 điểm lên 4.691,87 điểm.

Sự phục hồi từ phố Wall càng tạo đà cho các sàn châu Á trong những phiên cuối tháng, đưa chỉ số Nikkei-225 tại Tôkyô tiến 0,1% lên 15.575,92 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông ghi thêm 1,75% lên mức 20.794,37 điểm.

Phiên 30/6, phiên giao dịch cuối cùng của quý II/2016, là phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp của phố Wall, khi những lo ngại về tác động đến kinh tế Mỹ của sự kiện Brexit lắng dịu. Đây cũng là chuỗi ghi điểm ba phiên khởi sắc nhất ở phố Wall trong vòng 4 tháng. Theo đó, DJ tăng 1,33% lên 17.929,99 điểm; Nasdaq tăng 1,33%, lên 4.842,67 điểm. Riêng S&P 500 đã giành lại được phần lớn những gì đã mất trong ba phiên cuối tháng để kết thúc quý II năm nay bằng một đợt tăng mạnh lên 2.098,86 điểm.

 

Theo Tạp chí Chứng khoán số 213

Trở về

Bài cùng chuyên mục