Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, mức vốn hóa thị trường chứng khoán hiện đã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương 34% GDP. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước trong khu vực.
Cổ phiếu ngành ô tô đã qua thời đỉnh cao?
- Cập nhật : 27/07/2016
Theo thống kê của Vietstock, các doanh nghiệp ô tô đang niêm yết đều có kết quả kinh doanh quý 2/2016 sụt giảm mạnh và giá cổ phiếu do đó cũng trên đà lao dốc.
Năm 2015 là có thể xem là năm được “mùa bội thu” của các doanh nghiệp niêm yết (DNNN) ngành ô tô trên cả hai sàn với kết quả kinh doanh tăng trưởng khá ấn tượng và giá cổ phiếu cũng theo đó mà thăng hoa. Cụ thể, tất cả 5 đơn vị đang niêm yết gồmHHS,HAX,HTL,TMTvàSVCđều có kết quả kinh doanh tăng trưởng và đạt mức cao nhất kể từ khi niêm yết. Trong đó, HHS vừa là đơn vị có lợi nhuận cao nhất vừa có mức tăng trưởng tốt nhất, đạt 481 tỷ đồng, tăng 250% so với năm 2014.
Với kết quả kinh doanh ấn tượng đó mà giá cổ phiếu các DNNN ngành ô tô đã bứt phá mạnh mẽ, ngoại trừ HHS tăng 10% còn lại đều có mức tăng trên 100%. Riêng HTL tăng 550% từ 14,000 đồng/cp lên 96,600 đồng/cp. Trường hợp của HHS, mặc dù chỉ tăng 10% nhưng trong năm 2015 đã có thời điểm lên mốc 23,000 đồng/cp (tăng 100% so với đầu năm 2015) trước khi đơn vị này thực hiện tăng vốn bằng nhiều phương án phát hành.
Thống kê kết quả kinh doanh và biến động cổ phiếu DNNN ô tô năm 2015
Tuy nhiên, có vẻ như thời đỉnh cao của các DNNN ngành ô tô đã qua khi mà kết quả kinh doanh đang có dấu hiệu sụt giảm mạnh.
Kết quả kinh doanh DNNN ô tô quý 2/2016 và biến động giá cổ phiếu từ đầu năm
Theo đó, HHS từ một doanh nghiệp có vị thế dẫn đầu năm 2015 đã trở thành đơn vị có kết quả kinh doanh bết bát nhất trong quý 2/2016 với doanh thu thuần giảm 70%, còn ở mức 456 tỷ đồng. Biên lãi gộp kỳ này còn chưa đến 4% trong khi quý 2/2015 gần 11%.
Do đó, lãi ròng hợp nhất quý 2 của HHS chỉ đạt 27.6 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế là kết quả lợi nhuận của HHS đã có dấu hiệu sụt giảm liên tục kể từ quý 1/2015 chứ không phải mới đây. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu HHS đã lao dốc hơn 30% kể từ đầu năm 2016 và nếu so với mức đỉnh 23,000 đồng/cp đạt được vào ngày 08/06/2015 thì cũng giảm đến 65%.
Kết quả kinh doanh HHS từ quý 1/2015 đến nay
Tiếp đó là CTCP Kỹ thuật & Ôtô Trường Long(HOSE:HTL)với doanh thu trong quý 2 chỉ đạt hơn 316 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước và lãi ròng gần 13 tỷ đồng, giảm hơn 70%. Tương tự như HHS, đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp doanh thu và lợi nhuận của HTL suy giảm kể từ quý 2/2015.
Trên sàn, giá cổ phiếu HTL sau khi lập mức cao kỷ lục 130,000 đồng/cp vào ngày 29/10/2015 thì đến nay đã giảm 43%. Riêng giai đoạn từ đầu năm 2016 đến nay, HTL đã giảm hơn 22%, từ mức 96,000 đồng/cp xuống còn 73,500 đồng/cp.
Với CTCP Ô tô TMT(HOSE:TMT), doanh thu thuần quý 2/2016 đạt gần 733 tỷ và lãi ròng hơn 29 tỷ đồng, lần lượt giảm 37% và 66% so với cùng kỳ năm trước. TMT chính là cổ phiếu bị ảnh hưởng trọng yếu nhất từ đầu năm khi có mức giảm lên đến gần 44%, từ 51,500 đồng/cp xuống còn 29,100 đồng/cp.
CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn(HOSE:SVC) có doanh thu thuần quý 2/2016 tăng hơn 48% so cùng kỳ, đạt 3,303 tỷ đồng nhưng do tăng mạnh ở các chi phí bán hàng cũng như quản lý doanh nghiệp khiến lãi ròng hợp nhất chỉ còn hơn 24 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 20%. Giá cổ phiếu SVC cũng chỉ giảm 6% trong 7 tháng đầu năm nay nhưng nếu so với mức giá đỉnh đạt được vào ngày 07/07 vừa qua tại 56,000 đồng/cp thì SVC cũng giảm hơn 29%.
Trong số các DNNN ngành ô tô thì HAX là đơn vị duy nhất có giá cổ phiếu từ đầu năm vẫn tăng mạnh 57% từ mức 18,000 đồng/cp lên mốc 28,200 đồng/cp dù lợi nhuận quý 2 giảm gần 14%. Thế nhưng ở HAX có một điểm chung giống các cổ phiếu ô tô khác đó là giá đã tạo đỉnh. Theo đó, mức cao nhất HAX có được từ khi niêm yết là vào ngày 11/07/2016 tại 41,200 đồng/cp và nếu so với mức giá hiện tại (kết phiên 23/07) thì HAX đã giảm 32%.
Khó khăn nào ở phía trước?
Phần lớn giải trình của các doanh nghiệp ô tô đều đưa ra nguyên nhân chính là do tình hình kinh doanh khó khăn chung của ngành. Tiếp đó mới đến câu chuyện tăng chiết khấu bán hàng dẫn đến chi phí gia tăng và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 5/2016, toàn thị trường tiêu thụ 111,442 xe, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó xe ô tô du lịch tăng 22%, xe thương mại tăng 42% và xe chuyên dụng tăng 59% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong tháng 5, thị trường ô tô xe nhập khẩu nguyên chiếc tiêu thụ hơn 6,900 xe, tăng đến 11% so với tháng 4/2016. Nguyên nhân được đưa ra là người tiêu dùng tranh thủ mua xe để tránh bị đội giá khi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
Điều đó cho thấy nếu trong quý 2/2016 vừa qua là thời gian khó khăn cho các DNNN ngành ô tô thì sắp tới có lẽ sẽ còn khó khăn hơn nữa.
Theo đó, khi chính sách thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực từ 01/07 thì chắc chắn giá xe nhập khẩu sẽ tăng và làm nhu cầu bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể việc chênh lệch cung cầu xe tải do chênh lệch tải trọng đã dần đạt đến mức cân bằng sẽ khiến nhu cầu xe tải chững lại. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên những doanh nghiệp đang kinh doanh ở phân khúc xe này như HHS, TMT hay HTL.
Bên cạnh đó, có một chính sách nữa cũng đang gây nóng sốt thời gian gần đây là Thông tư 20 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống hết hiệu lực vào ngày 01/07. Thông tư 20 được Bộ Công Thương ban hành năm 2011, đây là Thông tư về điều kiện thương nhân, nhà nhập khẩu xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống phải được ủy quyền bởi đại lý chính hãng, nhà sản xuất chính hãng mới được quyền nhập khẩu về Việt Nam. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và đại lý nước ngoài độc quyền trong việc phân phối xe tại thị trường Việt Nam, đẩy giá xe tại thị trường nội địa tăng lên. Và nếu Thông tư 20 được dỡ bỏ sẽ đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải cạnh tranh mạnh hơn để giành thị phần và miếng bánh những DNNN ô tô lớn hiện nay như SVC, HAX chắc chắn cũng sẽ bị chia nhỏ. (Vietstock)