Sau phiên phục hồi khá mạnh hôm qua, bảng Anh và Euro lại quay đầu giảm nhẹ trong sáng nay (30/6/2016 - giờ Việt Nam); trong khi đồng yên Nhật vẫn được tích cực mua vào như một tài sản an toàn. Hiện 1 USD đổi được 0.9004 EUR; 102.8000 JPY; 0.7459 GBP; 0.9800 CHF…
Yên tăng vọt, Nhật Bản khốn khổ vì Brexit
- Cập nhật : 29/06/2016
(Tai chinh)
Trong mấy ngày qua, thị trường tài chính luôn nhắc tên đồng yên với vai trò là một đồng tiền trú ẩn cho nhà đầu tư. Nhưng với danh hiệu ấy, liệu Nhật Bản có thực sự vui?
Quyết định ra đi bất ngờ của người dân UK đã đẩy đồng yên tăng giá do nhà đầu tư bán tháo tài sản rủi ro như cổ phiếu để đổ tiền vào tài sản có giá trị ổn định như vàng, đồng yên, đồng USD.
Trong khi đó, nằm trong kế hoạch 3 năm tái sinh nền kinh tế, Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) và Thủ tướng Shinzo Abe lại đang phải vật lộn để thúc đẩy nền kinh tế thông qua các biện pháp phụ thuộc nhiều vào đồng yên giá rẻ để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp làm ăn, có nguồn thu ở nước ngoài.
Đồng Yên vẫn duy trì tốt ở trên ngưỡng 80 yên đổi 1 USD đã từng xuất hiện trong lịch sử tỷ giá của Nhật trước khi ông Abe lên cầm quyền. Nhưng kể từ đầu năm nay, đồng yên đã tăng hơn 18% ngay cả khi BoJ đã thiết lập mức lãi suất âm lần đầu tiên hồi tháng 1. Đây là thách thức lớn đặt ra cho chương trình "Abenomics" nhằm thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát dẫn đầu bởi Thủ tướng Abe và Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda.
Cho đến tận giữa năm 2015, đồng yên mới được xác định là mục tiêu trọng tâm trong kế hoạch "rối như tơ vò" của chương trình "Abenomics".
Quyết định của người Anh chỉ là một trong nhiều sự kiện xảy ra ở bên ngoài mà lại có tác động mạnh mẽ đến Nhật Bản. Kế hoạch tăng lãi suất của Fed trong năm nay cũng là một yếu tố đẩy giá yên tăng cao hơn so với đồng bạc xanh.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng chính sách hiện nay của BoJ đã chạm đến giới hạn và không thể tác động nhiều đến đà tăng giá của đồng yên trước tình hình bất ổn trên thị trường toàn cầu. Càng ngày, dòng tiền càng chảy vào những hầm trú an toàn như đồng yên là một ví dụ điển hình. Như vậy, chính phủ Nhật cần có những biện pháp can thiệp mạnh tay hơn nữa, chọc thẳng vào thị trường ngoại hối thì mới có hy vọng đảo ngược tình hình.
Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế tại Dai-Ichi Life Research Institute - Toshihiro Nagahama nhận định: "Chương trình Abenomics đang phải đối mặt với giây phút quyết định. Can thiệp vào thị trường ngoại hối không làm đồng yên giảm giá trong thời gian dài nhưng vẫn tốt hơn là không làm gì."
"Giá hàng hoá chắc chắn sẽ tăng vì giá nhập khẩu giảm. Lợi nhuận dự kiến cũng giảm theo, khiến cân bằng cung cầu trên thị trường lao động trở nên tồi tệ hơn. Giảm phát có thể sẽ trở lại nếu đồng yên vẫn tăng giá. Nếu NHTW không có động thái gì, thị trường có thể sẽ đẩy đồng yên tăng cao hơn trong khi đẩy giá trái phiếu xuống thấp." Nagahama cho biết thêm.
Quãng thời gian huy hoàng của đồng yên là từ cuối năm 2012 cho đến giữa năm 2015. Lúc đó, đồng yên giảm mạnh đã đẩy tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật Bản có doanh thu tại nước ngoài, kéo tổng doanh thu chạm mức lịch sử và tạo nên áp lực lạm phát bằng cách tăng giá nhập khẩu. Nhưng chu trình lương và tiêu dùng tăng cao lại hoàn toàn không xảy ra mặc dù đã được kỳ vọng nhiều.
Chỉ trong vài quý gần đây, kinh tế Nhật Bản đã đi từ tăng trưởng đến suy thoái. Lạm phát vẫn đang lao dốc. Lạm phát đi kèm giá năng lượng vốn là thước đo ưa thích của BoJ cũng giảm trong vài tháng gần đây. Doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng trở nên cảnh giác hơn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bi quan.
Hai trụ cột chính trong chương trình Abenomics là chính sách thúc đẩy tài khoá và thay đổi cấu trúc. Tuy nhiên cả hai chính sách đó đều rất hạn chế và không thường xuyên. Cuối cùng Abenomics lại phải quay trở lại phụ thuộc vào chính sách tiền tệ - vốn là cánh tay chính sách quyền lực của Nhật Bản.
Ông Kuroda đã tuyên bố rằng BoJ đã được chuẩn bị để bổ sung hành động kịp thời nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể. Nhà đầu tư hy vọng NHTW sẽ tăng cường nới lỏng chính sách tiền tệ trong cuộc họp chính sách sắp tới vào tháng sau. Lựa chọn khả quan nhất của BoJ đó là mở rộng chương trình mua sắm tài sản và đẩy lãi suất giảm sâu xuống mức âm.
Nhà kinh tế trưởng tại Japan Mcro Advisors - Takuji Okubo nhận định: "Một lựa chọn khác cho Nhật Bản là chính phủ và NHTW tuyên bố kết hợp chính sách tài khoá và tiền tệ với chương trình 'helicopter money'. Với chương trình này, NHTW sẽ tận dụng được nguồn chi của chính phủ với chương trình mua vào trái phiếu chính phủ trực tiếp, giúp đổ tiền vào nền kinh tế."
"Nếu BoJ thực sự mong muốn lật ngược tình hình, họ sẽ cần phải thay đổi luật chơi." Okubo bổ sung.
Mọi động thái tăng của đồng yên sẽ làm tổn thương các doanh nghiệp Nhật Bản vốn đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ tốc độ tăng trưởng ì ạch của kinh tế toàn cầu. Chính phủ Nhật ước tính mức trung bình mà có thể khiến các nhà xuất khẩu rơi vào tình trạng lỗ là 103,2 yên Nhật đổi 1 USD.
Doanh thu của nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản - Toyota Motor Corp vốn gắn với đồng yên từ nhiều năm nay. Phía này dự đoán trong năm nay đồng yên sẽ đạt trung bình 105 yên đổi 1 USD.