tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vincom Retail 'cháy hàng'

  • Cập nhật : 13/11/2017

Cổ phiếu VRE của Vincom Retail đã tạo nên sóng mới trên sàn TP.HCM.

co phieu vre cua vincom retail da tao nen song moi tren san tp.hcm.nguon anh: son pham

Cổ phiếu VRE của Vincom Retail đã tạo nên sóng mới trên sàn TP.HCM.Nguồn ảnh: Sơn Phạm

→Vincom Retail gia nhập "Câu lạc bộ vốn hóa tỷ đô"

Ngày 7.11,thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến phiên giao dịch kỷ lục nhất trong lịch sử hoạt động. Chỉ riêng sàn TP.HCM, giá trị giao dịch đã đạt hơn 20.000 tỉ đồng. Theo ghi nhận từ thị trường, chính cổ phiếu VRE của Vincom Retail đã tạo nên cơn sóng lớn này.

Phiên giao dịch kỷ lục mới

Ngày 6.11, hơn 1,9 tỉ cổ phiếu VRE chính thức niêm yết trên sàn TP.HCM. Chỉ 1 ngày sau khi chào sàn, VRE đã tạo ra một cơn địa chấn trên thị trường khi khối lượng giao dịch lên tới gần 415 triệu cổ phiếu, với giá 40.600 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị toàn thương vụ là hơn 16.800 tỉ đồng, tức khoảng 740 triệu USD. Trong đó, 396,6 triệu cổ phiếu VRE đã được nhà đầu tư nước ngoài mua trọn.

Theo thống kê, đây là phiên giao dịch nhiều kỷ lục “chưa từng có” trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam về cả giá trị đặt mua lẫn giá trị giao dịch, khi có tới 2 tỉ USD đặt mua cổ phiếu VRE, cao gấp 3 lần nhu cầu bán ra và cũng là con số đặt mua chứng khoán trong một phiên giao dịch lớn nhất từ trước đến nay. Với giá giao dịch 40.600 đồng/cổ phiếu, Công ty Vincom Retail có giá trị hơn 77.000 tỉ đồng, tương đương 3,4 tỉ USD. Điều này làm cho Vincom Retail trở thành 1 trong 10 công ty niêm yết hàng đầu trên thị trường chứng khoán và là nhà đầu tư và quản lý mặt bằng bán lẻ đầu tiên của Việt Nam có cổ phiếu niêm yết trên sàn.

 

 

Có 9 nhà đầu tư chủ chốt tham gia mua cổ phần, bao gồm Avanda Investment Management Pte, Dragon Capital, Genesis Investment Management LLP, GIC Pte, HSBC Asset Management (UK), Karst Peak, RWC Asset Advisors (US), Templeton Investments và TT International (phần cổ phiếu còn lại được phân phối cho các nhà đầu tư quan tâm khác dưới hình thức dựng sổ).

Quỹ đầu tư GIC của Singapore là 1 trong 10 quỹ lớn nhất thế giới, theo xếp hạng của CNBC. GIC hiện quản lý số tài sản trị giá 359 tỉ USD trải rộng trong nhiều lĩnh vực, từ chứng khoán tới địa ốc, tài nguyên. Các tài sản đầu tư của GIC nằm khắp 40 quốc gia. Riêng tại Việt Nam, GIC đang nắm giữ cổ phiếu của nhiều công ty như Masan, Vinasun, FPT, PAN, VietJet Air... 

Franklin Templeton Investments (FTI) cũng là một trong những tập đoàn quản lý quỹ hàng đầu, nổi tiếng trong phân khúc đầu tư vào các thị trường mới nổi và sơ khai. Tổng tài sản FTI quản lý tính đến cuối tháng 4.2017 đã đạt gần 750 tỉ USD. Ở Việt Nam, quỹ này đã tham gia đầu tư vào Vinamilk, Viconship, Nhựa Bình Minh, Hòa Phát, Dược Hậu Giang, Imexpharm, PVS, PV Drilling, VNR, lập liên doanh quỹ mở VCBF. Các quỹ đầu tư thuộc Dragon Capital, HSBC... cũng đều rất quen thuộc tại thị trường Việt Nam.

Vincom Retail nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư vì đang có thế mạnh trong lĩnh vực quản lý và phát triển mặt bằng bán lẻ. Tính tới ngày 30.9.2017, Vincom Retail đang quản lý, vận hành và cho thuê 41 trung tâm thương mại tại 22 tỉnh và thành phố lớn với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ hơn 1,1 triệu m2.

Ngoài ra, theo thông cáo của Công ty Chứng khoán SSI, một đơn vị tư vấn trong thương vụ chào bán cổ phần của Vincom Retail, đợt chào bán cổ phần thứ cấp của VRE được thực hiện với một cấu trúc cho phép nhà đầu tư nước ngoài nhận được cổ phần ngay sau khi thanh toán thông qua hình thức giao dịch thỏa thuận sau khi Công ty niêm yết. Việc bên mua có thể nhận được cổ phần ngay sau khi thanh toán đã góp phần thu hút sự quan tâm của khối ngoại đối với cổ phiếu VRE.

Món hời với nhà đầu tư?

Việc Vincom Retail niêm yết trên sàn chứng khoán đã mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư, đặc biệt là hai ông lớn Warburg Pincus Investments III B.V và Credit Suisse AG (chi nhánh Singapore). Năm 2013, hai định chế này đã rót 200 triệu USD vào Vincom Retail và thêm 100 triệu USD vào  năm 2015. Trước khi niêm yết, ngày 20.9.2017, Credit Suisse và Warburg Pincus đã thực hiện chuyển đổi hoàn toàn cổ phiếu ưu đãi sang 384,4 triệu cổ phiếu phổ thông, tương đương 20,2% vốn điều lệ của Vincom Retail.

Trong phiên giao dịch ngày 7.11, Credit Suisse đã bán đi hơn 65,1 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 96,1 triệu cổ phiếu đang sở hữu (tỉ lệ 5,05%), còn Warburg Pincus cũng bán hơn 195,3 triệu trong tổng số khoảng 288,3 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 15,71%). Tổng cộng, 2 cổ đông ngoại này đã bán gần 260,45 triệu cổ phiếu VRE, thu về hơn 10.574 tỉ đồng (khoảng 460 triệu USD). So với mức đầu tư tổng cộng 300 triệu USD ban đầu, đây là món lời lớn với cả hai tổ chức này.

Tuy nhiên, việc không bán hết cổ phiếu cũng cho thấy cả Warburg Pincus và Credit Suisse vẫn còn mặn mà với Vincom Retail. Ông Jeffrey Perlman, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á của Warburg Pincus, cho biết: “Hơn 4 năm trước, chúng tôi có kế hoạch hợp tác với Vingroup để tạo ra một hệ thống bán lẻ tích hợp và hiện đại nhất, hiện diện vượt trội khắp đất nước. Ngày nay, Vincom Retail đã trở thành đối tác của các nhà bán lẻ và các thương hiệu toàn cầu... Chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ Vincom Retail trên lộ trình phát triển và hoạt động với vị thế một công ty niêm yết hàng đầu tại Việt Nam”.

Theo Chỉ số phát triển bán lẻ năm 2017 của AT Kearney, Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn thế giới. Còn theo Tổng cục Thống kê, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã tăng rất nhanh, từ 70 tỉ USD năm 2010 lên đến 158 tỉ USD năm 2016. Trong 3 năm tới, Bộ Công Thương dự báo, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể tăng trưởng xấp xỉ 12%/năm và đạt tới quy mô 180 tỉ USD. Trong đó, kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển do chỉ mới chiếm khoảng 25% thị phần. Con số này thấp hơn nhiều nước. Chẳng hạn, ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Trung Quốc là 51%, Malaysia 60% và Singapore lên đến 90%.

Với dân số đông, niềm tin khách hàng cùng sự bùng nổ thương mại điện tử, tự do thương mại, hạ tầng được nâng cấp, theo ông Phạm Thái Bình, Trưởng Bộ phận Bán lẻ, Savills TP.HCM, Việt Nam càng có nhiều tiềm năng để trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà bán lẻ trong thời gian tới. Bằng chứng là Aeon (Nhật), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)… đều có kế hoạch đầu tư mở rộng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, với vị thế là đơn vị chiếm khoảng 60% thị phần mặt bằng kênh bán lẻ hiện đại, theo Bloomberg, Vincom Retail có nhiều lợi thế trong cuộc đua cạnh tranh với các nhà  bán lẻ nước ngoài. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2018, Công ty tiếp tục mở thêm trên 30 trung tâm thương mại tại các địa bàn mới, hướng tới đạt 200 trung tâm thương mại vào năm 2021.


Theo Nhipcaudautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục