Có một sự thật rõ ràng rằng kiếm tiền chưa bao giờ là dễ dàng. Dù bạn có thực hiện đúng phương pháp hay công thức kiếm tiền đến đâu đi nữa nhưng vẫn mất tiền thậm chí phá sản.
Câu chuyện của những cổ phiếu vượt đỉnh
- Cập nhật : 26/07/2016
Cùng với xu hướng đi lên của chỉ số VN-Index, khá nhiều các cổ phiếu trên sàn đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong thời gian vừa qua, thậm chí là lên mức cao nhất kể từ khi niêm yết.
Ba trong số đó là các cổ phiếu VCB, VHC và MWG với những câu chuyện khác nhau nhưng đều có điểm chung là nền tảng kết quả kinh doanh hai quí đầu năm ở mức khá tích cực.
VCB: phần thưởng cho người kiên nhẫn
VCB là một trong những cổ phiếu thu hút được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư trong các phiên giao dịch gần đây. Đáng chú ý không chỉ vì VCB là một trong những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK), qua đó có tác động không nhỏ tới diễn biến của chỉ số VN-Index mà còn bởi mức giá hiện nay của VCB đã là cao nhất kể từ khi cổ phiếu này được niêm yết trên sàn (giá đã điều chỉnh kỹ thuật). Mức giá này cũng tương đương với mức giá khi Vietcombank IPO cách đây gần chín năm. Còn nhớ, giá đấu bình quân khi Vietcombank IPO vào cuối năm 2007 đạt xấp xỉ 108.000 đồng/cổ phiếu. Trải qua nhiều đợt chia tách, phát hành tăng vốn, trả cổ tức thì mức giá IPO được điều chỉnh xuống còn khoảng 55.000 đồng/cổ phiếu.
Có một số nguyên nhân có thể lý giải cho đà tăng ấn tượng của cổ phiếu VCB.
Về yếu tố khách quan, diễn biến thị trường chung khá thuận lợi khi chỉ số Vn-Index đã vượt qua được vùng kháng cự xung quanh 640 điểm và đang hướng tới các mốc điểm cao hơn. Trong xu hướng đi lên này, rất nhiều nhóm cổ phiếu đã có sự khởi động từ khá sớm và đóng vai trò dẫn dắt thị trường như nhóm dầu khí, thép, vật liệu xây dựng, chứng khoán...
Tuy vậy, theo người viết, lý do chính giúp giá cổ phiếu VCB “lập đỉnh” xuất phát nhiều hơn từ yếu tố chủ quan. Đó chính là sự hỗ trợ tích cực từ nền tảng kết quả kinh doanh. Vietcombank cho biết lợi nhuận trước thuế chưa hợp nhất của ngân hàng này trong sáu tháng đầu năm đạt 4.193 tỉ đồng, tăng 38% so với năm ngoái nhờ tăng trưởng tín dụng tốt (đạt mức 10,8% so với mức 5,4% của cùng kỳ năm 2015 và 6,8% của toàn hệ thống ngân hàng tính đến ngày 24-6-2016) và NIM có sự cải thiện (đạt 2,74%, cao hơn mức 2,6% của năm 2015). Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,7% từ mức 2,5% của cùng kỳ năm ngoái.
Mọi chỉ số hoạt động đều có sự cải thiện rõ rệt trong tổng thể bức tranh còn nhiều khó khăn của hệ thống ngân hàng Việt Nam cho thấy những lợi thế cạnh tranh không thể phủ nhận của Vietcombank. Có thể cũng chính nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng mà VCB đã thu hút được sự quan tâm của khối ngoại. Thống kê giao dịch trong tuần từ 11-7 đến 15-7 cho thấy VCB là một trong những mã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất, với 2,46 triệu cổ phiếu, tương đương 130 tỉ đồng.
Ngoài ra, những câu chuyện xoay quanh việc nới room hay vị thế là một trong những cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp VCB luôn nằm trong danh sách mua vào của các quỹ đầu tư chỉ số. Đó là những yếu tố không mới nhưng vẫn luôn tạo sự hấp dẫn nhất định cho VCB mỗi khi nhà đầu tư quyết định rót vốn vào nhóm ngân hàng.
VHC: sức hút từ tiềm năng tăng trưởng
Một cổ phiếu khác cũng đã đạt mức cao nhất trong lịch sử niêm yết của mình trong tuần qua là VHC. Kể từ phiên giao dịch 17-5 đến 15-7, VHC đã liên tục tăng giá từ mức 28.000 đồng/cổ phiếu lên mức 48.000 đồng/cổ phiếu (tương đương mức tăng 70%). Đáng chú ý, đà tăng của VHC gần như không bị ảnh hưởng tiêu cực gì từ động thái thoái vốn của một số cổ đông lớn. Cụ thể, hai cổ đông ngoại là Red River Holding và Temasia Capital trong phiên giao dịch ngày 12-7 đã bán ra tổng cộng 4,62 triệu cổ phiếu VHC. Tuy nhiên, cùng lúc đó đã có ba nhà đầu tư nước ngoài thuộc Dragon Capital mua hết lượng cổ phiếu trên là Grinling International Limited (mua 1.370.197 cổ phiếu), Vietnam Enterprise Investments Limited (mua 1,4 triệu cổ phiếu) và Norges Bank (mua 1,4 triệu cổ phiếu).
Sức hút của VHC được đánh giá đến từ tiềm năng tăng trưởng mạnh trong tương lai nhờ mở rộng thị phần ra thế giới, có nguồn thu bằng đô la Mỹ (đồng tiền đang mạnh lên) trong khi chi phí (nhân công, thức ăn...) bằng tiền đồng. Bộ phận phân tích khách hàng cá nhân của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trong báo cáo mới nhất cũng khuyến nghị nhà đầu tư chú ý tới VHC - nhà xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam do VHC được hưởng lợi trong năm 2016 nhờ không bị áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ và mảng collagen và gelatin sẽ bắt đầu đóng góp lợi nhuận từ năm 2016. Lợi nhuận quí 1-2016 của VHC đạt 101 tỉ đồng, tương đương 29% kế hoạch năm. Số liệu ước tính quí 2 cho biết VHC có thể đạt lợi nhuận từ 140-150 tỉ đồng, tăng 40% so với quí 1-2016 nhờ thị trường xuất khẩu liên tiếp mở rộng, giá bán cá phi lê tăng gần 15% so với quí trước và khối lượng xuất khẩu tăng trên 50%. Do vậy, VHC được đánh giá là cổ phiếu thích hợp cho các nhà đầu tư giá trị có xu hướng đi tìm các công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh.
MWG: tăng trưởng trong hoài nghi
Một trong những cổ phiếu gây hiếu kỳ nhất đối với nhà đầu tư trên TTCK trong suốt hai tháng qua là cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã MWG). Bất chấp những đợt biến động của chỉ số VN-Index, cổ phiếu MWG vẫn liên tục đi lên và lập đỉnh. Tính từ phiên ngày 18-5 đến 14-7, MWG đã tăng 85%, từ mức giá 77.000 đồng/cổ phiếu lên mức 143.000 đồng/cổ phiếu. Trước đà tăng nóng của MWG, một số cổ đông nước ngoài đã tranh thủ thoái vốn. Điển hình như Quỹ Ntasian Discovery Master Fund đã bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG, qua đó giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ xuống còn 4,76% hay Mekong Capital cũng đã bán ra 2,5 triệu cổ phiếu MWG, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 9,24%.
Mặc dù triển vọng của mô hình bán lẻ điện thoại di động được giới chuyên gia đánh giá không thật sự khả quan trong tương lai gần do các lợi thế của mô hình này như nguồn hàng chính hãng, sự đa dạng chủng loại, đội ngũ tư vấn, các cửa hàng ở vị trí đắc địa... đang ngày một mất dần nhưng trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh mà MWG đạt được là rất đáng khích lệ. Với chiến lược liên tục mở rộng các cửa hàng và đẩy mạnh mảng bán hàng trực tuyến, trong năm tháng đầu năm nay, MWG đã đạt doanh thu thuần 16.240 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 700 tỉ đồng, tăng lần lượt 80% và 86% so với cùng kỳ 2015. Ngoài ra, ban lãnh đạo của MWG cũng được đánh giá là những người khá nhanh nhạy và quyết đoán khi sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm và thử nghiệm ở các lĩnh vực mới như kinh doanh điện máy, bán hàng trực tuyến... Điểm hạn chế của MWG là khối lượng giao dịch chưa thật sự cao, mặc dù có sự cải thiện trong thời gian gần đây nhưng vẫn chỉ đạt khoảng 200.000 cổ phiếu/phiên. Yếu tố này khiến MWG chưa có tính thị trường cao và có thể khiến nhà đầu tư ít nhiều gặp rủi ro khi giá cổ phiếu có xu hướng đảo chiều.
Theo Bình An - TBKTSG