tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vạ lây vì những dự án cầu đường trì trệ

  • Cập nhật : 11/09/2015

(Tin kinh te)

Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội chậm tiến độ không chỉ khiến các hộ sống lân cận dự án khổ sở vì ô nhiễm tiếng ồn và bụi, mà còn thường xuyên gây ra phiền toái cho người tham gia giao thông vì cảnh ùn tắc xảy ra như cơm bữa

nguoi tham gia giao thong buc xuc vi cac du an trong diem cham tien do gay un tac - anh: mai ha

Người tham gia giao thông bức xúc vì các dự án trọng điểm chậm tiến độ gây ùn tắc - Ảnh: Mai Hà

 
Vỉa hè xén cụt, xe áp sát nhà dân
 
“Phát điên lên vì tắc đường” là bức xúc của chị N.H khi mất gần 2 tiếng đồng hồ để di chuyển từ nhà tại phố Tô Hiệu (Q.Hà Đông) lên cơ quan có trụ sở tại Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm. Chị N.H cho biết, những hôm thời tiết Hà Nội nắng nóng từ sáng sớm, chị và nhiều người khốn khổ vì phải chôn chân hàng tiếng đồng hồ giữa trời nắng, hít căng bụi, khói xe.
 
Đoạn đường Nguyễn Trãi - Trần Phú tập trung nhiều “đại công trường” thuộc hai dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và nút giao hầm chui Thanh Xuân nên thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc, nhất là vào các giờ cao điểm. “Vì đoạn tắc tại nút giao 4 tầng, tắc từ dưới cổng Học viện An ninh nên người dân sống tại Hà Đông như chúng tôi đi ra phía Q.Thanh Xuân đều phải đánh vật mỗi ngày. Xe đi hàng 5, ô tô thì trèo cả lên vỉa hè, người đi xe máy thì dồn ứ lại”, chị N.H ngán ngẩm.
 
Tương tự, tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy cũng là nỗi ám ảnh kinh hoàng trong giờ cao điểm đối với nhiều người dân sinh sống và làm việc ở đây. Tuyến đường sắt số 3 Nhổn - Ga Hà Nội đang đồng loạt triển khai gói thầu số 2, các công trình trên quây rào kín bưng, án ngữ một nửa, thậm chí gần 2/3 lòng đường của một trong những tuyến đường huyết mạch của Hà Nội.
 
Trước bức xúc của người dân về tình trạng ùn tắc khi đi qua đoạn tuyến này, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hoàng Năng Tuân, Giám đốc ban điều hành dự án hầm chui Thanh Xuân (Cienco 4) cho rằng, trước khi xây dựng các công trình trên, đường Nguyễn Trãi cũng đã là điểm nóng về tắc đường.
 
Cũng theo ông Tuân, để lấy đất cho lưu thông, đơn vị thi công đã xén vỉa hè vào sát nhà dân, di chuyển cột điện, chướng ngại vật để người dân lưu thông, xe máy, ô tô đều đi lên vỉa hè, thậm chí đi sát nhà dân.
Ban Quản lý dự án (BQLDA) đường sắt (Bộ GT-VT) cũng cho biết, do hai bên làn đường ở khu vực nhà ga ÐH Quốc gia Hà Nội đã mở rộng 8 m, khu vực nhà ga Thanh Xuân cũng mở rộng rào chắn tới 11 m nên không tránh khỏi ùn tắc giờ cao điểm.
 
Dự án giải tỏa ùn tắc lại gây tắc vì chậm tiến độ
 
“Để hết ùn tắc là không có, chỉ khi nào xong hầm chui và các đoạn của đường sắt đô thị thì mới hết ùn tắc”, ông Hoàng Năng Tuân chia sẻ.
 
Trong khi đó, dự án hầm chui nút giao Thanh Xuân lại đang chậm tiến độ, do việc thi công đồng thời với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhưng chưa được phía đường sắt đô thị bàn giao mặt bằng. Cụ thể, phía bên xây dựng nhà ga đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông chưa tháo dỡ giàn thi công, khiến gói thầu của hầm chui chậm tiến độ 6 tháng so với dự kiến.
 
Theo BQLDA Thăng Long, dự án hầm chui Thanh Xuân được lập tiến độ tổng thể hoàn thành trong 17 tháng, nhưng BQLDA đường sắt cho biết thời gian sớm nhất để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu xây dựng hầm chui là vào tháng 10.2015, tiến độ tổng thể của dự án hầm chui vì vậy có nguy cơ bị chậm 6 tháng so với hợp đồng (cuối tháng 6.2016 mới hoàn thành). Với vai trò giải tỏa ách tắc giao thông cho điểm nóng là nút giao Thanh Xuân, nhưng dự án hầm chui chậm tiến độ, khiến ùn tắc càng thêm trầm trọng.
 
Dù Bộ GT-VT và UBND TP Hà Nội đều ra nhiều tối hậu thư, nhưng tiến độ các dự án giao thông kể trên vẫn rất ì ạch. Không chỉ dự án hầm chui Thanh Xuân, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng liên tục dời tiến độ hoàn thành, từ cuối năm 2015 sang tháng 3.2016 và mốc mới nhất là tháng 6.2016.

(Theo Báo Thanh Nien)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục