tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiều 11-09-2015

  • Cập nhật : 11/09/2015

Việt Nam có 29.000 lao động trong ngành ứng dụng di động

Số lao động nói trên đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về lượng người làm công việc liên quan đến lĩnh vực này. 

Hiện Việt Nam có khoảng 29.000 người đang làm công việc liên quan đến ngành phát triển ứng dụng di động - nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, cao hơn các quốc gia Singapore, Thái Lan, Indonesia... Trong khi đó năm 2007, Việt Nam chưa có công việc nào liên quan đến lĩnh vực này. 

Thông tin được ông Will Marshall - Viện Chính sách tiến bộ (PPI) đưa ra tại Tọa đàm giới thiệu dự thảo Báo cáo về "Ngành phát triển ứng dụng di động của Việt Nam". 

"Sự xuất hiện smartphone đánh dấu mốc quan trọng cho sự ra đời của nghề này. Tính đến tháng 7/2015, có tổng cộng 1,5 tỷ ứng dụng trên Android và 1,5 tỷ trên iOS. Số người làm việc để tạo ra những sản phẩm đó ngày càng gia tăng ở mọi quốc gia", ông cho hay.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, những người làm nghề này ở Việt Nam có cơ hội làm việc tại nhiều quốc gia khác để tăng thu nhập cao gấp nhiều lần và cơ hội phát triển hơn.

"Ví dụ riêng tháng 8/2015, Mỹ tuyển dụng khoảng 50 lao động Việt Nam đến đây để làm công việc phát triển ứng dụng. Ngoài ra, rất nhiều công ty đa quốc gia cũng đang sử dụng nhân công làm việc tại chỗ và tỷ lệ này ngày càng tăng tại Việt Nam", ông dẫn chứng. 

Chuyên gia này cũng nhận định một cách khách quan rằng, ngành kinh tế ứng dụng của Việt Nam còn thua xa những quốc gia như Mỹ, Nhật Bản hoặc Anh, thậm chí cũng không so sánh được với Ấn Độ và Trung Quốc.

"Chính phủ Việt Nam nên có những quy định cởi mở hơn để khuyến khích nghề này, tạo ra những công việc có thu nhập cao và đưa đất nước trở thành quốc gia có công nghệ thông tin hiện đại", đại diện nhóm nghiên cứu nhận định. 


Hơn 500 đảng viên bị kỷ luật trong một nhiệm kỳ ở Đà Nẵng

39 người bị khai trừ khỏi Đảng, 7 trường hợp bị cách chức trong tổng số hơn 500 đảng viên bị kỷ luật ở Đà Nẵng nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng ngày 10/9 nêu rõ, nhiệm kỳ 2010 - 2015 các cấp ủy Đảng của thành phố đã kiểm tra hơn 5.000 đảng viên và hơn 3.000 tổ chức đảng, qua đó phát hiện 4 tổ chức vi phạm và kỷ luật 536 đảng viên.

Cụ thể, 39 người bị khai trừ khỏi đảng, 7 đảng viên bị cách chức, 20 trường hợp vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái quy định nhà nước. Số đảng viên vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình chiếm đa số với 191 người (chiếm gần 36%), nhiều đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm.

Quá trình thi hành kỷ luật, nhiều đảng viên chưa tự giác, thẳng thắn nhận khuyết điểm và hình thức kỷ luật; thiếu rèn luyện, thoái hóa, biến chất trước tác động tiêu cực của kinh tế thị trường; còn tâm lý nể nang, né tránh khi xử lý sai phạm...

Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng, khẳng định nếu phát hiện đảng viên vi phạm, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, thì phải kịp thời có kết luận, xử lý đúng người, đúng vi phạm. 


Kon Tum: Thêm 4 đặc sản được trao bằng xác lập kỷ lục

Ngày 10-9, UBND tỉnh Kon Tum cho biết tỉnh này vừa có thêm 4 đặc sản và món ăn nổi tiếng (rượu vang sim Măng Đen, thịt bò nướng kiến vàng, tiêu rừng Măng Đen và măng nứa khô Măng Đen) được Tổ chức Kỷ lục châu Á, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Hội Kỷ lục gia Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục.

Cùng với 2 đặc sản là gà nướng Kon Plông và cá tầm Kon Plông đã được trao trước đây, đến nay tỉnh Kon Tum có tổng cộng 6 đặc sản và món ăn được các tổ chức trên trao bằng xác lập kỷ lục.

dac san “goi la kon tum”

Đặc sản “gỏi lá Kon Tum”

Ngoài ra, tỉnh Kon Tum còn có đặc sản “sâm Ngọc Linh Kon Tum” được xác lập kỷ lục là 1 trong 8 quà tặng Việt Nam đạt kỷ lục châu Á và món “gỏi lá Kon Tum” được xác lập kỷ lục là 1 trong 10 món ăn Việt Nam đạt kỷ lục châu Á.


Cần quy định riêng tố tụng lao động 
giải quyết tranh chấp

Ông Bùi Sỹ Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết các tranh chấp lao động tại Việt Nam có xu hướng gia tăng. 

Sáng 10-9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo khu vực phía Nam: Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp lao động (TCLĐ) và tham vấn về quy định tố tụng lao động trong dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), với sự tham gia của nhiều cơ quan, 
ban ngành.

Ông Bùi Sỹ Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết các TCLĐ tại Việt Nam có xu hướng gia tăng. Năm 2014 có gần 5.000 vụ án TCLĐ do tòa thụ lý.

Ông Mai Đức Chính - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng “quan hệ lao động khác biệt với quan hệ dân sự, thương mại, hôn nhân gia đình... TCLĐ xảy ra thì hai bên vẫn cần duy trì mối quan hệ chủ - thợ nên người lao động luôn ở thế bị động.

Vì vậy, trong dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) cần có một chương riêng về tố tụng lao động, tiến tới xây dựng một luật riêng đáp ứng những yêu cầu cấp thiết giải quyết TCLĐ hiện nay”.


Lừa đảo qua mạng viễn thông

Công an TP.Nha Trang vừa gửi đến các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa công văn nhờ đăng tải trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo thủ đoạn hoạt động của nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông.

Công an Nha Trang nhận định: Có 3 thủ đoạn mà nhóm tội phạm sử dụng để lừa đảo khách hàng. Thứ nhất là chúng sử dụng các số điện thoại: +439396100, +4393961, 08113, +17122222, +81363118429, +1354762541 để gọi vào máy cố định của khách hàng đang nợ tiền cước viễn thông và yêu cầu khách hàng cung cấp số điện thoại di động, số tài khoản ngân hàng và thông tin cá nhân ghi trong số CMND. Sau đó, chúng mạo danh là cán bộ công an tiếp tục đe dọa khách hàng đó hiện đang liên quan đến một đường dây tội phạm lừa đảo đang bị Bộ Công an điều tra, yêu cầu nạn nhân chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khản của mình sang số tài khoản do nhóm đối tượng này cung cấp để giám sát trong 24 giờ, nếu không chuyển tiền thì sẽ bị bắt. Chúng liên tục gọi điện hăm dọa khiến một số nạn nhân quá sợ nên chuyển tiền vô tài khoản của bọn ma cô và bị chiếm đoạt.
Thủ đoạn thứ 2 là đối tượng sử dụng tin nhắn của các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook nhắn tin thông báo cho “khách hàng” biết mình đã được chọn là người trúng thưởng tiền và xe máy. Để nhận được giải thưởng thì “người trúng thưởng” phải mua thẻ cào của các nhà mạng điện thoại như Viettel, MobiFone để đóng phí làm hồ sơ nhận giải, thuế thu nhập cá nhân, phí chuyển khoản, phí vận chuyển… Sau khi “khách hàng” chuyển các mã thẻ cào vào điện thoại cho đối tượng thì… mất luôn!
Thủ đoạn thứ 3 là đối tượng thường mạo danh là người nước ngoài chủ động làm quen với nạn nhân thông qua các trang mạng xã hội. Sau khi làm quen được một thời gian, đối tượng thông báo với nạn nhân là tặng quà có giá trị lớn và tiền mặt cho nạn nhân, đã gửi về cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó đối tượng thông báo với nạn nhân là số tài sản trên đang bị an ninh sân bay Tân Sơn Nhất giữ và cần tiền để lo lót mới có thể chuyển số tiền và quà trên cho nạn nhân. Tiếp theo, đối tượng mạo danh là nhân viên an ninh sân bay Tân Sơn Nhất gọi điện thoại cho nạn nhân và yêu cầu nạn nhân chuyển vào tài khoản của đối tượng, số tiền trên lập tức bị chiếm đoạt.
Các thủ đoạn này đã lặp đi lặp lại ở nhiều nơi nên quá cũ kỹ. Ấy thế mà có người vẫn bị bọn ma cô này lừa đảo, chiếm đoạt với số tiền lớn. Có lẽ nguyên nhân cơ bản dẫn đến bi kịch cho các nạn nhân không hẳn là sự nhẹ dạ cả tin mà chủ yếu là do lòng tham “khó cưỡng” trước những lời dụ dỗ bùi tai của đám lưu manh.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục