tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 26-07-2016

  • Cập nhật : 26/07/2016

Hà Nội sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án dịch vụ, du lịch trọng điểm

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải vừa ký ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.

Nghị quyết nêu rõ, sau hơn 9 năm thực hiện Đề án phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2007 - 2015 của Thành ủy (khóa XIV), ngành du lịch Thủ đô đã đạt được kết quả tích cực, hàng năm luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Lượng khách du lịch chiếm khoảng 1/3 lượng khách du lịch cả nước, mức tăng bình quân hơn 10%/năm. Năm 2015, Hà Nội đón 3,26 triệu lượt khách quốc tế và 16,43 triệu lượt khách trong nước.

Ngoài ra, Hà Nội đã khẳng định được là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, là đầu mối trung chuyển và phân phối khách chủ yếu của khu vực phía Bắc; là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á. Tổng thu từ khách du lịch tăng ổn định, bình quân trên 15%/năm, năm 2015 đạt gần 55.000 tỷ đồng (dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm tỷ trọng 3,2% GRDP của thành phố)...

khu vuc nhat tan - noi bai la mot trong nhung du an dau tu phat trien dich vu du lich trong diem cua thanh pho ha noi

Khu vực Nhật Tân - Nội Bài là một trong những dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch trọng điểm của thành phố Hà Nội

Tuy nhiên, du lịch Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Hiệu quả kinh tế chưa cao, đóng góp vào GRDP của thành phố chưa tương xứng. TP còn thiếu những khu, điểm du lịch, khu thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Hoạt động du lịch còn manh mún, thiếu đồng bộ, phần lớn các doanh nghiệp du lịch có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Nhìn chung, du lịch chưa được nhận thức là ngành kinh tế mũi nhọn; thiếu những cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn xã hội và các nhà đầu tư lớn vào phát triển du lịch.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu du lịch Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 đón 30 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đến năm 2020 đạt 120.000 tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60 - 65%. Đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch.

Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch khu vực hồ Tây, bãi giữa và hai bên sông Hồng, khu vực Nhật Tân - Nội Bài, Khu du lịch quốc gia Ba Vì - Suối Hai, khu vực thắng cảnh Hương Sơn - hồ Quan Sơn - Tuy Lai. Xây dựng 2-3 khu du lịch, vui chơi, giải trí tầm cỡ quốc tế.(ĐT)

Tập đoàn EcoloBlue (Mỹ) tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bắc Ninh

EcoloBlue là tập đoàn chuyên sản xuất thiết bị lọc nước với công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, vừa có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại địa phương này.
ecoloblue la tap doan chuyen san xuat thiet bi loc nuoc voi nhung cong nghe tien tien hang dau the gioi

EcoloBlue là tập đoàn chuyên sản xuất thiết bị lọc nước với những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới

Ông Henri James Tieleman, Chủ tịch Tập đoàn EcoloBlue cho biết, công nghệ lọc nước của EcoloBlue là chiết xuất nước từ không khí, không sử dụng nước nguồn ban đầu, chỉ cần không khí có nhiệt độ khoảng 21 độ C, độ ẩm tối thiểu 35% là có thể sử dụng được. Máy lọc nước hoạt động bằng cách hút khí ẩm qua bộ lọc để khử bụi bẩn, sau khi khí ẩm được làm lạnh, cô đọng lại thành giọt nước sẽ đi qua khoang tiệt trùng bằng tia cực tím để cho ra sản phẩm nước sạch. Đây được cho là phương pháp mới, thân thiện môi trường và ít tốn điện năng.

Ông Henri James Tieleman bày tỏ mong muốn được hợp tác, đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh về các lĩnh vực liên quan đến nước sạch với các thiết bị hiện đại tiên tiến nhất hiện nay.

Hoan nghênh Tập đoàn EcoloBlue đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Tử Quỳnh cho biết, với phương châm “Bắc Ninh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ đầu tư, sát cánh cùng doanh nghiệp, là chỗ dựa vững chắc về mặt pháp lý để doanh nghiệp đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Sau buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn Ecoloblue đã đến thăm và thị sát tình hình sử dụng nước sạch một số địa điểm tại Bắc Ninh.

Triệu hồi 9.764 ôtô Honda tại Việt Nam vì lỗi túi khí

Hãng xe Nhật Bản bắt đầu thực hiện kế hoạch triệu hồi 9.764 ôtô tại thị trường Việt Nam để thay thế bộ thổi khí của túi khíphía trước ghế hành khách.

Đợt triệu hồi được áp dụng đối với 3 mẫu xe Civic, CR-V và Accord.

Trong đó, những xe Civic thuộc diện triệu hồi được sản xuất từ năm 2007 đến 2011, xe CR-V và Accord sản xuất từ năm 2009 đến 2011, xe Accord CM5 sản xuất năm 2004.

Túi khí an toàn trang bị trên các xe nhằm giảm thiểu các rủi ro tai nạn liên quan đến con người hoặc giảm thiểu chấn thương ở vùng đầu, cổ, ngực và mặt của người lái và hành khách khi xe bị va chạm từ phía trước.

Về nguyên lý hoạt động của hệ thống túi khí, khi xảy ra va chạm, cảm biến va chạm gửi tín hiệu va chạm về cho bộ điều kiển túi khí. Bộ điều khiển sẽ đánh giá mức độ va chạm và các yếu tố khác để ra quyết định kích hoạt túi khí. Ngòi nổ bộ thổi khí nhận được tín hiệu sẽ đánh lửa để đốt chất mồi lửa, các mồi lửa đốt cháy các hạt tạo khí để sinh khí, tạo ra một túi đệm khí tránh cho một số bộ phận của cơ thể người va chạm trực tiếp với các phần cứng của xe, sau đó túi khí sẽ tự động xả hơi để không làm kẹt người lái và hành khách trong xe.

Theo khuyến cáo từ Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), trong trường hợp bộ thổi khí tạo ra áp suất quá lớn, tại thời điểm túi khí bị kích hoạt khi xe va chạm, vỏ bộ thổi khí hoặc các linh kiện nhỏ có thể bị vỡ, bắn ra gây tổn thương cho hành khách và người lái.

Vì vậy, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, Honda Việt Nam đã bắt đầu triển khai chương trình triệu hồi để thay thế bộ thổi khí túi khí phía trước ghế hành khách (bên phải) trên tổng số 9.764 xe.

Dự kiến chương trình triệu hồi sẽ kết thúc vào ngày 30/7/2017. Ước tính thời gian kiểm tra và thay thế mất khoảng 1 giờ cho mỗi xe.(VnEconomy)

Ra đến Hà Nội, thanh long ruột đỏ đắt gấp 30 lần

Mặc dù đổ đống bán la liệt khắp các vỉa hè, chợ ở Hà Nội, song, giá thanh long, đặc biệt là thanh long ruột đỏ, vẫn được dân buôn than hiếm, bán đắt gấp 30 lần giá thu mua tại nhà vườn ở miền Nam.

Gần đây, các nhà vườn trồng thanh long ở Chợ Gạo (Tiền Giang) và Châu Thành (Long An) liên tục than thở vì giá thanh long rớt thê thảm. Cách đây khoảng 1 tháng, thương lái vào tận vườn thu mua thanh long ruột đỏ với giá 30.000 đồng/kg, nhưng hơn một tuần nay, họ chỉ mua 3.000 đồng/kg, bằng 1/10 so với trước đó. Đặc biệt, các thương lái cũng chỉ mua hàng loại 1 với số lượng hạn chế nên lượng thanh long bị loại ra rất nhiều.

Vì thế, nhiều nhà vườn ở huyện Chợ Gạo đã phải chở thanh long ra đổ đầy đường rồi bán với giá chỉ 1.500-2.000 đồng/kg với hy vọng tiêu thụ được hết số thanh long đã thu hoạch và vớt vát lại vài đồng vốn đã bỏ ra.

Trái ngược hoàn toàn với cảnh thanh long bán đổ đống với giá bèo ở các tỉnh Tiền Giang và Long An thì tại Hà Nội, thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ có giá cao ngất ngưởng.

Theo ghi nhận của PV, những ngày gần đây, thanh long cũng được đổ đống bán la liệt trên vỉa hè một số tuyến phố, hay chất đầy các sạp hoa quả ngoài chợ nhưng có giá 30.000-45.000 đồng/kg, tùy loại, tức đắt gấp 20-30 lần giá tại vườn.

Cụ thể, tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), giá thanh long ruột đỏ loại 1 (quả to, đẹp) hiện là 45.000 đồng/kg, loại 2 là 40.000 đồng/kg. Thanh long ruột trắng gái rẻ hơn thanh long ruột đỏ 5.000 đồng/kg.

Tương tự, tại vỉa hè đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội), thanh long được chất đống đầy đường, mỗi điểm bán số lượng cũng lên đến cả tấn. Song, giá bán cũng ở mức 40.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ, 20.000-30.000 đồng/kg với thanh long ruột trắng, tùy loại to nhỏ.

Đáng lưu ý, dân buôn bán thanh long tại Hà Nội vẫn giải thích với khách rằng thanh long đắt do hàng hiếm, khó mua với số lượng lớn.

Nhưng giá bán tại thị trường Hà Nội vẫn đắt gấp 20-30 lần giá thanh long thu mua tại các nhà vườn ở miền Nam

Trong vai người mua, PV tạt vào hàng thanh long của chủ hàng Thường trên vỉa hè đường Khuất Duy Tiến. Khi mua xong 2kg thanh long ruột đỏ với mức giá 40.000 đồng/kg, PV có thắc mắc tại sao giá thanh long lại đắt như vậy, trong khi ở miền Nam siêu rẻ, chủ hàng liền nói: “Thanh long ruột đỏ hàng thượng hạng lúc nào chẳng hiếm, làm gì có chuyện giá chỉ vài nghìn đồng”.

“Bọn chị đây đánh cả xe ô tô vào tận trong Long An lấy thanh long rồi ra ngoài này bán mỗi điểm khoảng 0,5-1 tấn, chi phí đi lại cũng tốn kém nên không có chuyện hàng hiếm mà giá lại rẻ đâu”, chị này nói thêm.

Tương tự, các tiểu thương tại chợ cũng cho biết, thanh long ruột đỏ là hàng hiếm, không có nhiều như thanh long ruột trắng nên giá luôn ở mức đắt đỏ. Thời điểm rẻ nhất giá cũng ở mức 35.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Hoàng Lan ở Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, Rằm vừa rồi chị còn phải mua thanh long ruột đỏ với giá lên đến 50.000 đồng/kg, nay giảm còn 45.000 đồng/kg.

“Thấy giá đắt cũng thắc mắc vì bạn bè trong Sài Gòn bảo đang ăn thanh long trừ bữa thì chủ hàng thanh minh ngoài Bắc thanh long ruột trắng còn nhiều chứ hàng ruột đỏ lúc nào cũng hiếm nên giá chẳng bao giờ rẻ”, chị Lan nói.

Theo một chuyên gia kinh tế, chuyện mua rẻ bán đắt không phải là chuyện với riêng quả thanh long mà với rất nhiều quả khác như chôm chôm, mít, chanh,... Đây là chuyện muôn thuở của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Vị chuyên gia này lý giải, nguyên nhân là do khâu phân phối, nếu điều chỉnh lại, cho doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân thì sẽ không còn tình trạng nông sản tại nhà vườn bị thương lái ép giá để mua với giá thấp, còn tại chợ thì tiểu thương bán cho người tiêu dùng với giá cao. Từ đó, bao nhiêu thiệt thòi đều dồn cho nông dân và người tiêu dùng, tiền lãi đổ đầy vào túi tiểu thương.(Vietnamnet)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục