Rời bàn làm việc, tìm tới các hội nghị xúc tiến, gặp gỡ nhà đầu tư... là những lời khuyên được đại diện thương mại Mỹ đưa ra với lãnh đạo các địa phương của Việt Nam để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút doanh nghiệp nước này.
Chất lượng sống của người Việt vượt xa Thái Lan?
- Cập nhật : 24/03/2016
(Tin kinh te)
Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lực chuyển đổi sự thịnh vượng kinh tế sang chất lượng cuộc sống của người dân.
Công ty Boston Consulting Group (BCG) vừa công bố báo cáo "Đất nước Hoa Sen - duy trì thành tựu ấn tượng của Việt Nam về cải thiện đời sống người dân" dựa trên công cụ đánh giá phát triển kinh tế bền vững (SEDA).
Theo đó, SEDA của Việt Nam đang là 42,4 điểm và xếp thứ 79 trong số 149 quốc gia được nghiên cứu. Các nước có chỉ số này cao nhất là Mỹ, Nhật Bản, Na Uy, Đức và Singapore.
Dù xếp vị trí khiêm tốn song Việt Nam lại nằm trong top 4 quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lực chuyển đổi sự thịnh vượng kinh tế sang chất lượng cuộc sống của người dân.
Cụ thể, với GDP bình quân đầu người tính theo ngang giá sức mua là 5.200 USD một năm, người dân Việt Nam đang có chất lượng cuộc sống tương đương với các quốc gia có GDP bình quân cao hơn 10.000 USD.
Kết quả nghiên cứu của BGG cũng cho thấy chất lượng cuộc sống của người Việt vượt xa các quốc gia có mức thu nhập như Philippines (GDP bình quân 6.300 USD) và cả các quốc gia thịnh vượng hơn như Trung Quốc, Thái Lan.
"Thành tựu nâng cao chất lượng cuộc sống phản ánh tác động lớn của các chính sách trong đó Nhà nước đã có tầm nhìn xa hơn mục tiêu phát triển kinh tế đơn thuần để tập trung vào các yếu tố thịnh vượng khác như tiếp cận giáo dục, y tế", báo cáo đánh giá.
Trên thực tế, chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam tương đương với Trung Quốc dù GDP bình quân đầu người của nước này cao gấp đôi.
Báo cáo còn so sánh chi tiết giữa chất lượng cuộc sống của Việt Nam và Trung Quốc (GDP theo ngang giá là 11.700 USD). Theo đó, Việt Nam vượt trội về việc gắn tăng trưởng kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với đó là khía cạnh ổn định kinh tế, bình đẳng thu nhập, xã hội dân sự gắn kết xã hội, quản trị Nhà nước và môi trường.
Tuy nhiên, Việt Nam đang thua kém Trung Quốc trên nhiều phương diện khác như thu nhập, việc làm, y tế, hạ tầng, giáo dục.
So với khu vực ASEAN, báo cáo cũng đánh giá Việt Nam đi đầu trên một phương diện là ổn định kinh tế, xã hội dân sự với tỷ lệ lao động nữ tham gia thị trường là 73%, thuộc nhóm cao nhất toàn cầu.
Tuy nhiên, Việt Nam lại tụt hậu nhiều so với nhóm ASEAN 4 gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines. Theo đó, bình quân thu nhập đầu người của nước ta tương đối thấp, phần lớn do nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp. GDP bình quân tính theo ngang giá sức mua năm 2013 của Việt Nam là 5.200 USD, trong khi nhóm ASEAN 4 dao động ở mức 6.500-22.500 USD. Việt Nam cũng đang tụt hậu hơn về cơ sở hạ tầng, quản trị Nhà nước, môi trường.
Chuyên gia Chris Malone của BCG cho rằng Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ suốt 20 năm qua, Chính phủ vẫn tiếp tục đặt ra những mục tiêu tham vọng cho những năm sắp tới. Mục tiêu chính là từ một nền kinh tế công nghiệp dựa vào lao động giá rẻ trở thành một nền kinh tế tri thức, hiện đại của một quốc gia có thu nhập trung bình.
Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, GDP bình quân đầu người lên 8.000-9.000 USD. Duy trì tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%, phát triển lực lượng lao động qua đào tạo lên 75%, tuổi thọ trung bình đạt 75 năm.
"Nếu đạt được những mục tiêu đầy tham vọng này, Việt Nam có cơ hội chuyển đổi cơ bản nền kinh tế và bắt đầu thoát khỏi nhóm các quốc gia đang phát triển. Không có một công thức hay giải pháp kỳ diệu nào và sẽ có nhiều thách thức cản trở Việt Nam: lao động - việc làm, cơ sở hạ tầng, lĩnh vực dịch vụ công và quản trị Nhà nước”, ông Chris nói.
Vị chuyên gia này cho rằng điều cần nhất mà Việt Nam phải làm là xây dựng một lộ trình toàn diện để thiết lập mối liên kết giữa hệ thống giáo dục và thị trường lao động, nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải thiện quản trị Nhà nước. Chính phủ có kế hoạch hành động để giảm thiểu tác động của tăng trưởng đến môi trường. Nếu không làm tốt việc này sẽ thấy ngay hậu quả nhãn tiền.
Chẳng hạn, Trung Quốc là công xưởng của thế giới nhưng phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường nặng nề. Cuộc sống ở các thành phố lớn như Bắc Kinh trở nên kém hấp dẫn.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, vì vậy yếu tố môi trường phải đặt lên hàng đầu. Hiện tại, môi trường của Việt Nam cũng thuộc nhóm nhấp nhất trong gần 150 quốc gia được đánh giá.
Theo VNExpress.net