tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 18-07-2016

  • Cập nhật : 18/07/2016

Vinatas cảnh báo người Việt đang uống cà phê kém chất lượng

Kết quả khảo sát cho thấy tại TP HCM và Hà Nội, nhiều cơ sở sản xuất cà phê không chứa caffeine.

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) vừa công bố kết quả khảo sát về thức uống cà phê tại Hà Nội, TP HCM, Bình Dương và Sóc Trăng. Theo đó, trong 253 mẫu cà phê được khảo sát có tới 30,04% có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1gr trên lít). Đặc biệt có tới 5 mẫu hoàn toàn không chứa caffeine.

Các mẫu khảo sát này được mua ngẫu nhiên tại các điểm kinh doanh cà phê khác nhau, gồm quán cà phê lịch sự, quán cóc, căn tin bệnh viện, cà phê xe đẩy và cà phê vỉa hè.Nhóm cà phê không có caffeine hoặc hàm lượng không đáng kể chủ yếu được bày bán tại các quán cà phê vỉa hè, xe đẩy, căn tin bệnh viện, trường học.

phan lon ca phe o quan coc, via he khong dam bao ty le caffeine.

Phần lớn cà phê ở quán cóc, vỉa hè không đảm bảo tỷ lệ caffeine.

Theo Vinatas, kết quả khảo sát nhanh này chủ yếu mới phản ánh về cà phê đang được cung cấp cho phân khúc bình dân. Vì vậy, để có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường cà phê pha ở Việt Nam, nhất là về chất lượng, vệ sinh an toàn… thì cần có những nghiên cứu về nhiều chỉ tiêu hơn và ở địa bàn rộng hơn. Vinatas cho biết thời gian tới sẽ mở rộng khảo sát các địa bàn khác.

Theo báo cáo về ngành cà phê Việt Nam do Bộ Nông nghiệp Mỹ (xuất bản ngày 6/1/2016), niên vụ 2015-2016, tiêu thụ cà phê rang xay nội địa tại Việt Nam ước đạt 2,25 triệu bao, tương đương 135 triệu kg cà phê nguyên liệu (mỗi bao cà phê là 60 kg theo chuẩn của ngành cà phê quốc tế).

Dựa trên con số này và dựa vào tiêu chuẩn của Hiệp hội cà phê đặc biệt Mỹ, để pha một ly cà phê 150ml cần trung bình từ 8 tới 8,5 gram cà phê hạt (cà phê nguyên liệu), tương ứng với 0,008 kg cà phê (nếu pha loãng) và 0,0085 kg cà phê (nếu pha đặc). 

Như vậy một kg cà phê (nguyên liệu) nếu pha loãng có thể pha được 125 ly cà phê. Tương tự một kg cà phê (nguyên liệu) nếu pha đặc có thể pha được 118 ly cà phê.

Với 135 triệu kg cà phê nguyên liệu tiêu thụ trong niên vụ 2015/2016, số cà phê người Việt tiêu thụ lên đến 16,875 tỷ ly cà phê.


Đất vàng Hà Nội: Nhà máy nhường chỗ chung cư ở nội đô

Có khu đất vàng theo quy hoạch để xây trường học, nhưng trên thực tế đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng thành các tòa chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê…
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Hàng loạt khu đất vàng Hà Nội sau khi thực hiện chủ trương di dời nhà máy ra khỏi nội đô đã nhanh chóng bị các đại gia bất động sản thâu tóm xây trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, chung cư cao cấp trong khi, không ít điểm theo quy hoạch ban đầu, đất được dùng để xây trường học.Chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhà máy bánh kẹo Tràng An
 

Đầu năm 2015, thị trường bất động sản đón nhận thông tin thêm 1 dự án chung cư cao cấp gia nhập thị trường. Dự án có vị trí nằm trên đường Phùng Chí Kiên, cách đường Hoàng Quốc Việt khoảng 100m.

Đây là khu vực có dân trí cao, cơ sở hạ tầng, tiện ích đầy đủ, đặc biệt là nút giao thông Bưởi – Hoàng Quốc Việt đang được mở rộng theo quy hoạch, kết nối ra sân bay Nội Bài và khu trung tâm tiện lợi.

Khu đất để xây dựng dự ánrộng 2,6 ha trước đây là đất của Nhà máy bánh kẹo Tràng An.

GP Invest đã hợp tác với chủ đất di chuyển nhà máy bánh kẹo Tràng An tới cơ sở sản xuất mới tại huyện Quốc Oai, để chuyển đổi mục đích sử dụng đất của nhà máy sang Dự án Tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại, văn phòng.

Trong tổng số 2,6ha, GP Invest dành 3.000m2 để xây dựng một trường học còn lại khoảng 2,3 ha là đất phát triển dự án gồm 3 tòa nhà cao tầng, trong đó có 2 tòa chung cư cao cấp cao 28 tầng và 23 tầng với tổng số khoảng 800 căn hộ cao cấp. Ngoài ra dự án còn được bố trí một tòa tổ hợp thương mại, văn phòng và căn hộ cho thuê 14 tầng.

Công trình khởi công vào tháng 1/2015 và dự kiến hoàn thành bàn giao nhà vào quý 1/2017.

Âm thầm thâu tóm đất Nhà máy Bia Rượu Hà Nội

ro tin don tap doan tan hoang minh da thau tom khu dat vang o 94 lo duc truoc day la cong ty ruou ha noi. anh:halico.com

Rộ tin đồn Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã thâu tóm khu đất vàng ở 94 Lò Đúc trước đây là Công ty rượu Hà Nội. Ảnh:Halico.com

 

Từ nhiều năm qua, theo chủ trương của UBND TP Hà Nội, một phần khu đất tại Nhà máy rượu Hà Nội (94 Lò Đúc) được sử dụng để xây dựng trường học.

Lô đất tại Nhà máy Rượu Hà Nội có tổng diện tích là 7.657 m2, bao gồm hai khu đất riêng biệt nằm cạnh nhau từng được thành phố tính dùng để “đền bù” cho chủ đầu tư dự án khách sạn SAS trong công viên Thống Nhất, sau khi dự án này bị huỷ bỏ.

Tuy nhiên, khi đó doanh nghiệp này cho rằng, diện tích khu đất này nhỏ hơn khu đất cũ tại 295 Lê Duẩn (10.133 m2), nên sau đó các bên liên quan đã thống nhất dời dự án này lên khu Mễ Trì, thuộc huyện Từ Liêm.

Với chủ trương xây trường học, mặt bằng sạch đã được chuẩn bị từ vài năm nay, nhưng khu đất này vẫn chỉ là những bãi um tùm cây cối được quây tôn kín mít khiến dư luận nghi ngờ có doanh nghiệp nào đó đang có ý định “thôn tính” khu vực “đất vàng” này.

Năm 2013, tại Văn bản số 69 gửi UBND Thành phố, chủ đầu tư dự án này đề nghị Thành phố hoàn trả lại phần tiền đền bù, hỗ trợ di chuyển, giải phóng mặt bằng tương ứng với phần diện tích đất xây dựng trường học trước khi thực hiện thu hồi đất, giao đất cho quận Hai Bà Trưng.

Chủ đầu tư cũng đề nghị Thành phố trả lại phần tiền cho công tác chuẩn bị đầu tư như khảo sát, đo đạc, quy hoạch tổng mặt bằng… Ngoài ra, chủ đầu tư còn đề nghị hoán đổi vị trí 2 ô đất xây trường học và xây khách sạn.

Không lâu sau đó, rộ tin đồn tập đoàn Tân Hoàng Minh đã sở hữu dự án tại nhà máy rượu Hà Nội (cũ), phố Lò Đúc, rộng đến 26.700m2, bổ sung vào danh mục loạt dự án đất vàng nội đô của công ty này.

Hiện thông tin về thương vụ này vẫn là ẩn số, nhưng có một điều chắc chắn sẽ không có trường học nào được xây dựng trên khu đất vàng trên như quy hoạch ban đầu của thành phố nữa.

Cùng chung số phận, khu đất Nhà máy Dệt kim Đông Xuân tại số 67 phố Ngô Thì Nhậm cũng từng được Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội chấp thuận bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng với một ô đất 4.000 m2 để đầu tư xây dựng trường tiểu học Ngô Thì Nhậm. Ngoài ra, phần đất thu hồi sẽ được dùng để dùng làm công trình sân vườn trường mẫu giáo Chim Non và đường Thi Sách kéo dài.

Trên thực tế, nơi đây trở thành Trung tâm thương mại và Văn phòng giao dịch với diện tích mặt sàn lên tới 8.629,0 m2. Hiện chưa có nhiều thông tin về dự án này cũng như chủ sở hữu của nó, nhưng rõ ràng hiện tại đã khác xa với quy hoạch ban đầu của Hà Nội.

Bơm tiền mua đất nhà máy Dệt Minh Khai

den nam 2018, khu dat truoc day la nha may det minh khai se tro thanhcum nha o hon hop chung cu cao cap va van phong cho thue. anh:hbi

Đến năm 2018, khu đất trước đây là Nhà máy Dệt Minh Khai sẽ trở thànhcụm nhà ở hỗn hợp chung cư cao cấp và văn phòng cho thuê. Ảnh:HBI

 

Kinh doanh nhiều năm thua lỗ, nợ tiền thuê đất hàng chục tỷ đồng, Nhà máy Dệt Minh Khai được định giá vào khoảng 59 tỷ đồng (tại thời điểm 31/12/2013). Tuy nhiên, 1,6 triệu cổ phần của Dệt Minh Khai được đấu giá vào 23/1/2015 với mức giá cao ngất lên tới 72.000 đồng/cp - cao gấp gần 7 lần so với giá khởi điểm.

Nhìn vào hoạt động kinh doanh của Dệt Minh Khai thì không có gì nổi bật để các nhà đầu tư bỏ ra số tiền lớn và chấp nhận mua cổ phần với mức giá cao như vậy.

Tuy nhiên, Dệt Minh Khai lại đang quản lý và sử dụng một quỹ đất khá lớn khoảng 3,8ha (đất nhà máy Dệt Minh Khai) tại vị trí được xem là “đất vàng” Thủ đô tại số 423 đường Minh Khai quận Hai Bà Trưng, HN.

Năm 2010, trên thị trường địa ốc cũng đã rộ lên thông tin Vinaconex liên doanh với Dệt Minh Khai triển khai đầu tư xây dựng 5 toà nhà chung cư và 2 toà văn phòng cho thuê với chiều cao 17 đến 23 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng 133.145m2 (không bao gồm tầng hầm, tầng kỹ thuật). Tổng mức đầu tư dự kiến 1.774 tỷ đồng.

Nhưng một năm trở lại đây, Công ty cổ phần HBI - công ty con của đơn vị phát triển dự án MIK đã bất ngờ bơm tổng số vốn hơn 1700 tỷ đồng liên doanh với Dệt Minh Khai để triển khai đầu tư xây dựng cụm nhà ở hỗn hợp chung cư cao cấp và văn phòng cho thuê ở đây, quy mô bao gồm 4 tòa tháp cao 28 tầng và 3 tầng hầm.

Dự kiến dự án này sẽ hoàn thành vào quý IV/2018. (Zing)


Tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp bị bêu tên xấu

Trách nhiệm xã hội (CSR) của DN mặc dù được nói đến nhiều nhưng lại không bị ràng buộc nhiều bởi pháp luật nên quá trình thi hành và xử phạt cũng sẽ rất khó.

Không có luật hóa, không có khuôn mẫu giống nhau nên việc thi hành cũng có hai chiều hướng. Có những công ty chủ động thực hiện, họ tự đặt ra những tiêu chuẩn tốt và tất nhiên là họ sẽ thành công trong chuỗi kinh doanh của họ. Ví dụ như Honda tự đặt ra tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng.

Nhưng cũng có rất nhiều DN không chú trọng nhiều đến CSR vì họ thấy phiền hà quá, tốn kém quá. Họ không thực hiện; hoặc chỉ thực hiện khi họ thấy có lợi ích cho họ; hoặc chỉ thực hiện khi bị ép buộc, khi bị kiểm soát, nhất là khi đứng trước nguy cơ thiệt hại nhiều hơn; hoặc bị thanh tra, kiểm tra hay bị truy tố. Gần đây, một hãng xe Đức đã vi phạm tiêu chuẩn xả thải mà châu Âu quy định, rồi bồi thường hàng tỉ USD.

Muốn thực hiện CSR, DN phải có tiêu chí, có quy tắc, xác định giá trị cốt lõi của mình. Nước Nhật có thể nói là thành công nhất trong việc này, Việt Nam nên học tập. Hầu hết DN Nhật có tiêu chí rõ ràng khi xây dựng và cung cấp dịch vụ, hàng hóa có lợi cho người tiêu dùng. Họ đặt yêu cầu ba tốt: tốt cho người bán, tốt cho người mua và tốt cho xã hội.

Ngay từ đầu, DN phải tự đặt ra tiêu chí, thể hiện đẳng cấp. Ví dụ, giai đoạn đầu không đặt mục tiêu lợi nhuận. Với các DN lớn, đa quốc gia thì họ có nền tảng vững chắc hơn để thực hiện CSR, còn với DN vừa và nhỏ thì khó khăn hơn. DN thường chao đảo bởi cái lợi trước mắt, suy nghĩ ngắn hạn. DN cũng có thể xây dựng kế hoạch 5-10 năm nhưng với một hợp đồng béo bở trước mắt, dễ bị thỏa hiệp, ban đầu nghĩ là thỏa hiệp lần này thôi nhưng sau đó cứ nối tiếp và sẽ đánh mất chiến lược lâu dài của mình.

Về vấn đề lao động, DN phải có trách nhiệm cao hơn đồng lương, nhất là khi nước ta có rất đông lao động giá rẻ, dễ chấp nhận các dự án, các ngành sản xuất thâm dụng lao động nhưng không đòi hỏi cao trong việc bảo vệ người lao động lâu dài. Nhiều người lao động dễ dàng chấp nhận mức lương vài ba triệu đồng/tháng mà chưa chú ý đến ô nhiễm, đến nguy cơ bệnh tật trong công việc, môi trường mình làm.

Ví dụ như thế giới có khá nhiều cảnh báo nguy cơ bệnh tật, ung thư đối với lao động ngành điện tử nhưng khi hào hứng đón nhận các dự án điện tử, chúng ta có cảnh báo hay đòi hỏi gì đối với các nhà đầu tư hay không… Hay những thiệt hại xã hội phải gánh chịu hậu quả nặng nề thì DN có trách nhiệm gì không? Một ví dụ điển hình mới đây là Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải chất bẩn, độc, gây hại một vùng biển rộng lớn, gây thiệt hại vô cùng lớn cho một vùng miền Trung rộng lớn, đã phải đền bù 500 triệu USD…

Để DN thực hiện CSR, cần có những tổ chức giám sát DN để CSR có chất lượng và thực chất hơn. Vai trò của những tổ chức giám sát là cực kỳ quan trọng. Các công ty không chỉ để ý khách hàng mà phải tuyệt đối tôn trọng pháp luật. Rất nhiều sản phẩm khách hàng tiêu dùng lại không có điều kiện đo đếm, kiểm định chất lượng.

Mặt khác, người tiêu dùng nên phát huy vai trò thượng đế trong các quyết định mua hàng để thúc đẩy DN thực hiện CSR. Ví dụ như tham khảo kỹ thông tin về DN và sản phẩm trước khi mua sắm. Nếu DN tốt, thực hiện CSR tốt thì ủng hộ nhãn hàng của DN đó. Nếu DN có vi phạm, bị bêu tên xấu thì tẩy chay sản phẩm. Điều này góp phần tạo ra động lực kích thích, ủng hộ DN tốt phát triển và xã hội được lợi, đào thải DN thiếu trách nhiệm.

Tuy nhiên, công tác CSR là một phạm trù đạo đức, rất khó thực hiện đơn phương hay chỉ có bên bán và bên mua, mà cần một giải pháp tổng thể, trong đó việc luật định mọi trách nhiệm xã hội, cùng với hệ thống chế tài nghiêm minh đủ sức răn đe và một hệ thống hành pháp công tâm sẽ tạo một xã hội cùng phát triển tốt đẹp và bền vững.(ThS NGUYỄN HOÀNG DŨNG, Giám đốc nghiên cứu phát triển Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM -PLO)


Nhiều thương hiệu Việt ôm hận vì tên miền

 Hiện nay nhiều công ty đã thành công với tên miền .vn. Họ được nhiều khách hàng trong, ngoài nước biết đến và xuất khẩu hàng hóa thuận lợi hơn.

Đơn cử với làng nghề kho cá nổi tiếng Vũ Đại (Hà Nam), khách hàng chủ yếu đặt hàng qua trang web với tên miền cakhovudai.vn và cakhovudai.com.vn. Nhiều thương hiệu Việt lẫn các công ty nước ngoài khác cũng thành công khi đăng ký tên miền .vn như sendo.vn, vng.vn, lazada.vn…

Đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo “Bảo vệ thương hiệu Việt với tên miền .vn” do Bộ TT&TT, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) và Sở TT&TT TP.HCM tổ chức ngày 15-7 tại TP.HCM.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh Tuấn, Giám đốc kinh doanh iNET HCM, cho biết tên miền đóng vai trò rất quan trọng trong nhận diện thương hiệu. Đồng thời mang đến những tiềm năng về quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, khách hàng, đối tác… cho doanh nghiệp (DN). Tên miền đã góp phần không nhỏ cho sự thành công cũng như thất bại của nhiều công ty.

Tuy nhiên, theo số liệu của VNNIC, hiện nay riêng khối các DN Việt mới chỉ đăng ký khoảng 200.989 tên miền Việt Nam .vn, trong đó mỗi DN thường đăng ký nhiều hơn một tên miền. Trong khi đó tổng số DN ở Việt Nam hiện nay là trên 500.000, có nghĩa là tỉ lệ DN có tên miền hoặc website còn rất nhỏ.

“Vẫn có nhiều công ty Việt không có website, không sử dụng thư điện tử với tên miền chuyên nghiệp. Chính điều này đã khiến DN tự làm giảm cơ hội quảng bá của mình rất nhiều. Có DN lại chủ yếu đăng ký một tên miền quốc tế rồi bỏ qua đăng ký tên miền quốc gia .vn. Thực tế, nhiều DN phải ôm hận, kiện cáo nhiều năm trời vừa mất thời gian, chi phí để mong đòi lại tên miền gắn với thương hiệu của mình đã bị người khác đăng ký mất” - ông Tuấn nêu thực tế.

Ông Tuấn dẫn chứng một số vụ kiện tranh chấp tên miền gắn với thương hiệu của DN. Điển hình như Biti’s đã đăng ký tên miền bitis.com.vn và bitis.com nhưng bitis.vn lại bị chủ thể khác đăng ký mất; vụ kiện tranh chấp tên miền anz.com.vn của Ngân hàng ANZ nhiều năm nay vẫn chưa xong; những tên miền như Toyota.vn, camry.vn, innova.vn cũng tranh kiện kéo dài. Ngoài ra, có công ty Việt bị đối tác nước ngoài từ chối hợp tác vì DN này chỉ đăng ký tên miền quốc tế .com chứ không đăng ký tên miền quốc gia .vn.

Ông Nguyễn Minh Thái, Giám đốc kinh doanh Công ty Mắt Bão, cho biết thêm khi đăng ký tên miền .vn, DN được hưởng nhiều ưu đãi so với tên miền quốc tế như chi phí thấp hơn, truy vấn nhanh chóng, được pháp luật Việt Nam bảo vệ khi xảy ra tranh chấp tên miền… Đó là chưa kể nếu đăng ký tên miền .vn, khi khách hàng lên các trang tìm kiếm như Google, Yahoo!, gõ tên thương hiệu của DN đó chắc chắn công cụ tìm kiếm sẽ đưa ra địa chỉ tên miền trong nước .vn đầu tiên.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục