tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 08-06-2016

  • Cập nhật : 08/06/2016

Không thể dùng luật để “nhốt” rủi ro

Những quy định tưởng như nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng gạo, tăng giá gạo xuất khẩu và tăng thu nhập cho người nông dân thì thực tế lại chỉ tăng quyền lực cho doanh nghiệp xuất khẩu lớn, tạo thêm sức ép cho nông dân.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Đó là quan điểm của TS. Đặng quang Vinh,Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về các quy định đối với xuất khẩu gạo tại một hội nghị mới đây.

Theo ông Vinh, sản xuất trồng lúa chịu rủi ro nhiều nhất nhưng lao động trực tiếp lại được hưởng ít nhất.Thương lái trong nước độc quyền, có khả năng ép giá nông dân. Người nông dân bị phụ thuộc vào công ty xuất khẩu nắm trong tay việc xay xát và thị trường xuất khẩu.

Theo phân tích kinh tế chuỗi giá trị lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (năm 2010) của ĐH Cần Thơ, người nông dân phải bỏ ra chi phí 4.672 đồng/kg gạo, với giá bán 5.212 đồng/kg họ thu về lợi nhuận 540 đồng/kg.

Trong cả hai chuỗi giá trị gạo tiêu thụ nội địa và xuất khẩu thì lợi nhuận trên mỗi hộ trồng lúa là thấp nhất (khoảng 300USD/năm). Công ty xuất khẩu có lợi nhuận cao nhất, khoảng 2,5 triệu USD/năm.

“Sự công bằng, phân phối trong chuỗi giá trị như vậy có hiệu quả hay không khi doanh nghiệp xuất khẩu ít rủi ro, có quyền lực trong tay. Họ làm thương mại ở giữa và được hưởng lợi nhiều như vậy”, ông Vinh đặt vấn đề.

Theo ông Vinh, nguyên nhân chính xuất phát từ tư duy quản lý xuất khẩu gạo lạc hậu, cơ học, thiên về số lượng, không có tác dụng nâng cao chất lượng gạo, tăng giá gạo xuất khẩu, tăng thu nhập nông dân.

“Theo tôi cảm nhận, vấn đề an ninh lương thực nhiều khi được sử dụng như con hổ giấy để tạo ra chính sách không hiệu quả. Chúng ta lo lắng an ninh lương thực cho mình và cho cả nước khác nữa, trong khi đó phải hi sinh nhiều lợi ích trong đó. Chúng ta bán gạo rẻ cho thế giới, mong muốn làm sao bán được số lượng lớn để làm nghĩa vụ an ninh lương thực cho các nước khác. Điều đó là không cần thiết”, ông Vinh chia sẻ.

TS.Trần Công Thắng, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Ipsard) cũng cho biết, trong khi nông dân các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Trung Quốc và Ấn Độ có lợi nhuận khoảng 0,2 - 0,3 USD/kg lúa thì nông dân Việt Nam có lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 0,1 USD/kg lúa.

Theo ông, nguyên nhân lúa gạo Việt có giá trị gia tăng thấp, cạnh tranh kém vì: quy mô sản xuất nông hộ nhỏ, manh mún, chi phí thuốc bảo vệ thực vật phân bón cao. Hiện có khoảng 85% hộ trồng lúa ở Việt Nam trồng diện tích dưới 0,5ha/hộ. Ngay tại vùng chuyên canh lúa lớn nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long cũng có xấp xỉ 40% hộ trồng lúa diện tích dưới 0,5ha.

Ngoài ra, thiếu liên kết trong chuỗi, nhiều trung gian. Khâu hạ tầng cũng kém- cùng xuất khẩu đi Philippines nhưng chi phí từ Việt Nam cao gần gấp 2,5 lần so với Thái Lan (Việt Nam tốn 27 USD/tấn, trong khi Thái Lan chỉ tốn 12 USD); Bên cạnh đó, thương mại kém, công tác nghiên cứu áp dụng giống chưa phát triển…

TS. Đặng Quang Vinh cho rằng chính Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo đang tăng quyền lực cho doanh nghiệp xuất khẩu lớn, tạo sức ép cho nông dân.

Trong đó có nhiều quy định như buộc doanh nghiệp phải có nhà kho 5.000 tấn gạo, nhà máy xay xát 10 tấn gạo/giờ.

Quy định ra buộc doanh nghiệp phải đầu tư nhà máy, tốn thêm khoảng 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp có khả năng đáp ứng phải bỏ ra khoản tiền lớn còn doanh nghiệp không đáp ứng được buộc phải đóng cửa, rời bỏ thị trường xuất khẩu gạo. Sau khi có Nghị định, từ 230 doanh nghiệp xuất khẩu nay chỉ còn 80 doanh nghiệp.

Hay có những điều kiện khó hiểu như phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo với Hiệp hội lương thực VN: “Như thế khác nào doanh nghiệp xuất khẩu lại phải khai báo cho một doanh nghiệp khác mà chính là đối thủ của mình. Một doanh nghiệp nắm trong tay quyền từ chối hay cho phép một doanh nghiệp trong xuất khẩu. Điều này tạo ra sự không bình đẳng, tạo ra rào cản cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ”, ông Vinh nhấn mạnh.

Không những thế, với hợp đồng xuất khẩu tập trung, các bộ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ định thương nhân ký kết hợp đồng và phân bổ thực hiện ủy thác xuất khẩu (80% hợp đồng được chỉ định). Quy định không được bán dưới giá sàn, những điều này, theo ông Vinh đang tạo cơ chế thiếu cạnh tranh.

“Những quy định này không giúp đạt đến mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng gạo, tăng giá gạo xuất khẩu và tăng thu nhập cho người nông dân mà chỉ tăng quyền lực cho doanh nghiệp xuất khẩu lớn, tạo thêm sức ép cho nông dân”, ông Vinh nói.

Chính vì thế ông cho rằng phải thay đổi tư duy, không chú trọng nhiều đến số lượng mà quan trọng là thu nhập của người nông dân, khuyến khích trồng lúa có chất lượng cao; không cần giữ 3,8 triệu ha đất lúa; Sửa đổi, loại bỏ rào cản để tạo cạnh tranh trong ngành nông nghiệp. Đối với hợp đồng tập trung, Nhà nước không nên đi buôn, ký thay cho doanh nghiệp mà hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, cung cấp thông tin và dự báo, ký kết hợp đồng.

Bên cạnh đó cần cổ phần hóa và bán hết vốn công ty lương thực nhà nước: “Vinafood có lợi ích, lợi thế nhưng vẫn kêu khó khăn. Khu vực tư nhân hoàn toàn có thể sản xuất, phân phối được. Nhà nước dự trữ, can thiệp khi cần thiết. Nhà nước phải cổ phần hóa, để tạo động lực cho họ phấn đấu đem lại hiệu quả, lợi ích tối đa chứ không phải ngồi dựa vào pháp luật để ăn đoạn giữa trong chuỗi giá trị”.

Ngoài ra ông Vinh còn thẳng thắn kiến nghị: “Hiệp hội lương thực phải đưa về đúng vị trí hiệp hội doanh nghiệp, bỏ quyền lực nhà nước của họ trong việc phê duyệt hợp đồng xuất khẩu, phân bổ hợp đồng xuất khẩu gạo nhà nước”.

Ông cho rằng, thị trường nông nghiệp rủi ro, phải tạo công cụ để doanh nghiệp, nông dân quản lý rủi ro chứ không phải dùng pháp luật "nhốt" rủi ro lại.(Infonet)


Ông Phạm Quang Tùng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng VDB

Ông Phạm Quang Tùng được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

“Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) phải hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Để làm được như vậy, VDB phải là một định chế tài chính vững mạnh, phát triển nhanh và bền vững”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và trao Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng, sáng 6/6 tại Hà Nội.

ong pham quang tung, pho tong giam doc ngan hang thuong mai co phan dau tu va phat trien viet nam (bidv) giu chuc chu tich hoi dong quan tri ngan hang vdb

Ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng VDB

Trao quyết định bổ nhiệm ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thay ông Nguyễn Quang Dũng, quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn, ông Phạm Quang Tùng sẽ phát triển VDB với tư cách là một công cụ tài chính của Nhà nước dưới góc nhìn của thị trường, kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố nhà nước và thị trường trong phát triển, đưa VDB hoạt động hiệu quả, bền vững.
 

Về nhiệm vụ của Ngân hàng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính chú trọng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Ngân hàng.

Trước hết, VDB quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1515 của Thủ tướng Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Riêng về vấn đề lãi suất cho vay, Phó Thủ tướng cho rằng Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần lấy lãi suất đầu vào để quyết định lãi suất đầu ra theo hướng thực sự là một chính sách ưu đãi của nhà nước, cùng với việc thông thoáng về thủ tục, nhưng giám sát chặt chẽ để tăng cường hỗ trợ cho những khu vực, địa bàn, dự án quan trọng của quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Nhiệm vụ 2016 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đưa tăng trưởng tín dụng dư nợ từ con số âm trong 3 năm qua lên 4,5% là rất nặng nề và không dễ dàng, do đó Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Cùng với đó, tất cả cán bộ, công nhân viên của ngân hàng cần đoàn kết một lòng tái cơ cấu đưa Ngân hàng Phát triển Việt Nam bước sang giai đoạn mới, xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu ngân hàng, đẩy nhanh tiến độ kể cả vốn đối ứng cho các dự án vay vốn ODA đối với các dự án trọng điểm của Chính phủ.

“Ngân hàng Phát triển là ngân hàng của Chính phủ nhưng phải hoạt động theo hướng thị trường có sự định hướng của Nhà nước. Do đó, Ngân hàng Phát triển phải tuân thủ luật chơi của thị trường, không thể bao cấp tràn lan được phát huy tính năng động sáng tạo kể cả vấn đề huy động vốn cho vay cũng phải tăng cường tính phân cấp phân quyền và tự chịu trách nhiệm. Bộ Tài chính không thể làm thay, Chính phủ càng không quyết thay cho ngân hàng và ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực quản trị theo chuẩn mực của một ngân hàng, tổ chức tín dụng, từ đó mới nâng cao được năng lực và hiệu quả hoạt động


Thoái vốn hơn 2.000 tỷ đồng tại các tập đoàn, tổng công ty

Ngày 6/6, Bộ Tài chính cho biết trong 5 tháng đầu năm nay, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn 2.086 tỷ đồng, thu về 4.168 tỷ đồng; trong đó, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán 985 tỷ đồng, thu về 2.817 tỷ đồng.

Theo đó đã có 37 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa; trong đó có 6 Tổng công ty gồm Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp; Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam; Tổng công ty 36 Bộ Quốc Phòng; Tổng công ty Lâm nghiệp; Tổng công ty Vật tư nông nghiệp.


Trong lĩnh vực thuế, đến ngày 20/5 vừa qua, hệ thống khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố; với trên 535.000 doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng (đạt 99,59 % tổng số doanh nghiệp); số lượng hồ sơ khai thuế điện tử tiếp nhận trên 31,6 triệu hồ sơ; số doanh nghiệp đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử trên 492.000 doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 91,58 % tổng số doanh nghiệp đang hoạt động) với số thuế nộp năm nay đạt trên 174.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng cho biết thêm tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm ước đạt 396.200 tỷ đồng, bằng 39,1% dự toán năm, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Tổng chi ngân sách Nhà nước đạt 466.300 tỷ đồng, bằng 36,6% dự toán năm, tăng 4,7% so cùng kỳ năm 2015, bội chi ngân sách Nhà nước 5 tháng ước đạt 70.000 tỷ đồng, bằng 27,6% dự toán năm.

Theo Bộ Tài chính trong tháng 6/2016 sẽ tiếp tục điều hành dự toán ngân sách năm nay, đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán được duyệt và thực tế phát sinh; hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.

Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thu ngân sách Nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; tăng cường kiểm tra sau thông quan, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế đảm bảo hoàn thành dự toán ngân sách Nhà nước năm nay được giao.

Đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước theo dự toán; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chủ động trong tổ chức điều hành ngân sách Nhà nước, ưu tiên để phòng chống khắc phục thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất mua gạo tạm trữ


Nhà vườn Vĩnh Long thất thu hàng trăm tỉ đồng vì sầu riêng nhiễm mặn

Hàng trăm nhà vườn ở Vĩnh Long lâm vào cảnh khốn đốn khi vào mùa thu hoạch, cây sầu riêng lại rụng lá, chết khô, trái bị teo, khô nứt, rụng dần.

Những tháng vừa qua, do độ mặn tăng cao ở các sông, nhiều nhà vườn Vĩnh Long vô tình lấy nước tưới cây, làm hàng trăm hécta sầu riêng đang trong thời kỳ thu hoạch bị nhiễm mặn. Nông dân đã tập trung chăm sóc, dùng nhiều biện pháp để khắc phục. Tuy nhiên, cây bị suy kiệt trụi lá, chết dần. Những cây còn lại cho trái giảm chất lượng, năng suất, làm nhà vườn thất thu hàng trăm tỉ đồng.

nhieu nha vuon o vinh long that thu vi sau rieng nhiem man. (anh minh hoa: internet)

Nhiều nhà vườn ở Vĩnh Long thất thu vì sầu riêng nhiễm mặn. (Ảnh minh họa: Internet)

Mang lại thu nhập cho nhà vườn hàng trăm triệu đồng/năm, Thanh Bình và Quới Thiện là 2 địa phương chuyên canh sầu riêng lớn của huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm nay, tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập kéo dài đã gây thiệt hại hơn 600 ha sầu riêng ở 2 địa phương này.

Đi xem vườn sầu riêng bị rụng lá trơ trụi, trái rụng đầy mặt đất, ông Trần Văn Của, Ấp Thanh Bình, xã Thanh Bình cho biết, vườn nhà ông có khoảng 500 gốc sầu riêng. Đợt xâm nhập mặn vừa qua đã làm hơn 100 gốc sầu riêng chết héo. Số còn lại cũng đang èo uột, năng suất và chất lượng giảm hơn phân nữa so năm trước.

Xã Quới Thiện có 560 ha sầu riêng. Hầu hết đều bị nhiễm mặn, hoặc bị khô hạn. Ông Lê Văn Lăng, Ấp Bình Lương, Xã Quới Thiện cho hay, năm nay là năm thứ hai vườn sầu riêng của gia đình cho trái. Vừa qua, vườn sầu riêng bị cháy lá, nắng gay gắt nên ông dùng nước sông tưới cho cây. Sau vài ngày tưới, lá cây úa vàng và bắt đầu rụng trái. Gia đình ông đã tỉa bỏ bớt trái. Tuy nhiên, những trái chín còn lại chất lượng kém, bị sượng nên chỉ bán được cho những người sản xuất bánh kẹo với số lượng nhỏ; còn thương lái mua cầm chừng với giá rẻ.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, đến tháng 5/2016, hạn mặn đã gây thiệt hại ở tỉnh này hơn 123 tỉ đồng, nặng nhất ở lĩnh vực trồng trọt. Trong đó, huyện Vũng Liêm bị thiệt hại nặng nhất, trên 120 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, diện tích sầu riêng do nông dân vô tình đưa nước nhiễm mặn vào vườn rồi tưới lên cây, gây độc cho cây, bộ rễ, làm cây suy kiệt, chết dần. Trước tình trạng này, ngành nông nghiệp đã mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp khắc phục.

Hàng trăm nhà vườn lâm vào cảnh khốn đốn khi vào mùa thu hoạch, cây sầu riêng lại bị rụng lá, chết đứng, hoặc trái bị teo, khô nứt, rụng dần... Khả năng phục hồi của loại cây trồng này rất chậm. Sầu riêng là loại cây trồng lâu năm, nguồn thu nhập chính của nhiều nhà vườn tỉnh Vĩnh Long. Do vậy, rất cần sự hỗ trợ tích cực của các nhà chuyên môn. Chính quyền địa phương và ngành ngân hàng cũng cần có sự hỗ trợ về vốn giúp nông dân trồng lại sầu riêng hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác để sớm ổn định cuộc sống(VOV)


Ngân hàng Nhà nước trở lại chế độ “ăn kiêng”

Chỉ trong khoảng một tuần trở lại đây, thị trường chứng kiến những thay đổi nhanh của tỷ giá USD/VND và lãi suất VND trên liên ngân hàng. Chúng gắn với quyết định can thiệp của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước trở lại chế độ “ăn kiêng”

Theo biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại, giá USD bán ra sáng nay (7/6) có lúc đã lùi về còn 22.370 VND, trong khi mức cao nhất đợt biến động vừa qua từng lên tới 22.500 VND.

Như nhiều thông tin phản ánh gần đây, chỉ trong hơn ba tháng, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 7 tỷ USD. Lượng tiền đưa ra qua kênh ngoại hối này được nhìn nhận ở nhiều tác động.
Trước hết, trạng thái thanh khoản của hệ thống có biểu hiện dư thừa, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục giảm sâu. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND bật tăng trở lại khá mạnh trong nửa cuối tháng 5 vừa qua.
Mặt khác, tháng 5/2016, lạm phát đã tăng khá mạnh trở lại. Giá xăng dầu vừa tiếp tục đồng loạt tăng, dự kiến sẽ gây sức ép đối với chỉ số giá tiêu dùng trong tháng này…
Trước những diễn biến trên, sau 6 tháng tạm ngừng, lần đầu tiên trong năm nay Ngân hàng Nhà nước đã phải thực hiện chế độ “ăn kiêng”, dùng tín phiếu để hút bớt tiền về, nhằm cân đối vốn trong hệ thống với các biểu hiện tác động trên.
Cụ thể, theo báo cáo tổng hợp của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank, Ngân hàng Nhà nước đã quay trở lại phát hành tín phiếu từ ngày 30/5 sau hơn 6 tháng tạm dừng, nhằm thấm hút bớt lượng VND dư thừa trên thị trường.
Khối lượng tín phiếu trúng thầu đạt gần 100% so với lượng chào thầu của Ngân hàng Nhà nước. Kỳ hạn tín phiếu được phát hành rất ngắn, 7 ngày và 14 ngày, cho thấy sự thận trọng của cơ quan điều hành khi khả năng dòng tiền dư thừa khó kéo dài.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã có dấu hiệu tăng trở lại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/6, lãi suất VND giao dịch ở các kỳ hạn ngắn dưới 1 tháng đã tăng từ 0,4-1,7 điểm phần trăm so với cuối tuần trước đó.
Đến đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước lại tạm dừng phát hành tín phiếu. Tính đến ngày 6/6, với khối lượng đáo hạn 7.999 tỷ đồng, số dư lưu hành tín phiếu giảm xuống mức 27.695,8 tỷ đồng.
Trở lại phát hành tín phiếu, kỳ hạn rất ngắn theo ngày và lại tạm dừng vào đầu tuần này cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang rất thận trọng để cân đối các yếu tố.
Nếu nhà điều hành không can thiệp như trên, vốn hệ thống tiếp tục dư thừa có thể ở mức đáng kể để duy trì lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức rất thấp, truyền dẫn sang để có thể giúp thực hiện mục tiêu hạ lãi suất cho vay thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, lãi suất trên liên ngân hàng xuống quá thấp, phản ứng của tỷ giá cũng là điểm Ngân hàng Nhà nước luôn bám sát để bình ổn.
Lớn hơn và ưu tiên hơn là mục tiêu kiểm soát lạm phát, mà năm nay thách thức đang bộc lộ ngày càng lớn hơn đối với chỉ tiêu dưới 5%.
Trở lại thực hiện chế độ “ăn kiêng”, Ngân hàng Nhà nước cho thấy sự linh hoạt và khả năng điều tiết vốn nhanh trong hệ thống. Dù có những yếu tố khác nhau, nhưng sự can thiệp trên là một trong những nguyên nhân chính để lãi suất trên liên ngân hàng tăng trở lại và tỷ giá bình ổn.
Trong tuần trước, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng khá mạnh trở lại. Tỷ giá USD/VND cũng điều chỉnh khá nhanh và mạnh vào cuối tuần qua và đến đầu tuần này.
Theo biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại, giá USD bán ra sáng nay (7/6) có lúc đã lùi về còn 22.370 VND, trong khi mức cao nhất đợt biến động vừa qua từng lên tới 22.500 VND.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục