"Siết" kiểm tra hóa đơn, chứng từ xe máy điện nhập khẩu
Tổng cục Hải quan lưu ý kiểm tra kỹ giấy phép của các cơ quan quản lý chuyên ngành và hóa đơn, chứng từ với linh kiện, xe máy điện nhập khẩu, tránh để các đối tượng lợi dụng để buôn lậu xe máy điện qua biên giới gây mất an toàn giao thông và thất thu thuế.
Từ 1/7, việc đăng ký xe sẽ yêu cầu đầy đủ những hồ sơ liên quan
Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi các đơn vị trong ngành sau khi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong nhập khẩu xe và linh kiện lắp ráp xe hai bánh chạy điện.
Yêu cầu đầu tiên mà Tổng cục Hải quan quán triệt với các đơn vị thành viên đó là xử lý nghiêm theo quy định với các cán bộ, công chức có hành vi tiếp tay, bao che hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép, gian lận trong việc nhập khẩu linh kiện, xe máy điện.
Với riêng Cục Điều tra chống buôn lậu, lãnh đạo ngành hải quan yêu cầu đẩy mạnh công tác nghiệp vụ, tập trung vào các đối tượng trọng điểm nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép nghiêm trọng, phức tạp.
Cơ quan này cũng được đề nghị phối hợp với các cục, ban khác để rà soát quy định, tiêu chí, danh mục chính sách có liên quan tới mặt hàng xe máy điện.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu Cục hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra chặt các lô hàng này. Phải lưu ý kiểm tra kỹ giấy phép của các cơ quan quản lý chuyên ngành và hóa đơn, chứng từ với linh kiện, xe máy điện nhập khẩu, tránh để các đối tượng lợi dụng để buôn lậu xe máy điện qua biên giới gây mất an toàn giao thông và thất thu thuế.
Theo quy định của pháp luật, xe máy điện, mô tô điện là phương tiện cơ giới đường bộ bắt buộc phải đăng ký biển số xe. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng xe máy điện lưu thông trên thị trường thực hiện thủ tục đăng ký là rất khiêm tốn, chủ yếu là xe không có nguồn gốc rõ ràng.
Để xử lý vấn đề này, Thủ tướng đã đồng ý miễn các loại hồ sơ, chứng từ khi làm thủ tục đăng ký đối với xe máy điện chưa thực hiện thủ tục đăng ký hết ngày 30/6/2016 như: miễn phí trước bạ, miễn hóa đơn chứng từ mua bán xe, miễn giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật… Từ ngày 1/7 sắp tới, việc đăng ký xe sẽ yêu cầu đầy đủ những hồ sơ liên quan và các cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Hệ lụy từ những dự án dang dở trên địa bàn Hà Nội
Nhiều dự án xây dựng “giậm chân tại chỗ” làm lãng phí nguồn đầu tư, gây mất mỹ quan và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân trong khu vực.
Dự án Sky Garden Towers Định Công.
Cùng với tình trạng xây dựng không phép, sai phép, các công trình “vừa khởi công đã dừng lại” đang trở thành vấn đề “nóng” trong quản lý đô thị trên địa bàn Hà Nội thời gian qua. Sự dang dở của các dự án tại những vị trí “đất vàng” đang để lại nhiều hệ lụy.
Bức xúc là tâm trạng của người dân cũng như chính quyền cơ sở khi nói đến những dự án triển khai dang dở mà chưa biết khi nào hoàn thành trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, có thể kể đến Dự án đại siêu thị Ciputra (quận Tây Hồ); Dự án Sky Garden Towers phường Định Công, quận Hoàng Mai; Dự án 189B Tây Sơn, Đống Đa…
Tại Dự án Sky Garden Towers phường Định Công, quận Hoàng Mai, sau 5 năm thi công là một khối bê tông, sắt thép khổng lồ hoen gỉ phơi mưa, phơi nắng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “đắp chiếu” dự án 28 tầng này là do năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế. Cùng với đó là những sai phạm trong quá trình triển khai dự án.
Hàng trăm khách hàng đã lâm vào cảnh “tiền mất tật mang” khi ký hợp đồng tham gia góp vốn, đóng tiền mua căn hộ, nhưng 4 năm nay không thể liên lạc được với chủ đầu tư dự án.
Ông Nguyễn Thăng Long, Chủ tịch UBND phường Định Công, quận Hoàng Mai cho biết, từ khi dự án này bị dừng, người dân sống xung quanh phải sống trong cảnh bụi bẩn. Trong khi đó cẩu tháp vẫn để nguyên mà không có đơn vị quản lý, tiềm ẩn nguy cơ cho người dân, đặc biệt là chuẩn bị đến mùa mưa bão và đường giao thông chủ đầu tư sử dụng bị xuống cấp rất nhiều.
Tại quận Đống Đa là 2 dự án “nhem nhuốc” tại 131 Thái Hà và 198B Tây Sơn. Dự án khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở 131 Thái Hà được cấp giấy phép xây dựng từ năm 2005, với 2 tầng hầm, 11 tầng nổi, nhưng đã dừng thi công từ năm 2010.
Tương tự, Dự án “Trung tâm thương mại, siêu thị văn phòng giao dịch và văn phòng cho thuê” 198B Tây Sơn, sau 6 năm triển khai, kết quả của dự án đầy tham vọng này là một khối bê tông sừng sững ngay tại một trong những ngã tư sầm uất bậc nhất Hà Nội (Thái Hà, Chùa Bộc, Tây Sơn).
Tháng 6 năm ngoái, khi trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Chi, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư bất động sản Hòa Bình, chủ đầu tư khẳng định, dự án sẽ được tái khởi động vào tháng 9/2015. Tuy nhiên, đến nay tại hiện trường, dự án này vẫn “án binh bất động”.
Ông Hà Anh Tuấn, Trưởng phòng quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết, các dự án triển khai kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan đô thị, tạo ra những khu vực không đồng bộ. Bên cạnh đó nó cũng phát sinh các vấn đề khác như môi trường, an ninh trật tự xung quanh khu vực dự án.
Sky Garden Towers Định Công, Dự án 131 Thái Hà, 198B Tây Sơn chỉ là số ít trong rất nhiều dự án ở Hà Nội đang “rơi” vào tình trạng “thi công nửa chừng rồi phơi mưa phơi nắng”. Các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản cho rằng, đây là bài học cho các nhà quản lý, nhất là trong thẩm định dự án, năng lực tài chính của chủ đầu tư.
Thực tế cho thấy, không ít dự án chưa được bàn giao đất, nhưng chủ đầu tư đã quảng cáo rầm rộ. Có dự án được giao đất, nhưng chưa khởi công, chưa có hạ tầng đã rao bán, huy động tiền của khách hàng… Những dự án dang dở này không chỉ để lại hệ lụy về mặt cảnh quan, văn minh đô thị, mà còn thiệt hại rất lớn về kinh tế.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, việc hàng loạt dự án chậm tiến độ trên địa bàn Hà Nội đang “chôn” một số vốn khổng lồ, đó là chưa kể thiệt hại về lãi suất, chi phí bất động sản.
“Rất nguy hiểm cho nền kinh tế khi “chôn” một nguồn vốn rất lớn vào đó mà không có hiệu quả gây nên hậu quả xã hội rất lớn. Thêm nữa, bản thân chủ đầu tư cũng “ngắc ngoải”, xã hội nhìn vào công trình nhếch nhác. Nhiều dự án lúc nào cũng chỉ thấy sắt thép hoen gỉ, khung sườn dơ xương. Ví dụ như trên đường Láng - Hòa Lạc là mấy chuồng nuôi chim để không từ 5-6 năm nay tạo ra hệ lụy xã hội rất lớn”, ông Hùng cho biết.
Nhằm giải bài toán thực trạng “dự án ngắc ngoải”, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong việc thẩm định năng lực nhà đầu tư. Cách tiếp cận là xử lý từng dự án một, thậm chí là thu hồi để lấy đất thực hiện mục đích khác.
3 nô lệ Việt được cảnh sát Anh giải cứu
3 người Việt dưới chế độ nô lệ thời hiện đại ở vùng Devon, Anh vừa được giải thoát thành công.
3 người Việt, trong đó có 2 nam giới và 1 phụ nữ vừa được cứu thoát thành công tại Anh. Ảnh: BBC
BBC ngày 6/6 đưa tin, cảnh sát Anh vừa giải cứu thành công 3 người Việt, trong đó có trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, trong chiến dịch xóa bỏ chế độ nô lệ thời hiện đại tại vùng Devon thuộc Anh.
Theo đó, 3 nạn nhân được cứu thoát trong Chiến dịch Hornsman, nằm trong tuần chống bóc lột lao động trên toàn Châu Âu với sự tham gia của 5 lực lượng cảnh sát. Các nạn nhân người Việt , trong đó có 2 nam giới và 1 phụ nữ sẽ được chính quyền giúp đỡ và hỗ trợ.
Ngoài ra, Cơ quan tội phạm Quốc gia Anh đã bắt giữ tổng cộng 24 nghi phạm.
Các cán bộ, cảnh sát từ vùng Devon, Corn wall, Avon, Somerset, Dorset, Gloucestershire và Wiltshire đã tiến hành đột nhập vào các trạm rửa xe, salon làm móng, phong tỏa một số cửa hàng, phòng mát-xa và tài sản cá nhân.
Trước chiến tích này, cảnh sát trưởng vùng Devon và Cornwall, ông Shaun Sawyer cho biết đây là một kết quả “rất đáng khích lệ” trong chính sách quốc gia về chế độ nô lệ hiện đại.
Ông cho biết: “Các nạn nhân thường không có cơ hội để khai báo với cảnh sát về vấn đề này. Vì vậy, nếu bất cứ ai nghi ngờ về việc có chế độ nô lệ hiện đại đang diễn ra trong khu vực thì cần liên hệ, thông báo ngay với cảnh sát”.
Trước đó, cảnh sát vùng này cũng bắt giữ 2 nghi phạm vì rửa tiền và vấn đề nô lệ cùng 2 người khác về tội nhập cư bất hợp pháp.
Chủ tịch nước tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Ấn Độ
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chiều 6/6 tại Phủ Chủ tịch, đã có các buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrika đang thăm chính thức Việt Nam.
Tại buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Pháp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh Bộ trưởng Jean-Yves Le Drian, cùng đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Cộng hòa Pháp sang thăm và làm việc tại Việt Nam, cũng là bước chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam sắp tới của Tổng thống Pháp Francois Hollande; nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam là luôn coi Cộng hòa Pháp là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Chủ tịch nước đánh giá cao những bước phát triển tích cực thời gian gần đây của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Tuy nhiên, so với tiềm năng và mong muốn của hai nước, những kết quả đạt được còn khiêm tốn, nhất là trên các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ Pháp sớm kết thúc rà soát pháp lý, tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tạo điều kiện để hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng phát triển.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Pháp Jean-Yves Le Drian. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao kết quả hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam - Pháp trên các lĩnh vực; trao đổi quan điểm với Bộ trưởng Jean-Yves Le Drian về một số vấn đề chiến lược, đào tạo nhân lực, quân y, quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Chủ tịch nước đề nghị Bộ Quốc phòng hai nước thúc đẩy hơn nữa để hợp tác về quốc phòng tiếp tục trở thành hình mẫu trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp, nhất là hợp tác quân sự, liên doanh sản xuất trang thiết bị phục vụ mục đích quân sự dân sự, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp trên các diễn đàn đa phương.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang một lần nữa trân trọng mời Tổng thống Pháp Francois Hollande thăm chính thức Việt Nam; tin tưởng trong chuyến thăm này hai nước sẽ ký một số thỏa thuận hợp tác song phương về kinh tế, quốc phòng, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Jean-Yves Le Drian chuyển tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang lời thăm hỏi của Tổng thống Pháp Francois Hollande; chúc mừng Chủ tịch nước được bổ nhiệm làm người đứng đầu Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Báo cáo về kết quả cuộc hội đàm giữa đoàn đại biểu Quốc phòng hai nước, Bộ trưởng Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh, chuyến thăm là nhằm tăng cường quan hệ song phương trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược đã được thiết lập từ năm 2013; đồng thời là bước chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Hollande vào tháng 9 tới đây. Hai bên cũng trao đổi về một số thỏa thuận kỹ thuật giữa hai bộ Quốc phòng sẽ được ký kết trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Pháp, để hướng tầm hợp tác cao hơn giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng.
Cảm ơn sự chia sẻ và đánh giá cao của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đối với bài phát biểu của Bộ trưởng tại Đối thoại Shangri-La ngày 5/6, Bộ trưởng Jean-Yves Le Drian khẳng định, quan điểm mà Chính phủ Pháp muốn theo đuổi và bảo vệ liên quan đến tự do hàng hải là những tranh chấp phải được giải quyết hòa bình thông qua đối thoại giữa các bên liên quan, trên cơ sở không đưa ra những sự việc đã rồi; đồng thời việc giải quyết tranh chấp phải phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp ngài Manohar Parrikar, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Trong buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chào mừng Bộ trưởng Manohar Parrika dẫn đầu phái đoàn quân sự cấp cao Cộng hòa Ấn Độ sang thăm Việt Nam; tin tưởng những kết quả đạt được trong chuyến thăm sẽ đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ, nhất là trong bối cảnh năm 2017 hai nước sẽ kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn đánh giá cao những tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn về vật chất và tinh thần mà Nhà nước, nhân dân Ấn Độ đã dành cho nhân dân Việt Nam trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc trước đây, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay; cũng như sự hỗ trợ của Ấn Độ trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, trong đó có đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, trang thiết bị quân sự.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh kết quả hội đàm giữa Bộ trưởng Manohar Parrika và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch; bày tỏ đồng tình với phương hướng tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước, một trụ cột quan trọng củng cố niềm tin trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ. Chủ tịch nước nhấn mạnh, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về đối ngoại là luôn coi Ấn Độ là bạn bè truyền thống, đối tác hàng đầu; quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là tài sản vô giá của hai dân tộc, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru gây dựng và được các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chuyển lời mời Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee sang thăm chính thức Việt Nam.
Bộ trưởng Manohar Parrika cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dành cho đoàn tình cảm nồng ấm, sự đón tiếp thịnh tình; khẳng định nhân dân Ấn Độ khâm phục nhân dân Việt Nam về sự bất khuất trong đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
Thông báo với Chủ tịch nước Trần Đại Quang về những kết quả hợp tác nhiều mặt giữa Bộ Quốc phòng hai nước, Bộ trưởng Manohar Parrika cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã thảo luận nhiều vấn đề trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, cũng như các lĩnh vực hợp tác khác; tin tưởng trên cơ sở tình hữu nghị truyền thống, tin cậy giữa hai nước, quan hệ Đối tác chiến lược Ấn Độ - Việt Nam sẽ đạt được những kết quả mà hai nước mong đợi.
(
Tinkinhte
tổng hợp)