Ninh Thuận đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và làng nghề phát triển, tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa như mong muốn, số lượng làng nghề được công nhận ít, hiệu quả sản xuất thấp.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 08-07-2016
- Cập nhật : 08/07/2016
Bộ Công thương bị “tố” ban hành thông tư trái luật
Nhóm nghiên cứu của GIG và CIEM kiến nghị “Bộ Công thương bãi bỏ ngay thông tư 37 do ban hành thiếu cơ sở pháp lý”.
Thông tư của Bộ Công thương bị nhiều DN kêu gây khó khăn, tốn kém. Trong ảnh: sản xuất dệt may tại một DN ở Hà Nội - Ảnh: C.V.K.
Nhóm chuyên gia dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết thông tư 37/2015 của Bộ Công thương quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm… trong sản phẩm dệt may là trái luật.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo - trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM, có khá nhiều khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp liên quan tới quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã được phát hiện, phản ảnh nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, nhưng vẫn chưa được các bộ, ngành có liên quan quan tâm giải quyết.
Về thông tư 37/2015 của Bộ Công thương yêu cầu doanh nghiệp dệt may phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt trước khi được thông quan hàng hóa nhập khẩu, bà Thảo cho rằng dù thông tư này đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn… chưa đáp ứng đúng yêu cầu nghị quyết 19/2015 của Chính phủ; chưa giải quyết được vấn đề, gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Cụ thể, theo nhóm chuyên gia của GIG và CIEM, trước đó Bộ Công thương đã có thông tư số 32/2009 về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may đã tạo ra nhiều bất cập cho doanh nghiệp. Ngày 30-10-2015, Bộ Công thương đã ban hành thông tư số 37/2015 để thay thế.
Tuy nhiên, qua rà soát các văn bản pháp lý liên quan cho thấy việc Bộ Công thương ban hành thông tư 37 là trái luật. Vì theo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ Công thương chỉ được ban hành các quy định về việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may nếu sản phẩm dệt may thuộc sản phẩm, hàng hóa trong trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương.
Tuy nhiên, tại chính thông tư số 08/2012 về “Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương” thì sản phẩm dệt may lại không có trong danh mục này. Như vậy, việc ban hành thông tư 37 của Bộ Công thương là trái Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Ngày 24-11-2015, Bộ Công thương đã ban hành thông tư số 41/2015/TT-BCT (thay thế thông tư số 08/2012). Trong thông tư số 41, Bộ Công thương đã bổ sung sản phẩm dệt may vào danh mục. Tuy nhiên, đáng lưu ý là thông tư 41 ban hành và có hiệu lực sau thông tư 37.
“Việc Bộ Công thương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kiểm tra hàm lượng formaldehyt đối với sản phẩm dệt may là không đủ cơ sở pháp lý. Trong 7 năm qua, quy định này đã gây tốn kém rất lớn về thời gian và chi phí của doanh nghiệp” - thông báo của nhóm nghiên cứu nêu.
Trước đó, rất nhiều lần các doanh nghiệp đã đưa thông tư này của Bộ Công thương ra phân tích về thiệt hại, tốn kém thời gian cũng như chi phí nhưng đến nay, các vấn đề của doanh nghiệp chưa được giải quyết.
Nhóm nghiên cứu của GIG và CIEM kiến nghị “Bộ Công thương bãi bỏ ngay thông tư 37 do ban hành thiếu cơ sở pháp lý”.
Chỉ số am hiểu tài chính của Việt Nam xếp áp chót khu vực châu Á-TBD
Con số trên được thực hiện vởi cuộc khảo sát Chỉ số Am hiểu Tài chính gần đây nhất của MasterCard. Cụ thể, các nền kinh tế phát triển có điểm số tương đối ổn định trong khi các thị trường mới nổi có sự sụt giảm điểm số rõ rệt nhất.
Kết quả đáng thất vọng nhất thuộc về một số thị trường, như Việt Nam với 58 điểm, giảm 7 điểm, Myanmar đạt 60 điểm, giảm 6 điểm, Philippines có 62 điểm, giảm 4 điểm, Malaysia đạt 67 điểm, giảm 2 điểm và Ấn Độ là 60 điểm, giảm 2 điểm.
Bà Georgette Tan, Trưởng bộ phận Truyền thông của MasterCard châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, “việc điểm số am hiểu tài chính sụt giảm đến mức thấp kỷ lục tại khu vực là một mối quan ngại lớn cần được quan tâm xem xét."
"Tại các thị trường mới nổi, trong khi nỗ lực rút ngắn khoảng cách về giới tính đã đạt được thành tựu đáng kể, khảo sát về Chỉ số Am hiểu Tài chính năm nay cho thấy các quốc gia này rõ ràng đang đối mặt với nhiều khó khăn nhất. Nhìn chung, cần có sự chú trọng đặc biệt đối với giới trẻ và người thất nghiệp tại tất cả các thị trường nhằm nâng cao chỉ số am hiểu tài chính tổng quát trong khu vực.”
Bên cạnh đó, Bà Georgette Tan cũng lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng về độ phức tạp và sự kết nối lẫn nhau giữa các thị trường tài chính cũng như những yếu tố bấp bênh ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện kiến thức tài chính của người tiêu dùng và đặc biệt quan trọng hơn khi họ cần đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn.
“Kết quả khảo sát năm nay cho thấy những sáng kiến cá nhân đơn lẻ không đủ để giải quyết vấn đề này. Giải pháp cho vấn đề nằm ở một nỗ lực chung bao gồm những cải cách từ Chính phủ, những sáng kiến cộng đồng, các dịch vụ tài chính và giáo dục kết hợp với nỗ lực của từng cá nhân,” bà Georgette Tan nhấn mạnh./.
Trong năm thứ 5 liên tiếp, người tiêu dùng châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục thể hiện khối lượng kiến thức nhiều nhất về các vấn đề liên quan đến “Lập kế hoạch tài chính” (74 điểm) so với “Kỹ năng quản lý tiền bạc cơ bản” (61 điểm) và “Đầu tư” (53 điểm).
Người tiêu dùng Đài Loan tiếp tục dẫn đầu khu vực với Kỹ năng hoạch định tài chính hiệu quả nhất (82 điểm), tiếp đến là Thái Lan (81 điểm) và Malaysia (80 điểm), trong khi Việt Nam có mức sụt giảm lớn nhất với 69 điểm, giảm 12 điểm so với năm ngoái và rớt từ hạng 2 xuống hạng 15.
Indonesia có sự tiến bộ nổi trội nhất về mặt “Lập kế hoạch tài chính” với điểm số tăng từ 70 lên 78. Tuy nhiên, quốc gia này cũng có sự sụt giảm rõ rệt nhất về chỉ tiêu “Đầu tư” với điểm số giảm từ 55 xuống 47.
New Zealand (75 điểm) và Australia (72 điểm) tiếp tục dẫn đầu về “Kỹ năng quản lý tiền bạc cơ bản”, Singapore tăng 3 điểm lên 71 điểm và giành lấy vị trí thứ ba năm ngoái của Hong Kong (69 điểm). Sự sụt giảm về điểm số được ghi nhận tại một số thị trường mới nổi như Myanmar (50 điểm, giảm 7 điểm), Philippines (59 điểm, giảm 7 điểm), Việt Nam (55 điểm, giảm 4 điểm) và Malaysia (62 điểm, giảm 4 điểm).
Tổng chi phí cho các hội lên tới 68.000 tỉ đồng
Đó là chia sẻ của TS Hoàng Ngọc Giao, viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và phát triển, tại hội thảo của Liên hiệp Các tổ chức khoa học kỹ thuật VN liên quan Luật về hội.
Hiện nay VN có hàng loạt hội đoàn như Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Người cao tuổi, Hội Nhạc sĩ, Hội Điện ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Luật gia, Liên minh các hợp tác xã VN…
Theo ông Hoàng Ngọc Giao, Hiến pháp quy định công dân VN có quyền lập hội. Và thực tế, dẫn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), ông Giao cho biết tổng ngân sách nhà nước mỗi năm ước chi cho các hội - đoàn thể lên tới khoảng 14.000 tỉ đồng.
Theo ông Giao, con số trên là cao hơn dự toán ngân sách năm 2016 dành cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (khoảng 11.000 tỉ), cao gần gấp đôi ngân sách dành cho Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế…
Đặc biệt, ông Hoàng Ngọc Giao cho biết nghiên cứu trên đã nêu nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí cho toàn hệ thống các hội đoàn mỗi năm dao động từ 45.600-68.100 tỉ đồng.
“Kinh phí trên là tính cả chi phí cơ hội, như Tổng liên đoàn Lao động VN có hàng loạt nhà nghỉ, khách sạn…” - ông Giao nói.
Trong khi đó, theo tờ trình Luật về hội của Chính phủ gửi lên Quốc hội thì Chính phủ cho biết tính đến tháng 12-2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương). Biên chế năm 2015 đã giao cho các hội đặc thù là 7.445 biên chế.
Theo ông Hoàng Ngọc Giao, quyền lập hội theo nhu cầu của Đảng và Nhà nước chưa được quy định cụ thể theo hướng tăng cường hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức hội được Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động. Ông Giao đánh giá dự thảo Luật về hội do Bộ Nội vụ soạn thảo chưa thể hiện những giải pháp nhằm giảm thiểu xu thế bao cấp kinh phí với các hội do Đảng, Nhà nước thành lập.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm (nguyên vụ trưởng Vụ Các tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ) cũng có tham luận tại hội thảo với tư cách chủ tịch hội đồng Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững đã thẳng thắn cho biết giờ nghỉ hưu, ông nói có thể khác so với thời đương chức.
Theo ông Lâm, Luật về hội đã được xây dựng vào đầu năm 1990 của thế kỷ trước nhưng sau 20 năm chưa ban hành được. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân “chúng ta chưa nhận thức rõ vai trò của các tổ chức phi chính phủ”. Để luật lần này “đi đến đích” trong Quốc hội khóa XIV, ông Lâm kiến nghị: nâng cao nhận thức vì phát triển hội thực chất là phát triển các tổ chức của dân, thực hiện quyền làm chủ của dân.
Ông Lâm đề nghị cần nghiên cứu toàn diện về hội và các tổ chức phi chính phủ của VN để đánh giá chính xác về số lượng, các chính sách cũng như hiệu quả hoạt động… của các hội, lấy đó làm cơ sở xây dựng Luật về hội.
Sửa thủ tục để đẩy nhanh giải ngân vốn
Từng bộ, ngành phải sửa thủ tục rườm rà, phức tạp; phối hợp tốt để giải quyết nhanh các thủ tục, nhất là các thủ tục về giải ngân vốn xây dựng cơ bản và chương trình mục tiêu quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ về việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2016, diễn ra ngày 6-7.
Thủ tướng đề nghị phải sớm giao hết số vốn theo kế hoạch đề ra, khẩn trương ban hành cơ chế điều hành chương trình mục tiêu quốc gia.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo việc giải quyết nhanh thủ tục giao vốn trên tinh thần hậu kiểm, yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư, đơn vị thi công nâng cao tinh thần trách nhiệm trước pháp luật. Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải coi công tác giải ngân là một nhiệm vụ nóng”, đồng thời lưu ý nếu tình trạng giải ngân chậm thì không thể có tăng trưởng.
Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2016 với các giải pháp cụ thể, phân công rõ nhiệm vụ cho từng bộ, sớm trình Thủ tướng ký ban hành vào tuần tới để triển khai ngay. Với thông tư thuộc thẩm quyền các bộ mà có vướng mắc thì phải sửa ngay, còn với nghị định thì các bộ tham mưu, báo cáo Chính phủ chỉnh sửa theo thủ tục, quy trình rút gọn.
Theo báo cáo, việc giải ngân vốn đầu tư công đạt tỉ lệ rất thấp so với kế hoạch được giao. Nguyên nhân của sự chậm trễ này được xác định là do một số bộ, ngành, địa phương chậm giao kế hoạch vốn của năm 2016 và thủ tục còn rườm rà, vướng mắc.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định nguyên nhân có cả yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chính. Do đó, Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành phải rà soát, kiểm điểm trách nhiệm của các cán bộ phụ trách lĩnh vực này; phải có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp chậm trễ trong giải ngân, như rút vốn, thay thế nhà thầu không đáp ứng yêu cầu.