Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại CHDCND Lào, sáng 14-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 17-03-2016
- Cập nhật : 17/03/2016
Khoảng 1,5 triệu người không có thu nhập vì hạn, mặn
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, gần 300.000 hộ (với khoảng 1,5 triệu người) trong những tháng vừa qua không có thu nhập, chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.
Hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục khiến 1,5 triệu người không có thu nhập trong thời gian qua. Ảnh: V.Tường
Chiều 15/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo với các đối tác, nhà tài trợ ứng phó tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Phát, năm 2016, sản lượng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long chắc chắn sẽ sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các hộ nông dân với hàng triệu người. Rất nhiều nơi nước mặn bao vây, cây ăn trái chịu ảnh hưởng; gia súc không có thức ăn, nên phải bán vội, một số vùng nuôi thủy sản như ngao, tôm, do độ mặn quá lớn nên chết, phải thay đổi thời vụ và đất canh tác.
Ở Nam Trung Bộ, các tỉnh từ Bình Thuận đến Khánh Hòa, các hồ chứa chỉ có khoảng 50-60% dung tích nước, Ninh thuận chỉ có 30%; các con sông ở Khánh hòa lưu lượng nước chỉ đạt 10%.
Trong khi đó, Tây Nguyên cũng ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán, trong đó có 4 tỉnh đặc biệt nghiêm trọng là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Các hồ cạn nước, nhiều diện tích lúa chết, cà phê cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, Tây Nguyên có 2.800 ha lúa dừng sản xuất; 17.600 hộ thiếu nước và có thể còn nhiều hơn.
“Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được nhưng tình hình là rất nghiêm trọng, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng Phát nói.
Tại hội thảo, đại diện một số đối tác, nhà tài trợ đã tư vấn cho Việt Nam ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Đối với nguồn vốn để chống hạn, đại diện ADB đề xuất, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng nhà tài trợ cần đặt hỗ trợ ưu tiên khẩn cấp cho các dự án phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cả về thứ tự và thủ tục.
Đại diện ADB nhận định, nếu theo trật tự sắp xếp hiện tại và theo thủ tục triển khai bình thường, nhiều dự án đến năm 2018 mới được duyệt. Một số dự án khác cũng trong tình trạng tương tự, nếu không ưu tiên trước để rút ngắn thủ tục thì không triển khai sớm được.
Đại diện cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết: "Chính phủ Nhật Bản đã quan tâm đến việc làm thế nào để cải tiến, hoàn thiện hơn hệ thống tưới tiêu tại tỉnh Bến Tre. Dự án này đang trong quá trình xem xét. Thông tin hôm nay giúp chúng tôi xem xét và đẩy nhanh quá trình này từ Nhật Bản".
Cũng tại hội thảo này, bà Pratibha Mehta - Điều phối viên Liên hiệp quốc, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho hay các tổ chức quốc tế sẽ nhóm họp để tìm giải pháp hỗ trợ trước mắt, cứu trợ khẩn cấp cho những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề.
"Bên cạnh đó, quốc tế sẽ tìm các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để Việt Nam có thể ứng phó và thích nghi với những hiện tượng thời tiết cực đoan trung hạn và dài hạn", bà Pratibha Mehta chia sẻ.
Thủ tướng yêu cầu cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện tín dụng chính sách
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về việc Ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan về vai trò, vị trí và tầm quan trọng tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở trong việc xây dựng cơ chế chính sách và bố trí nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện để NHCSXH triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.
Theo Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào đầu mối là NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách theo quy định. Bên cạnh đó, cân đối đủ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội đã được ban hành; bảo đảm nguồn vốn hoạt động cho NHCSXH hằng năm theo quy định; cho vay các nguồn vốn ưu đãi thời hạn dài, lãi suất thấp để cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững.
Thủ tướng đề nghị, NHNN thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH theo quy định; tiếp tục đàm phán, ký kết các dự án tín dụng, các nguồn tài trợ cho công tác giảm nghèo từ các tổ chức quốc tế để bổ sung nguồn vốn và tăng cường năng lực hoạt động cho NHCSXH.
UBND các cấp dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn; hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho NHCSXH. Các tỉnh, thành phố ban hành chuẩn nghèo riêng cao hơn chuẩn nghèo quốc gia cần bố trí đủ nguồn lực để cho vay các đối tượng này; chỉ đạo, thực hiện tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở thực hiện chính sách tín dụng; tăng cường công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước đối với người dân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHCSXH thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐQT và Ban đại diện HĐQT các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tổ chức tập huấn, phổ biến quy trình nghiệp vụ theo các quy định của NHCSXH, của các Bộ, ngành có liên quan đến cán bộ, viên chức và người lao động trong đơn vị.
Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị, nhất là cán bộ làm công tác tín dụng chính sách xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi và biên giới, hải đảo.
Làm đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết đầu năm 2017
Ban quản lý dự án 1 đã đưa ra thông tin trên trong buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về công tác giải phóng mặt bằng cho dự án.
Ngày 15-3, Ban quản lý dự án 1 (PMU1, thuộc Bộ GTVT), đại diện chủ đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã đưa ra thông tin trên trong buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về công tác giải phóng mặt bằng cho dự án.
Dự án có tổng chiều dài 101,28km (tuyến chính dài 98,7km và tuyến nối với quốc lộ 1 là 2,58km) đi qua các huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, thị xã Long Khánh, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) và hai huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam (Bình Thuận).
Dự án được tách thành 2 hợp phần gồm: hợp phần 1 dài 36km từ Dầu Giây đến Xuân Lộc do ngân sách nhà nước đầu tư bằng vốn vay Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) của Ngân hàng thế giới (WB).
Hợp phần 2 dài 62km từ Xuân Lộc - Phan Thiết do Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chết đầu tư theo hình thức PPP trình Thủ tướng xem xét quyết định.
Tổng kinh phí đầu tư cho 2 hợp phần là hơn 17.700 tỉ đồng (trong đó hợp phần 1 là 6.200 tỉ đồng).
Dự kiến, hợp phần 1 sẽ khởi công vào quý 1-2017 và hoàn thành vào năm 2019, hợp phần 2 khởi công cuối năm 2017 và dự kiến hoàn thành trong khoảng 3 năm.
Trong buổi làm việc, PMU1 cho biết đã chuẩn bị khoản tiền 300 tỉ đồng để phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng và công tác liên quan.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một vướng mắc về công tác thông báo thu hồi đất do số liệu diện tích đất của các huyện (trên địa bàn Đồng Nai) đề nghị thông báo thu hồi có sai khác với kế hoạch thu hồi đất năm 2016 được tỉnh phê duyệt.
PMU1 cũng đề nghị Sở TN&MT Đồng Nai quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các huyện sớm điều chỉnh lại diện tích đất thu hồi theo đúng kế hoạch được duyệt, trình Sở TN&MT để ra thông báo thu hồi đất sớm để triển khai các bước tiếp theo.
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Vĩnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các huyện có dự án đi qua gồm Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và thị xã Long Khánh phối hợp chặt với chủ đầu tư, Sở TN&MT đẩy nhanh tiến độ kiểm kê, áp giá, đền bù, giải phóng bằng để dự án được triển khai kịp tiến độ.
Khô hạn nhất 30 năm: Cà phê Tây Nguyên đang hóa củi
Cây trồng đang “hóa củi” tại nhiều vùng, nguồn nước chỉ đáp ứng khoảng 60% diện tích cà phê. Hàng loạt cây cà phê đã đậu trái trong đợt ra hoa trước Tết hiện đang khô và rụng dần.
Cụ thể, theo báo cáo của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh Tây Nguyên, hiện các hộ nông dân đều thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, giếng đào và suối đều đã cạn kiệt do mực nước ngầm xuống thấp. Trong đó, Gia Lai đang ở mức báo động cấp 1. Cây trồng đang “hóa củi” tại nhiều vùng, nguồn nước chỉ đáp ứng khoảng 60% diện tích cà phê . Hàng loạt cây cà phê đã đậu trái trong đợt ra hoa trước Tết hiện đang khô và rụng dần.
“Tình hình hạn hán trên địa bàn đang hết sức nghiêm trọng, đặc biệt là các huyện phía Bắc, do các hồ đập nhỏ đã cạn kiệt nước”, ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết.
Lượng nước trên sông Sêrêpok giảm 49%, các sông khác cũng giảm, nhiều nơi khoan xuống 100m mà vẫn không có nước, VICOFA cho biết.
Theo dự báo, tình hình khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng với mức độ gay gắt. Theo đó, công tác chống hạn gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn nước. Đây là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất đối với Tây Nguyên trong 30 năm qua.
Dự kiến sẽ có khoảng hơn 70.000ha diện tích cây trồng toàn tỉnh Daklak có nguy cơ bị hạn, trong đó chủ yếu là diện tích cà phê ở những vùng hiếm nước. Tình hình hạn hán còn nghiêm trọng hơn ở Đăk Nông. Toàn Tây Nguyên có trên 100.000ha cà phê không có nước tưới.
Tình hình hạn hán vẫn kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng cà phê niên vụ 2016/17. Ở Tây Nguyên hạn hán không có nước và không đủ nước tưới cà phê bắt đầu khô héo. Vườn thiếu nước bắt đầu rụng quả. Ở vùng núi phía Bắc như Sơn La, Điện Biên tuyết rơi khiến cà phê chết cháy hàng loạt vì lạnh. Người dân phải đốn cây giữ gốc hy vọng mùa xuân sẽ ra chồi cho năm sau.
Theo VICOFA, các tỉnh đang khảo sát và đánh giá mức độ thiệt hại đối với ngành nông nghiệp nói chung và cà phê nói riêng.
Trung Quốc xả nước, khả năng cứu hạn ĐBSCL đến đâu?
Các chuyên gia cho rằng, trong trường hợp hồ thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc có xả nước thì khả năng cứu hạn, ngăn mặn ở Ðồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng không được cải thiện đáng kể.
Hao hụt lượng nước lớn khi chảy qua nhiều nước
Trước tình trạng khô hạn kỷ lục ở ĐBSCL, ngày 7/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam có công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam kiến nghị có biện pháp hỗ trợ gia tăng lưu lượng xả nước từ Thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc xuống hạ lưu sông Cửu Long .
Công hàm có nêu chi tiết đề nghị của phía Việt Nam về lưu lượng, thời gian và số đợt xả từ Thủy điện Cảnh Hồng.
TS Đào Trọng Tứ, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam cho rằng, dù phía Trung Quốc có đồng ý xả nước thì hiệu quả chống hạn, ngăn mặn cũng không cao.
Ông Tứ phân tích, trước tiên phải làm rõ, ĐBSCL thiếu bao nhiêu nước, cần bao nhiêu nước từ thượng nguồn về. Trường hợp có xả nước từ hồ chứa Cảnh Hồng thì nước phải chảy 4.000km qua các nước Thái Lan, Lào, Campuchia mới về Việt Nam.
Bản thân các quốc gia này cũng đang gặp hạn nên lượng nước sẽ hao hụt nhiều. Trong trường hợp ĐBSCL cần lưu lượng nước gần 2.000 m3/s thì phía thượng nguồn phải xả tới 4.000-5.000 m3/s mới đáp ứng được.
Điều này khó khả thi trong thực tế khi mà thượng nguồn sông Mekong cũng đang cần nước.
TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu nhận định, với dung tích 249 triệu mét khối của hồ Cảnh Hồng, nếu xả liên tục với lưu lượng 2.300 mét khối giây thì chỉ 30 giờ là hồ Cảnh Hồng hết nước.
Cũng theo TS Tuấn, mực nước tại các hồ Trung Quốc cũng thấp nên khả năng cao phía Trung Quốc sẽ xả nước cầm chừng. Ngoài ra, trên thượng nguồn Trung Quốc có sáu đập thủy điện đang hoạt động.
Các hồ chứa thủy điện trên một hệ thống sông sẽ vận hành theo một quy trình liên hồ chứa, hồ này phụ thuộc vào hồ kia nên việc yêu cầu một hồ trong hệ thống liên hồ thực hiện xả nước cũng bị chi phối nhiều.
Trong trường hợp xả nước thì lượng nước ấy sẽ hao hụt khi qua các nước lưu vực sông, ngoài ra còn lấp đầy vào các hồ, đầm, vùng trũng đang cạn trên đường di chuyển nên lưu lượng về Việt Nam sẽ rất thấp.
GS TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cũng cho rằng, tác động của dòng chảy từ Trung Quốc xuống Việt Nam là rất xa, qua Lào, Thái Lan, Campuchia mới đến Việt Nam.
Theo GS Giang, lưu vực sông Mekong ở Trung Quốc chiếm khoảng 18% trong dòng chảy của con sông này. Nếu xả chắc họ cũng không thể xả nhiều, hơn nữa lại đi qua các vùng hạn nặng như Thái Lan, Campuchia… nên nước về đến Việt Nam sẽ không còn nhiều.