Sáng 12/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dự và phát biểu tại Tọa đàm Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc 2017.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Điều hành ngân sách như đi trên dây
- Cập nhật : 08/03/2016
(Kinh te)
Tốc độ tăng chi cao hơn tốc độ thu dẫn đến bội chi ngân sách, cân đối ngân sách ngày càng khó khăn đã khiến cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phải bày tỏ lo lắng một một ví von rằng điều hành ngân sách như đang “đi trên dây” và lo ngại có thể “dứt dây” vào năm 2017.
Thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, triển khai giai đoạn năm 2016 – 2020, tình hình thu chi ngân sách tại Phiên họp 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 7/3, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 là 256.000 tỷ đồng.
Như vậy, nếu so với GDP thực tế thực hiện, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước là 6,11% GDP, song vẫn nằm trong phạm vi dự toán điều chỉnh... Tuy nhiên, Chính phủ cũng lo ngại, nếu duy trì tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và hạn mức cấp bảo lãnh chính phủ theo phương án hiện hành sẽ dẫn đến việc chỉ tiêu nợ công trên GDP vượt trần trong các năm 2016-2017. Trong khi đó, Bộ Tài chính nhận thấy khó có thể thực hiện phương án nâng trần nợ công.
Không cẩn thận "dứt dây" ngân sách?!
Phân tích cụ thể tình hình kinh tế thế giới sắp tới có nhiều biến động, đặc biệt là sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô, từ mức 45 USD/thùng xuống chỉ còn 40 USD, Bộ trưởng cho biết mỗi năm cũng hụt thu khoảng 47.000 tỉ đồng. Trong khi đó các giải pháp hiện vẫn đang xây dựng và cũng phải mất một hai năm mới hoàn thành.
“Mấy năm nay việc điều hành ngân sách như kiểu đi trên dây. Năm 2016 này tiếp tục đi trên dây. Cứ tình hình này kéo sang năm 2017, dây mà đứt thì chúng ta chết” - ông Dũng ví von.
Bên cạnh đó, dù khẳng định chỉ số tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn an toàn cho phép nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển thông tin, dư nợ Chính phủ đã vượt trần là 50,3% GDP.
"Sức ép về đầu tư từ nguồn vốn vay trong thời gian qua quá lớn. Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm giá trị đồng Việt Nam (VNĐ) và kích thích xuất khẩu hàng hóa cũng làm tăng giá trị nợ bằng ngoại tệ khi quy đổi sang VNĐ. Các dấu hiệu khó khăn trong vấn đề nợ công cần được Chính phủ phân tích và làm rõ để có biện pháp tăng cường quản lý" - Ông Hiển nói.
Cũng theo ông Hiển, với thực trạng tốc độ tăng chi cao hơn tốc độ tăng thu, dẫn đến bội chi ngân sách nhà nước vẫn ở mức cao, cân đối ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn là tất yếu. Trong khi việc bố trí ngân sách vẫn còn tình trạng dàn trải, sử dụng lãng phí, thiếu hiệu quả và sai quy định. Nhiều dự án vay ưu đãi của nước ngoài phải gia hạn, điều chỉnh kế hoạch, tiến độ rất chậm.
“Những điều này cần phải được làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua đó đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính” - ông Hiển nhấn mạnh.
Con số phải chuẩn để có cơ sở điều hành
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng cần phải thảo luận kỹ việc quyết định hướng hay quyết con số để tránh chuyện cuối kỳ, không thu đủ lại phải điều chỉnh, không đúng tinh thần của luật.
Nhận định kế hoạch chi tiêu ngân sách đưa ra là định hướng, để từ đó có cơ sở trong điều hành, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các thông số đưa ra phải chính xác để đại biểu Quốc hội có cơ sở yên tâm "bấm nút".
“Tôi đề nghị làm kỹ, đến kỳ họp sau Quốc hội thông qua, chứ chưa chắc chắn như vậy thì thường vụ làm sao “gật” được”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu.