Giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm
Thị trường bán buôn điện cạnh tranh: Tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý
Không khai thác dầu bằng mọi giá để đạt mục tiêu tăng trưởng
Cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu đang gây bất lợi cho người dân?
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 28-06-2016
- Cập nhật : 28/06/2016
Trái cây Việt thiệt thòi vì bị ‘mượn xác'
“Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều lợi thế bị bỏ ngỏ như phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, phát triển mô hình trang trại, kết hợp nông nghiệp với du lịch, phát triển các ngành nghề chế biến nông sản, thành phẩm từ cây công nghiệp, dược liệu, xuất khẩu sản phẩm từ các làng nghề truyền thống…”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại diễn đàn ĐBSCL 2016 (Mekong Delta Forum 2016) được tổ chức tại TP.HCM hôm 27-6.
Diễn đàn có chủ đề “Vì ĐBCSL thịnh vượng và thích ứng với khí hậu” do Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ KHĐT… phối hợp tổ chức.
Tại diễn đàn, Thủ tướng cho rằng ĐBSCL có các loại trái cây với hương vị độc đáo, chất lượng dinh dưỡng cao như xoài Cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu ở Đồng Tháp, bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, bưởi da xanh ở Bến Tre, quýt Hồng Lai Vung ở Đồng Tháp, thanh long ở Tiền Giang…
Những nông sản này cần đi khắp thế giới, trở thành các loại trái cây cao cấp, hiện diện trong hệ thống bán lẻ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU. Đáng nói hơn là sản phẩm phải mang thương hiệu Việt Nam đích thực, tuyệt đối không thể vô danh, bị lạm dụng, đóng dưới nhãn mác của các nhà phân phối trung gian.
“Đây là thiệt thòi rất lớn đối với ĐBSCL mà chúng ta cần nhìn thấy được” - Thủ tướng lưu ý.
Do vậy, một trong các yêu cầu được Thủ tướng đặt ra để ĐBSCL phát triển hơn nữa trong thời gian tới là chú trọng thương hiệu sản phẩm, lấy chất lượng và giá trị gia tăng làm cốt lõi, thay vì chạy theo số lượng.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần tích hợp mục tiêu nông thôn mới với ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt chú trọng quy hoạch đê điều, hồ chứa, bảo đảm an toàn và khả năng dự phòng cho những diễn biến thời tiết bất thường.
Trên thế giới, các nước như Israel, Nhật Bản, Hoa Kỳ có thời tiết khô hạn nhưng nông nghiệp vẫn phát triển rất tốt. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các địa phương này nhanh chóng chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững nhằm bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với WB, các chính phủ, các tổ chức quốc tế để cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra ở ĐBSCL.
Một năm làm muối được...4 triệu đồng
Nghề muối là nghề lâu đời của người dân ở đây. Nhưng những năm gần đây các ruộng muối của Giao Thủy (Nam Định) đã bị teo lại.
Giao Thủy (Nam Định) là miền đất phù sa trẻ, được hình thành từ khoảng cuối thế kỷ XV. Giao Thủy có 32km bờ biển, có hai cửa sông lớn, nơi sông Hồng và sông Sò đổ ra biển, cùng với vùng đất bãi bồi ven biển.
Nghề muối là nghề lâu đời của người dân ở đây. Nhưng những năm gần đây các ruộng muối của Giao Thủy đã bị teo lại, phần lớn các diện tích làm muối chuyển sang nuôi thủy sản, nguyên nhân do làm muối không còn nuôi nổi diêm dân.
Người dân ở đây vẫn làm theo cách nặng phần công hơn, còn gọi là phương pháp phơi cát. Diện tích phơi cát đây không hẳn là ruộng mà là sân rộng nay thường làm bằng xi măng.
Một người phụ nữ làm muối chúng tôi gặp trên đồng muối xã Bạch Long - huyện Giao Thủy nói rằng: Gia đình tôi có bảy sào, hai vợ chồng làm quần quật một năm được 10 triệu đồng. Trừ chi phí còn lại 8 triệu, chia ra mỗi người được khoảng 4 triệu/ năm tiền thu từ làm muối. Chả đủ ăn, phải trồng rau và dựa vào du lịch mới tạm sống. Con cái thường chỉ học đến lớp 6, lớp 7 là bỏ học ở nhà giúp cha mẹ. Ngày nắng thì có miếng, chứ mưa là coi như đói.(TT)
Động thổ dự án Cửa Sót Hà Tĩnh với mức đầu tư 300 tỉ đồng
Chiều 26-6, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn Vingroup tổ chức Lễ động thổ Dự án tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) với tổng mức đầu tư 300 tỉ đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và ông Nguyễn Sinh Hùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Chủ tịch Quốc Hội và lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương và tỉnh Hà Tĩnh tới dự và cùng Vingroup bấm nút phát lệnh động thổ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lãnh đạo các bộ, ban ngành và tỉnh Hà Tĩnh bấm nút phát lệnh động thổ Dự án Vinpearl Cửa Sót Hà Tĩnh.
Dự án Tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót (cách dự án Vinpearl Cửa Hội Nghệ An khoảng 60 km) có quy mô 16 ha, gồm khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu Clubhouse... được đầu tư bài bản theo các tiêu chuẩn 5 sao với hệ thống tiện ích đẳng cấp: bể bơi bốn mùa trong nhà và bể bơi ngoài trời; nhà hàng ẩm thực; khu rèn luyện và chăm sóc sức khỏe; khu vui chơi giải trí.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết: "Dự án Vinpearl Cửa Sót sẽ mở hướng đi chiến lược trong phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển của Hà Tĩnh; góp phần mở ra những cửa ngõ quan trọng của không gian du lịch "hành lang kinh tế Đông-Tây" sang Lào, Thái Lan. Dự án này cũng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển toàn diện vùng ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh".
Tại buổi lễ động thổ, Tập đoàn Vingroup tặng Nhà hát truyền thống Hà Tĩnh số tiền 5 tỉ đồng và trao quà hỗ trợ 4.800 hộ nghèo và gia đình có công với cách mạng của huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) với tổng số tiền 2,4 tỉ đồng.
Bí thư Hậu Giang: Không vì nghèo mà bất chấp môi trường
Người đứng đầu tỉnh Hậu Giang khẳng định địa phương còn khó khăn nên việc thu hút đầu tư rất được quan tâm, nhưng không vì thế mà bất chấp mọi vấn đề, nhất là môi trường.
Nhà máy giấy Trung Quốc tại Hậu Giang. Ảnh: Cửu Long
Liên quan đến vấn đề xử lý, xả nước thải của Nhà máy giấy Lee & Man, ngày 27/6, ông Hoàng Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hậu Giang cho biết sẽ giám sát, quan trắc nước thải của dự án 24/24 giờ từ Sở thông qua hệ thống máy tính. Thiết bị quan trắc nước thải tự động sẽ do phía công ty lắp đặt, đấu nối còn Sở Tài nguyên môi trường chỉ nhận kết quả từ máy tính.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, tỉnh Hậu Giang sẽ phát triển diện tích nuôi cá da trơn lên 250ha gần khu vực dự án nhà máy giấy. "Chúng tôi rất lo ngại nếu phía dự án không xử lý tốt vấn đề xả thải ra sông Hậu, thì không chỉ Hậu Giang mà ngành nông nghiệp cả vùng sẽ bị ảnh hưởng nặng", ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang nói và đề nghị phải quan tâm nghiêm ngặt, tới nơi tới chốn vấn đề môi trường trước khi cho nhà máy đi vào hoạt động.
Trong khi đó, theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - Trần Công Chánh, vụ việc Nhà máy giấy Lee & Man cần phải làm rõ. Thời gian qua, người đứng đầu Tỉnh ủy Hậu Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, xử lý các khó khăn của dự án và thông tin liên quan mà báo chí nêu.“Hậu Giang còn nhiều khó khăn nên thời gian qua việc thu hút đầu tư rất được quan tâm. Nhưng không vì nghèo mà bất chấp mọi vấn đề, nhất là môi trường”, ông Chánh khẳng định.
Dự án nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, được khởi công xây dựng tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang vào năm 2007. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, dự án bị đình trệ, đến năm 2014 mới khởi động lại.
Theo ông Chung Wai Fu -Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, nhà máy có công suất 420.000 tấn giấy một năm sẽ chạy thử nghiệm vào giữa tháng 7/2016 và chính thức hoạt động sau đó một tháng.
Mới đây, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi công văn lên Quốc hội và Thủ tướng đề nghị chỉ đạo việc kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của dự án này. Theo VASEP, công nghiệp giấy chủ yếu xả thải xút (NaOH), sau đó là cyanua, thạch tín. Trong khi đó, khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn. Khi hoạt động, công trình sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là thải ra khoảng 28.500 tấn xút một năm xuống sông Hậu.
Ngày 26/6, Bộ trưởng Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà đã giao Tổng cục Môi trường phối hợp các đơn vị thanh tra việc chấp hành bảo vệ môi trường của Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam.
"Đây là dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định và yêu cầu Đoàn kiểm tra tập trung vào ba nội dung chính. Thứ nhất, kiểm tra quy trình phê duyệt, nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải nước thải, công nghệ sản xuất và xử lý nước thải. Thứ hai, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của công ty trong thực hiện quy định đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải, áp dụng quy chuẩn môi trường; việc thiết kế, thẩm định, xây dựng, kế hoạch vận hành thử nghiệm.
Thứ ba, đoàn phải kiểm tra phương án, công trình ứng phó sự cố môi trường, hồ chỉ thị sinh học, hệ thống giám sát tự động, trực tuyến kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường địa phương, đảm bảo nước thải trước khi ra môi trường được kiểm soát đầy đủ thông số theo quy định. Hệ thống này phải dễ dàng tiếp cận và được sự giám sát của người dân...