tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 28-06-2016

  • Cập nhật : 28/06/2016

Việt Nam đề nghị Trung Quốc giải quyết tranh chấp Biển Đông theo luật quốc tế

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng Việt Nam và Trung Quốc cùng hợp tác không làm phức tạp tình hình trên biển, duy trì hòa bình và xu thế phát triển quan hệ song phương lành mạnh.
tong bi thu nguyen phu trong, phai, tiep ong duong khiet tri den tham viet nam. anh: ttxvn

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phải, tiếp ông Dương Khiết Trì đến thăm Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tiếp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu đề nghị hai bên cần xử lý thỏa đáng vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, TTXVN đưa tin.

Theo ông Nguyễn Phú Trọng, tranh chấp ở khu vực này cần được xem xét phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên (DOC), các bên liên quan sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Việt Nam và Trung Quốc cùng hợp tác không làm phức tạp tình hình, duy trì cục diện hòa bình, ổn định, hữu nghị và xu thế phát triển lành mạnh của quan hệ hai nước. 

Đề cập tới Phiên họp thứ 9 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương vừa diễn ra sáng nay, Tổng bí thư đề nghị hai bên tiếp tục phát huy vai trò của cơ chế Ủy ban này trong việc thực hiện đầy đủ, có hiệu quả nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Ông Dương Khiết Trì khẳng định Đảng, Nhà nước Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Trung Quốc mong tăng cường trao đổi cấp cao, trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao giữa hai nước.

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc cũng bày tỏ quyết tâm cùng với phía Việt Nam triển khai hiệu quả những thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước, góp phần đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam và Trung Quốc không ngừng phát triển.(VNEX)


Họp bất thường về Bộ luật Hình sự

Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 nhưng được phát hiện là có nhiều sai sót...

 

Sáng nay (27/6), các vị trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khoá 13 được mời về Hà Nội dự họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cuộc họp này được tổ chức để trao đổi, thống nhất một số vấn đề liên quan đến Bộ luật Hình sự , vừa được Quốc hội khoá 13 thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 11/2015).

Đây là cuộc họp bất thường, bởi theo lẽ thông thường thì khi một đạo luật đã được Quốc hội thông qua, được Chủ tịch nước công bố thì chỉ còn chờ đến khi có hiệu lực thi hành.

Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, tức chỉ còn chưa đầy một tuần nữa.

Trong công văn mời các vị Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khoá 13 về dự họp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết cuộc họp được tổ chức trên cơ sở xem xét đề nghị của các cơ quan, tổ chức hữu quan và tình hình thực tế.

Các vị trưởng đoàn cũng được lưu ý rằng, đây là hội nghị rất quan trọng, đề nghị các vị trưởng đoàn sắp xếp công việc để dự hội nghị đầy đủ. Trường hợp không thể tham dự, đề nghị cử phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội dự họp thay.

Thành phần dự họp còn có Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Đại diện Ban Nội chính Trung ương, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng được mời tham dự.

Trước đó, tại phiên họp diễn ra giữa tháng Sáu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017 trong một phiên họp riêng, không có báo chí tham dự.

Tuy nhiên, những sai sót trong Bộ luật Hình sự 2015 đã được phát hiện khá sớm.

Ngày 27/11/2015, Bộ luật được Quốc hội thông qua, cuối tháng 12 được đăng công báo thì đến ngày 11/1/2016, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có công văn gửi Phòng Công báo (Văn phòng Chính phủ) đề nghị thay thế bốn trang tài liệu liên quan đến sáu điều luật ở Phần Chung và bốn điều luật ở Phần Các tội phạm. Lý do được nêu là do sơ suất về mặt kỹ thuật nên Bộ luật gửi đến phòng Công báo trước đó có sai sót.

Sau đó, vẫn còn những những sai sót khác được phát hiện. Đặc biệt, có nhiều lo ngại được bày tỏ xung quanh quy định của điều 292 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông khi cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ là đối tượng bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ điều luật này.

Khi tính đến phương án khắc phục đã có ý kiến đề nghị vẫn giữ nguyên hiệu lực của Bộ luật Hình sự 2015 từ ngày 1/7/2016, đồng thời kiến nghị Quốc hội cho sửa ngay ở Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá 14 (sẽ khai mạc vào 20/7 tới).

Tuy nhiên, trong dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá 14 chưa có nội dung sửa Bộ luật Hình sự 2015.

Rất có thể phương án cuối cùng sẽ được chốt sau phiên họp sáng nay, khi các đại biểu Quốc hội khoá 13 đều đã bày tỏ chính kiến qua phiếu biểu quyết.(VNECO)


Ông Lê Đình Sơn tái đắc cử Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Sáng nay 27/6, tại kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, các đại biểu đã tiến hành bầu chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

Theo đó, đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII đã thảo luận và bầu ông Lê Đình Sơn - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XVI giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XVII.

Cuộc họp sáng nay có 54 đại biểu HĐND tỉnh (1 đại biểu vắng mặt) đã tín nhiệm bầu ông Lê Đình Sơn tái giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021 với số phiếu tín nhiệm 54/54 phiếu.

Sau phần bầu cử Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu tiến hành bầu các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và trưởng/phó các Ban HĐND, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Nữ Y tái cử Phó Chủ tịch HĐND tỉnh với 54/54 phiếu, ông Võ Hồng Hải (nguyên Bí thư huyện ủy Can Lộc) giữ chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh với 53/54 phiếu.

thuong truc, cac ban va van phong hdnd tinh ha tinh khoa xvii nhan nhiem vu

Thường trực, các Ban và Văn phòng HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII nhận nhiệm vụ

Đại biểu HĐND tỉnh cũng bầu các chức danh Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách đối với ông Trần Viết Hậu với số phiếu tín nhiệm 53/54; Phó trưởng Ban Kinh tế Ngân sách đối với bà Nguyễn Thị Thúy Nga với số phiếu tín nhiệm 53/54; Trưởng Ban Pháp chế đối với ông Nguyễn Trọng Nhiệu với số phiếu tín nhiệm 54/54; Phó trưởng Ban Pháp chế đối với ông Nguyễn Huy Hùng với số phiếu 53/54; Trưởng Ban Văn hóa Xã hội đối với ông Đoàn Đình Anh với số phiếu tín nhiệm 53/54; Phó Ban VHXH đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt với số phiếu tín nhiệm 52/54 và Chánh Văn phòng HĐND tỉnh đối với bà Nguyễn Thị Việt Hà với số phiếu tín nhiệm 53/54.


Lập Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng

Ngày 27-6, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã chủ trì Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc tại Hà Nội.

uy vien quoc vu trung quoc duong khiet tri (trai) bat tay pho thu tuong pham binh minh tai ha noi ngay 27-6 - anh: viet dung

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) bắt tay Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hà Nội ngày 27-6 - Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại phiên họp, hai bên đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ hợp tác giữa hai nước kể từ sau Phiên họp lần thứ 8 (tháng 6-2015) đến nay, nhất trí tăng cường tin cậy chính trị, duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao, thúc đẩy hợp tác thực chất có tiến triển mới; phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác hai Đảng giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường giao lưu, hợp tác giữa các tổ chức Đảng địa phương, tổ chức tốt các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa nhân dân và thanh niên hai nước.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường công tác quản lý, giữ gìn trật tự trị an, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh tại khu vực biên giới hai nước, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế ở khu vực biên giới phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.

Về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì nhấn mạnh yêu cầu cần nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, kiểm soát tốt bất đồng, thúc đẩy các cơ chế đàm phán đạt tiến triển thực chất, nỗ lực triển khai các dự án hợp tác trên biển đã thỏa thuận, trao đổi thiết lập cơ chế hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển; kiên trì thông qua trao đổi và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.

Hai bên cũng trao đổi những vấn đề quan trọng như việc không hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Sau cuộc họp, lãnh đạo hai bên chứng kiến lễ ký “Biên bản Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc”, “Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Cục Cảnh sát biển Trung Quốc”, trao đổi Công thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc Chính phủ Trung Quốc cung cấp bổ sung khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 129,5 triệu Nhân dân tệ (19,5 triệu USD) cho dự án Cung Hữu nghị Việt - Trung.

Nhân dịp này, hai bên xác nhận đã hoàn thành các thủ tục lập Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Đà Nẵng, Việt Nam.

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 26-28 tháng 6, ngoài phiên họp lần thứ 9 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung, ông Dương Khiết Trì còn chào xã giao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, và đặt vòng hoa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục