DN thành lập mới tăng mạnh cả về số lượng và vốn
DN ngán nhất điều kiện kinh doanh không minh bạch
Tiêu dùng tăng chậm hơn cùng kỳ 2015
Chính thức lùi hạn thi hành Bộ luật Hình sự mới
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 29-06-2016
- Cập nhật : 29/06/2016
Kinh tế Việt Nam chững lại khi chỉ vừa lấy đà
GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng chững lại
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 thấp hơn so với cùng năm kỳ năm 2015. Nền kinh tế vừa lấy lại đà tăng trưởng từ quý 4 năm 2015 nhưng sang năm 2016 lại gặp khó khăn.
Đặc biệt đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó Quý 1 tăng 5,48%, quý 2 tăng 5,55%.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%, đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Khu vực dịch vụ tăng 6,35%, đóng góp 2,38 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành nông nghiệp (chiếm trên 75% giá trị tăng thêm khu vực 1) giảm 0,78%. Nguyên nhân do sản lượng lúa đông xuân năm nay chỉ đạt 19,4 triệu tấn (giảm 6,4%) so với vụ đông xuân 2015. Giá trị tăng thêm ngành lâm nghiệp tăng 5,75%, ngành thủy sản tăng 1,25%.
Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,82%, thấp hơn nhiều mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,20%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%, tương đương với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng 8,8%.
Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Trong đó, một số ngành tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Bán buôn, bán lẻ tăng 8,1%, hoạt động tài chính, ngân hàng bảo hiểm tăng 6,1%, thông tin và truyền thông tăng 8,76%, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 7,3%, nghệ thuật vui chơi giải trí tăng 7,2%, giáo dục và đào tạo tăng 7,15%.
Tổng cục Thống kê cho biết, về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2016, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,74%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,94%, khu vực dịch vụ chiếm 41,01% (thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm chiếm 10,31%).
Theo Tổng cục Thống kê, xét về góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp 5,09 điểm phần trăm, tích lũy tài sản tăng 10%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 2,22 điểm phần trăm
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết GDP Việt Nam 6 tháng đầu năm đặt trong bối cảnh năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện kế hoạch kinh tế giai đoạn 2016-2020. Bối cảnh thế giới giá dầu thô giảm xuống thấp nhất là 27 USD/thùng vào ngày 20/1/2016 và đã thoát đáy, tăng lên 52,5 USD/thùng vào tháng 6.
Các đợt rét đậm rét hại đầu năm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp ở phía Bắc, tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực phía nam, hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ ảnh hưởng rất lớn đến nông nghiệp.
Môi trường đầu tư đã được Chính phủ quan tâm có chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới năm 2016 theo dự báo vẫn gặp khó khăn và tăng trưởng có chậm lại, tình hình tài chính tiền tệ và giá dầu có diễn biến phức tạp.
Lần đầu tiên nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng âm
Nông, lâm nghiệp, thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 giảm 0,18%. Tổng cục Thống kê cho biết, đây là lần đầu tiên trong rất nhiều năm nông lâm nghiệp và thủy sản có tăng trưởng âm.
Theo Tổng cục Thống kê, ngành sản xuất nông, lâm nghiệp từng là cứu cánh của nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng, phải kể đến các năm 1997,1999, 2012, 2014. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2016 ngành này giảm.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 397,4 nghìn tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước
Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2015 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng cao nhưng chỉ tập trung tại một số ngành như khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo. Năm 2016 những ngành này không giữ được tăng trưởng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của cả năm 2016.
Theo Tổng cục Thống kê, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2016 như Quốc hội đề ra, trong 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 7,6%.(NĐH)
Thống đốc NHNN: cho vay BĐS, chứng khoán tăng cao tiềm ẩn rủi ro
Phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TPHCM chiều 27/6, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết tổng tài sản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM cho đến nay chiếm khoảng 40% tổng tài sản toàn hệ thống, huy động vốn chiếm gần 30%, tín dụng chiếm gần 27%.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố có nhiều điểm sáng và rất tích cực. Cụ thể, huy động vốn trên địa bàn tăng 5,8% so với cuối năm 2015 và đây là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, giúp tạo nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố, ông Hưng cho hay.
Ngoài ra, theo ông Hưng, dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tăng 6,8% (cao hơn mức tăng bình quân cả nước) và đây cũng là điểm tích cực, và mức tăng trưởng tín dụng này cũng được cho là cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
TPHCM cũng là địa phương làm tốt việc kết nối ngân hàng với doanh nghiệp với tổng mức vốn cam kết của các tổ chức tín dụng hơn 200.000 tỉ đồng với số dư nợ gần 67.000 tỉ đồng, lãi suất cho vay ngắn hạn chương trình kết nối này tối đa chỉ 7%, cho vay trung – dài hạn tối đa khoảng 9%, chưa kể dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn trên địa bàn đến nay đạt khoảng 50.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nhìn lại 6 tháng đầu năm, ông Lê Minh Hưng cho rằng còn một số vấn đề cần quan tâm về hoạt động tiền tệ, tín dụng.
Thứ nhất, do đặc thù của thành phố là trung tâm kinh tế năng động, có nhiều tổ chức kinh tế nên trong cơ cấu nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thì nguồn ngắn hạn chiếm tỉ trọng tương đối lớn, và điều này đòi hỏi hệ thống ngân hàng, các đơn vị chức năng của thành phố cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng, đảm bảo kỳ hạn, tránh những rủi ro phát sinh về cân đối.
Thứ hai, ông Hưng lưu ý rằng trong 6 tháng đầu năm 2016, tín dụng cho vay bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng ở thành phố tăng khá mạnh, tăng cao hơn mặt bằng chung của cả nước và cho thấy có thể tiềm ẩn một số vấn đề rủi ro.
“Vừa qua, chúng tôi cũng đã có chỉ đạo toàn hệ thống, đặc biệt là đối với TPHCM, phải tăng cường giám sát để đảm bảo an toàn cho vay”, ông Hưng nói tại buổi làm việc và lưu ý thêm một vấn đề thứ ba là tỉ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố cao hơn mặt bằng chung cả nước. Ông Hưng cho rằng các tổ chức tín dụng tại thành phố cần tiếp tục chương trình tái cơ cấu để đảm bảo hoạt động các tổ chức tín dụng lành mạnh.
Theo báo cáo của UBND thành phố về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố vẫn ổn định và tăng trưởng tốt, huy động vốn và dư nợ tín dụng đều tăng so với cuối năm 2015 và tăng cao so với cùng kỳ; đây được cho là điều kiện thuận lợi và ổn định để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thành phố năm 2016.
Cụ thể, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước đến cuối tháng 6-2016 đạt 1.658.000 tỉ đồng, tăng 5,8% so với cuối năm 2015 và tăng 17,09% so với cùng kỳ, trong đó tiền gởi Việt Nam đồng tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn so với ngoại tệ và chiếm tỉ trọng hơn 86% trong tổng nguồn vốn huy động.
Dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố ước đến cuối tháng 6 đạt 1.319.500 tỉ đồng, tăng 16,42% so với cùng kỳ, tỉ lệ nợ xấu đến cuối tháng 4-2016 là 4,47% trong tổng dư nợ, tăng 0,55 điểm phần trăm so với cuối năm 2015 (cuối năm 2015 chiếm 3,92%).
Mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn thành phố đã giảm khá, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (tín dụng cho sản xuất kinh doanh chiếm 75% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn).
Kinh doanh BĐS đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011
Đó là khẳng định của Tổng cục Thống kê tại buổi công bố GDP 6 tháng đầu năm 2016.
Cụ thể, mức tăng của ngành kinh doanh bất động sản 6 tháng của năm 2011 là 0,3%, năm 2012 giảm 0,75%, năm 2013 tăng 0,76%, năm 2014 tăng 1,87% và năm 2015 tăng 2,35%.
Mức tăng 3,77% của kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy thị trường đã phục hồi, lấy đà tăng trưởng.
Trả lời câu hỏi của báo chí về đánh giá thị trường bất động sản, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết bất động sản 6 tháng đầu năm nay có tăng hơn so với 6 tháng các năm. Một số năm trước kinh doanh bất động sản suy giảm, nhưng mức tăng của năm 2016 không cao, chỉ tăng 1,42% so với 6 tháng năm 2015.
"Bất động sản phụ thuộc vào thu nhập của người dân và phụ thuộc vào nhu cầu, nếu kinh tế phát triển, người dân thu nhập cao thì nhu cầu tăng cao. Dự báo trong 6 tháng cuối năm, hoạt động kinh doanh bất động sản có tăng trưởng khởi sắc so với năm trước nhưng mức tăng không cao nhiều", ông Lâm nhận định.
Theo ông Lâm, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%, đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Riêng ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng 8,8%.
Doanh nghiệp tư nhân rót vốn mạnh vào xây dựng
"Ngành xây dựng khởi sắc, tăng trưởng cao trong đó vốn của các nhà đầu tư ngoài Nhà nước tăng rất mạnh, thể hiện sự quan tâm đầu tư mạnh của doanh nghiệp khối ngoài Nhà nước", Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê khẳng định.
Giá trị sản xuất xây dựng theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm 2016 đạt 456 nghìn tỷ đồng, bao gồm khu vực Nhà nước đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,9%. Khu vực ngoài Nhà nước đạt 394,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 86,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,7%.
Tuy nhiên, ông Lâm cho biết, xây dựng nhà ở không có tăng trưởng đột biến trong 6 tháng cuối năm bởi còn phụ thuộc vào nhu cầu nhà ở của người dân và hiện nay nhà đầu tư còn nhiều kênh đầu tư khác. Xây dựng nhà ở sẽ tăng ở mức đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Áp dụng tăng trưởng xanh thúc đẩy phát triển thương mại
Tại hội thảo, bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng - chuyên gia chính Dự án EU-MUTRAP đã giới thiệu chiến lược và kế hoạch hành động của Việt Nam nói chung và của ngành công thương riêng về tăng trưởng xanh; đồng thời phân tích những tác động của việc thực thi các cam kết liên quan đến thương mại - môi trường trong hội nhập kinh tế quốc tế. Theo bà Nguyệt Hồng, những FTA thế hệ mới đặt ra những thách thức liên quan đến thương mại và môi trường. Về mặt thương mại, quy tắc xuất xứ đòi hỏi phải chứng minh nguồn gốc hàng hóa là từ Việt Nam (EVFTA, TPP), và hiện tại chỉ 50% doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được những đòi hỏi này của EU, và 30% đáp ứng được yêu cầu của TPP; TPP hứa hẹn mang lại kim ngạch xuất khẩu dệt may cao cho Việt Nam, nhưng nếu không kiểm soát tốt điều này có thể đem lại tác động không nhỏ tới môi trường, ô nhiễm từ phát triển nóng ngành dệt nhuộm.
Về môi trường, những thách thức hiện hữu là những đòi hỏi khắt khe về đóng gói, đăng ký mã vạch, dư lượng tối đa hóa chất, chứng minh nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu sử dụng, các yêu cầu bảo về môi trường…; yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng kháng sinh… đối với các mặt hàng nông - lâm – thủy sản; đặc biệt, trong TPP có những yêu cầu riêng về môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, điều này đòi hỏi việc quản lý và xử lý các vấn đề vi phạm pháp luật của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường phải được tăng cường. Ngược lại, các FTAs cũng mang lại các cơ hội thúc đẩy công nghệ sạch, công nghệ xanh, công nghiệp môi trường và thương mại xanh.
Cũng trong chương trình, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã cùng trao đổi phân tích các cơ hội thương mại từ việc theo đổi chiến lược tăng trưởng xanh, áp dụng tăng trưởng xanh để tạo ra các cơ hội thương mại cho TP. Đà Nẵng, đổi mới công nghệ trong sản xuất công nghiệp là giải pháp quan trọng để tăng trưởng xanh cho TP. Đà Nẵng.