tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 23-03-2016

  • Cập nhật : 23/03/2016

Hàng miễn thuế tại sân bay có cần kiểm tra an toàn thực phẩm?

Các DN kinh doanh bán hàng miễn thuế tại sân bay Nội Bài đang lo lắng với yêu cầu phải thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm hàng hóa kinh doanh tạm nhập-tái xuất bán tại cửa hàng miễn thuế.

cua hang mien thue tai san bay quoc te noi bai.

Cửa hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Theo thông báo mới đây của Cục Hải quan Hà Nội thì các mặt hàng thực phẩm NK kinh doanh bán tại cửa hàng miễn thuế không thuộc các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ, do đó hàng hóa là thực phẩm kinh doanh tại các cửa hàng miễn thuế sẽ phải kiểm tra nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cục Hải quan Hà Nội cho rằng, theo các quy định tại khoản 2 Điều 7 Quyết định 24/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định trách nhiệm của thương nhân kinh doanh hàng miễn thuế thì “chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hiện hành”. Khoản 2 Điều 14 Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định các mặt hàng thực phẩm NK kinh doanh bán tại cửa hàng miễn thuế không thuộc các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Như vậy, các mặt hàng thực phẩm NK kinh doanh bán tại cửa hàng miễn thuế không thuộc các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Một số DN kinh doanh hàng miễn thuế cho rằng, việc kiểm tra nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm là không cần thiết. Lý do được Công ty TNHH hàng miễn thuế JALUX-TASECO đưa ra là hàng hóa kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế là kinh doanh nhỏ lẻ, do đó mặc dù đa dạng về chủng loại nhưng lại hạn chế về số lượng, nên việc lấy mẫu kiểm tra gây khó khăn cho DN.

Hơn nữa, kinh doanh hàng miễn thuế có tính chất đặc thù, công tác quản lý chặt chẽ cũng như yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ.

DN này cho rằng, tại Thông tư 28/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định “thực phẩm mang theo người nhập cảnh để tiêu dùng theo định mức được miễn thuế NK”. Đối chiếu quy định này thì cửa hàng miễn thuế bán cho khách nhập cảnh chỉ bán theo tiêu chuẩn định mức hành lý mang theo người của khách nhập cảnh; cửa hàng miễn thuế xuất cảnh chỉ bán cho khách xuất cảnh không tiêu thụ tại thị trường Việt Nam (tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định tương tự). 

Bên cạnh đó, Điều 4 quy định các sản phẩm thực phẩm chỉ được phép lưu thông, tiêu thụ tại thị trường Việt Nam sau khi đã được cơ quan kiểm tra nhà nước cấp một trong các giấy tờ: Thông báo thực phẩm đạt yêu cầu NK hoặc thông báo thực phẩm chỉ kiểm tra hồ sơ.

Theo cách hiểu của DN thì toàn bộ các sản phẩm kinh doanh tại các cửa hàng miễn thuế tại các sân bay quốc tế không lưu thông, không tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, do đó không cần hai loại giấy thông báo theo quy định tại Thông tư 28/2013/TT-BCT. Như vậy, việc quy định kiểm tra nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thực phẩm như: bánh kẹo, sô cô la; rượu… là không cần thiết và gây khó khăn cho DN.

Thực tế là như vậy, nhưng để làm rõ việc các mặt hàng thực phẩm để bán tại cửa hàng miễn thuế phục vụ khách xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế tại các cảng hàng không, Bộ Công Thương cần có ý kiến để xác nhận thủ tục NK không thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.

Được biết, Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức họp với Bộ Công Thương để đề nghị có biện pháp tháo gỡ những vấn đề phát sinh liên quan đến việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm NK theo loại hình tạm nhập, tái xuất bán tại cửa hàng miễn thuế theo Thông tư 28/2013/TT-BCT.

Hiện nay, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có ba đơn vị triển khai kinh doanh hàng miễn thuế bao gồm: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài-Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV); Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài (NASCO) và Công ty TNHH hàng miễn thuế JALUX-TASECO. Các mặt hàng kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế được NK và quản lý theo hình thức tạm nhập, tái xuất bao gồm: Rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, nước hoa, bánh kẹo, đồng hồ, kính mắt, trang sức và thời trang… Đối tượng mua hàng miễn thuế là khách xuất, nhập, quá cảnh.(BHQ)


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thu ngân sách giai đoạn 2011-2015 tăng gần 2 lần so với giai đoạn trước

 Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015, kết quả giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã đẩy mạnh chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, thu ngân sách tăng gần 2 lần so với giai đoạn trước.

pho thu tuong nguyen xuan phuc: no cong co ban trong gioi han theo quy dinh. anh: anh tuan.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nợ công cơ bản trong giới hạn theo quy định. Ảnh: Anh Tuấn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ cũng đã tăng cường quản lý chi Ngân sách, ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội và phát triển con người, nợ công cơ bản trong giới hạn theo quy định. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp hơn 1,8 lần so với 5 năm trước, đạt bình quân 31,7% GDP. Cùng với đó, vốn FDI thực hiện tăng 35,6%, vốn ODA giải ngân tăng 61%. Chính phủ cũng đã tăng cường quản lý thị trường, giá cả, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu và đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Nhấn mạnh mục tiêu lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định trong giai đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng nêu rõ: Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với cuối năm 2011, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao, đạt bình quân 17,5%/năm.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn vừa qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và một số cân đối lớn ổn định chưa vững chắc.

Do đó, trong các giải pháp đề ra để đạt được những mục tiêu của giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh việc tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các loại hình doanh nghiệp.

Cùng với đó là việc điều hành hiệu quả các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách liên quan để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường quản lý và từng bước cơ cấu lại thu, chi ngân sách Nhà nước, tăng tỉ trọng thu nội địa và bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ, phấn đấu giảm dần bội chi, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Theo báo cáo của Chính phủ, mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016-2020 là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP. Bội chi ngân sách Nhà nước còn khoảng 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38 - 40%.


Cục Thuế TP.HCM: Đã giải quyết xong tất cả hồ sơ hoàn thuế cho doanh nghiệp

Ông Lê Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM  cho biết,  liên quan đến công tác giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, tính đến ngày 21-3-2016, đơn vị đã giải quyết xong tất cả các hồ sơ xin hoàn thuế của doanh nghiệp. 

giao dich tai cuc thue tp.hcm. anh: nguyen hue

Giao dịch tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Huế

Cụ thể, Cục Thuế TP.HCM đã giải quyết được 443 hồ sơ xin hoàn thuế (trong đó có 95 hồ sơ phát sinh trong tháng 3-2016) với tổng số tiền đã hoàn là 1.171 tỉ đồng. Như vậy, tính đến thời điểm này, Cục Thuế TP.HCM đã giải quyết xong tất cả các hồ sơ hoàn thuế còn tồn đọng của doanh nghiệp trên địa bàn.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện công văn số 3357/BTC-TCT ngày 14-3-2016 của Bộ Tài chính về việc quản lý chi hoàn thuế giá trị gia tăng, ông Lê Xuân Dương cho biết, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM đã chỉ đạo các phòng và chi cục thực hiện chi hoàn thuế theo đúng quy định của pháp luật.


Quy định Ban quản trị nhà chung cư: Vừa ban hành đã bất cập

Một số nội dung quy định trong Thông tư 02/2016/TT-BXD về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng đã được chỉ ra là chưa thực sự phù hợp với thực tế cuộc sống cũng như còn có điểm mâu thuẫn với những quy định khác của pháp luật.

thong tu 02 quy dinh "thanh vien ban quan tri nha chung cu phai la chu so huu dang su dung nha chung cu do". anh h.anh.

Thông tư 02 quy định "thành viên Ban quản trị nhà chung cư phải là chủ sở hữu đang sử dụng nhà chung cư đó". Ảnh H.Anh.

Về yêu cầu đối với thành viên Ban quản trị nhà chung cư, Thông tư 02 quy định "thành viên Ban quản trị nhà chung cư phải là chủ sở hữu đang sử dụng nhà chung cư đó". Quy định này được cho là không phù hợp với thực tế cuộc sống, bởi tại nhiều chung cư cao cấp có đến 80-90% chủ sở hữu cho thuê căn hộ.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nếu quy định phải là chủ sở hữu đang sử dụng nhà chung cư đó thì vô hình chung đã tước đi quyền của một số chủ sở hữu chung cư (không sống tại chung cư đó) tham gia thành viên Ban quản trị, trong lúc người thuê căn hộ chung cư này (nhiều trường hợp là người nước ngoài) thì có thể họ không có nhu cầu tham gia Ban quản trị.

Trong những trường hợp này, sẽ chỉ có một số ít chủ sở hữu đang sử dụng nhà chung cư đó có cơ hội tham gia Ban quản trị, do đó, theo đại diện Hiệp hội BĐS TP.HCM, “thành viên Ban quản trị nhà chung cư phải là chủ sở hữu, hoặc đại diện chủ sở hữu, hoặc người đang sử dụng nhà chung cư đó" thì phù hợp với thực tế và khả thi hơn.

Liên quan đến quy định về Ban quản trị, Thông tư 02 cũng quy định các thành viên Ban quản trị nhà chung cư là người có sức khỏe, không có tiền án, tiền sự. Theo  ông Lê Hoàng Châu, quy định này đã tạo ra sự phân biệt đối xử và hạn chế quyền công dân, xung đột và vi phạm khoản 2 và khoản 3 điều 3 Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16-9-2011 của Chính phủ Quy định các biện pháp bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Điều khoản này quy định “tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật” và “nghiêm cấm mọi hành vi kì thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong án phạt tù".

“Người chấp hành xong án phạt tù, đã có quyền công dân thì được quyền ứng cử vào Ban quản trị nhà chung cư, còn việc người đó có được bầu vào Ban quản trị nhà chung cư hay không là do sự tín nhiệm hay không tín nhiệm của Hội nghị nhà chung cư. Do vậy, chúng tôi đề nghị bỏ quy định "không có tiền án, tiền sự" tại khoản 1 điều 19 này để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật”, ông Châu nêu ý kiến.


Thí điểm dự án tín dụng nông nghiệp cho rau và hoa ở Lâm Đồng

Tín dụng nông nghiệp được coi là chìa khóa hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo phân tích của Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Mori Mutsuya, hiện tại ở Việt Nam, việc cung cấp dịch vụ tín dụng đảm bảo nguồn vốn để đầu tư cơ sở thiết bị lâu dài, đẩy mạnh chuỗi giá trị nông nghiệp là điều rất cần thiết.

Tại Hội nghị hướng tới tín dụng nông nghiệp bền vững tại Việt Nam từ nghiên cứu cho tỉnh Lâm Đồng do JICA phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 18/3, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân Việt Nam có nguyện vọng mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư trên diện tích, quy mô lớn hơn, tuy nhiên, vấn đề gặp phải là thiếu nguồn vốn.

Do đó, JICA đã đề xuất giải pháp mới với dự án thúc đẩy tín dụng nông nghiệp bền vững ở Việt Nam nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu cao nhất là tăng cường chuỗi giá trị của nông sản.

Theo đó, Lâm Đồng sẽ là tỉnh thực hiện thí điểm thực hiện dự án tín dụng nông nghiệp mới ở hai sản phẩm trọng tâm gồm rau và hoa. Nếu thành công, dự án sẽ được triển khai rộng ra các địa phương khác, tập trung vào từng thế mạnh riêng.
 
rau, cu, qua trong tai da lat theo tieu chuan vietgap. (anh: phuong vi/ttxvn)

Rau, củ, quả trồng tại Đà Lạt theo tiêu chuẩn VietGAP. (Ảnh: Phương Vi/TTXVN)


Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng cho rằng, dự án tín dụng này sẽ góp phần hỗ trợ phát triển kế hoạch kinh doanh tốt hơn. Những điểm mới của dự án gồm việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nông dân làm thủ tục với khoản vay ưu đãi bớt điều kiện ngặt nghèo, đăng ký vay vốn với kế hoạch kinh doanh khả thi và hỗ trợ phát triển kinh doanh tốt gắn liền với chuỗi giá trị.

Cụ thể, tiêu chuẩn về sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sẽ được phát triển cho từng nhóm hoạt động (sản xuất, sau thu hoạch, công tác thị trường, phân phối,…). Dựa trên các tiêu chuẩn này, việc lập kế hoạch kinh doanh sẽ khả thi hơn, nhờ vậy, ngân hàng sẽ định giá tài sản đảm bảo cao hơn trong quá trình đăng ký vay vốn hoặc thanh lý, phát mãi.

Bên cạnh đó, tín dụng nông nghiệp mới sẽ hướng đến những người vay là các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất quy mô vừa và lớn và có điều kiện tiếp cận tín dụng chính thức.

Trong chương trình hỗ trợ này, bên cạnh nguồn vốn ODA ưu đãi, JICA sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực của các ngân hàng trong việc thẩm định hồ sơ vay và chủ động giám sát tài sản doanh nghiệp.

Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng cho rằng, dự án là hướng đi mới cho việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, tập trung vào những hộ có khả năng kinh doanh tốt.

Theo khung thiết kế dự án, từ nay đến đầu năm 2017, các bên liên quan sẽ tiến hành thảo luận và ký kết văn bản ghi nhớ về dự án thí điểm, lập danh sách người vay thí điểm, chuẩn bị mô hình kinh doanh và kế hoạch đầu tư…

Đến tháng 3/2017, các bên sẽ tiến hành ký kết Hiệp định vay vốn và có kế hoạch kinh doanh cụ thể

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục