Công bố quyết định thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau
Đề xuất đầu tư tuyến xe điện mặt đất đầu tiên ở TP.HCM
Sẽ đóng cửa các mỏ khoáng sản vi phạm về môi trường
Lập 117 trang web giả, lừa đảo hơn 8 tỉ đồng
Phê duyệt đề án phát triển sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 20-04-2016
- Cập nhật : 20/04/2016
Việt Nam, Lào và Campuchia tiếp tục đàm phán hiệp định thương mại
Trong vòng đám phán thứ 4 về thỏa thuận thúc đẩy và tạo điều kiện thương mại Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) diễn ra từ ngày 18-20/4, các đại diện thương mại của ba nước đã thảo luận để tìm ra các giải pháp cho các khó khăn và trở ngại hiện hữu nhằm sớm tiến tới sự đồng thuận và hoàn tất thỏa thuận.
Tam giác Phát triển CLV bao gồm 4 tỉnh của Campuchia (Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kratie), 4 tỉnh của Lào (Attapeu, Salavan, Sekong, Champasak) và 5 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước).
Các quan chức của Việt Nam, Lào và Campuchia tiếp tục bày tỏ nguyện vọng rằng thỏa thuận này sẽ cho phép các địa phương có liên quan tận dụng tiềm năng và lợi thế cũng như thúc đẩy sự hợp tác và đầu tư kinh tế tại 13 tỉnh trên nói riêng và tại cả 3 nước nói chung.
Thỏa thuận này dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và dòng chảy hàng hóa trong Tam giác Phát triển CLV. Vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra trong năm 2015.
Ngân hàng Nhà nước rốt ráo đẩy lùi nguy cơ đôla hóa nền kinh tế
Cụm từ “chống đôla hóa” lâu nay vẫn được nhắc đến nhưng chưa khi nào câu chuyện này được thực hiện rốt ráo, quyết liệt như thời gian qua. Chỉ chưa đầy nửa năm, một loạt các quyết định mang tính lịch sử đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhằm đẩy lùi tình trạng đôla hóa nền kinh tế.
Những quyết định của Ngân hàng Nhà nước trong việc chống đôla hóa nền kinh tế được điểm lại đó là từ ngày 18-12-2015, mọi khoản tiền gửi bằng USD chỉ được nhận lãi suất 0%. Trước đó vào ngày 25-9-2015, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành trước một bước hạ mức lãi suất về 0% đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
Giới phân tích nhận định việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất gửi USD còn 0% là một động thái tích cực trong việc loại trừ tâm lý găm giữ USD trong dân cũng như của giới đầu cơ. Đó cũng là một trong những bước đi quan trọng trong lộ trình chống đôla hóa nền kinh tế.
Không lâu sau đó, nhà điều hành đã thực hiện bước đi tiếp theo khi ngay từ những ngày đầu năm 2016, cơ chế tỷ giá trung tâm được niêm yết hàng ngày. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, chính sách mới này không chỉ ngăn chặn hoạt động đầu cơ “lướt sóng” mà còn giúp ổn định thị trường ngoại hối và tăng cường giải pháp chống “đôla hóa” nền kinh tế.
Nếu như theo cơ chế neo tỷ giá giữa VND với USD trước đây, mỗi lần Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá, ngay lập tức các ngân hàng thương mại cũng tăng giá USD. Với cơ chế tỷ giá trung tâm, diễn biến thị trường hiện nay đã không theo xu hướng “té nước theo mưa.” Thậm chí, giá đôla Mỹ trên thị trường giờ đây thường diễn biến trái chiều với tỷ giá trung tâm.
Đánh giá về thị trường ngoại tệ sau 3 tháng áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nhận định việc áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới sau một quý đã phát huy tác dụng tích cực. Ngân hàng trung ương đã hoàn toàn chủ động trong điều hành tỷ giá và giữ cho tỷ gía tương đối ổn định, thanh khoản thị trường tốt.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Bùi Quốc Dũng, sau một quý áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, tỷ giá giao dịch trên thị trường giảm nhanh xuống mặt bằng mới thấp xa so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015. Tính đến đầu tháng 4, tỷ giá trung tâm đã giảm khoảng 200 đồng/USD so với ngày công bố đầu tiên (4-1-2016).
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ so sánh, cùng kỳ năm ngoái, khi chưa áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, "sóng" tỷ giá đã nổi lên theo diễn biến của thế giới, có thời điểm tỷ giá chỉ còn cách trần do Ngân hàng Nhà nước công bố chưa đến 100 đồng.
Người đứng đầu Vụ Chính sách Tiền tệ cũng nhìn nhận thanh khoản của thị trường hiện nay tốt. Tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước. Việc thay đổi cách thức điều hành tỷ giá cũng là bước đi tiếp theo trong lộ trình chống đôla hóa, nâng cao vị thế của Đồng Việt Nam, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.
"Đây là bước đi tiếp sau các biện pháp đồng bộ đã được thực hiện trong thời gian qua như thu hẹp đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ, chuyển dần quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua-bán ngoại tệ. Hay ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN khuyến khích các ngân hàng thương mại sử dụng công cụ phái sinh kỳ hạn trong giao dịch với khách hàng, giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống mức 0% với cả tổ chức kinh tế và khu vực dân cư, qua đó khuyến khích doanh nghiệp và người dân chuyển sang nắm giữ VND để hưởng lợi tức cao hơn thay vì đầu cơ tích trữ USD," ông Bùi Quốc Dũng cho hay.
Mới đây, Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú (Thông tư 24) có thêm 1 điều khoản có hiệu lực. Kể từ sau ngày 31-3-2016, trong bốn nhóm đối tượng có nhu cầu vay ngoại tệ thì một nhóm đối tượng thuộc diện bị cấm cho vay ngoại tệ. Đó là với trường hợp doanh nghiệp chỉ muốn vay ngoại tệ sau đó bán đi lấy tiền đồng để hưởng mức chênh lệch lãi suất cao, bởi thực chất bản thân họ chỉ có nhu cầu tiền VND chứ không phải ngoại tệ. Đây là nhóm đối tượng vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam.
Dư luận băn khoăn phải chăng Ngân hàng Nhà nước đang “siết” lại các đối tượng có nhu cầu vay ngoại tệ? Nhận định về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt tạo điều kiện để các doanh nghiệp vay ngoại tệ thanh toán trong nước trong vài năm gần đây do muốn hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, định hướng hạn chế cho vay ngoại tệ nhằm chống đôla hóa nền kinh tế vẫn là mục tiêu xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.
Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam phân tích Thông tư 24 nhằm hạn chế cho vay ngoại tệ và chống đôla hóa nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước muốn từng bước chuyển dịch từ quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Về lâu dài, điều này sẽ giúp tăng vị thế của VND và tăng tính ổn định của thị trường ngoại hối.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính-Bộ Tài chính) nhận định: “Việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách tỷ giá mới có lẽ đang góp phần tích cực cho việc giảm tình trạng đôla hóa nền kinh tế. Tôi hy vọng rằng sau một thời gian nữa thì mức độ đôla hóa trong nền kinh tế sẽ giảm và người dân sẽ nắm giữ VND để gửi vào ngân hàng và đây là cơ hội để giảm lãi suất huy động, còn thời điểm hiện tại vẫn đang có những căng thẳng nhất định”.
Giới phân tích cũng nhìn nhận với những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt đó, mục tiêu chống đôla hóa nền kinh tế của nhà điều hành sẽ sớm về "đích".
Herbalife tài trợ dinh dưỡng cho đoàn thể thao Việt Nam
Nhà tài trợ dinh dưỡng chính thức, Herbalife sẽ tài trợ và phát triển dinh dưỡng cho thể thao Việt Nam trong giai đoạn 2017-2021.
Ngày 19-4, Uỷ ban Olympic Việt Nam (VOC) chính thức công bố Tập đoàn dinh dưỡng toàn cầu (Herbalife) là nhà tài trợ dinh dưỡng chính thức cho đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic và Paralympic 2016 diễn ra tại Rio, Brazil. Thỏa thuận hợp tác được ký bởi ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Việt Nam và ông Nguyễn Thắng, Chủ tịch HerbalifeKhu vực Việt Nam- Thái Lan- Campuchia.
Theo đó, Herbalife sẽ cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng và khóa đào tạo về dinh dưỡng cho các vận động viên và huấn luyện viên tham dự Olympic và Paralympic 2016.
Cũng trong ngày 19-4, Herbalife và Tổng cục Thể dục thể thao Việt Nam chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ về việc Herbalife tiếp tục trở thành đối tác tài trợ và phát triển dinh dưỡng cho Đoàn thể thao Việt Nam trong vòng 5 năm, giai đoạn 2017-2021.
Với vai trò của nhà tài trợ dinh dưỡng chính thức kể từ Thế vận hội Olympic Luân Đôn 2012, Herbalife sẽ cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng và đồng phục cho tất cả các đội tuyển và vận động viên Việt Nam tham gia tranh tài tại các đấu trường quốc tế, bao gồm: 3 kỳ SEA Games (2017, 2019, 2021), 3 kỳ ASEAN Para Games (2017, 2019, 2021), Asian Games 2018, và Thế vận hội Olympic mùa hè 2020.
Được biết, từ năm 2005, Tập đoàn Herbalife đã bắt đầu chuyển hướng qua tài trợ thể thao, nhất quán với thông điệp vì lối sống năng động và lành mạnh. Hiện tại, công ty đã tài trợ các sản phẩm dinh dưỡng cho hơn 50 vận động viên và đội tuyển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trên toàn cầu, Herbalife đã tài trợ cho hơn 200 vận động viên đẳng cấp thế giới.
Phá đường dây giả công an để lừa đảo do người Đài Loan cầm đầu
Ngày 19-4, Đội 8 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết cơ quan công an đã bắt khẩn cấp 11 đối tượng trong một đường dây giả danh công an để lừa đảo.
Cụ thể, ngày 18-4, lực lượng công an đã bắt giữ các đối tượng gồm Liu En Hsiang (26 tuổi), Peng Kang Yu (24 tuổi), Lu Shih Wei (24 tuổi), Hsieh Chia Chun (38 tuổi), Huang I Jen (30 tuổi) cùng quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc); Châu Vĩnh Huy (22 tuổi, ngụ quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), Giáp Thanh Đạt (31 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai), Giáp Thị Diễm Thúy (38 tuổi, chị ruột của Đạt), Đoàn Quốc Hiếu (26 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Thanh Bình (22 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Hoàng Huy (21 tuổi, ngụ quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo cơ quan điều tra, băng nhóm này giả danh cơ quan công an gọi điện thoại cho nhiều người hù dọa họ liên quan đến các hoạt động tội phạm, yêu cầu nạn nhân gửi tiền để xác minh điều tra.
Liu En Hsiang, Giáp Thị Diễm Thúy được xác định là kẻ cầm đầu, làm đầu mối liên lạc với băng nhóm ở nước ngoài. Châu Vĩnh Huy có vai trò thông dịch viên, đồng thời nhận tiền của nhóm Thúy chuyển cho nhóm người Đài Loan.
Các đối tượng còn lại có nhiệm vụ mở tài khoản ngân hàng và dụ dỗ người quen mở tài khoản ngân hàng để cung cấp cho băng nhóm lừa đảo, đồng thời rút tiền mà các nạn nhân chuyển vào.
Các đối tượng người Đài Loan đã có tiền án, tiền sự. Ước tính băng nhóm này đã rút được số tiền gần 3 tỷ đồng. Công an kêu gọi ai là nạn nhân của băng nhóm này hoặc đường dây lừa đảo tương tự hãy đến ngay Đội 8, Phòng PC46, Công an Thành phố Hồ Chí Minh tại địa chỉ 324 Hòa Hưng, phường 13, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh; điện thoại (08)38640508 để cung cấp thông tin.
Vụ việc đang được mở rộng điều tra.
63 người chết vì tai nạn giao thông trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 3 ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương (16 đến 18-4), toàn quốc xảy ra 83 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 63 người, làm bị thương 56 người.
Trong đó, đường bộ xảy ra 81 vụ, làm chết 62 người, làm bị thương 55 người. Đường thuỷ nội địa xảy ra 1 vụ, làm 1 người chết. Đường sắt xảy ra 1 vụ, làm 1 người bị thương.
Cũng trong 3 ngày nghỉ lễ Giỗ tổ, đã xảy ra một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Đó là vào 0 giờ 39 phút ngày 17-4, tại địa phận đoạn đường cong phố Đinh Lễ, Phú Lộc 4, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, xe taxi hãng Tam Gia mang BKS 12A-034.93 (loại 5 chỗ ngồi) chở 4 người đã lao xuống hồ và lật ngửa. Hậu quả làm 4 người trong xe tử vong. Nguyên nhân, theo nhận định ban đầu do xe đi vào đoạn đường cong, lái xe không làm chủ tốc độ gây tai nạn.
Về công tác xử phạt vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã xử lý 2.962 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nộp Kho bạc Nhà nước 582,8 triệu đồng, tạm giữ 23 ô tô, 324 xe mô tô. Đường thuỷ nội địa, xử lý 463 trường hợp vi phạm, nộp Kho bạc Nhà nước 146,8 triệu đồng.