Kiều hối bắt đầu tăng nhanh
Liên kết tiêu thụ nông sản Bến Tre
Thu hồi gần 3,4 tỉ đồng tiền thuê đất không trả
73 doanh nghiệp tham gia chuỗi thực phẩm an toàn
Đình chỉ công tác cán bộ cấp hàng loạt giấy kiểm nghiệm giả
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 19-04-2016
- Cập nhật : 19/04/2016
Tổng Bí thư chỉ đạo đẩy nhanh án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận cuộc họp - Ảnh: Thu Huyền
Ngày 18-4, Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Cuộc họp đã thảo luận, cho ý kiến đối với báo cáo tiến độ, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất xử lý một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Đồng thời thảo luận, cho ý kiến về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trung ương và địa phuơng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính trung ương theo dõi, đôn đốc.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng biểu dương Ban Nội chính trung ương đã chuẩn bị công phu, chu đáo các tài liệu phục vụ cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo.
Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tập trung nhất vào các vụ án sau:
Vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nuớc về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam;
Vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nuớc về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương;
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, phần liên quan đến các quyết định và kiến nghị của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án;
Các vụ án đang điều tra thuộc giai đoạn 2 được tách ra hoặc Hội đồng xét xử khởi tố, kiến nghị tại phiên tòa từ các vụ án: Vũ Quốc Hảo và đồng phạm; Lâm Ngọc Khuân và đồng phạm; Dương Thanh Cường và đồng phạm; Phạm Văn Cử và đồng phạm; Nguyễn Thế Dũng và đồng phạm.
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thống nhất cơ chế chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trung ương và địa phương trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.(TT)
Mối quan tâm đặc biệt của Thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị ngày 17/4. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
“Nói về phát triển kinh tế thì doanh nghiệp là tiên phong. Vì vậy, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Thời gian tới, chúng ta phấn đấu vào nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN về môi trường kinh doanh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị ngày 17/4.
Trước hàng trăm nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ tinh thần của Chính phủ là kiến tạo phát triển. Chính phủ hành động, phục vụ, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp là tiên phong”, đó là đánh giá rất cao và rất đúng về vai trò của doanh nghiệp đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nếu doanh nghiệp là tiên phong, thì nhà nước, với vai trò kiến tạo, sẽ là hậu thuẫn quan trọng nhất cho doanh nghiệp. Việc phân định rõ vai trò nhà nước-doanh nghiệp như vậy chính là điều kiện tiên quyết để nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh, không làm thay doanh nghiệp, mà tập trung hoàn thiện thể chế, để thị trường và xã hội làm những việc mà xã hội và thị trường có thể làm tốt hơn.
Trước đó chỉ vài ngày, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh tinh thần này khi ông triệu tập và chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ vừa được kiện toàn, diễn ra ngày 12/4.
“Doanh nghiệp hiện nay còn khó khăn lắm, số doanh nghiệp đình chỉ hoạt động, phá sản nhiều. Chúng ta phải tháo gỡ ngay. Không thể để doanh nghiệp kiệt sức”, ông nói và yêu cầu mỗi thành viên Chính phủ cần có chương trình hành động, tập trung vào xây dựng và hoàn thiện thể chế. Phải quyết tâm tháo gỡ mọi rào cản về thể chế, về cách làm. Cái gì kìm hãm thì phải bỏ ngay, cái gì có lợi cho dân thì nỗ lực thực hiện.
Cũng tại phiên họp này, Thủ tướng nhắc tới yêu cầu đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về môi trường kinh doanh. Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng đã yêu cầu thực thi ngay 2 nhiệm vụ. Thứ nhất, về chính sách lâu dài, phải sớm trình Chính phủ ban hành tiếp Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với tầm nhìn xa hơn giai đoạn 2016-2020. Thứ hai, ngay trong tháng 4, ông sẽ chủ trì hội nghị lắng nghe doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, khôi phục niềm tin của doanh nghiệp và xã hội.
Mối quan tâm đặc biệt của Thủ tướng với doanh nghiệp, bởi ông được báo cáo bên cạnh những bước tiến lớn được ghi nhận, thì tình hình thi hành 2 đạo luật rất quan trọng cho doanh nghiệp đang gặp phải không ít khó khăn rất cụ thể.
Chẳng hạn theo Luật Đầu tư, các bộ ngành, địa phương không còn được phép ban hành các điều kiện kinh doanh nữa, nhưng các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng với các ngành nghề liệu có phải là điều kiện kinh doanh không? Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người đứng đầu Bộ đang soạn thảo 12 Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh, thừa nhận đây là một vướng mắc không dễ xử lý.
Nhìn lại, hầu như trong mọi hoạt động từ khi nhậm chức, Thủ tướng đều không chỉ nhắc tới, mà còn nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ mọi rào cản về thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong số 6 trọng tâm ưu tiên chỉ đạo điều hành được Thủ tướng chia sẻ sau khi nhậm chức, thì thứ hai là “Tập trung cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, trọng dụng nhân tài, huy động mọi nguồn lực cho phát triển”. Đúng như Thủ tướng phát biểu, Chính phủ đã nhận thức rõ các trở ngại khiến Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đã nhận diện được cơ hội, nguồn lực tăng trưởng thời gian tới để hành động quyết liệt, đồng bộ hơn.
Đây không chỉ là những cam kết bằng lời của người đứng đầu Chính phủ. Mới đây nhất, hồi cuối tháng 3 vừa qua, trong vụ tranh chấp giữa Khu công nghiệp Tân Đức (Long An) và một doanh nghiệp Nhật Bản, khi còn ở cương vị Phó Thủ tướng, ông đã giao cho Chủ tịch UBND tỉnh Long An trực tiếp kiểm tra vụ việc, xử lý nghiêm túc, đúng pháp luật nếu phát hiện những hành vi sai trái, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để doanh nghiêp sản xuất, kinh doanh chính là khâu đột phá để Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đây cũng là quan điểm chính thức của Đảng, Nhà nước Việt Nam và đang được thực thi bằng những chủ trương, chính sách, hành động cụ thể. Mối quan tâm đặc biệt của Thủ tướng đối với cộng đồng doanh nghiệp chính vì thế cũng là trăn trở của ông đối với tiền đồ phát triển, với vị thế tương lai của đất nước.
Cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi những hành động quyết liệt hơn từ phía Chính phủ, mà trước mắt là “Hội nghị Diên Hồng” giữa Thủ tướng với doanh nghiệp sẽ diễn ra vào những ngày cuối tháng 4 này tại một địa điểm đầy ý nghĩa lịch sử - Hội trường Thống Nhất, TPHCM.
Malaysia mới bắt giữ 14 ngư dân Việt Nam
Đêm 17-4, Cơ quan thực thi luật biển Malaysia (MMEA) đã bắt giữ một tàu đánh cá Việt Nam cùng với 14 ngư dân, do xâm nhập vào vùng biển của nước này ở Tok Bali, bang Kelantan.
Tờ New Straits Times ngày 18-4 dẫn lời Giám đốc MMEA Khu vực 10, Đại tá Nurul Hizam Zakaria, cho biết chiếc tàu cá trên bị tàu tuần tra của MMEA bắt giữ khi đang thực hiện các hoạt động đánh bắt trái phép ngoài khơi, cách bờ biển khoảng 75,6 hải lý, vào hồi 22g20 ngày 17-4.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại thị trấn Pasir Putih, ông Nurul Hizam cho biết MMEA cũng đã tịch thu khoảng 1 tấn cá các loại, cả tàu và cá trị giá khoảng gần 2 triệu RM (khoảng 510.000 USD). Qua kiểm tra, thuyền trưởng đã không xuất trình được giấy tờ hợp lệ. Các ngư dân, tuổi từ 23 đến 58, sẽ bị tạm giam trong 14 ngày, bắt đầu từ 18-4, để phục vụ công tác điều tra.
Trước đó, ngày 10-4, một tàu đánh cá của Việt Nam với 6 ngư dân, bao gồm cả thuyền trưởng, đã bị Malaysia bắt khi đang đánh bắt cá trái phép tại địa điểm cách Kuala Kemaman khoảng 70 hải lý (130 km) trên vùng biển của nước này.
Các ngư dân nói trên có độ tuổi từ 18 đến 50 đã bị tạm giữ. Chiếc thuyền cùng trang thiết bị trị giá 200.000 RM (hơn 51.000 USD) cũng bị tịch thu.
Dự án cầu đường Bình Tiên 5 năm vẫn trên giấy
Theo kế hoạch, dự án phải được khởi công từ năm 2011 và hoàn thành năm 2015 nhưng đến nay dự án vẫn trên giấy.
UBND TP.HCM vừa trình Thủ tướng Chính phủ về dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (Q.6 - Q.8 và H.Bình Chánh) theo hình thức PPP (hợp tác công tư).
Trong đó, TP đề xuất tách dự án xây dựng cầu Bình Tiên thành hai tiểu dự án để có điều kiện huy động vốn và tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư tham gia giúp dự án được triển khai nhanh chóng.
Theo UBND TP, trước đó vào năm 2010 Thủ tướng đã đồng ý ủy quyền cho TP quyết định lựa chọn nhà đầu tư.
Tuy nhiên do khó khăn bố trí ngân sách TP giải tỏa mặt bằng cho dự án và giải tỏa mặt bằng tạo quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư nên dự án chưa thể triển khai được. Như vậy, đến nay dự án đã triển khai thi công chậm năm năm so với kế hoạch thi công năm 2011 và hoàn thành năm 2014.
Đồng thời, UBND TP đã giao cho Sở Giao thông vận tải TP khẩn trương công tác lựa chọn nhà đầu tư dự án để khởi công công trình trong năm 2016.
TP cũng giao UBND Q.6, 8 và huyện Bình Chánh hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM triển khai công tác di dời hạ tầng kỹ thuật để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
Theo quyết định của UBND TP, tổng mức đầu tư dự án cầu, đường Bình Tiên là 2.382,7 tỉ đồng (chưa tính chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và chi phí lãi vay trrong thời gian xây dựng).
Công trình xây dựng cầu Bình Tiên nằm trên tuyến giao thông quan trọng từ trung tâm TP phía Q.6 đi qua Q.8, huyện Bình Chánh và kết nối với đường Nguyễn Văn Linh, tránh qua quốc lộ 50.
Công trình này sẽ giải quyết tình hình ùn tắc giao thông, cải thiện điều kiện dân sinh khu phía Nam TP, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.
Lốc xoáy tốc mái 320 ngôi nhà, thiệt hại 3,8 tỷ đồng
Trận lốc xoáy chỉ diễn ra trong vòng 10 phút chiều 17-4 nhưng đã làm 320 ngôi nhà trên địa bàn huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế tốc mái, thiệt hại khoảng 3,8 tỷ đồng.
Sáng 18-4, ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đã cùng địa phương đến thăm hỏi các nạn nhân, khắc phục tại chỗ hậu quả do trận lốc xoáy kèm mưa đá gây ra trên địa bàn huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế chiều tối 17-4.
Ông Trịnh Đình Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết ước thiệt hại ban đầu do trận lốc xoáy và mưa đá gây ra khoảng 3,8 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại từ nhà cửa, các công trình công cộng khoảng 2,5 tỷ đồng, thiệt hại từ hoa màu, cây lâm nghiệp là 1,3 tỷ đồng.
“Chúng tôi đang cố gắng đo đạc, thống kê thiệt hại để hỗ trợ kịp thời cho bà con” - ông Hùng nói.
Mái tôn lợp quán của bà Nguyễn Thị Thúy (xã Phong Hiền, Phong Điền) bị gió lốc cuốn bay gần hết - Ảnh: Nhật Linh
Trước đó, lúc 17g ngày 17-4, một trận lốc xoáy lớn kèm mưa đá đã tràn qua địa phận 2 xã Phong Hiền và Phong An (huyện Phong Điền) khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, hư hỏng nặng.
Cụ thể, trận lốc xoáy có gió giật mạnh kèm mưa đá chỉ diễn ra trong vòng 10 phút nhưng đã làm cho 320 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có 52 ngôi nhà bị tốc mái từ 50% trở lên. 6 phòng học của Trường THCS Phong Hiền bị gió lốc làm bể kính, hư hại nhiều thiết bị bên trong.
Thiệt hại nặng nhất là các thôn Gia Viên, Truông Cầu, Cao Ban thuộc xã Phong Hiền. Bốn người bị trận lốc xoáy làm bị thương, trong đó có bà Trần Thị Rơi (53 tuổi, thôn Truông Cầu) bị thương nặng, phải nhập viên cấp cứu. Ngoài ra, 150 ha lúa đang thời kỳ trổ bông cũng bị gió mạnh làm ngã rạp, hư hại.
Nguyên nhân lốc xoáy được Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định là do ảnh hưởng bởi thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ đang ở ngưỡng cao đột ngột hạ xuống thấp gây ra mưa đá và giông lốc.