Diện tích đất khoảng 8ha sẽ được sử dụng để tăng gấp đôi số chỗ đỗ máy bay, phục vụ việc nâng cấp công suất Tân Sơn Nhất lên 25 triệu khách mỗi năm.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 19-04-2016
- Cập nhật : 19/04/2016
Rà soát việc thực hiện Chiến lược tài chính đến 2020
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa ban hành Chỉ thị 03/CT-BTC về việc tổ chức tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện chiến lược tài chính đến năm 2020 và các chiến lược ngành, lĩnh vực trong giai đoạn 2011-2015.
Một trong những nhiệm vụ của Chiến lược là tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính đảm bảo tính đồng bộ. Ảnh internet.
Theo đó, nội dung tổng kết đánh giá tập trung vào 6 nhiệm vụ cụ thể và 8 nhóm giải pháp đã nêu trong Chiến lược Tài chính.
Nhiệm vụ được nêu ra là nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính công, đặc biệt nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước và thực hiện tái cấu trúc đầu tư công, tăng cường đầu tư phát triển con người; cải cách cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công, tài chính doanh nghiệp nhà nước; cải cách tiền lương; củng cố hệ thống an sinh xã hội
Một nhiệm vụ khác là tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính đảm bảo tính đồng bộ, ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Đổi mới tổ chức bộ máy ngành Tài chính theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với các nhiệm vụ trên, sẽ có 8 nhóm giải pháp cũng được đánh giá lại gồm: Nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính quốc gia; đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công cùng với đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công; hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính doanh nghiệp; thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước; phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, hoàn thiện phương thức điều hành chính sách tài chính.
Được biết, Chiến lược Tài chính đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2012 với mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính - tiền tệ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính trong xã hội hiệu quả, công bằng; cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện; đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính.
Chiến lược Tài chính đến năm 2020 được thực hiện theo 2 giai đoạn (tương ứng với Kế hoạch Tài chính - ngân sách 5 năm 2011 - 2015 và Kế hoạch Tài chính - ngân sách 5 năm 2016 - 2020 và cụ thể hóa thông qua 9 chiến lược ngành sau: Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020; Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020; Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược phát triển thị trường vốn đến năm 2020; Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020; Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Lạng Sơn: Khởi tố 52 đối tượng liên quan đến buôn lậu
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, quý I vừa qua các lực lượng chức năng tại địa bàn đã khởi tố 33 vụ việc vi phạm với 52 đối tượng chủ yếu liên quan đến hành vi phạm như: buôn bán ma túy, pháo nổ, tiền giả…
Công chức Hải quan và Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Cốc Nam, Lạng Sơn phối hợp kiểm tra hàng hóa NK. Ảnh: Q.Tấn.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Công Trưởng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn cho biết, quý I-2016, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tại địa phương có sự chuyển biến đáng kể, thể hiện ở cả 3 tiêu chí: Số vụ vi phạm; số tiền xử phạt; trị giá tang vật đều giảm so với cùng kỳ 2015.
Cụ thể, số vụ kiểm tra, xử lý 787 vụ, 86,92% so với cùng kỳ năm 2015; tổng số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng, bằng 91,98%; trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu hơn 12 tỷ đồng, bằng 47,15%.
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn vẫn tập trung ở các điểm nóng như: Gốc Nhãn, Gốc Bưởi, Đồi 386, Hang Dơi (xã Tân Mỹ), khu vực Đồi Cao, Rọ Bon, Nà Han (xã Tân Thanh) thuộc huyện Văn Lãng; thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc); xã Yên Khoái, Tú Mịch (huyện Lộc Bình)…
Sẽ chấm dứt tình trạng nơi thừa, nơi thiếu tiền hoàn thuế GTGT
Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế- Tổng cục Thuế Lê Thị Duyên Hải cho biết, tới đây sẽ quản lý chi hoàn thuế GTGT tập trung tại Tổng cục Thuế, thực hiện điều hòa kinh phí hoàn thuế nhằm ngăn ngừa tình trạng có cục thuế thừa tiền hoàn thuế nhưng có nơi lại thiếu tiền.
Công khai quy trình giải quyết hoàn thuế
Với mục tiêu đảm bảo hoàn thuế theo đúng quy định của pháp luật, trong phạm vi dự toán hoàn thuế được Quốc hội giao, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, vi phạm trong hoàn thuế GTGT và thực hiện tốt công tác quản lý hoàn thuế GTGT trong cơ quan Thuế các cấp, Tổng cục Thuế đang hoàn thiện chính sách để “lấp lỗ hổng” trong quản lý hoàn thuế.
“Nguyên tắc quản lý hoàn thuế GTGT phải đảm bảo các tiêu chí như: Người nộp thuế tự xác định và kê khai số tiền thuế GTGT đủ điều kiện khấu trừ và đề nghị hoàn thuế. Cơ quan Thuế giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo đúng trình tự, thủ tục và thực hiện hoàn thuế điện tử. Theo đó, tiếp nhận và công khai kết quả giải quyết hoàn thuế; thực hiện kết nối trao đổi thông tin với các cơ quan liên quan trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT cho người nộp thuế theo phương thức điện tử nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế”- bà Lê Thị Duyên Hải nói.
Mặc dù đây là yêu cầu khó nhưng bắt buộc cơ quan Thuế phải thực hiện để giảm thời gian khai, nộp thuế cho người nộp thuế. Do vậy, trong dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản lý hoàn thuế GTGT đang được Tổng cục Thuế lấy ý kiến đã quy định cụ thể về việc công khai thông tin quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế trên Cổng thông tin điện tử ngành Thuế như: Thời điểm tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, văn bản giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu của người nộp thuế; Thời điểm ban hành, nội dung các văn bản (thông báo, quyết định) giải quyết hoàn thuế của cơ quan Thuế. Quy định này nhằm giúp cho người nộp thuế dễ dàng thực hiện tra cứu thông tin về giải quyết hoàn thuế; đồng thời cơ quan Thuế cấp trên cũng kiểm soát thông tin các hồ sơ hoàn thuế do cơ quan Thuế cấp dưới giải quyết.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế chính thức thể chế hóa quy định về thẩm định, giám sát hồ sơ giải quyết hoàn thuế. Bởi thực tế, nhìn lại năm 2015 vẫn tồn tại một số cục thuế chưa nhập đầy đủ các nội dung của Phiếu đề xuất hoàn thuế: Không phân tích thông tin dự án đầu tư (tên dự án, địa điểm thực hiện dự án đầu tư, hồ sơ pháp lý dự án, hình thức đầu tư, mục đích...); không phân tích tình hình tuân thủ pháp luật về thuế của các kỳ hoàn trước; không phân tích nội dung Kết quả kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế (chưa ghi cụ thể việc sử dụng chứng từ thanh toán qua ngân hàng, hành vi khai sai khấu trừ, hoàn thuế không đúng quy định, kết quả xử lý truy hoàn, xử lý vi phạm về thuế...).
Để khắc phục, Tổng cục Thuế đã đề xuất quy định Cục trưởng cục thuế có trách nhiệm phân công bộ phận chức năng thẩm định pháp chế thực hiện thẩm định hồ sơ đề nghị hoàn thuế và kết quả giải quyết hoàn thuế trước khi phê duyệt quyết định hoàn thuế theo quy định. Đồng thời, Tổng cục Thuế thực hiện giám sát quá trình giải quyết hoàn thuế đối với trường hợp có rủi ro, trường hợp đề nghị hoàn từ 10 tỷ đồng trở lên theo phương thức tự động để đảm bảo yêu cầu của Bộ Tài chính về thời gian giám sát trong vòng 6 giờ phải có kết quả trả lời cho cơ quan Thuế cấp dưới.
Minh bạch cơ chế bù trừ tiền thuế
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động, Tổng cục Thuế đã sửa đổi một số quy định không còn phù hợp. Cụ thể, đối với DN đang nợ NSNN và NSNN cũng cần phải hoàn thuế cho DN, theo quy định hiện hành, DN phải khắc phục bằng cách nộp phạt thì cơ quan Thuế mới hoàn thuế cho DN.
Theo Tổng cục Thuế, người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt liên quan đến các loại thuế khác còn nợ NSNN; đồng thời có số tiền thuế GTGT được hoàn thì cơ quan Thuế phải thực hiện bù trừ tối đa số tiền thuế nợ. Tuy nhiên, việc bù trừ này phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên: Đầu tiên là số tiền thuế , tiền chậm nộp, tiền phạt do ngành Thuế quản lý; sau đó đến số tiền thuế nợ, không bao gồm tiền phí, tiền lệ phí, tiền phạt, tiền chậm nộp do cơ quan Hải quan quản lý và cung cấp theo Quy chế trao đổi thông tin và phối hợp giữa cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế bổ sung thêm đối tượng được bù trừ số thuế được hoàn với số nợ của Chi nhánh hạch toán phụ thuộc. Với trường hợp có nhiều chi nhánh hạch toán phụ thuộc có số thuế còn nợ thì thứ tự bù trừ ưu tiên cho chi nhánh có khoản nợ có hạn nộp xa nhất. Cơ quan Thuế trực tiếp quản lý người nộp thuế có số thuế nợ đã được bù trừ khi hoàn thuế phải chịu trách nhiệm về số liệu nợ đã cung cấp cấp cho cơ quan Thuế giải quyết hoàn thuế. Trường hợp phát hiện khoản nợ đã được bù trừ thấp hơn số đã thực hiện bù trừ hoàn thuế với thu NSNN thì khoản thu đã bù trừ khoản nợ được xác định là khoản nộp thừa.
Theo Vụ trưởng Lê Thị Duyên Hải, một trong những cải cách trong quản lý hoàn thuế chính là việc Tổng cục Thuế đề xuất quy định số tiền thu hồi từ hoàn thuế phải được nộp vào Quỹ hoàn thuế. Bởi từ trước đến nay Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, thủ tục, trình tự thực hiện, hạch toán, theo dõi. Vì vậy, theo Tổng cục Thuế, khi người nộp thuế, cơ quan Thuế, cơ quan có thẩm quyền phát hiện số tiền thuế GTGT đã được hoàn trả thừa từ Quỹ hoàn thuế thì người nộp thuế phải nộp lại số tiền thu hồi hoàn thuế vào Quỹ hoàn thuế để phân bổ cho các cục thuế thực hiện chi hoàn.
Phát hiện xe khách vận chuyển 1,3 tấn phụ gia, thực phẩm không rõ nguồn gốc
Ngày 18-4, Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn – Phó trưởng Phòng 2 thuộc Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 Bộ Công an) cho biết đơn vị vừa phát hiện số lượng lớn phụ gia, thực phẩm không rõ nguồn gốc.
137 dự án 'chết lâm sàng' tại TP HCM trước cơ hội M&A
Báo cáo tình hình thị trường bất động sản của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết năm 2015, các doanh nghiệp tại TP HCM đã bán được 26.500 căn trong tổng số 50.000 căn chào bán. Con số này tăng khoảng 10.000 căn so với năm 2014.
Tuy nhiên, đến quý I/2016, giao dịch có dấu hiệu chững lại so với quý IV/2015 khi mới bán được khoảng 9.000 căn trong tổng số khoảng 57.000 căn dự kiến chào bán trong năm 2016. Trong đó, khoảng 700 người nước ngoài mua căn hộ cao cấp.
HoREA cũng cho biết, phân khúc bất động sản cao cấp có sự tăng trưởng mạnh nhất, tập trung vào khu trung tâm, khu Đông và khu Nam thành phố. Phân khúc văn phòng cho thuê, bất động sản thương mại tăng trưởng mạnh.
HoREA dự báo, có thể dự báo thị trường bất động sản năm 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng không thấp hơn năm 2015, và sẽ có sự chuyển hướng tích cực, đầu tư nhiều hơn vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán vừa túi tiền, cũng như sự gia tăng đầu tư vào bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Tình hình mua bán, chuyển nhượng dự án theo HoREA cũng diễn ra khá sôi động. Bên cạnh nhiều trường hợp mua bán chuyển nhượng dự án dưới hình thức mua bán cổ phần, chuyển nhượng công ty, UBND thành phố đã chấp thuận cho chuyển nhượng 23 dự án, tăng 2,55 lần so với năm 2014. Đến quý I/2016 có thêm 5 dự án xin chuyển nhượng.
Tuy nhiên, theo HoREA, thị trường bất động sản tại TP HCM đang tiềm ẩn những yếu tố bất ổn. Năm 2015, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phát triển nóng ở phân khúc bất động sản cao cấp khi số lượng nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (mua đi bán lại) cũng tăng gấp 3 lần, chiếm khoảng 15% giao dịch. Cùng với xu hướng đó, giá bán bất động sản cao cấp tại nhiều dự án cũng tăng từ 5% đến 15% so với năm 2014.
Toàn thành phố hiện có 1.219 dự án với hơn 315.000 căn nhà. Trong đó, có 549 dự án đã hoàn thành (chiếm 45%) với hơn 78.000 căn, 584 dự án đang triển khai đầu tư (chiếm 48%) và có đến 86 dự án hết hạn công nhận chủ đầu tư (chiếm 7%).
Có đến 137 dự án tạm ngưng thi công hoặc hết hạn công nhận chủ đầu tư, chiếm 11,2% tổng số dự án. HoREA cũng nhận định đây cũng là nguồn hàng hóa dự án tiềm năng cho thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A) nếu có chính sách và cơ chế phù hợp. Ngoài ra, trên địa bàn TP HCM cũng có 52 dự án chưa thể triển khai được do vướng khâu giải phóng mặt bằng.
“Đây cũng là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản cần phải có giải pháp hợp lý, nên rất cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội”, báo cáo đánh giá.