Gia tăng khiếu nại về dịch vụ tín dụng tiêu dùng, bảo hiểm
“Đang có nguy cơ cản trở tiến trình cải cách”
Sẽ có 12 Nghị định hướng dẫn Luật Thuế XK, thuế NK sửa đổi
Lạng Sơn: Chủ động hạn chế ùn ứ nông sản tại cửa khẩu
Bãi bỏ thêm 2 thủ tục hành chính thuế
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 20-04-2016
- Cập nhật : 20/04/2016
Không bị tính tiền chậm nộp trong thời gian tiến hành giám định hàng hóa
Tổng cục Hải quan vừa có công văn hướng dẫn Cục Hải quan Thừa Thiên Huế trong việc xác định tiền chậm nộp thuế đối với mặt hàng dăm gỗ XK phải giám định để xác định trọng lượng.
Trường hợp cơ quan Hải quan đã cho giải phóng hàng thì người nộp thuế không phải tính tiền chậm nộp trong thời gian chờ kết quả phân tích, giám định. Ảnh: T.Trang.
Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định tại Khoản 5 Điều 29 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định: “Cơ quan hải quan căn cứ vào nội dung khai hải quan, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc kết quả giám định do người khai hải quan cung cấp (nếu có) để xác định khối lượng, trọng lượng hàng hóa XK, NK.
Trường hợp bằng phương pháp thủ công hoặc sử dụng máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện có tại Chi cục Hải quan, địa điểm kiểm tra hải quan, công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa không đủ cơ sở để xác định tính chính xác đối với nội dung khai của người khai hải quan về khối lượng, trọng lượng hàng hóa thì tiến hành trưng cầu giám định tại tổ chức kinh doanh dịch vụ giám định theo quy định của pháp luật. Cơ quan Hải quan căn cứ vào kết luận của tổ chức kinh doanh dịch vụ giám định để quyết định việc thông quan”.
Quy định về nộp thuế đối với hàng hóa phải phân tích, giám định, tại Điều 46 Thông tư 38 đã nêu rõ: “Đối với hàng hóa phải phân tích, giám định để đảm bảo xác định chính xác số thuế phải nộp thì người nộp thuế thực hiện nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 33 và Điều 42 Thông tư này.
Nếu kết quả phân tích, giám định hàng hóa khác so với nội dung khai của người nộp thuế dẫn đến có thay đổi về số tiền thuế phải nộp thì sau khi có thông báo của cơ quan hải quan về kết quả phân tích, giám định, người nộp thuế thực hiện khai bổ sung thông tin trên Hệ thống, nộp thuế, không phải tính tiền chậm nộp trong thời gian chờ kết quả phân tích, giám định hoặc được hoàn trả số tiền thuế đã nộp (nếu có) theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 133 Thông tư 38 quy định: Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn được gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý vi của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Theo những quy định trên, trường hợp cơ quan Hải quan đã cho giải phóng hàng và tiến hành trưng cầu giám định để xác định trọng lượng hàng hóa làm cơ sở xác định chính xác tiền thuế phải nộp, nếu phát sinh tiền thuế khai nộp bổ sung thì người nộp thuế không phải tính tiền chậm nộp trong thời gian chờ kết quả phân tích, giám định.
Trường hợp người nộp thuế đã được thông quan hàng hóa và tự cung cấp kết quả giám định trọng lượng hàng hóa, nếu phát sinh tiền thuế kê khai nộp bổ sung thì người nộp thuế phải tính tiền chậm nộp thuế theo quy định.
TP.HCM chấp thuận đầu tư 6 dự án nhà ở
UBND TP.HCM đã chấp thuận cho các DN đầu tư 6 dự án nhà ở và Khu phức hợp nhà ở và thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
Cụ thể, UBND TPHCM đã chấp thuận cho Công ty cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ TPHCM thực hiện dự án đầu tư khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son tại số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1 với tổng vốn đầu tư gần 30.000 tỷ đồng.
Khu phức hợp gồm: trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng, văn phòng dịch vụ - officetel, căn hộ, biệt thự, trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Công trình này dự kiến được đưa vào hoạt động từ năm 2018.
UBND TPHCM cũng chấp thuận đầu tư dự án Khu nhà ở phân khu số 18A bên trái dọc đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (do Công ty TNHH Phát triển Tây làm chủ đầu tư) với tổng vốn 355 tỷ đồng, hoàn thành trong 2 năm.
Dự án nhà ở xã hội tại số 102 Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12 (do Công ty Cổ phần Dịch vụ Nông nghiệp và Thương mại Thuận Kiều làm chủ đầu tư) với tổng vốn 1.100 tỷ đồng, hoàn thành trong 42 tháng.
Dự án Khu phức hợp nhà ở và thương mại dịch vụ tại số 119 đường Phổ Quang, phường 9, quận Phú Nhuận (do Công ty TNHH Nova Sagel làm chủ đầu tư) với tổng vốn 1.770 tỷ đồng, hoàn thành trong 3 năm.
Dự án Khu thương mại, dịch vụ, văn phòng, officetel và căn hộ tại số 8 đường Hoàng Minh Giám, phường 9, quận Phú Nhuận (do Công ty Cổ phần Nova Festival làm chủ đầu tư) với tổng vốn 869 tỷ đồng, hoàn thành trong 3 năm.
Dự án phát triển Khu nhà ở thấp tầng, phường Phú Hữu, quận 9 (do Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Khang Việt làm chủ đầu tư) với tổng vốn khoảng 531 tỷ đồng, hoàn thành trong 3 năm.
Gần 39.000 tờ khai chuyên ngành được đăng ký tại Hải Phòng
Đến cuối tháng 3, tại Hải quan Hải Phòng có 38.601 tờ khai hàng hóa XNK thuộc diện kiểm tra chuyên ngành được đăng ký tại các địa điểm kiểm tra ở Hải Phòng.
Con số trên được Hải quan Hải Phòng thống kê từ thời điểm 1-12-2015 (khi bắt đầu thực hiện chính thức địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung tại cửa khẩu). Số lượng tờ khai nêu trên chiếm hơn 90% tổng số tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành tại Hải Phòng trong cùng thời điểm.
Hiện có 4 đơn vị thực hiện tiếp nhận đăng ký kiểm tra chuyên ngành tại khư vực cửa khẩu Hải Phòng gồm: Cơ quan Thú y vùng II; Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng I; Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.
Đáng chú ý, Cơ quan Thú y vùng II; Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng I có trụ sở, cơ sở kiểm định tại Hải Phòng nên hầu hết số lượng tờ khai, việc thực hiện kiểm tra được thực hiện tại đây.
Trong khi 2 đơn vị còn lại mới thực hiện tiếp nhận tờ khai từ ngày 1-12-2015 và chủ yếu thực hiện tiếp nhận đăng ký, việc kiểm tra chất lượng được thực hiện tại Hà Nội nên số lượng đăng ký chưa nhiều.
Trong thời điểm báo cáo trên, Cơ quan Thú y vùng II tiếp nhận 28.438 tờ khai; Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I tiếp nhận 10.046 tờ khai; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng I tiếp nhận 79 tờ khai; Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia tiếp nhận 38 tờ khai.
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sẽ diễn ra vào ngày 29/4/2016
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định tổ chức Hội nghị với doanh nghiệp năm 2016 vào ngày 29/4/2016 với tên gọi: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
Hội nghị đưa ra thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: Doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nội dung đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình giải quyết vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, đề xuất giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp theo lĩnh vực phụ trách, trên địa bàn, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, đồng gửi Văn phòng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chuẩn bị báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng, nêu các kiến nghị của doanh nghiệp và của VCCI; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước để tổng hợp, đồng thời gửi các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để trả lời theo thẩm quyền; gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
VCCI phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh soạn thảo cam kết về tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ký cam kết với VCCI trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp trên địa bàn.
"Chặn" phương tiện quá niên hạn nhập cảnh Việt Nam
Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu các cục hải quan các tỉnh biên giới với Lào thực hiện kiểm tra, không cho phương tiện thương mại của Lào quá niên hạn sử dụng nhập cảnh vào Việt Nam.
Cụ thể, đối với phương tiện vận tải của Lào nhập cảnh vào Việt Nam hoạt động kinh doanh vận tải Việt-Lào, chi cục hải quan cửa khẩu trực thuộc trong quá trình làm thủ tục hải quan thực hiện kiểm tra hồ sơ phương tiện vận tải, kiểm tra phương tiện vận tải (trường hợp cần kiểm tra) và không cho phương tiện vận tải quá niên hạn hoạt động kinh doanh vận tải liên vận Việt-Lào.
Theo Tổng cục Hải quan việc kiểm tra hồ sơ phương tiện vận tải, kiểm tra phương tiện vận tải thực hiện theo quy định tại Điều 26, Điều 28 Thông tư 42/2015/TT-BTC năm 2015 của Bộ Tài chính.
Trước đó, Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay có một số phương tiện thương mại của Lào quá niên hạn sử dụng nhập cảnh vào Việt Nam hoạt động kinh doanh vận tải.
Để thực hiện đúng quy định tại Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định đã ký kết giữa hai nước Việt Nam và Lào, đảm bảo an toàn giao thông và công bằng trong hoạt động vận tải liên vận giữa hai nước, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị Tổng cục Hải quan và Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện việc kiểm tra, không cho phương tiện thương mại của Lào quá niện hạn sử dụng hoạt động kinh doanh vận tải liên vận Việt-Lào.
Điều 4 Nghị định 95/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về niên hạn đối với ô tô chở hàng và xe ô tô chở người như sau: Không quá 25 năm đối với xe ô tô chở hàng; không quá 20 năm đối với xe ô tô chở người; Không quá 17 năm đối với xe ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước ngày 01 tháng 01 năm 2002.