Nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 29-31/5/2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn và Quyền Cao Ủy Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ Kevin K.McAleean đã ký kết Ý định thư về thúc đẩy và hoàn tất đàm phán Hiệp định hợp tác hải quan tại trụ sở Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 19-07-2016
- Cập nhật : 19/07/2016
VAMC thông báo lãi suất điều chỉnh của các khoản nợ xấu đã mua quý 3/2016
Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) vừa thông báo mức lãi suất điều chỉnh của các khoản nợ xấu đã được VAMC mua áp dụng trong quý 3/2016.
Theo đó, các mức lãi suất cửa các khoản nợ xấu bằng VND, USD và EUR không có gì thay đổi so với mức lãi suất áp dụng trong quý 2/2016. Cụ thể, mức lãi suất điều chỉnh của các khoản nợ xấu đã được VAMC mua áp dụng trong quý 3/2016 như sau:
Loại tiền | Mức lãi suất |
VNĐ | 9,6 |
USD | 4,2 |
EUR | 4,7 |
Mức lãi suất điều chỉnh trên được áp dụng đối với các khách hàng và khoản nợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Thông tư 19/2013ATT-NHNN ngày 06/09/2013 cùa Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC và các văn bản sửa đồi, bồ sung liên quan và Quy chế mua bán và xử lý nợ của Hội đồng thành viên VAMC ban hành theo quyết định số 16/QĐ-HĐTV ngày 24/09/2013.(TBNH)
Mua bán nợ: Cần thêm cơ chế đặc thù
Việc đưa ra nhiều quy định khá chặt chẽ đối với DN mua bán nợ được cho là rất quan trọng, đảm bảo mua bán nợ công khai minh bạch, đảm bảo năng lực tài chính thực sự của DN.
Mở rộng đối tượng kèm điều kiện
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Nghị định ra đời phần nào đáp ứng được mong đợi của thị trường. Trước đó trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, lãnh đạo VAMC chia sẻ, việc Nghị định ra đời sẽ giúp thị trường mua bán nợ sôi động hơn, thay vì chỉ có VAMC, DATC và AMC của các NH như hiện nay.
Một trong những quy định được quan tâm tại nghị định này là DN muốn kinh doanh mua bán nợ phải có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Và DN hoạt động mua bán nợ không được nhận cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh NH để mua nợ của khách hàng vay tại chính TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đó. Có thể hiểu nôm na là DN không được vay của NH để mua khoản nợ xấu của chính NH đó.
Đánh giá quy định này là cần thiết, TS. Cấn Văn Lực cho rằng rõ ràng DN muốn mua bán nợ phải có vốn. Tất nhiên, DN có thể quay vòng vốn để mua bán, nhưng vẫn phải có phần vốn nhất định đủ lớn để tránh hiện tượng sử dụng đòn bẩy quá cao, có một đồng kinh doanh trăm đồng thậm chí nghìn đồng. “Bởi làm vậy khác nào lấy mỡ nó rán nó” - TS. Cấn Văn Lực ví von với trường hợp DN vay vốn NH để mua nợ chính NH đó.
Ngoài các yêu cầu trên, Nghị định 69 cũng đưa ra khá nhiều quy định chặt chẽ. Các khoản nợ được mua bán phải có đầy đủ các yếu tố: không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ; không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua bán nợ, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của bên nhận bảo đảm về nợ...
Đồng thời, việc mua bán nợ phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mua bán nợ, trong đó quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của bên mua nợ, bên bán nợ...
Việc đưa ra nhiều quy định khá chặt chẽ đối với DN mua bán nợ được cho là rất quan trọng, đảm bảo mua bán nợ công khai minh bạch, đảm bảo năng lực tài chính thực sự của DN. Nhưng đồng thời quy định như vậy cũng để đảm bảo các DN có thời gian chuẩn bị. Nếu có nhu cầu tham gia vào thị trường này thì đây là cơ hội thuận lợi để các DN khai thác mảng kinh doanh mới và đang được Chính phủ cũng như NHNN khuyến khích.
Đánh giá tích cực Nghị định 69 về việc cho phép mở rộng đối tượng tham gia mua bán nợ, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự thay đổi trên chỉ hỗ trợ một phần nhỏ đối với hoạt động xử lý nợ xấu. Vấn đề chính để thúc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, là luật pháp Việt Nam phải “cởi trói” đối với hoạt động thanh lý tài sản bảo đảm.
Cần thêm quyền năng mạnh
Thực tế hiện nay, người mua nợ lại không có quyền quyết định đối với khoản nợ xấu mà mình đã mua. Ngay cả VAMC khi mua khoản nợ xấu, đến lúc thanh lý tài sản bảo đảm thì người mua vẫn đợi ý kiến của ông chủ nợ đầu tiên là NH, và quan trọng hơn là chờ sự hợp tác của con nợ. Như vậy, người mua không thể có toàn quyền đối với món hàng mình mua, vốn dĩ là hàng xấu thì liệu họ có mặn mà? Vì vậy, muốn xử lý nhanh nợ xấu thì chúng ta phải trả lời được câu trả hỏi liệu người mua có toàn quyền đối với khoản nợ, tài sản bảo đảm đó không.
“Nếu không thì không mong có thể xử lý nhanh nợ xấu, dù người mua là tây hay ta và dù chủ trương đang đi đúng hướng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, việc Chính phủ ban hành Nghị định 69 tạo lập thị trường mua bán nợ cũng mới chỉ tháo gỡ được một trong ba vướng mắc quan trọng đối với vấn đề xử lý nợ xấu. Hai vướng mắc còn lại là khuôn khổ pháp lý hoàn thiện hơn, bổ sung quyền năng của VAMC, nhất là xử lý tài sản bảo đảm; Và sự phối kết hợp cơ quan bộ, ngành, đặc biệt tòa án…
Như vậy, có thể thấy vấn đề xử lý nợ xấu phải gắn liền với xử lý tài sản bảo đảm. Vậy làm thế nào để giải quyết được vấn đề này? TS. Trần Du Lịch kiến nghị: Chính phủ nên rà soát tất cả các quy định, nếu bất hợp lý thì đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh. Đó cũng là kiến nghị của Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng. Để có thể tạo hành lang pháp lý thông suốt, thời gian tới, VAMC kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu hoặc một bộ luật về xử lý nợ xấu.
Đơn cử, không áp dụng điều kiện chuyển nhượng dự án BĐS quy định tại Điều 49 Luật Kinh doanh BĐS 2014 đối với các dự án BĐS là tài sản bảo đảm khoản nợ xấu của VAMC, ông Hùng đề nghị. Theo đó, trường hợp bên mua nợ hoặc nhận chuyển nhượng dự án đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS và có khả năng hoàn thành đúng tiến độ cho phép, VAMC được xử lý tài sản bảo đảm là dự án BĐS mà không cần đáp ứng điều kiện nêu trên.
Bên cạnh đó, VAMC cũng cần có thêm cơ chế nữa là hoạt động đấu giá để đẩy nhanh việc mua bán nợ, thay vì phải chờ đợi ý kiến các bên liên quan. Trong trường hợp bên bảo đảm không hợp tác, không tự nguyện bàn giao tài sản cho VAMC hoặc TCTD ủy quyền thì VAMC được quyền quyết định giảm giá để tiếp tục bán đấu giá cho đến khi bán được tài sản. Đồng thời, VAMC đề nghị được vận dụng và quy định tương tự như trường hợp giảm giá bán đấu giá tài sản tại Điều 104 Luật Thi hành án...
Những đề xuất trên của VAMC nhận được sự đồng tình của các chuyên gia NH. Thay vì chờ đợi Quốc hội sửa từng luật một, trước mắt các chuyên gia kiến nghị ban hành một luật riêng cho VAMC, hoặc ít nhất là tiếp tục tăng thêm quyền năng mạnh hơn nữa cho VAMC, nhất là trong vấn đề xử lý tài sản bảo đảm. Có như vậy, thì mới xử lý nhanh, triệt để được nợ xấu. “Nếu không vấn đề này sẽ kéo dài, mất nhiều thời gian và tiền bạc cho cả nền kinh tế, chứ không riêng gì ngành NH”, một chuyên gia khẳng định.(TBNH)
Đầu tư nông nghiệp sạch để kéo vốn ngân hàng
Thực phẩm không an toàn từ khâu sản xuất đến quy trình chế biến, bảo quản và tiêu thụ, thực sự được xem là vấn nạn đối với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm hiện nay.
Những quan ngại xung quanh vấn đề này đã được các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, cho đến các hiệp hội ngành nghề, DN… nêu ra tại hội thảo “Nông nghiệp an toàn: Giải pháp thúc đẩy thực thi trách nhiệm trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp”, do Ban Kinh tế trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp tổ chức cuối tuần qua.
Chưa thoát cảnh manh mún
Ông Phạm Xuân Đương, Phó trưởng ban thường thực, Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, nâng cao chất lượng hàng hoá nông sản nói riêng và năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp nói chung là đòi hỏi bức thiết được đặt ra trong tiến trình hội nhập. Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương huy động mọi nguồn lực phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện sức khoẻ người dân.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ thực phẩm bẩn bị phát hiện đang có xu hướng giảm đi, song vẫn còn ở mức cao. Ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nông lâm sản và Thuỷ sản, Bộ NN&PTNT cho biết, thống kê đến tháng 6/2016 cho thấy tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thuỷ sản được kiểm tra đạt yêu cầu (Loại A/B) về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đã tăng lên 79,76%, từ mức 78,3% của năm 2015.
Kết quả giám sát sản phẩm nông lâm thuỷ sản cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm có giảm, có chuyển biến nhưng kết quả không đạt, vẫn còn cao. Cụ thể, sản phẩm rau không đạt tiêu chuẩn ATTP là 4,2%, thịt là 10,93%; thuỷ sản nuôi 1,61%...
Thực phẩm bẩn vẫn còn “đất” để hiện diện, theo các chuyên gia là do sản xuất sạch hiện nay vẫn chưa được chú trọng. TS. Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trong khâu sản xuất nông sản, nhiều địa phương đã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch như VietGap, GlobalGap, EuroGap, AseanGap vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên tỷ lệ nông phẩm đạt tiêu chuẩn Gap còn rất nhỏ trong nền nông nghiệp.
Đơn cử như sản xuất lúa gạo, tuy đã phát động phong trào “cánh đồng mẫu lớn” trên cả nước để sản xuất theo Gap, nhưng diện tích mới đạt khoảng 20.000 ha trên tổng số 4 triệu ha trồng lúa, cung cấp 120.000 tấn lúa, tương đương với 60.000 tấn gạo sạch, hiện là con số chưa đáng kể.
Hay như vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long, hiện cũng mới chỉ có khoảng 0,14% diện tích trong tổng số 300.000 ha cây ăn trái được chứng nhận sản xuất theo quy trình Gap.
Việt Nam hiện là nước sản xuất chè xanh lớn thứ 2 thế giới, và là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới. Có 70% các hộ trồng chè đã học hoặc biết trồng chè theo hướng sản xuất an toàn, tuy nhiên đa số vẫn làm theo thói quen hàng ngày. 100% DN chế biến chè đã ý thức được việc áp dụng ISO và HACCP, nhưng tỷ lệ đạt chứng nhận chưa cao, chỉ 30% DN áp dụng các chứng nhận quốc tế về sản xuất bền vững và an toàn.
Hoàn thiện chính sách để NH mạnh dạn đẩy vốn
TS. Vũ Tuấn Anh đã chỉ ra một số trở ngại đối với tiến trình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn ATTP. Theo đó, sản xuất nông sản sạch đòi hỏi suất đầu tư lớn, trong khi các DN sản xuất quy mô lớn theo quy trình công nghệ hiện đại còn ít trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu mới chỉ trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuỷ sản, chế biến nông thuỷ sản xuất khẩu.
Đại bộ phận nông sản nước ta là do các hộ tiểu nông sản xuất theo cách thức truyền thống. Với vốn liếng ít ỏi, họ không có điều kiện tích tụ vốn hoặc vay vốn lớn để đầu tư trang thiết bị hiện đại.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy trình sản xuất nông sản sạch đòi hỏi phải có quy mô cánh đồng và vùng sản xuất đủ lớn, trong khi ruộng đất của các hộ nông dân nhỏ và manh mún. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở tỉnh An Giang tuy được khuyến khích mở rộng nhưng vẫn vướng những trở ngại về tiêu thụ sản phẩm, về mối quan hệ hợp đồng giữa DN và nông dân.
Tình trạng chạy theo lợi ích cục bộ, ngắn hạn của cả 2 bên liên kết là DN và các hộ nông dân dẫn đến việc tự ý phá vỡ các hợp đồng cam kết về sản xuất và cung ứng nông phẩm sạch, và làm cho các hộ tiểu nông quay trở lại phương thức sản xuất nhỏ.
Cuối cùng, chi phí cho sản xuất sạch thường cao hơn sản xuất theo cách thức thông thường, khiến sản phẩm bị đội giá lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên hiện nay lại chưa có đầu mối đưa sản phẩm này đến tay người tiêu dùng nên khi được bán ra chợ hoặc thu gom bởi thương lái, thì lại hoà lẫn và bán với giá của sản phẩm thông thường. Đầu ra tiêu thụ, vì vậy là trở ngại lớn hiện nay làm tiêu tan sự hào hứng của người sản xuất đối với nông sản sạch.
Trước thực trạng đó, các chuyên gia kiến nghị cần tăng đầu tư cho nông nghiệp, cả về số lượng tuyệt đối hàng năm lẫn tỷ trọng trong tổng đầu tư kinh tế của xã hội là điều kiện cần để có thể chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp.
Chia sẻ về câu chuyện đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó TGĐ Agribank cho biết, NH luôn chú trọng rót vốn vào các lĩnh vực sản xuất an toàn, phát triển bền vững. “Nền nông nghiệp phát triển bền vững đem lại thu nhập ổn định cho người sản xuất và NH giảm thiểu rủi ro tín dụng”, bà Phượng nhấn mạnh.
Vì vậy, Agribank luôn chú trọng vào các dự án, phương án sản xuất nông nghiệp bền vững, chú trọng đảm bảo môi sinh, môi trường. Các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, và NH kiên quyết nói không với các dự án ảnh hưởng môi trường và an toàn xã hội.
Tính đến 30/6/2016, dư nợ cho vay của Agribank đối với nông nghiệp nông thôn chiếm trên 70% dư nợ cho vay nền kinh tế, trong đó có một số chương trình cho vay gắn với phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững. Thời gian tới, Agribank xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay phát triển nông nghiệp an toàn, hiệu quả và bền vững, đồng thời kiến nghị Chính phủ và NHNN tiếp tục hoàn thiện chính sách.
Cụ thể, các cơ quan Nhà nước xem xét hoặc tham mưu thẩm định, phê duyệt, đảm bảo tính pháp lý các dự án, phương án vay vốn theo chương trình tín dụng xanh để tạo điều kiện cho Agribank đẩy nhanh tiến độ thẩm định cấp tín dụng.
Cùng với đó, NHNN xem xét triển khai cụ thể hơn hệ thống các giải pháp toàn diện bảo đảm hệ thống NH có thể phục vụ hiệu quả cho các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững mà đối tượng thụ hưởng chính là các DN đầu tư vào các lĩnh vực xanh, thân thiện với môi trường.(TBNH)