tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 16-05-2016

  • Cập nhật : 16/05/2016

Tăng lương tối thiểu vùng 2017: Bài toán khó cho doanh nghiệp?

Tăng lương tối thiểu thực sự đang là “bài toán khó” với doanh nghiệp khi áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.

Hai năm qua, Chính phủ đã tăng lương tối thiểu liên tục và mức tăng đều trên 12%, nhưng thực chất, mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu.

Dù đã nhiều lần thực hiện cải cách tiền lương, thế nhưng đến nay, mức lương tối thiểu của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Cuối tháng 4 vừa qua, Hội đồng tiền lương quốc gia đã có phiên họp bàn kỹ thuật cho đợt tăng lương trong năm nay. Tuy nhiên điều mong đợi nhất là liệu lộ trình tăng lương tối thiểu có cán đích vào năm 2017 để ổn định đời sống của người lao động hay không?

Theo tính toán, năm 2017 lương tối thiểu phải tăng khoảng 30% mới đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết việc điều chỉnh lương trong các năm tới cũng vẫn cần phải theo một lộ trình nhất định. Còn nhớ, năm 2015, Hội đồng tiền lương quốc gia đã phải trải qua nhiều kỳ họp mới đi đến được thống nhất về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 là 12,4%.

Tuy nhiên, mức lương hiện nay còn xa mới đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Cụ thể, theo ông Lê Trọng Sang, Trưởng Ban quan hệ lao động - Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: “Tùy theo mỗi vùng có từ 8 đến 21% từ vùng 1 đến vùng 4, như vậy có nghĩa rằng khoảng gần 20% tiền lương tối thiểu chưa tương thích với mức sống tối thiểu”.

Năm 2016, tình hình kinh tế tiếp tục có nhiều khó khăn. Điều dễ thấy là tình trạng nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất và công nhân không có việc làm đang xuất hiện ở nhiều nơi. Thêm vào đó, mỗi lần lương tối thiểu tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng có đà tăng theo. Câu chuyện “giá – lương” cứ đeo đuổi người lao động khiến cuộc sống của họ luôn trong tình trạng “ăn bữa nay lo bữa mai”.

Đến thời điểm này, cũng có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc tăng lương. Doanh nghiệp thì muốn người lao động chia sẻ bằng cách giãn lộ trình tăng lương. Còn người lao động thì lo sợ gánh nặng về lương và bảo hiểm sẽ khiến DN phải co hẹp sản xuất, cắt bớt việc làm vì thế nguy cơ họ mất việc lại tăng lên. Với người lao động, mất việc còn đáng sợ hơn lương thấp. Tăng lương tối thiểu thực sự đang là “bài toán lớn” với doanh nghiệp khi áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Hiện nay, so với trong khu vực thì rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có năng suất lao động thấp, nếu chi phí cho người lao động quá lớn doanh nghiệp sẽ không còn năng lực để đổi mới công nghệ, đưa thiết bị vào tăng năng suất lao động.

Tuy nhiên, theo ông Lê Trọng Sang, việc tăng lương vẫn phải tiến hành theo lộ trình còn mức tăng bao nhiêu thì phải cân nhắc, chờ điều kiện cụ thể đời sống của người lao động và mức chịu đựng của doanh nghiệp.

“Tuy nhiên cá nhân tôi thì tôi nhận định là Chỉnh phủ vẫn đang cân nhắc còn về phía Tổng liên đoàn kiến nghị với chính phủ chúng tôi vẫn đề xuất là tiếp tục có mức tăng. Mức ttăng như thế nào cho hợp lí thì cần phải tính toán hết sức cụ thể” – ông Sang nói.

Mục tiêu đến năm 2017, lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, liệu chúng ta có đạt được mục tiêu đề ra hay không còn phụ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế thế giới, biến động về tình hình sản xuất kinh doanh, giá thành sản phẩm bán ra của doanh nghiệp.

Về phương án tăng lương tối thiểu 2017, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 chắc chắn sẽ thấp hơn năm 2016. Năm nay các phương án đưa ra chúng ta phải tính toán kĩ, một mặt là theo đúng quy định của luật là mức lương tối thiểu phải hướng tới đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Nhưng các nhân tố khác chúng ta phải chú ý, ví dụ như vấn đề năng suất lao động, mặt bằng tiền công trên thị trường, vấn đề việc làm, vấn đề cạnh tranh quốc gia và đặc biệt là các nhân tố của khu vực”.

Tăng lương tối thiểu là vấn đề lớn không chỉ đối với Việt Nam mà với tất cả các nước trong khu vực vì nó gắn liền với năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, khi lương tăng đòi hỏi năng suất lao động cũng phải tăng tương xứng. Do vậy, ngoài việc đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động thì rất cần có những chính sách quan tâm đặc biệt đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động để tăng năng suất lao động. Đây chính là đòn bẩytăng thu nhập, tăng tiền lương cho người lao động./.

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2016: Vùng 1 là 3,5 triệu đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015, vùng 2 là 3,1 triệu đồng/tháng (tăng 350.000 đồng ), vùng 3 là 2,7 triệu đồng/tháng (tăng 300.000 đồng), vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng ).

Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 cao hơn mức lương năm 2015 khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng, tăng trung bình khoảng 12,4%.


Đầu tư xây dựng Cảng thông quan nội địa lớn nhất thủ đô

Dự án Cảng thông quan nội địa TP. Hà Nội chính thức khởi công xây dựng với mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng và chia thành 2 giai đoạn.

Ngày 15/5, Công ty TNHH MTV Hanel và Công ty TNHH Tháp Láng Hạ đã tổ chức Lễ khởi công Dự án Cảng thông quan nội địa TP. Hà Nội tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Dự án Cảng thông quan nội địa TP. Hà Nội do Công ty TNHH MTV Hanel và Công ty TNHH Tháp Láng Hạ là chủ đầu tư. Dự án có tổng quy mô 47,2ha và được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng trên diện tích 19,2ha và giai đoạn 2 có quy mô 28ha.

Cảng thông quan nội địa TP. Hà Nội sẽ cung cấp các dịch vụ kho vận, dịch vụ phụ trợ, logistics, lưu kho và phân phối hàng hoá cho các DN trong các khu kinh tế, công nghiệp phía đông thủ đô và các tỉnh lân cận.

Theo kế hoạch, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (chưa tính mức đầu tư tuyến đường vào) là 781,8 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2017. Sau khi đi vào hoạt động giai đoạn 1, Cảng thông quan nội địa TP. Hà Nội có khả năng tiếp nhận và thông qua 380.000 TEUs/năm (1 TEU tương đương 1 container tiêu chuẩn 20 feet). Trong giai đoạn 2, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.782 tỷ đồng, sẽ được hoàn thành trong quý IV/2021, có thể đáp ứng lượng hàng hoá lên tới 760.000 TEUs/năm.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, cảng cạn Cổ Bi có vị trí thuận lợi, nằm tiếp giáp QL1B, QL5 và đường vành đai III của thành phố Hà Nội, nơi hội tụ các tuyến hành lang vận tải chính của toàn bộ khu vực phía Bắc và các cảng biển, cửa khẩu quốc tế theo chiến lược phát triển 2 hành lang, 1 vành đai kinh tế.

“Khi đi vào hoạt động, cảng này sẽ giúp thông quan lượng hàng hóa với quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế của Thủ đô và các tỉnh phía Bắc. Cảng cạn Cổ Bi còn có khả năng đón đầu, tiếp nhận nhu cầu trung chuyển cho lượng hàng hóa quá cảnh qua Việt nam đối với 2 tuyến hành lang vận tải xuyên Á. Đồng thời, đây điều kiện để thực hiện tốt chương trình cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan trên địa bàn thành phố, hỗ trợ tối đa cho các DN, nhập khẩu hàng hóa và tạo điều kiện cho sự phát triển các khu công nghiệp trong toàn vùng thủ đô”, ông Nguyễn Đức Chung cho hay.

Dự án đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu thông quan, xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ logistics công nghệ cao hướng đến xuất nhập khẩu không cần kho bãi của nền công nghiệp hiện đại trên thế giới ngày nay. Dự án sẽ được xây dựng đồng bộ và hiện đại về hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng được vai trò của mình.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Chủ tịch HĐTV - Tổng giám đốc Hanel cho biết: “Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của nước ta đã được dự báo sẽ đạt 12%/năm và kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt 623 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP có hiệu lực sẽ hứa hẹn sự phát triển sôi động hơn của hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam trong đó có Hà Nội. Việc xây dựng cảng thông quan nội địa Hà Nội là đón đầu cơ hội cho phát triển kinh tế, đồng thời sẽ mang lại nguồn thu lớn và ngân sách cho thành phố”.


Giám đốc thi công dự án Formosa ôm tiền tỷ bỏ trốn

Nhận số tiền 2 tỷ của công ty để để trả tiền tạm ứng cho công nhân, vật tư, máy móc... thế nhưng ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc chi nhánh Thanh Oai bỗng nhiên mất tích.
cong nhan va vat doi cong ty tra luong.

Công nhân vạ vật đợi công ty trả lương.

Liên quan đến vụ việc một nhóm công nhân từ Hà Tĩnh, Ninh Bình... vạ vật bám trụ tại Công ty CP COMA 18 có trụ sở tại 135, đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội để đòi lương. Họ là nhưng công nhân có HĐLĐ ngắn hạn với Chi nhánh Thanh Oai của Cty CP COMA 18, thi công tại công trường Formosa (Hà Tĩnh) trước đây, nhưng đang bị nợ lương.

Phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Công ty CP COMA 18 để làm rõ thông tin về vụ việc này.

Trao đổi với phóng viên, bà Dương Thị Thu Hà, Trưởng phòng tổ chức Công ty COMA18 cho biết, những người này không ký hợp đồng lao động với công ty COMA18, mà đây là hợp đồng lao động thời vụ.

“Công ty CP COMA 18 có các chi nhánh trực thuộc và trong đó có chi nhánh Thanh Oai và có bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Nam làm giám đốc chi nhánh. Sau đó, công ty có ký hợp đồng giao khoán với chi nhánh Thanh Oai, đương nhiên chi nhánh Thanh Oai sẽ bố trí nhân lực và vật lực để thực hiện dự án đó. Công ty chỉ biết khoán cho chi nhánh và chi nhánh sẽ nộp tiền về. Như vậy là công ty và chi nhánh làm hợp đồng kinh tế giao khoán và quan hệ dân sự”, bà Hà cho biết.

Thông tin tiếp với phóng viên bà Hà cho rằng, việc ông Nam có ký hợp đồng lao động với nhóm công nhân đó không hay chỉ giao dịch bằng lời nói thì Công ty CP COMA 18 không hề hay biết.

“Tháng 4/2015, ông Nguyễn Văn Nam có nhận hơn 2 tỷ của công ty để trả tiền tạm ứng cho công nhân, vật tư, máy móc… thế nhưng ông Nam đi mất. Và sau đó, công ty phải đưa người khác vào thay thế ông Nam để tiếp tục thi công dự án”, bà Hà thông tin.

Formosa, Giám đốc chi nhánh Thanh Oai, Công ty CP COMA 18, giám đốc thi công bỏ trốn
Công ty CP COMA 18, nơi công nhân đang vạ vậy đòi lương.

Khi được đề cập tới việc công ty sẽ giải quyết thế nào trước việc nhóm công nhân gửi đơn đề nghị thanh toán tiền lương, bà Hà cho rằng, về hợp đồng lao động giữa công ty COMA18 với những người này là không có nên công ty không có nghĩa vụ và trách nhiệm trả tiền lương cho những công nhân này. Thế nhưng, về tình người thì công ty đang giải quyết cho công nhân bằng cách ứng tạm tiền cho chi nhánh vay, sau đấy đợi khi nào công trình hoàn thiện thì mới làm thanh quyết toán.

“Trước đó, nhóm công nhân này đã ra đòi thì công ty cũng đã tạm ứng, lần thì 3 triệu đồng, lần thì 5 triệu đồng và lần này là 4 triệu đồng. Còn số nợ thì công ty không thể hẹn ngày nào được vì công trình chưa hoàn thiện chưa thể thanh quyết toán được. Phía công ty đang truy tìm ông Nam để quay về có nghĩa vụ thanh toán cho công ty và đồng thời phía công ty đã có trách nhiệm báo cáo lên Tổng công ty, Bộ xây dựng. Bây giờ cơ quan chức năng bắt được ông Nam về bồi thường cho công ty thì công ty sẽ thanh toán hết cho công nhân”, bà Hà cho hay.

Như vậy, dư luận đặt ra câu hỏi khi nào những công nhân này mới thanh toán hết số tiền lương của mình dù nhiều lần từ Hà Tĩnh ra tận ngoài này để đề nghị thanh toán.

Ngày 12/5, hơn chục công nhân vạ vật bám trụ tại Công ty CP COMA 18 có trụ sở tại 135, đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội để đòi lương. Họ là nhưng công nhân có HĐLĐ ngắn hạn với Chi nhánh Thanh Oai của Cty CP COMA 18, thi công tại công trường Formosa (Hà Tĩnh) trước đây, nhưng đang bị nợ lương.

Theo các công nhân cho biết, họ làm việc đến tháng 8/2015 thì nghỉ do hết công trình nhưng Công ty CP COMa 18 mới chỉ thanh toán tiền lương tháng 3 và cho tạm ứng đến tháng 4/2015. Cho đến nay, nhiều lần làm đơn đề nghị thanh toán, thế nhưng công ty chỉ cho tạm ứng mỗi người một ít.


Hàn Quốc sẽ viện trợ xe cứu hỏa cho Việt Nam

Hàn Quốc sẽ viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 9 xe cứu hỏa đã qua sử dụng trong tổng số 16 xe cùng loại được Seoul viện trợ cho các nước đang phát triển trong năm nay.

Bộ An ninh và An toàn Công cộng Hàn Quốc ngày 15/5 cho biết cơ quan này sẽ dành riêng khoản kinh phí 77.600 USD để tiến hành tân trang các xe cứu hỏa đã qua sử dụng, cung cấp các thiết bị cứu hỏa đi kèm cũng như giúp đào tạo, hướng dẫn sử dụng cho các nước nhận viện trợ.
 
Danh sách các nước nhận viện trợ năm nay gồm Việt Nam (7 xe chữa cháy, 2 xe téc chở nước), Campuchia (2 xe chữa cháy, 2 xe cứu thương), các nước Philippines, Mông Cổ và Lào mỗi nước được viện trợ 1 xe chữa cháy.
 
Kể từ năm 2005, Hàn Quốc bắt đầu viện trợ không hoàn lại các loại xe cứu hỏa đã qua sử dụng cho các nước đang phát triển với tổng ngân sách dành cho chương trình này là 91 triệu won (khoảng 80 triệu USD) và tính đến cuối năm ngoái đã viện trợ cho 11 nước với tổng số 166 xe.
 
Theo bộ trên, cùng với việc viện trợ xe cứu hỏa đã qua sử dụng, thời gian qua, các cơ quan phòng cháy chữa cháy của Hàn Quốc và các nước nhận viện trợ đã tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi nhân sự, nghiệp vụ…, qua đó cũng góp phần giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thiết bị phòng cháy chữa cháy của Hàn Quốc thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường các nước này.

Viện phí - nút thắt hợp tác y tế công tư

Để giải quyết tốt bài toán hợp tác y tế công – tư thì trước hết phải giải quyết vấn đề viện phí sao cho phù hợp cả bệnh viện và bệnh nhân.

Với 68 bệnh viện công lập và 39 bệnh viện ngoài công lập, thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung rất đông bệnh nhân. Tuy nhiên, người bệnh chỉ tìm đến những bệnh viện công lập, trong khi những bệnh viện tư nhân dù cơ sở vật chất khang trang nhưng luôn trong tình trạng vắng vẻ.

Năm 2013, khi lần đầu tiên một hội nghị về hợp tác y tế công – tư được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều bệnh viện nhất là hệ thống bệnh viện tư nhân tỏ ra rất hào hứng vì nếu sự hợp tác được hình thành, sẽ mở ra rất nhiều cơ hội để hệ thống bệnh viện tư có bước đột phá để phát triển.

Nhưng mãi đến 2 năm sau, vào tháng 5/2015, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện quốc tế City ở quận Bình Tân mới hợp tác được với nhau. Đến tháng 10/2015, Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với Bệnh viện tư nhân Hồng Đức ở quận Gò Vấp; Bệnh viện quận 2 hợp tác với Bệnh viện tư nhân Phúc An Khang.

Để có được những cái bắt tay này, các bệnh viện trải qua không dưới chục lần ngồi lại thương thảo với nhau và thời gian bàn bạc kéo dài ngót nghét cũng gần một năm. Nhưng khi đã kí hợp tác với nhau thì kết quả cũng không được như mong đợi.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Hiện tại 2 bên đã kí hợp đồng cách đây một năm, nhưng việc thực hiện không hiệu quả. Số lượng bệnh nhân chuyển qua đó rât thấp. Trong 1 năm chỉ chuyển được vài ba bệnh nhân. Thậm chí là cho cam kết 2 lần: cho bệnh nhân chuyển qua bên đó và nếu bệnh nhân khi đã qua đó mà không đồng ý thì vẫn cho chuyển ngược trở về Bệnh viện Chợ Rẫy”.

Chỉ vài ba bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện quốc tế City trong vòng 1 năm thì rõ ràng mục đích của sự hợp tác này là không thể đạt được. Bởi sự hợp tác y tế công – tư, theo như mong muốn của Bộ Y tế, đó là giúp giảm tải cho bệnh viện công và mang lại thương hiệu cho bệnh viện tư.

Chỉ một vài bệnh nhân thì không thể thấm vào đâu so với con số trung bình từ 5.000 đến 6.000 lượt bệnh nhân đến khám mỗi ngày tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Còn tại Bệnh viện quốc tế City thì công suất giường bệnh cũng nằm ở mức trên dưới 30% và mỗi tháng thì lỗ 1 triệu USD vì không có bệnh nhân.

Tại Bệnh viện quận 2, kết quả của sự hợp tác với Bệnh viện Phúc An Khang cũng nằm dưới mức mong đợi của cả hai bên. Sau 6 tháng thực hiện, có khoảng 60 bệnh nhân của Bệnh viện quận 2 chấp nhận sang điều trị tại Bệnh viện Phúc An Khang.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 nhận định, nguyên nhân chủ yếu của việc bệnh nhân không chấp nhận sang điều trị tại bệnh viện tư nhân đó chính là rào cản về mặt viện phí. Bệnh viện tư tính chi phí cao hơn, có những chi phí cao hơn 50% hoặc có giường 1-2 triệu đồng/ngày.

Viện phí đã trở thành rào cản lớn nhất trong việc hợp tác y tế công – tư. Bệnh viện tư nhân phải hạch toán kinh doanh sao cho phải có lợi nhuận để chi trả cho nhân viên y tế và để tái đầu tư. Trong khi đó, giá viện phí tại bệnh viện công lập hiện nay chỉ mới được tính chưa đủ 4/7 cấu phần.

Để chấp nhận sang điều trị tại bệnh viện tư nhân với sự hỗ trợ của bác sĩ bệnh viện công, người bệnh phải chấp nhận mức chênh lệch giá viện phí từ 2 đến 2,5 lần so với giá bệnh viện công lập.

Chính vì vậy, dù được đánh giá là mô hình hợp tác y tế công – tư tốt nhất hiện nay nhưng số lượng bệnh nhân từ Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh chuyển sang Bệnh viện tư nhân Hồng Đức sau 6 tháng triển khai cũng chỉ là 210 người. Tính trung bình, một ngày chỉ chuyển được 1 bệnh nhân. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra là 1 ngày chuyển từ 3 đến 4 bệnh nhân.

Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Về viện phí thì Bệnh viện Hồng Đức cũng đăng kí thanh toán bảo hiểm y tế nên người bệnh cũng yên tâm. Tuy nhiên, đây là bệnh viện tư và việc điều trị là theo yêu cầu người bệnh nên chi phí chắc chắn cao hơn. Ví dụ như chi phí trọn gói cắt thùy tuyến giáp là khoảng 12 triệu tại BV Hồng Đức, trong khi đó kỹ thuật này nếu thực hiện tại BV Ung bướu là tầm 7-8 triệu”.

Với mức giá cao gần như gấp đôi này thì rõ ràng là rào cản rất lớn để bệnh nhân chọn lựa được điều trị tại bệnh viện tư. Mặc dù Bệnh viện Hồng Đức cho biết đây là đã mức giá ưu đãi cho Bệnh nhân từ Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh chuyển qua. Ông Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội đồng tài chính, Bệnh viện Hồng Đức cho biết mức viện phí dành cho bệnh nhân hợp tác y tế công – tư chỉ cao hơn giá bệnh viện công khoảng 22%.

Việc hợp tác y tế công – tư nếu chỉ đáp ứng nhu cầu của bệnh viện có lẽ sẽ không thể đạt được mục đích và ý nghĩa tốt đẹp. Việc hợp tác này nên chăng phải đặt vào đó quyền lợi của người bệnh mà cụ thể là viện phí.

Theo ý kiến của nhiều bác sĩ thì: để giải quyết tốt bài toán hợp tác y tế công – tư thì trước hết phải giải quyết về viện phí sao cho phù hợp cả bệnh viện và bệnh nhân.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục