Cơ quan chức năng Hà Tĩnh kết luận, hợp đồng ký kết giữa Formosa và Công ty Môi trường-Đô thị Kỳ Anh vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 14-05-2016
- Cập nhật : 14/05/2016
Thống nhất khái niệm điều kiện đầu tư kinh doanh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích rõ, điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện áp dụng đối với tổ chức, cá nhân khi thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Trong khi đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là quy định về đặc tính kỹ thuật, mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Nói một cách dễ hiểu hơn, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Trưởng nhóm thư ký Tổ công tác thi hành LuậtDoanh nghiệp và Luật Đầu tư, điều kiện kinh doanh là những quy định ngăn cản, hạn chế doanh nghiệp, cá nhân gia nhập thị trường.
Theo Luật Đầu tư, điều kiện đầu tư kinh doanh được thể hiện trong một hoặc một số hình thức gồm giấy phép; giấy chứng nhận đủ điều kiện; chứng chỉ hành nghề; chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; văn bản xác nhận; các hình thức văn bản khác theo quy định của pháp luật.
Công văn được gửi tới 14 bộ, ngành, gồm các bộ Công an, Quốc phòng, Tư pháp,Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông - Vận tải; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Y tế; Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đây là các bộ, ngành đang phải thực hiện soạn thảo các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với một số ngành, nghề chưa có văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, phải sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành không đúng thẩm quyền của Luật Đầu tư. Trong báo cáo tình hình thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư gửi cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25/4 vừa qua, nhiều bộ, ngành trong số này lúng túng trong việc xác định các quy định về điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn kỹ thuật, dẫn đến lo ngại có thể không kịp hoàn thành rà soát, nâng cấp các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo đúng yêu cầu của Luật Đầu là trước ngày 1/7/2016.
Công văn 3478/BKHĐT-PC cũng yêu cầu với các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh với các ngành, nghề chưa quy định điều kiện mà đã được Bộ Tư pháp thẩm định hoặc đã trình Chính phủ, đề nghị hoàn tất thủ tục để trình Chính phủ trước ngày 30/5/2016 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các nghị định trong quá trình soạn thảo thì gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp theo địa chỉ hieu@mpi.gov.vn và tranhaohung.mpi@gmail.com.
Với các nghị định thay thế văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành không đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư, việc rà soát, nâng cấp thành nghị định phải được trình Chính phủ ban hành trước ngày 30/5/2016.
Đây cũng là thời điểm Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành gửi tập hợp các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý để cập nhật trên Công thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Đánh giá việc khai thác nước ngầm đến sụt lún đất tại Hà Nội, TP.HCM và ĐBSCL
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long; định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất.
Mục tiêu của Đề án là rà soát các quy định hiện hành, đánh giá thực trạng về công tác quản lý, khai thác nước dưới đất; xác định hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất và khoanh vùng các khu vực nước dưới đất bị hạ thấp tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá hiện trạng, diễn biến sụt lún mặt đất tại các khu vực khai thác nước dưới đất, mực nước dưới đất bị hạ thấp và xác định mức độ tác động của khai thác nước dưới đất đến sụt lún bề mặt đất.
Trên cơ sở thực trạng, kinh nghiệm quốc tế, đề xuất định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất, giảm thiểu tác động đến sụt lún bề mặt đất.
Đề án sẽ triển khai điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất tại khu vực thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xác định, lập bản đồ khoanh vùng phạm vi phễu hạ thấp mực nước dưới đất trong các tầng chứa nước tại khu vực thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời đánh giá hiện trạng, diễn biến sụt lún bề mặt đất tại các khu vực khai thác nước dưới đất (tại các phễu hạ thấp mực nước dưới đất trong các tầng chứa nước; các khu vực khai thác nước dưới đất vượt ngưỡng khai thác).
Bên cạnh đó phân tích, đánh giá xác định mối liên quan giữa sụt lún bề mặt đất và khai thác nước dưới đất tại các khu vực bị sụt lún bề mặt đất nằm trong phạm vi các phễu hạ thấp mực nước dưới đất.
Đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về định hướng quản lý, khai thác, sử dụng phù hợp nước dưới đất nhằm bảo đảm sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất, các biện pháp giảm thiểu tác động đến sụt lún bề mặt đất.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán, phân kỳ thực hiện Đề án; tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Đề án theo quy định.
Thực hiện Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu biển
Kế hoạch nhằm thực hiện đầy đủ, toàn diện các quy định của các Phụ lục III, IV, V và VI của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (Công ước MARPOL) mà Việt Nam là thành viên nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia ven biển, quốc gia có cảng, quốc gia có tàu mang cờ quốc tịch.
Phát triển nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường tại cảng biển; tăng cường công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động hàng hải.
Theo Kế hoạch, từ năm 2016 đến năm 2020, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ngăn ngừa ô nhiễm môi trường do tàu gây ra và quản lý chất thải phát sinh từ tàu trong hoạt động hàng hải, hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi, công tác điều tra, phát hiện vi phạm, tai nạn hàng hải để triển khai đầy đủ, toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định của các Phụ lục III, IV, V và VI của Công ước MARPOL.
Hàng năm, triển khai thực thi quy định các Phụ lục III, IV, V và VI của Công ước MARPOL, bao gồm công tác kiểm tra, kiểm soát để thực hiện trách nhiệm của quốc gia đối với tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam, trách nhiệm của quốc gia ven biển và trách nhiệm của quốc gia có cảng.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực để thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam, thực hiện điều tra tai nạn hàng hải, xử lý đầy đủ và kịp thời các trường hợp vi phạm, bao gồm cả việc đào tạo sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển, các công tác kiểm tra nhà nước cảng biển (PSC) và Đăng kiểm viên thực hiện đánh giá, kiểm tra, kiểm soát hệ thống, kỹ thuật của tàu.
Từ năm 2016 đến năm 2030, nghiên cứu cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng, nâng cấp các hệ thống tiếp nhận chất thải tại các cảng biển theo quy định của Phụ lục IV, V và VI của Công ước MARPOL; nghiên cứu, triển khai áp dụng các trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát chất thải phát sinh từ tàu biển.
Đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường do tàu biển gây ra, tình hình quản lý chất thải tại các cảng biển Việt Nam và mức độ đáp ứng các quy định của Công ước MARPOL; nghiên cứu, xây dựng và đề xuất thiết lập các biện pháp bảo vệ môi trường nhằm ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra trong vùng biển Việt Nam để đệ trình Tổ chức Hàng hải quốc tế thông qua; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, đào tạo cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định tại Phụ lục III, IV, V và VI của Công ước MARPOL.
Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực hàng hải và các quốc gia khác trong khu vực nhằm trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo công chức, viên chức quản lý và đội ngũ sỹ quan, thuyền viên và chuyển giao công nghệ liên quan đến thực hiện Công ước MARPOL; thúc đẩy hợp tác song phương với các quốc gia thành viên của Công ước để tham khảo kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật của các nước này.
Cần cứng rắn hơn với công tác kiểm tra nguồn thải tại các lưu vực sông
Theo đại diện đoàn kiểm tra liên ngành về hiện tượng cá chết ở ven biển miền Trung, cần nghiêm khắc hơn công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn thải tại các lưu vực sông.
Vụ việc đang được dư luận quan tâm hiện nay là việc xác định nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung (các tỉnh từ Hà Tĩnh đến TT - Huế) cũng như việc kiểm soát các nguồn xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tập hợp các chuyên gia trong và ngoài nước có trách nhiệm phân tích, xác định nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt; Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm rà soát, kiểm tra các nguồn xả thải ra môi trường để sớm có kết luận. Hiện đã có nững kết quả đầu tiên của đợt kiểm tra này.
PGS.TS. Vũ Đức Lợi - Phó Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thành viên chủ chốt của đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh - cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đợt kiểm tra từ ngày 4 - 9/5 vừa qua đã kiểm tra toàn diện toàn bộ các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tại khu kinh tế Vũng Áng.
Theo đó, nguyên nhân chủ quan và khách quan đều xuất phát từ các hoạt động sản xuất tại địa phương gây ra. Do vậy, trong thời gian tới, công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn thải tại các lưu vực sông và nguồn thải ra biển cần phải được thực hiện nghiêm khắc hơn, đặc biệt đối với các cơ sở có nguồn thải lớn; cần phải tính toán kỹ các tải lượng từ các cơ sở sản xuất liệu có đáp ứng yêu cầu của môi trường”.
Dự án Nuôi tôm an toàn sinh học tại Hà Tĩnh: Hóa giải thách thức về môi trường
Tối ưu hóa việc sử dụng nước biển
Dẫn chúng tôi đi thực tế Dự án Nuôi tôm an toàn sinh học tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh trong những ngày “biển vắng”, khi sự cố ô nhiễm nước biển khiến thủy sản chết hàng loạt đang “nóng”, ông Lê Văn Thiệu, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Tiến Đạt cho biết, nỗi lo đang bao trùm giới đầu tư nuôi tôm thẻ tại Hà Tĩnh bởi ô nhiễm nước biển có thể “thổi bay” những khoản đầu tư hàng chục tỷ đồng trong tích tắc.
Song trái ngược với nỗi lo chung, ông Thiệu tự tin, hứng khởi cho biết, 16 ao tôm thẻ chân trắng gần 1 tháng tuổi thuộc Dự án Nuôi tôm an toàn sinh học do Công ty cổ phần Xây dựng Tiến Đạt và Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung (tỉnh Bình Thuận) hợp tác đầu tư đang sinh trưởng rất tốt, triển vọng vụ tôm đầu tay sẽ thắng lớn.
Các ao nuôi tôm theo mô hình an toàn sinh học tại Hà Tĩnh vẫn sinh trưởng tốt bất chấp nỗi lo nước biển ô nhiễm.
Dự án nuôi tôm an toàn sinh học nói trên được đầu tư với quy mô 10 ha, có tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng. Hạng mục chính của Dự án là 16 ao nuôi tôm, dung tích 2.000 m3/ao, được xây dựng hiện đại theo mô hình nuôi tôm trên cát, đáy ao phủ bạt. Hệ thống cấp nước biển sạch, hệ thống dẫn thoát nước thải đưa đi xử lý, hệ thống cung cấp khí oxy, quạt nước và quan trắc môi trường nuôi, quan trắc dịch bệnh được đầu tư đồng bộ.
Trước khi thả nuôi, tôm giống trải qua quy trình tầm soát dịch bệnh và được nuôi “gièo” tại hệ thống 16 bể gièo, mỗi bể 150 m3. Các bể gièo được kiểm soát tuyệt đối các chỉ tiêu môi trường để thuần dưỡng tôm giống khỏe lại sau quá trình vận chuyển, đồng thời giúp tôm giống làm quen với môi trường nước vùng nuôi và bổ sung chất dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng, đảm bảo chất lượng tôm giống tốt nhất.
Điểm tạo ra khác biệt của mô hình nuôi tôm an toàn sinh học này là khắc phục được tình trạng lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước biển. Thay vì thường xuyên phải lấy nguồn nước biển cho mỗi vụ nuôi, mô hình này chỉ cần lấy nước biển 1 lần/năm. Nước biển được lấy vào 2 ao lắng, xử lý sinh học và cấp cho hệ thống ao nuôi. Song song đó, nước thải từ các ao nuôi được thu hồi qua hệ thống tự chảy dẫn về hệ thống ao xử lý nước thải. Nước thải sẽ được xử lý qua hệ thống ao thẩm thấu, lắng lọc, ao nuôi cá rô phi và xử lý vi sinh đạt chuẩn rồi được bơm tuần hoàn liên tục tới ao trữ trước khi bơm cấp lại ao nuôi tôm.
Điểm ưu việt của mô hình này là tối ưu hóa việc sử dụng nước biển để tiết kiệm và không thải nước ra môi trường sau mỗi vụ nuôi. Hơn nữa, quá trình xử lý nước thải tại dự án này hoàn toàn theo phương pháp sinh học, không can thiệp bằng hóa chất, giúp giảm thiểu tác động ô nhiễm, làm xấu môi trường nuôi và tăng tính bền vững. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh môi trường nước biển ô nhiễm và khó kiểm soát như hiện nay.
Lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung cho biết thêm, ngoài dự án nuôi tôm an toàn sinh học hợp tác với Công ty cổ phần Xây dựng Tiến Đạt bước đầu được vận hành khá thuận lợi nói trên, Công ty đang mạnh tay đầu tư mở rộng chuỗi liên kết nuôi tôm thương phẩm an toàn sinh học. “Chúng tôi đang liên kết với các đối tác lớn tại tỉnh Hà Tĩnh đầu tư 6 khu nuôi, với tổng diện tích nuôi tôm an toàn sinh học trên 60 ha. Các dự án tiến triển nhanh, tiến độ được đảm bảo và sẽ sớm đi vào hoạt động trong thời gian tới đây”, lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung cho biết.
Dư địa phát triển lớn
Lý giải động thái đầu tư chuỗi liên kết nuôi tôm thương phẩm an toàn sinh học, ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung cho biết, qua hoạt động đầu tư này, Công ty muốn trình diễn, quảng bá nhân rộng mô hình nuôi tôm tiến tiến, phù hợp với điều kiện tại Việt Nam tới người nông dân và giới doanh nghiệp nuôi tôm thương phẩm.
“Chúng ta cần thay đổi tư duy để ngành nuôi tôm hướng tới những giá trị bền vững hơn, kiểm soát tốt hơn môi trường nuôi tôm, giảm thiểu rủi ro và thiệt hạikinh tế để ngành tôm phát triển. Chúng tôi không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận khi thực hiện các dự án này”, ông Hoàng Anh nói.
Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung có thế mạnh trong lĩnh vực tôm giống. Cùng với 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khác, Công ty luôn đứng vững trong top 3 doanh nghiệp tôm giống hàng đầu Việt . Mô hình nuôi tôm an toàn sinh học được những kỹ sư hàng đầu của Công ty tổng kết, tích hợp từ những ưu điểm đã được thực tế kiểm nghiệm tại các mô hình nuôi tôm an toàn sinh học tiên tiến tại Thái Lan và Indonesia.
Ông Hoàng Anh cho biết thêm, mô hình này có nhiều ưu điểm và khắc phục được nhiều hạn chế trong khâu nuôi trồng hiện nay, như tiết kiệm tài nguyên nước, chủ động nguồn nước biển trong sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường trong sản xuất. Đặc biệt, mô hình này đảm bảo an toàn sinh học, phù hợp với điều kiện sản xuất tôm thương phẩm, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn xuất khẩu thủy sản hiện hành, thông qua việc kiểm soát sử dụng kháng sinh, không chất cấm trong nuôi trồng thủy sản. Mô hình này cũng không cần sử dụng hóa chất xử lý ao sau mỗi vụ nuôi, nên rất thân thiện với môi trường.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, địa phương này có khoảng 2.160 ha nuôi tôm, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao mới là 820 ha. Tỉnh cũng đang khuyến khích chuyển đổi mô hình nuôi tôm theo xu hướng nuôi thâm canh, công nghệ cao, chuyển đổi từ nuôi quảng canh, bán thâm canh sang thâm canh.
Cơ quan này cũng đưa ra khuyến cáo quản lý tốt môi trường vùng nuôi, ứng dụng những quy trình nuôi tiên tiến, sử dụng nguồn giống đảm bảo chất lượng, ứng dụng chế phẩm vi sinh... để hạn chế dịch bệnh, giảm giá thành sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai quy hoạch nuôi tôm trên cát giai đoạn năm 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Đây chính là cơ sở để đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, an toàn sinh học phát triển mạnh mẽ.
Theo đánh giá của ông Lê Văn Thiệu, suất đầu tư cho mô hình nuôi tôm an toàn sinh học mà Công ty cổ phần Xây dựng Tiến Đạt đang thực hiện là khoảng 3 tỷ đồng/ha. So với mức đầu tư cho nuôi tôm công nghệ cao hiện nay (có mô hình lên tới 7 tỷ đồng/ha), suất đầu tư của mô hình này rất hấp dẫn và có dư địa nhân rộng mạnh mẽ trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh ngành nuôi tôm tỉnh Hà Tĩnh đang có sự chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả.