Tấm huy chương vàng Olympic được hàng nghìn vận động viên khát khao chinh phục bởi đó là niềm tự hào của cả một quốc gia. Thực tế, huy chương vàng chỉ chứa một lượng vàng rất nhỏ và chủ yếu được đúc từ bạc.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 09-08-2016
- Cập nhật : 09/08/2016
Tăng trưởng Internet di động tại Việt Nam góp 3,7 tỷ USD vào GDP
Sự tăng trưởng về mật độ Internet di động từ năm 2010 đã đóng góp 3,7 tỷ USD vào GDP và tạo ra gần 140.000 việc làm mới tại Việt Nam.
Đồng thời, trong hầu hết các thời điểm kể từ năm 2010 đến nay, mật độ di động tại Việt Nam vượt xa so với mức trung bình của nhóm các nước có thu nhập tương đương với Việt Nam, báo cáo của chuyên gia kinh tế Oliver Salmon (thuộc Oxford Economics) cho biết.
Nghiên cứu của Oxford Economics kéo dài trong vòng 6 tháng, với mục tiêu lượng hóa những lợi ích về mặt kinh tế xã hội của công nghệ Internet di động khu vực ASEAN.
Trong bản phân tích tập trung vào thị trường Việt Nam do Google gửi đi, ông Oliver Salmon cho rằng công nghệ Internet di động đã có một tác động mang tính đột phá về mặt kinh tế cho quốc gia này. Sự tăng trưởng về mật độ Internet di động từ năm 2010 đến năm 2015 đã đóng góp 3,7 tỷ USD vào GDP và tạo ra gần 140.000 việc làm mới.
Con số đó tương đương với 6,4% của tốc độ tăng trưởng GDP ghi nhận được. Đồng thời, mức đóng góp này ngang bằng với mức đóng góp của những ngành kinh tế lớn như xây dựng, vượt qua ngành dịch vụ tài chính.
Mức độ sử dụng công nghệ di động cao hơn đã góp phần nâng cao khả năng tham gia vào thị trường lao động và tạo ra thêm 137.000 việc làm trong vòng 5 năm qua, tương đương với 2,7% của tổng mức tăng trưởng việc làm trong giai đoạn này.
Trong tương lai gần, Oxford Economics dự báo sự tăng trưởng công nghệ Internet di động tại Việt Nam sẽ ngang bằng với tốc độ tăng trưởng dự báo của khu vực ASEAN. Theo dự báo, mật độ thuê bao sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2020 – đạt xấp xỉ 80%.
Cùng với đó, sự bùng nổ công nghệ Internet di động theo dự báo sẽ góp phần nâng cao GDP thêm 5,1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Con số đó tương đương với 6,2% của tốc độ tăng trưởng theo dự báo. Do đó, Internet di động là một ngành kinh tế quan trọng có đóng góp lớn cho sự tăng trưởng.
Việc gia tăng ứng dụng công nghệ Internet di động sẽ tạo ra thêm 146.000 việc làm từ nay đến năm 2020, tương đương với 3,2% của tổng mức tăng trưởng việc làm theo dự báo trong giai đoạn này.
Báo cáo đánh giá nhiều công ăn việc làm hơn và năng suất làm việc cao hơn đều là những động lực quan trọng của ngân sách. Sự gia tăng mức lương và lợi nhuận nhờ sự tăng trưởng của công nghệ Internet di động góp phần gia tăng ngân sách, đủ để hỗ trợ: xây dựng hơn 860 km đường cao tốc hai làn mới; Các chương trình tiêm chủng thường xuyên trong suốt 20 năm; Giáo dục tiểu học cho hơn 100.000 trẻ em.
Ở khu vực Đông Nam Á, ước tính sự tăng trưởng về mật độ Internet di động đã góp phần gia tăng GDP tại khu vực thêm 47,2 tỷ USD và tạo thêm hơn 900.000 việc làm mới. Trong 5 năm tới, việc gia tăng ứng dụng công nghệ Internet di động sẽ góp phần nâng cao GDP thêm 58,1 tỷ USD cho vùng này.
Tuy nhiên, báo cáo cho rằng mật độ Internet di động tại khu vực Đông Nam Á vẫn hơi thấp hơn so với mức trung bình của toàn thế giớI mặc dù từ năm 2012, khoảng cách này dần được thu hẹp đáng kể.(ICT news)
Tăng khai thác nhiệt điện than, dầu
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sẽ khai thác cao các tổ máy nhiệt điện than, tua-bin khí và nhiệt điện dầu trong thời gian cắt khí PM3.
Cắt khí vẫn đảm bảo điện!
EVN cho biết, trong tháng 8 này sẽ diễn ra đợt cắt khí PM3-CAA & 46 Cái Nước dài ngày (từ đầu tháng đến hết ngày 15.8) khiến Nhà máy Điện Cà Mau 1, 2 không có khí để vận hành, vì vậy nhiều khả năng sẽ phải chuyển chạy dầu DO các tổ máy Cà Mau hoặc huy động các tổ máy chạy dầu khác để đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Tây.
Để đảm bảo mục tiêu vận hành hệ thống điện (HTĐ) tháng 8, EVN sẽ khai thác các hồ thuỷ điện theo kế hoạch điều tiết, đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du của các địa phương. Khai thác cao các tổ máy nhiệt điện than và tua-bin khí nếu lưu lượng nước về các hồ thủy điện không có nhiều cải thiện; huy động nhiệt điện dầu trong thời gian cắt khí PM3 cho sản xuất điện.
Theo tính toán của EVN, trong tháng 8, dự kiến phụ tải của HTĐ có thể đạt tới 540 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất khoảng 28.260MW.
So với mọi năm, nước về muộn hơn nên hiện tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên vẫn khô hạn, lưu lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục kém. Đa phần các hồ thủy điện miền Trung - Tây Nguyên có lưu lượng nước về chỉ đạt dưới 70% so với trung bình nhiều năm, trong đó các nhánh sông chính là Sê San và Srepok nước về chỉ đạt 23-50% so với trung bình nhiều năm.
EVN sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện. Cụ thể về nguồn điện, phấn đấu đảm bảo tiến độ đốt lò bằng than tổ máy 1 Nhiệt điện Duyên Hải 3 vào cuối tháng 8; chuẩn bị tích nước hồ chứa Thủy điện Sông Bung 2 từ cuối tháng 8 để phát điện vào tháng 11 và 12; hoàn thành thả roto tổ máy 1 Thủy điện Trung Sơn... Về lưới điện, phấn đấu hoàn thành các công trình: Trạm biến áp 500kV Phố Nối, đường dây 220kV Cầu Bông - Hóc Môn - rẽ Bình Tân; tập trung thi công lắp đặt cáp ngầm cấp điện cho đảo Cù Lao Chàm và đảm bảo tiến độ đóng điện cho xã đảo Lại Sơn; tăng cường chỉ đạo thực hiện các công trình cung cấp điện cho TP.Hà Nội năm 2016 - 2017, đặc biệt các công trình lưới điện 110kV đồng bộ sau các Trạm biến áp 220kV đang thi công xây dựng…
Tiếp tục ứng phó thiên tai…
Theo EVN, trong tháng 7 vừa qua, đơn vị đã nỗ lực cung cấp đủ điện ổn định, an toàn, đáp ứng cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, cũng như nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 1.
Bên cạnh việc đảm bảo cấp điện, cuối tháng 7, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty/đơn vị điện lực tích cực phòng chống ứng phó và nhanh chóng khắc phục sự cố lưới điện do ảnh hưởng của bão số 1.
Mặc dù hệ thống điện tại nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc bị thiệt hại nặng nề, nhưng ngay sau khi bão tan, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo, sự cố gắng nỗ lực của công nhân điện lực nên chỉ sau 1 tuần, EVN đã khôi phục lại toàn bộ hệ thống điện, cấp điện an toàn trở lại cho các khách hàng, đặc biệt là các trạm bơm tiêu úng cứu hơn 200.000ha lúa bị ngập.
Đối với lưới điện 500-220kV dù có xảy ra 2 sự cố đường dây sáng sớm 28.7 nhưng đã được khôi phục ngay sau đó. Đối với lưới điện 110kV, có 28 đường dây 110kV bị sự cố do bão và đến 7 giờ ngày 29.7 đã khôi phục hoàn toàn lưới điện 110kV.
Một số khu vực bị ảnh hưởng nhẹ đã được khắc phục ngay và cấp điện ổn định trở lại trong ngày 28.7. Riêng đối với 4 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề (Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình), các đơn vị đã khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện khắc phục, trong đó đặc biệt ưu tiên khôi phục cấp điện cho các phụ tải quan trọng và các trạm bơm tiêu úng. Đến ngày 29.7 đã khôi phục cấp điện cho các trạm bơm đầu mối quan trọng nhất để bơm nước tiêu úng cứu lúa và hoa màu. Đến hết ngày 31.7 đã khắc phục xong các sự cố đường trục lưới trung áp và hiện tại lưới điện phân phối của các xã cuối cùng ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của bão đã được khôi phục vận hành ổn định.
Do có sự chuẩn bị tốt, nên các hồ chứa thủy điện, các nhà máy điện thuộc EVN vận hành bình thường
“Đại gia” lọc dầu tháo chạy: Mừng nhiều hơn lo!
Xét về hiệu quả, việc các “ông lớn” lọc dầu rút khỏi Việt Nam không phải là tín hiệu đáng lo ngại.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định vừa có văn bản gửi ban quản lý khu kinh tế của tỉnh yêu cầu tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin rút dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội ra khỏi quy hoạch phát triển dầu khí Việt Nam đến năm 2025. Đây là dự án kéo dài quá lâu và chủ đầu tư là Tập đoàn PTT (Thái Lan) đưa ra nhiều điều kiện mà phía Việt Nam không thể đáp ứng được.
Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội có quy mô 22 tỉ USD, từng được tỉnh Bình Định đặt kỳ vọng rất lớn và trải thảm đỏ chào đón. Khi đó, theo ước tính, dự án nếu triển khai sẽ đóng góp 40% vào GDP của tỉnh Bình Định, 3%-4% GDP cả nước, tạo công ăn việc làm cho khoảng 30.000 lao động và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp.
Tuy nhiên, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng tỉnh Bình Định tính toán chưa đủ các khía cạnh lợi, hại. Theo đó, khả năng khai thác dầu thô của Việt Nam mỗi năm khoảng 14-15 triệu tấn. Trong đó, riêng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) đã chiếm 6 triệu tấn, sau khi mở rộng sẽ tăng lên đến 8 triệu tấn. Ngoài ra, nếu tính cả dự án lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) với công suất dự kiến khoảng 9,6 triệu tấn thì toàn bộ số dầu chúng ta khai thác đã gần đủ.
Còn xét về nhu cầu, ông Mại cho biết mỗi năm Việt Nam cần 15-16 triệu tấn dầu các loại và tăng khoảng 10% mỗi năm. Tính đến năm 2020, dự kiến nhu cầu chỉ cần nhiều nhất là 25 triệu tấn.
“Như vậy, chỉ cần một vài dự án lọc dầu nữa là đủ. Bây giờ, dự án lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cung cấp 2,7 tấn/năm. Cho nên, những dự án lọc dầu vượt qua mức cần thiết đó chủ yếu là nhập dầu thô xuất dầu tinh thì giá trị gia tăng chỉ được 10% thôi” - GS Nguyễn Mại phân tích.
Theo ông Mại, hiệu quả của dự án lọc hóa dầu “tỉ đô” tại Bình Định rõ ràng không cao. Bởi lẽ, ngoài giá trị gia tăng thấp, chỉ với 10% như đã nêu, thì nhà nước cũng không thu được thuế nhập khẩu, xuất khẩu do Chính phủ đã đồng ý cho dự án này ưu đãi 7-8 năm đầu không thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cũng không thu được vì không có tiêu thụ…
Mặt khác, nếu so sánh với các ngành công nghiệp khác thì lọc dầu cần rất nhiều đất. Trong khi đó, lọc dầu sử dụng lao động không nhiều hơn bao nhiêu và tiềm ẩn nhiều mối nguy hại khác. “Với việc gần đây các nhà đầu tư dự án lọc dầu tháo chạy khỏi Việt Nam, tôi cho rằng là tín hiệu mừng hơn lo” - GS Nguyễn Mại nhìn nhận.
Nói rõ hơn về các mối nguy hại khác từ dự án lọc hóa dầu, GS Nguyễn Mại nêu khâu vận chuyển là đáng lưu tâm vì tiềm ẩn hỏa hoạn hoặc các sự cố gây ô nhiễm môi trường. Do đó, ông đề nghị Chính phủ xem xét các dự án dầu khí mới, các dự án đã hoặc sắp triển khai nên khắt khe trong vấn đề môi trường. Phải có những cam kết đầu tư cho môi trường trên tỉ lệ vốn đầu tư thích ứng, cam kết không gây ra những thảm họa về môi trường. Dự án sau khi đi vào hoạt động phải có thanh tra, kiểm tra, quan trắc về môi trường. Dự án nào đáp ứng phù hợp nhu cầu xăng dầu trong nước và có sản phẩm đầu ra phục vụ được các ngành công nghiệp thì mới ưu tiên phát triển.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, tương lai của các dự án vô cùng mờ mịt bởi theo dự báo thì xu hướng trên thế giới sẽ không còn khai thác dầu, thay vào đó là chạy điện phục vụ sản xuất công nghiệp. Bởi vậy, nhu cầu về lọc hóa dầu sẽ hạn chế hơn.
Viễn cảnh thừa xăng dầu trong nước
Tại Việt Nam, các dự án lọc dầu đang chịu thách thức lớn về việc bao tiêu bởi mức thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho các nhà máy lọc dầu trong nước cao hơn sản phẩm nhập khẩu nên giá bán sản phẩm trong nước sẽ cao hơn. Điều này dẫn tới khả năng các thương nhân đầu mối tìm cách tăng sản lượng nhập khẩu từ những nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để tận dụng lợi thế chênh lệch thuế. Điều này hoàn toàn được phép bởi các quy định hiện hành không bắt buộc thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối phải mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước. Như vậy, viễn cảnh thừa xăng dầu trong nước là đáng báo động.
Lĩnh vực ngân hàng đang ‘nổi’ về án kinh tế, tham nhũng
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 về công tác phòng chống tội phạm, nổi lên trong 6 tháng đầu năm 2016 là các sai phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Ban Chỉ đạo 138 nhìn nhận, các thủ đoạn chủ yếu được sử dụng vẫn là thông đồng, móc ngoặc giữa các nhóm đối tượng trong và ngoài ngân hàng, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Bộ Công an đã chỉ đạo khởi tố 7 vụ, 21 bị can, gây thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng, trong đó 17 bị can là lãnh đạo, cán bộ ngành ngân hàng. Địa bàn xảy ra chủ yếu tại Hà Nội, TP HCM và tập trung ở ngân hàng thương mại cổ phần, chưa phát hiện vụ việc nào ở chi nhánh, văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài.
Những tháng đầu năm, Bộ Công an đã chỉ đạo khởi tố 7 vụ, 21 bị can gây thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng, trong đó 17 bị can là lãnh đạo, cán bộ ngành ngân hàng.
Trong đó, điển hình là vụ việc xảy ra tại công ty chứng khoán ngân hàng MHB (thiệt hại 372 tỷ đồng), ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn và công ty Thiện Linh (thiệt hại 40 tỷ đồng), công ty cho thuê tài chính BIDV chi nhánh Hà Nội (thiệt hại 18 tỷ đồng), công ty Thái Nguyên ở Đồng Nai (thiệt hại 38 tỷ đồng), ngân hàng Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ A.D.N (thiệt hại 75 tỷ đồng).
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 cũng đánh giá, tội phạm trong lĩnh vực thuế tiếp tục diễn ra phức tạp, với nhiều thủ đoạn khác nhau như chuyển giá, trốn thuế…, gây thất thu ngân sách, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt là các hành vi mua bán, sử dụng trái phép hoá đơn giá trị gia tăng được phát hiện ở nhiều tỉnh, thành phố như: vụ tại Hải Phòng gây thiệt hại 100 tỷ đồng tiền thuế, vụ tại Đà Nẵng thiệt hại 47,4 tỷ đồng, vụ tại Quảng Bình 13 tỷ đồng, vụ tại Gia Lai 6,6 tỷ đồng, vụ tại Lai Châu 2,2 tỷ đồng…
Đáng chú ý, theo báo cáo, tội phạm lừa đảo thông qua kinh doanh đa cấp, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạn tài sản đã gây thiệt hại lớn cho người dân, nhất là nông dân, người dân tộc thiểu số, sinh viên, cán bộ hưu trí. Đầu năm nay, cơ quan điều tra đã bắt 8 đối tượng thuộc công ty Liên Kết Việt lừa đảo chiếm đoạt 1.910 tỷ đồng của 52.000 người dân tại hàng chục địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm, cũng nổi lên vi phạm trong xử lý chất thải diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương. Công ty mía đường Hoà Bình xả nước thải sản xuất ra sông Bưởi đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Hoà Bình và Thanh Hoá dẫn đến hàng chục tấn cá tự nhiên và nuôi lồng của 34 hộ dân dọc sông Bưởi chết hàng loạt, ảnh hưởng lớn tới nguồn nước sinh hoạt, sức khỏe, đời sống và kinh tế của người dân dọc sông Bưởi.
Đặc biệt, xảy ra vụ việc ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế gây thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng an ninh, trật tự tại nhiều địa phương và gây bức xúc dư luận.
Ban Chỉ đạo 138 cũng cho rằng, đáng lo ngại và báo động là tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, nhất là lĩnh vực nhập khẩu, chế biến thực phẩm đông lạnh, thực phẩm tươi sống, đồ uống, sử dụng chất kích thích, hóa chất, nguồn nước bẩn, ô nhiễm để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Nhiều nơi để xảy ra tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng kháng sinh, thuốc thú y gây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả...